BẮC KINH (NV) - Trung Quốc lại vừa hứa hẹn thiết lập liên lạc trực tiếp giữa hai Bộ Quốc Phòng để ngăn chặn xung đột trên biển, cam kết sẽ cùng Việt Nam “giải quyết và kiểm soát” tranh chấp.
Trong vài ngày qua, báo giới Việt Nam tỏ ra rất hào hứng trước sự kiện, viên đại tướng, bộ trưởng Quốc Phòng CSVN dẫn 12 viên tướng thuộc quyền sang thăm Trung Quốc. Chuyến thăm diễn ra trong ba ngày, từ 16 đến 18 tháng 10, 2014.
Vết tích để lại sau khi tàu QNg 96074 bị lực lượng hải giám của Trung Quốc đập phá, cưỡng đoạt các thiết bị hỗ trợ hải hành và hải sản hồi tháng 8. (Hình: Pháp Luật TP) |
Theo tờ Quân Ðội Nhân Dân của Việt Nam thì mục tiêu mà phái đoàn quân sự cao cấp của Việt Nam nhắm tới trong chuyến thăm Trung Quốc là “tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện giữa quân đội hai bên.” Ðồng thời “bàn các biện pháp thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương để duy trì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác hữu nghị giữa nhân dân và quân đội hai nước.”
Giới lãnh đạo quân đội CSVN và Trung Quốc dự trù sẽ ký một thỏa thuận về việc thiết lập liên lạc trực tiếp giữa hai Bộ Quốc Phòng.
Trước khi 13 viên tướng Việt Nam sang thăm Trung Cộng để thắt chặt quan hệ “hợp tác quốc phòng” - vốn được khẳng định là một trong những “trụ cột quan trọng đối với quan hệ giữa hai đảng và hai nhà nước cộng sản” một chút, viên đô đốc, tư lệnh Hải Quân Trung Cộng vừa hoàn tất chuyến thị sát quần đảo Trường Sa, thăm những bãi đá mà Trung Cộng từng chiếm của Việt Nam và nay đã biến chúng thành các hòn đảo nhân tạo nhằm củng cố yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền trên biển Ðông.
Cũng trong vài ngày vừa qua, khi gặp gỡ ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng CSVN bên lề Hội Nghị Á-Âu (ASEM), diễn ra tại Ý, ông Lý Khắc Cường, thủ tướng Trung Quốc, chủ động đề nghị, Việt Nam và Trung Quốc “cần giải quyết, kiểm soát những khác biệt trong vấn đề biển nhằm tạo điều kiện cho hợp tác song phương.”
Tân Hoa Xã loan báo, trong cuộc trò chuyện với thủ tướng Hà Nội, thủ tướng Trung Quốc nhận định rằng: “Nhờ nỗ lực từ cả hai phía, quan hệ Trung-Việt đã vượt qua được những khó khăn gần đây và đang tốt dần.” Cũng theo Tân Hoa Xã thì viên thủ tướng CSVN hoàn toàn đồng ý và ủng hộ việc “thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, tài chính và khai thác biển.”
Những hứa hẹn kiểu như vừa kể vốn đã được lập đi, lập lại hàng trăm lần nhưng sau mỗi lần Trung Quốc hứa hẹn như thế, Trung Quốc lại dấn thêm những bước sâu hơn, mạnh mẽ hơn trong việc khẳng định yêu sách về chủ quyền trên biển Ðông. Gần đây nhất, Trung Quốc loan báo đã hoàn thành việc mở rộng phi đạo trên đảo Phú Lâm, một hòn đảo nằm trong quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1974.
Trung Quốc cũng đã hoàn tất công việc biến nhiều bãi đá ở quần đảo Trường Sa - trong đó có bãi đá Gạc Ma mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm của Việt Nam năm 1988, thành các hòn đảo nhân tạo để thiết lập những căn cứ quận sự mới ở biển Ðông.
Trước đó một chút, hồi trung tuần tháng 9, Tập đoàn dầu khí CNOCC của Trung Quốc loan báo sẽ phát thông báo mời các tập đoàn ngoại quốc dự cuộc đấu thầu 33 lô dầu khí, trong đó có 25 lô ở biển Ðông. Năm 2012, Tập đoàn dầu khí CNOCC của Trung Quốc cũng đã từng làm như thế nhằm củng cố các yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc trên biển. Vào thời điểm vừa kể, Tập đoàn dầu khí CNOCC mời thầu 9 lô dầu khí ở biển Ðông, cả 9 lô này đều nằm sát bờ biển miền Trung và miền Nam của Việt Nam
Vào thượng tuần tháng 8, Trung Quốc đưa tàu vào vùng biển của Việt Nam để khảo sát địa chất - thăm dò trữ lượng dầu khí và tìm địa điểm dựng năm hải đăng ở năm hòn đảo (Ðá Bắc, Ðá Hải Sâm, Duy Mộng, Cồn Cát Nam và Hòn Tháp) trong quần đảo Hoàng Sa.
Chế độ Hà Nội chỉ trích Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam nhiều hơn và mạnh mẽ hơn so với trước. Những chỉ trích này lắng xuống sau khi chính quyền Trung Quốc vỗ về, trấn an và sau đó, các hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc lại trắng trợn hơn. (G.Ð)
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét