Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010
Tiền đồng 'đang có vấn đề rất nghiêm trọng'
Ngân hàng đầu tư Mỹ Morgan Stanley nói đồng tiền Việt Nam ‘có vấn đề rất nghiêm trọng’ trong bối cảnh kinh tế yếu và mậu dịch bị thâm hụt, báo tài chính Mỹ Bloomberg đưa tin ngày 9/12.
Thực trạng cán cân thanh toán xấu đi, nền kinh tế yếu và thâm hụt mậu dịch đang tạo "sức ép lớn đáng kể " đối với tiền đồng, Stewart Newnham, chuyên viên nghiên cứu chiến lược tiền tệ tại Morgan Stanley nói tại một hội nghị ở Tp HCM.
Kể từ hồi tháng Năm 2008, thời điểm ông Newnham nói đồng tiền Việt Nam theo gót chân “khủng hoảng tiền tệ” như Thái Lan (1997), tiền đồng đã mất giá 17% so với đôla Mỹ.
Nếu nguồn tài chính không đủ để trang trải cho nhập khẩu thì ai sẽ bù đắp vào chỗ thiếu hụt này?
Stewart Newnham, Morgan Stanley
Tiền đồng bị mất giá 5.2% vào năm nay theo số liệu của Bloomberg.
Tỷ giá tiền đồng so với đôla Mỹ “quá nhiều khả năng” tiến tới 23.000 đồng/đô la trong năm 2011, ông Newnham nói.
"Kể từ năm 2008, tiền đồng đã bị rơi vào vùng nguy hiểm vì kinh tế tăng trưởng kém và vẫn bị thâm hụt mậu dịch", ông Newnham nói thêm.
Thâm hụt mậu dịch
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh tỷ giá tiền đồng 2% (18.932 VND /USD) vào ngày 18 tháng Tám là lần phá giá thứ ba kể từ tháng 11 năm ngoái.
Đây là động thái trong lúc có quan ngại việc gia tăng nhập khẩu sẽ tạo nguy cơ rằng Việt Nam sẽ thiếu tiền để bù đắp thâm hụt mậu dịch.
Vào tháng 11 mức thâm hụt mậu dịch tăng 16% (ở mức 1.25 tỷ đôla) so với mức 1.08 tỷ đôla hồi tháng Mười, theo số liệu sơ bộ Tổng cục Thống kê Việt Nam đưa ra vào ngày 25 tháng 11.
Tức là mức thâm hụt mậu dịch tổng cộng trong 11 tháng (tính tới tháng 11) là 10.66 tỷ đôla.
"Nếu nguồn tài chính không đủ để trang trải cho nhập khẩu thì ai sẽ bù đắp vào chỗ thiếu hụt này?" ông Newnham hỏi.
"Câu trả lời là, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam." ông tự trả lời.
Trong tuần này Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam ở mức "thấp".
IMF cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam vào cuối tháng Chín ở mức chỉ đủ trang trải cho 1,8 tháng nhập khẩu.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét