Nhận xét của một đại biểu Quốc hội trong đó cho rằng luật sư Việt Nam 'chỉ bào chữa cho người có tiền' đã nhận phải phản ứng gay gắt từ giới luật sư trong nước.
Bình luận trên được ông Đỗ Văn Đương, đại biểu Quốc hội và cũng là ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, đưa ra trước báo giới bên hành lang cuộc họp Quốc hội hôm 27/10, theo truyền thông trong nước.
Trong cuộc phỏng vấn với báo Thanh Niên ngày 28/10, ông Đương tiếp tục bảo vệ quan điểm trước đó và cho rằng "người phạm tội có tiền thì mới thuê luật sư"
"Hoạt động của luật sư cũng phải có điều kiện chứ không phải sống bằng không khí mà đi bào chữa à", ông được dẫn lời nói.
Chiều 28/10, BBC đã có cuộc phỏng vấn với một số luật sư trong nước để tìm hiểu phản ứng trước quan điểm nói trên.
Luật sư Trần Đình Triển, Phó chủ nhiệm đoàn luật sư Hà Nội:
Cần phải kiểm tra lại là ông Đương phát biểu trong bối cảnh nào chứ chưa nên vội kết luận.
Nhưng nếu ông Đương cố tình phát biểu như vậy thì ở góc độ của một luật sư, tôi cho rằng đây là một phát ngôn không chính xác.
Vai trò của luật sư đã được thể hiện trong Bộ Luật tố tụng hình sự, Bộ Luật dân sự, Luật về thanh tra và Luật Luật sư.
Hiện nay trong quy định của pháp luật, đối với những người vị thành niên, có nhược điểm về thể chất hoặc bị khởi tố, truy tố với tội danh ở mức cao nhất là tử hình, nếu thân chủ không có điều kiện mời luật sư thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng phải chỉ định ra luật sư bào chữa.
Luật sư chỉ định được nhà nước trả tiền theo quy định của pháp luật. Nếu không có luật sư tham gia tố tụng thì cáo trạng và bản án không có giá trị về mặt pháp lý.
Tôi, với vai trò phó chủ nhiệm đoàn luật sư, trong những ngày trực phải ký rất nhiều văn bản để các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định luật sư. Vai trò đó của luật sư không thể thiếu được.
Luật sư còn phải tham gia rất nhiều trung tâm tư pháp của sở tư pháp khắp nơi để hỗ trợ những người thuộc đối tượng chế độ chính sách.
Nhiệm vụ của luật sư trước hết là bảo vệ sự bình đẳng của pháp luật và quyền lợi hợp pháp cho các đơn cử.
Ông Đương rất biết cách đây mấy năm tôi bảo vệ cho một cháu bé 3 tuổi bị hiếp dâm ở Ninh Bình, khi đó ông Đương còn ở viện kiểm sát Ninh Bình. Ông biết thừa tôi đã làm vụ đó rất tốn kém thời gian, đi lại vì vụ án kéo dài 2 năm.
Vai trò của luật sư không chỉ là bảo vệ thân chủ mà còn bảo vệ công lý và sự đúng đắn của pháp luật.
Luật sư Hà Huy Sơn, Giám đốc Công ty luật Hà Sơn:
Theo tôi thì ông Đương nói cũng đúng một phần nào đó. Luật sư thì chủ yếu sống bằng thù lao thân chủ trả cho mình. Nhưng cũng có trường hợp miễn phí hoặc mức phí luật sư đưa ra tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của khách hàng.
Trong tất cả các vụ án thì tôi đều tính tới điều kiện kinh tế của thân chủ để thu phí.
Tuy nhiên nói không đầy đủ như ông Đương thì việc giới luật sư phản ứng là điều tất yếu vì luật sư có vai trò rất quan trọng trong xã hội, giúp người dân hiểu pháp luật và buộc các cơ quan nhà nước phải thực hiện nghiêm túc pháp luật đề ra.
Trên thực tế thì cũng đã có rất nhiều người dân nghèo, yếu thế đã được luật sư giúp đỡ.
Ví dụ như trường hợp ba bị cáo trong một vụ án ở Bắc Giang về tội 'Tuyên truyền chống nhà nước' theo Điều 88 Bộ Luật Hình sự, ban đầu gia đình họ đều thống nhất mức phí theo thỏa thuận ban đầu với tôi.
Sau đó có một bị cáo vì gia đình đến ngày cuối họ lại nói là không có kinh phí nên họ không mời luật sư nữa. Nhưng lúc đó tòa đã cấp giấy chứng nhận bào chữa cho tôi rồi, nên tôi cũng sẵn sàng bào chữa cho anh ta.
Đó cũng là một ví dụ cụ thể cho thấy luật sư không phải lúc nào cũng vì tiền.
Luật sư Tạ Quốc Cường, Giám đốc Công ty luật Sự thật:
Tôi cho rằng phát biểu của ông Đương là phiến diện và thể hiện sự thiếu hiểu biết về giới luật sư cũng như nghề luật sư tại Việt Nam.
Chúng tôi đã làm những vụ miễn phí cho người nghèo rất nhiều. Bên cạnh đó, khi bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất là tử hình thì nhà nước cũng có chế độ chỉ định cho các luật sư bào chữa cho các trường hợp đó.
Ngoài ra những gia đình chính sách hoặc những người được quy và có sổ hộ nghèo cũng được hưởng chính sách hỗ trợ pháp lý miễn phí.
Cá nhân tôi có hơn 10 vụ án đã bào chữa hoàn toàn miễn phí.
Động lực lớn nhất của luật sư là vì công lý, vì tính cộng đồng vì tình hình oan sai ở Việt Nam là rất phổ biến.
Nếu có cơ hội được đối thoại với ông Đương thì tôi mong ông ấy, với tư cách là người đại biểu Quốc hội và có quá trình làm cơ quan nhà nước, xem lại tư cách của mình, phát ngôn của mình, có cách nhìn khách quan, toàn diện hơn về giới luật sư Việt Nam trước khi đưa ra những phát biểu như thế.
Luật sư Hoàng Văn Hướng, Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng:
Tôi cho rằng phát ngôn của ông Đương không phải mang hàm ý gì cả và chắc chắn đây không phải là phát biểu tại một diễn đàn chính thức của Quốc hội.
Nếu phát ngôn bên ngoài hành lang và mang tính dân dã, ngẫu hứng thì việc báo chí mổ xẻ để bàn tán việc đó ra thì cũng không hay.
Nghề luật sư thì đúng là mang tính chất dịch vụ, cung ứng. Nhưng ngoài vấn đề tư vấn khách hàng theo quan niệm dịch vụ ra thì luật sư còn có trách nhiệm bảo vệ và xây dựng nền pháp luật của Việt Nam.
Luật sư cũng phải tham gia vào các hoạt động xã hội, kể cả các hoạt động xã hội và trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các gia đình chính sách.
Thực sự đứng chân trong nghề thì việc bào chữa miễn phí là thường xuyên. Từ đầu năm đến nay, từ các vụ án nhỏ tới lớn từ tử hình tới chung thân mình cũng đã ký 2 vụ nhưng tôi vẫn ký vì họ không có điều kiện để thanh toán.
Luật sư cũng như bác sỹ, khi cầm một con dao bên cạnh người bệnh trên giường mổ, người ta có tiền hay không có tiền cũng phải giúp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét