Pages

Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Họ đã bán rẻ hay bán đắt tài sản Công như thế nào qua thương vụ HUDA?

Kính gửi những ai quan tâm!
Tình cờ đọc được bài viết trên Tuổi Trẻ về việc bán nhà máy Bia Huda cho đối tác Đan Mạch. Thấy có nhiều vấn đề đáng quan tâm. Mong mọi người xem tin trên Tuổi Trẻ dưới đây và liên hệ các chuyên gia kinh tế cho một bài phân tích đầy đủ về việc Các Đầy Tớ đã bán rẻ hay bán đắt tài sản của ông chủ như thế nào một cách sâu sắc hơn?
Huda Huế bán giá “bèo”?
TT – Công ty TNHH Bia Huế cho biết UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã bán toàn bộ 50% phần vốn tại công ty này với giá 1.875 tỉ đồng cho Tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch). Với một thương hiệu lớn ở miền Trung, dư luận cho rằng mức giá trên quá rẻ.
>> Read this on Tuoitrenews.vn
ImageView.aspx?ThumbnailID=534467
Các thương hiệu của Công ty TNHH Bia Huế đã chuyển nhượng cho đối tác Đan Mạch – Ảnh: Thái Lộc
Số tiền nói trên bao gồm khoảng 700 tỉ đồng “giá trị hữu hình” (chủ yếu cơ sở vật chất hai nhà máy) và hơn 1.100 tỉ đồng “giá trị vô hình” (chủ yếu thương hiệu Huda). Và doanh nghiệp này đã chính thức trở thành doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thuộc sở hữu của Carlsberg.
Bán đúng thời cơ?
Theo ông Nguyễn Mậu Chi – tổng giám đốc Công ty Bia Huế, với 8% thị phần bia cả nước, chiến lược phát triển của công ty đến năm 2015 phải chiếm 15% thị phần bia cả nước, nếu không Bia Huế sẽ “chết”. Vì vậy thương vụ này được xem là thời cơ bởi nền kinh tế suy thoái, ít nhà đầu tư, nếu chậm hơn sẽ bỏ lỡ cơ hội. Để phát triển, Bia Huế cần đầu tư thêm 2.500 tỉ đồng.
Như vậy phía tỉnh Thừa Thiên – Huế phải góp thêm 1.250 tỉ đồng, tỉnh không đủ lực, do đó phải quyết định bán đứt phần của mình cho đối tác. Việc bán này, ông Chi cho rằng là hoàn toàn chính xác và hợp thời vì tỉnh có thêm khoản vốn 1.875 tỉ đồng (tương đương 93 triệu USD) để đầu tư vào các lĩnh vực khác. “Vì Bia Huế là công ty đầu đàn nên phải vững mạnh thì nền kinh tế của tỉnh mới phát triển. Điều này vừa tốt cho công ty vừa tốt cho tỉnh, nên tỉnh quyết định bán phần của mình là chính xác” – ông Chi nói.
Đóng góp ngân sách lớn nhất
Công ty Bia Huế thành lập năm 1990, đến năm 1994 liên doanh với Tập đoàn Carlsberg, mỗi bên góp 50% vốn (khoảng 9 triệu USD). Trong hơn 15 năm qua, Công ty Bia Huế luôn là đơn vị đóng góp ngân sách lớn nhất tỉnh Thừa Thiên – Huế, chiếm 1/3-1/2 tổng thu ngân sách. Trong năm 2010 nộp ngân sách 850 tỉ đồng và dự kiến năm 2011 là 900 tỉ đồng. Dù nằm ở Huế, song công ty này đang là một trong bốn “đại gia” trong làng bia Việt Nam (cùng các công ty Sabeco, Habeco và Bia Việt Nam).
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 29-11, ông Nguyễn Văn Cao, chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết việc chuyển nhượng vốn cho đối tác Carlsberg nhằm giữ vững thương hiệu và góp phần đẩy mạnh đầu tư để Bia Huế phát triển thêm, góp phần làm tăng ngân sách và nền kinh tế của tỉnh. “Tập đoàn Carlsberg cam kết đầu tư, đến năm 2015 đẩy công suất lên 350 triệu lít/năm (hiện nay khoảng 200 triệu lít)” – ông Cao nói. Trước đó, tỉnh Thừa Thiên – Huế đứng trước ba phương án: bán cho đối tác nước ngoài, cổ phần hóa hoặc chuyển vốn về cho Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước. Phương án thứ nhất được lựa chọn song theo hình thức không công khai, “kín đáo” thỏa thuận bán cho đối tác là Tập đoàn Carlsberg.
Có thực lãi lớn?
Về giá cả, theo thỏa thuận, phần vốn 50% của tỉnh Thừa Thiên – Huế được định giá 1.875 tỉ đồng. Con số này là kết quả tính toán của các đơn vị tư vấn được hai bên thuê và cùng thỏa thuận. Song ông Chi cho rằng tỉnh đầu tư cho Bia Huế 9 triệu USD, bây giờ bán 93 triệu USD là lãi cao hơn nhiều so với các công ty bia khác.
Về lợi nhuận, Công ty Bia Huế có tỉ suất lợi nhuận/vốn cao nhất trong tất cả công ty bia. Riêng năm 2010 công ty lãi 409 tỉ đồng, trừ hơn 100 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, mỗi bên thu được chừng 150 tỉ đồng.
Thực tế sức tiêu thụ loại bia hiệu Huda của Bia Huế không chỉ chiếm vị trí số 1 tại thị trường Thừa Thiên – Huế (98%) mà còn hàng đầu của khu vực bắc miền Trung: 95% ở Quảng Trị, 65% ở Quảng Bình, 55% ở Hà Tĩnh, 20% ở Nghệ An… Do đó các chuyên gia kinh tế cho rằng với giá của thương hiệu Huda chỉ hơn 1.100 tỉ đồng là quá rẻ, bởi dù có đầu tư hàng trăm triệu USD cũng khó có thể đạt được lợi thế tương tự trong khu vực.
Còm của người gửi thư:
Vấn đề đắt hay rẻ là vấn đề do thị trường quyết định. Một công ty làm ăn siêu lãi như Huda lại được định giá qua tư vấn và chào bán chỉ cho đối tác duy nhất là một phương thức kém minh bạch và đầy kẽ hở. Việc định giá làm sao chính xác được? Chỉ cần thương lượng được với ông chủ hờ (UBND tỉnh TT-HUẾ nhưng chủ thật vẫn là nhân dân) giảm được khoảng 100tỷ và thực hiện theo nguyên tắc cưa đôi thì….Giả sử như chúng ta có thể lấy một chỉ số P/E của một doanh nghiệp như Vinamil (ROE = 41,46%) trong giai đoạn khủng hoảng tài chính hiện nay là 13 lần. Vậy giá thị trường của Huda (ROE = 108%) bèo nhất sẽ khoảng 409 tỷ x 13 = 5317 tỷ. Đúng ra với ROE là 108% giá bèo nhất trong giai đoạn trầm lắng nhất của thị trường tài chính hiện nay phải là 108/41.6 x 13 x 409 tỷ => khoảng 13nghìn800 tỷ.
Còn giá Huda được tư vấn và chấp nhận để bán là 2 x 1875 tỷ = 3750 tỷ
Vậy câu hỏi đắt hay rẻ là ai cũng có thể tự trả lời!
Câu hỏi là: Trách nhiệm bảo vệ tài sản chung của đất nước đã được thực hiện như thế nào trong thương vụ này? Ai thúc bách chính quyền phải bán bằng được con gà đẻ trứng vàng trong giai đoạn này trong khi có thể chờ cho thị trường trở lại bình thường? Ai cho phép hay luật nào cho phép chính quyền bán tài sản lớn như vậy mà không qua đấu giá minh bạch? Căn cứ vào luật Quản lý Tài Sản Công của chính phủ hiện nay thì phương thức bán tài sản này hoàn toàn vi phạm pháp luật. Vậy ai là người sẽ thổi còi các ông chủ hờ này? Làm sao để thổi còi các ông chủ hờ khắp cả nước với các phi vụ tương tự nếu có? Làm sao để thu hồi tài sản thất thoát nếu xác định là thất thoát? Trách nhiệm cá nhân trong trường hợp xác định là thất thoát sẽ là ai? Thật là những câu hỏi không dễ trả lời. Báo Tuổi Trẻ liệu có dám đi đến cùng trong việc tìm câu trả lời hay chỉ xem mấy đồng bạc lẻ mãi lộ (so với hàng nghìn tỷ thất thoát thì tiền khủng khiếp của mãi lộ cả nước chỉ thành tiền lẻ) là quan trọng!!!!
Kính chào trân trọng và mong được lượng thứ nếu quí vị không quan tâm đến thông tin này.
Trương Khánh Ngọc
HCMC
0989008771
PS: Attachment là Luật về Quản lý Tài Sản Công để mọi người tham khảo.

Không có nhận xét nào: