Hàng trăm người biểu tình ở Hà Nội hôm 10/12/2010, theo tin từ trang Chúa Cứu Thế. Bản tin viết như sau.
Công nhân biểu tình đòi quyền lợi tại Hà Nội
VRNs (11.12.2010) – Hà Nội – 10/12/2010, hàng trăm người thuộc công ty cơ khí Hà Nội biểu tình đòi lại quyền lợi cho người lao động.
Vụ việc xảy ra từ lúc 9h sáng ngày 10/12 tại trước cổng công ty cơ khí Hà Nội nằm trên đường Nguyễn Trãi. Có tới hàng trăm người biểu tình, căng băng rôn đề nghị công ty mà cụ thể là ông Lê Sĩ Chung, chức vụ chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty trả lại quyền lợi cho người lao động.
Trao đổi với chúng tôi, một số công nhân cho biết: “công ty không để ý gì đến người lao động chúng tôi và có những thiếu sót, ăn quỵt tiền của người lao động. Chúng tôi ốm đau mà công ty không có tiền hỗ trợ trong khi chúng tôi có được hỗ trợ đó, chúng tôi là những công nhân lâu năm của công ty, nhưng mấy năm nay chúng tôi không được hưởng lợi gì”- một người xưng tên là Đức cho biết.
Một người khác kêu tên là Tín cũng cho hay “Công ty có đến gần 800 công nhân, nhưng rất ít người được hưởng lợi ích từ thành quả mà mình vất vả cống hiến. Chúng tôi là công nhân lâu năm trong công ty, nhiều người bỗng nhiên bị thất nghiệp. Có người không được hỗ trợ, có người chỉ được vài trăm nghìn đồng tháng.
Nhiều công nhân khác cho biết thêm về tình hình của công ty cơ khí Hà Nội, mới ngày 28 tháng 10 năm 2010 công ty cơ khí Hà Nội và Ngân hàng cổ phần công thương Việt Nam đã có một hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn với đối tượng của hợp đồng lên đến một trăm tỉ đồng.
Người lao động cũng cho biết thêm về những thương vụ làm ăn có liên quan đến bất động sản của công ty này với các đối tác như công ty cổ phần Vincom (Vincom JSC), Công ty cổ phần du lịch và thương mại Vinpearl, Công ty cổ phần dịch vụ tổng hợp và đầu tư Hà Nội (IGS).
Công ty cơ khí Hà Nội là một công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà Nước 1 thành viên.
Hiện trạng Công nhân đòi quyền lợi chính đáng cho mình đã xảy ra hầu hết các tỉnh thành trong cả nước trong nhiều năm nay, việc làm này là một tiếng nói để tránh quay lại tình trạng “chủ nô và nô lệ”.
Bất động sản tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn được cho là miếng mồi hấp dẫn nhất, nó cũng là tài sản kếch sù của nhiều người có quyền và tiền.
Paulus Lê Sơn, VNRs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét