Tôi cứ băn khoăn đi tìm cách lý giải tại sao người Việt Nam (trong nước) lại thuộc top trong các dân tộc lạc quan nhất thế giới.
Ở đây không phải người Việt nói ra mà là kết quả từ các cuộc khảo sát xã hội của một số tổ chức quốc tế.
Theo công bố hàng năm gần đây của viện Gallup, Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia dẫn đầu về lạc quan.
Một cuộc thăm dò khác mang tên “Tiếng nói của người dân,” do viện thăm dò BVA của Pháp thực hiện cuối năm 2010 tại 53 quốc gia và được báo Le Parisien đăng tải ngày 3 tháng 1, 2011, cho thấy, Việt Nam đứng đầu bảng 10 nước lạc quan nhất.
Khảo sát mới thực hiện trên 44 quốc gia của hãng nghiên cứu Pew Research (Mỹ) tiến hành từ ngày 17 tháng 3 đến ngày 5 tháng 6, 2014, cho hay, trong khi nhiều nước phát triển đang lo lắng cho thế hệ sau, thì Việt Nam lại là nước lạc quan nhất. Theo Pew Research, 94% số người được hỏi tại Việt Nam cho rằng trẻ em sẽ lớn lên trong điều kiện tốt hơn hiện nay.
Trong khi đó, có tới quá nửa người Ðức, Tây Ban Nha, Mỹ, Anh và Ý tin rằng những đứa trẻ hiện nay tại quốc gia của họ sẽ nghèo đi so với cha mẹ của chúng. Nước bi quan nhất là Pháp, với 86% người được hỏi khẳng định rằng thế hệ sau sẽ sống trong điều kiện khó khăn hơn hiện nay.
Từ vài năm nay, nhiều cuộc khảo sát của các tổ chức thuộc Anh, Mỹ đánh giá Việt Nam là quốc gia hạnh phúc hàng đầu trên thế giới.
Quỹ Kinh Tế Mới (NEF), một tổ chức phi chính phủ tư nhân nghiên cứu về kinh tế, xã hội và môi trường có trụ sở tại Anh xếp Việt Nam đứng thứ hai trong bảng Chỉ Số Hành Tinh Hạnh Phúc (HPI) của năm 2012. Chỉ số này được đánh giá dựa trên ba tiêu chí: mức độ hài lòng với cuộc sống, tuổi thọ trung bình và dấu chân sinh thái.
Các cuộc khảo sát trên đây có vẻ mâu thuẫn với đánh giá của Liên Hiệp Quốc. Trong bảng xếp hạng “Good Country Index” của Liên Hiệp Quốc (năm 2014) về những quốc gia đáng sống và đóng góp cho nhân loại, Việt Nam được xếp áp chót, thứ 124/125. Bảy yếu tố được xem xét là “đóng góp về khoa học công nghệ, về văn hóa, đóng góp vào hòa bình và an ninh thế giới, trật tự thế giới, bảo vệ môi trường hành tinh, vào sự phồn vinh và bình đẳng của thế giới, đóng góp để cái thiện hành tinh và nâng cao sức khỏe cộng đồng.”
Làm sao có thể lạc quan được ở một đất nước có 90 triệu dân mà ra đường không cẩn thận có thể mất mạng. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 11 ngàn người chết vì tai nạn giao thông.
Làm sao có thể lạc quan được ở một đất nước, mà tỷ lệ ung thư cao nhất thế giới với 75 ngàn người chết mỗi năm. Hàng hóa giả mạo, độc hại của Trung Quốc và của cả Việt Nam, tràn ngập thị trường. Người ta vì đồng tiền lợi nhuận mà bất chấp mọi chuẩn mực, sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi. Không ăn thì chết, mà ăn thì chết dần dần.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ nhiệm Văn Phòng Quốc Hội đã nói: “Một đất nước 70% là nông nghiệp mà ăn cái gì cũng nơm nớp lo chất độc là một rủi ro nếu không muốn nói là một bất hạnh lớn” (“Chúng ta đang bị đầu độc hàng ngày” – Phụ Nữ Today 19/04/2012).
Làm sao lạc quan về tương lai khi hệ thống trường học công không thể cung cấp đủ chỗ cho các em nhỏ. “Không ‘chạy chọt,’ nhờ vả thì không thể nào kiếm được một suất cho con vào trường công. Phụ huynh phải thức suốt đêm trước cổng trường để sáng hôm sau kịp chen chân vào nộp hồ sơ đăng ký cho con học (“Ðừng lạc quan tếu” – Người Lao Ðộng 15/01/2014). Trong khi đó, ở những quốc gia mà người ta bi quan về tương lai của con cái thì trẻ em đi học là bắt buộc và miễn phí hoàn toàn đến hết trung học cơ sở.
Lạc quan sao được về tương lai khi sau những năm học tập đại học nhọc nhằn nhưng mảnh bằng chẳng giúp được gì. Hơn một trăm ngàn sinh viên tốt nghiệp đại học mà không có việc làm, phải tìm những việc làm không liên quan đến nghề đào tạo của mình. Trong khi con cái của quan chức thì được sắp đặt vào những vị trí chỗ ngon lành dễ bề thăng tiến trong bộ máy công quyền (“Hơn 162 ngàn cử nhân đang thất nghiệp” – Vietbao.vn 01/07/2014).
Làm sao có thể lạc quan được trong một xã hội thoạt nhìn cứ tưởng bình an, nhưng con người đối xử với nhau tàn nhẫn, ác độc trở nên hiện tượng phổ biến. Con giết cha mẹ, mẹ giết con, cháu giết bà, vợ giết chồng, v.v… chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ về vật chất, trở thành đề tài thường xuyên trên báo chí trong nước. Người ta có thể đánh chết kẻ trộm chó mà chẳng cần đợi pháp luật phân xử, có thể đánh nhau to vì một cái nhìn bị cho là “nhìn đểu.”
Làm sao có thể lạc quan được khi lừa đảo, trộm cắp len lỏi cả vào bệnh việc, nơi lẽ ra được an toàn và yên tĩnh nhất (“Lừa đảo, trộm cắp ‘tung hoành’ ở bệnh viện” – Vietnamnet 28/0/2013).
Không thể kể xiết những bất công, bất bình đẳng và những vấn nạn tệ hại diễn ra hàng ngày trong xã hội Việt Nam.
Bài “Khi cái ác leo thang” trên tờ “Thesaigonntimes.vn” ngày 20 tháng 10, 2014, nói khá rõ về tình trạng “thượng bất chinh, hạ tắc loạn”:
“Dường như ngày càng nhiều cá nhân tự cho phép mình đẩy lùi những giao ước xã hội. Người dân vi phạm pháp luật ngang nhiên hơn. Số vụ công an bị phát hiện dùng nhục hình với nghi can nhiều hơn. Số người thực hiện pháp luật trơ tráo ra giá và nhận hối lộ công khai hơn. Nhiều quan chức phát ngôn những câu nói thiếu suy nghĩ hơn. Xã hội như đang quay cuồng về thái cực xấu, ngày một xấu nhanh hơn và trầm trọng hơn. Pháp luật dường như ngày càng kém hiệu lực hơn.”
“Không thể tránh né mối liên hệ chặt chẽ giữa những vụ tham nhũng ngày càng khổng lồ với thực trạng xã hội ngày càng tan nát. Khi người dân (hoặc cấp dưới) so sánh hành vi vi phạm của mình với mức độ tham nhũng của các quan chức cỡ lớn thì họ tự trấn an rằng mình chẳng thấm vào đâu, thậm chí sẽ khôn ngoan hơn nếu tranh thủ gỡ lấy ít lợi lộc cho bản thân. Khi người dân bắt đầu nghi ngờ rằng pháp luật phục vụ tốt hơn cho người giàu có và thế lực thì họ sẽ thiên về dùng nắm đấm và hung khí thay cho cậy nhờ luật pháp.”
Thế đấy! Nhưng tại sao lại có sự lạc quan kỳ lạ của người Việt trong những cuộc khảo sát của các tổ chức quốc tế?
Thì ra, khác với nghiên cứu xếp hạng của Liên Hiệp Quốc, sự đánh giá được xem xét trên các số liệu cụ thể, còn những cuộc khảo sát xã hội của các tổ chức quốc tế thì dựa vào câu trả lời của những người được phỏng vấn (qua điện thoại hay Internet), họ chỉ đơn giản đánh dấu “Có” hoặc “Không” trong câu hỏi đưa ra.
Vụ việc này làm tôi lại nhớ đến “Triết lý con heo” của nhà tranh dấu dân chủ Trung Quốc nổi tiếng Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo), người đoạt Giải Nobel Hòa Bình năm 2010.
Cuốn sách “Triết lý con heo” của ông xuất bản năm 2011 bằng tiếng Pháp “La Philosophie du porc et autres essais,” cho thấy sự “bán linh hồn cho quỷ dữ,” “tự ý ngoan ngoãn đi vào cái chuồng heo” để được vỗ béo, yên thân, lẩn tránh trách nhiệm phải can đảm đứng ra bênh vực đa số quần chúng nạn nhân của sự áp bức bóc lột ở khắp nơi và “sự tồi dở nhất loạt đã phá vỡ tất cả.” Giới trí thức hèn kém cam tâm phủ phục trước những kẻ lãnh đạo tồi tệ, tầm thường, “sự cao cả của tâm hồn và sự uyên bác thông tuệ không còn chỗ đứng nữa”…
Gần một thế kỷ ở miền Bắc và 40 năm trên cả nước, đảng Cộng Sản Việt Nam bằng chính sách tuyên truyền, giáo dục nhồi sọ và chế độ công an trị đã tạo nước Việt Nam thành một cái trại khổng lồ mà như nhà văn George Orwell gọi là “trại súc vật.”
Những người làm công việc khảo sát xã hội Việt Nam đã rơi vào cái “trại súc vật” ấy, nơi đó có đàn heo chỉ biết đến cái máng ăn của mình. Thời kỳ chiến tranh hay bao cấp ăn rau bèo, nay được thêm cám nên cảm thấy mãn nguyện, hỉ hả lạc quan với thân phận bị trị. Trong cái trại bẩn thỉu và chật hẹp ấy còn có những con vật xung xăng cao ngạo chạy xe Rolls-Royce, đeo đồng hồ Gucci và xài túi Louis Vuttion. Vài con vật khác ương ngạnh lập tức bị cô lập và tiêu diệt.
Nhũng kẻ cai quản trại súc vật mặc sức lên giọng dạy đạo đức, “chém gió” vô tội vạ, ung dung dối trá, lừa gạt làm giàu cho bản thân và kiêu hãnh quan sát sự sinh hoạt bầy đàn của đám thú đã được thuần phục, ngoan ngoãn.
Nhưng có lẽ trong sự bỉ cực khốn cùng ấy, vì không thể chết nên con người phải lạc quan chăng?
Nhà bình luận Frank Tyger đã chẳng nói “Hãy lạc quan: Ðó là liệu pháp chống ủ rũ hữu hiệu nhất” đó sao! (Be optimistic: It’s the best droop therapy).
François-Marie Arouet (Voltaire) cho rằng, “lạc quan là sự điên rồ nhất quyết rằng mọi thứ vẫn ổn khi chúng ta đau khổ (Optimism is the madness of insisting that all is well when we are miserable).
Còn tôi giờ thì biết chắc rằng, “Triết lý con heo” của Lưu Hiểu Ba, “Trại súc vật” của George Orwell, nhận định của Frank Tyger và của Voltaire, tổng hợp các yếu tố đó đã làm nên bức tranh lạc quan của người Việt Nam trong chế độ Cộng Sản hiện thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét