Thứ trưởng Bộ giao thông Vận tải Việt Nam gửi thư xin lỗi đến Đại sứ quán Nhật Bản sau khi Tokyo bác thông tin cho Hà Nội vay vốn xây sân bay Long Thành.
Trước đó, hôm 17/10, báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Phạm Quý Tiêu cho biết trong một buổi tọa đàm trực tuyến ngày 17/10 rằng "phía Nhật Bản quan tâm và sẽ dành khoảng 2 tỷ đôla cho dự án".
Tuy nhiên, chiều 17/10, ông Hayashi Hiroyuki, Bí thư thứ nhất phụ trách về vốn vay tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Hà Nội, nói với BBC thông tin do ông Tiêu đưa ra là "sai sự thật".
"Chính phủ Nhật Bản chưa quyết định gì về khoản đầu tư nói trên và vì thế chưa hứa hẹn gì với phía Việt Nam về sân bay Long Thành", ông cho biết.
Đài VOV ngày 18/10 dẫn lời ông Tiêu thừa nhận đã có "sự nhầm lẫn về thông tin" trong buổi tọa đàm về chủ đề “Dự án sân bay Long Thành: Cơ hội và thách thức”.
"Hiện phía Nhật Bản mới chỉ có cam kết tham gia hỗ trợ đầu tư phát triển dự án sân bay Long Thành nhưng chưa đưa ra số liệu cụ thể nào về số vốn vay để thực hiện dự án", ông Tiêu được dẫn lời nói.
"Con số 2 tỷ đôla là cam kết của Tập đoàn ADPi (Pháp) sẽ cho Việt Nam vay theo hình thức thương mại.”
'Do điều trị bệnh'
Trong thư gửi đến Đại sứ Nhật Bản Fudaka Hiroshi được các báo trong nước dẫn lại, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu nói ông đã "có nhầm lẫn khi đưa ra thông tin" về khoản vay 2 tỷ đôla.
“Tôi thành thật nhận lỗi về sự nhầm lẫn đáng tiếc này mà lý do tôi tự nhận thấy không có lời giải thích nào thực sự thỏa đáng", thư có đoạn.
Ông Tiêu cũng "chia sẻ từ trái tim" nguyên nhân gây ra nhầm lẫn nói trên:
"Thời gian vừa qua, do tôi mới điều trị bệnh và đi làm lại, trong quá trình theo dõi chuẩn bị cho việc xin chủ trương xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, do có thông tin về một số nguồn có khả năng hỗ trợ tín dụng cho dự án này, vì vậy dẫn tới việc trong khi trả lời phỏng vấn tôi có phát biểu nhầm lẫn nói trên."
"Tôi thành thực xin lỗi Ngài Đại sứ và mong Ngài Đại sứ chuyển lời xin lỗi chân thành của cá nhân tôi với chính phủ và các cơ quan hữu quan của phía Nhật Bản”, thư viết.
Dự án sân bay Long Thành, với tổng vốn đầu tư khoảng 18 tỷ đôla, đang gây nhiều tranh cãi trong nước trong bối cảnh nợ công của Việt Nam đang chạm ngưỡng an toàn.
Giai đoạn một của dự án có tổng chi phí được truyền thông trong nước nói là 7,8 tỷ đôla, trong đó 50% vốn ODA và trái phiếu chính phủ, 50% còn lại là các nguồn vốn khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét