Pages

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Hà Nội “đổ dầu vào lửa”?

Butlongblog

Tuần qua, việc Sở Xây dựng TP.HCM từ chối tham mưu cho UBND TP.HCM ra quyết định ban hành mức trần phí quản lý nhà chung cư đã gây ngạc nhiên không chỉ cho các quan chức quản lý nhà phía Bắc mà còn gây chưng hửng cho không ít cư dân “chung cư cao cấp” đang chờ dịp bày tỏ thái độ!


Cụ thể, Sở Xây dựng TP nói rằng việc UBND TP can thiệp vào một thỏa thuận dân sự bằng cách ban hành mức trần là không cần thiết, không phù hợp với quy luật thị trường và nhất là không thể có một “chuẩn” chung cho mọi chung cư khi mà có nơi chỉ có năm dịch vụ cơ bản, có nơi có hàng chục dịch vụ. Không nói thẳng ra, song nghe lý lẽ ấy người ta còn hiểu việc Nhà nước ban hành mức trần phí quản lý có khi còn “đổ dầu vào lửa” bởi cư dân ở chung cư sẽ đem mức ấy ra so kè, dùng làm căn cứ để mặc cả với đơn vị quản lý tòa nhà!


Nhưng nếu vậy chẳng hóa ra Sở Xây dựng TP Hà Nội đã tham mưu cho UBND TP này ban hành một quyết định vô bổ (thậm chí còn có hại) là mức trần phí quản lý; Cục Quản lý Nhà (Bộ Xây dựng) trót ủng hộ một “tối kiến” và cư dân các chung cư cao cấp ở thủ đô (như Keangnam, The Manor, Ciputra, Golden Westlake…) lâu nay đã húc đầu vào tường khi tụ tập “bày tỏ thái độ” đòi giảm phí quản lý về mức trần hay sao?
Thật ra không phía nào sai mà việc xuất hiện các thái cực khác nhau chỉ do nhiều vấn đề cốt yếu không được chú ý:
Thứ nhất là ngay từ đầu phải phân định rõ diện tích chung – riêng trong chung cư, chỗ nào của từng hộ dân và chỗ nào của tất cả hộ dân cũng như chỗ nào của riêng chủ đầu tư; sau đó là danh mục các dịch vụ cơ bản bắt buộc phải cung cấp (như thang máy, vệ sinh…) và dịch vụ nâng cao (như bể bơi, phòng tập thể thao, đài phun nước…).
Thứ hai, từ danh mục ấy phải xác định rõ quyền hạn của chủ đầu tư đến đâu, nhất là khi tòa nhà đã đưa vào sử dụng. Trong đó phải coi quyền quản lý tòa nhà (có thu phí) cũng là một thứ tài nguyên mà ai muốn khai thác phải chứng minh năng lực, phải thương lượng về mức phí (nếu không đấu thầu) với người trả tiền là các hộ dân, hoàn toàn không phải nó nghiễm nhiên thuộc về chủ đầu tư.
Thứ ba là vai trò Nhà nước. Đó là quận và Sở Xây dựng phải giám sát toàn bộ quá trình nói trên, bắt đầu từ việc bàn giao quyền quản lý tòa nhà từ chủ đầu tư đến việc lập ban đại diện các hộ dân, chứng kiến và công nhận kết quả đấu thầu, kết quả thương lượng…
Chính vì các vấn đề nêu trên chưa được thực hiện một cách đúng mức nên mới có chuyện tranh cãi bất phân thắng bại về việc có nên ban hành mức trần phí quản lý chung cư hay không. Cho nên câu trả lời chỉ có thể thỏa đáng và làm các bên tâm phục khẩu phục khi những vấn đề ấy được giải quyết một cách triệt để.
http://butlong.multiply.com/journal/item/984/984

Không có nhận xét nào: