Pages

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011

Kinh tế suy thoái: Trung tâm thương mại “ngáp” giữa ban ngày?


Xóa sổ chợ cũ xập xệ, bẩn thỉu, một trung tâm thương mại hoành tráng mọc lên. Cơ sở vật chất hiện đại, thậm chí chợ rau quả thịt cá được hưởng cả hệ thống điều hòa mát rượi. Thế nhưng, ngày nối ngày, tiểu thương ngồi ngáp vặt, chợ vắng như “chùa Bà Đanh”, “bói” mãi chả có một vị khách… Đó là tình trạng chung của nhiều chợ hiện đại ở Hà Nội.
Đâu rồi chợ truyền thống?
Chợ Bưởi, chợ Hàng Da, Ô Chợ Dừa… những cái tên chợ mang đầy dấu ấn thương mại và văn hóa của người dân Hà Nội. Chắc hẳn không ít người Hà Nội còn nuối tiếc cảnh buôn bán sầm uất ở những khu chợ truyền thống với mặt hàng vô cùng phong phú. Khách có thể tìm mua thực phẩm cao cấp như hải sản, thịt cá cho đến mặt hàng dân dã như bông hoa cúng rằm, lá trầu quả cau hay lá bưởi, lá dùng để xông chữa bệnh…

Ngày thường cũng như ngày nghỉ, hình ảnh một hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cho khách nước ngoài về chợ, về các sản vật đã quen thuộc với người đi chợ. Không chỉ là nơi buôn bán, giao lưu thương mại mà những chợ truyền thống ấy còn là nơi giao lưu văn hóa của người Hà Nội với khách bốn phương. Bây giờ, những hình ảnh ấy không còn nữa.
Hàng loạt chợ truyền thống của Hà Nội đã được khoác lên mình một chiếc áo mới. Chợ cũ bỏ đi, một trung tâm thương mại cao tầng, hoành tráng mọc lên với những biển bảng quảng cáo hàng hiệu. Hiện đại hóa là xu hướng tất yếu. Nhưng, cả người kinh doanh buôn bán và người dân trên địa bàn đã được hưởng lợi gì?
Trung tâm thương mại chợ Hàng Da dành riêng tầng hầm làm chợ truyền thống (còn gọi là chợ dân sinh). Bước xuống tầng hầm của khu chợ dân sinh chợ Hàng Da (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chúng tôi gặp một không khí ngột ngạt qua tấm cửa kính to.
Ban quản lý chợ sắp xếp rất ngăn nắp các ngành hàng theo từng dãy ki ốt. Ngay khi vừa qua các bậc cầu thang tầng hầm là dãy hàng rau củ, khá phong phú. Hàng thịt cá, quần áo hàng thùng, giày dép… đều có mặt trong khu chợ này. Tuy nhiên, lang thang tại đây suốt cả buổi sáng, chúng tôi chỉ thấy lác đác vài vị khách mua hàng. Chợ vắng teo.
Khu bán thức ăn chín như giò chả, thịt quay có 10 ki ốt thì chỉ 2 ki ốt có người bán hàng. Tủ đựng hàng của chị Xuân lèo tèo một khúc giò lợn, khúc giò bò và mấy miếng chả lợn. Chúng tôi hỏi: “Một ngày chị có bán hết chỗ này không?”, “Có hôm hết, hôm không” – chị trả lời. Rồi chị tâm sự, gian hàng này ít khách nhất trong khu chợ. Quả đúng như lời chị nói, dù đứng nói chuyện với chị rất lâu nhưng chúng tôi chẳng thấy một vị khách nào ngang qua đây mua hàng. Chị kể, ki ốt bên cạnh bán thịt quay, nhưng vì ít khách nên họ chỉ bán buổi chiều. Ki ốt khác thì bán “bữa đực bữa cái”.
Lý giải nguyên nhân vắng khách, chị chỉ vào khung sắt cao của dãy hàng rau chắn ngang trước mặt: “Dãy thực phẩm chín bị quây như thế thì khách không thể nhìn thấy được. Chúng tôi đã đề xuất hạ thấp khung sắt để thuận lợi hơn trong kinh doanh nhưng không được giải quyết”. Một tiểu thương ngồi bán hàng đầu dãy ki ốt này cũng nhăn nhó kêu: “Ế ẩm lắm em ạ”.
Rời chợ Hàng Da, chúng tôi tìm đến chợ Cửa Nam, nơi cũng được phá bỏ chợ cũ để xây dựng thành một tòa nhà cao tầng. Chúng tôi phải hỏi thăm mới biết được nơi có thể đi chợ. Một phần diện tích tầng hầm được giới thiệu là cửa hàng bán rau xanh an toàn. Cầu thang đi xuống tầng hầm rất hẹp và có độ dốc cao. Bên trong là một siêu thị nhỏ với thực phẩm không được phong phú. Gọi là cửa hàng bán rau xanh nhưng số lượng rau và thực phẩm ở đây có rất ít. Chắc chắn rằng, chợ Cửa Nam được bố trí như thế thì không thể phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của cư dân địa bàn xung quanh. Trong khi đó, theo thiết kế, chợ vừa được sử dụng làm chợ truyền thống, vừa làm văn phòng.
Quá nhiều gian hàng không kinh doanh trong chợ Hàng Da.
“Tê liệt” ki ốt bán hàng
Chợ trong các trung tâm thương mại, chợ hiện đại không đủ sức thu hút khách thì đương nhiên chợ cóc, chợ tạm ở xung quanh chợ hiện đại, trung tâm thương mại lại có sức hấp dẫn lạ kỳ. Bất kể vị trí nào xung quanh các chợ lớn đều xuất hiện những gánh hàng rong, gian hàng di động bán cho khách qua đường. Họ không phải gửi xe, không tốn tiền trông xe, lại được mua thực phẩm tươi sống, giá cả linh hoạt ngay trên đường. Một trong những chợ cóc tồn tại bắt đầu khi trung tâm thương mại xây dựng cho đến nay nằm rải rác trong ngõ ven Trung tâm thương mại OCD (chợ Ô Chợ Dừa cũ).
Khi tiến hành xây dựng trung tâm thương mại, các tiểu thương phải dạt đi một số nơi. Trong đó, nhiều người chọn ngõ Đình Đông (đường La Thành) làm nơi bán hàng. Một đoạn ngõ dài biến thành chợ cóc bán đủ thứ từ rau dưa, gà, cá, thịt lợn… Sâu hơn phía trong còn có người bán cả những lá cây làm vị thuốc tắm, xông hơi, chữa bệnh mà dân gian vẫn thường dùng.
Chị Linh Thị Dung đang bán hàng rau trước cửa số nhà 18 đã bán hàng được 25 năm nay. Trước đây chị bán hàng trong chợ Ô Chợ Dừa. Sau khi xây trung tâm thương mại, chị phải bán hàng từ đó đến nay, tổng cộng đã được 6 năm. Thấm cảnh mưa gió lép nhép bẩn thỉu vào mùa đông và nóng nực mùa hè ở nơi bán hàng trong ngõ, chị cũng như nhiều người khác muốn được vào trong trung tâm thương mại bán hàng. Thế nhưng, theo lời người quản lý Trung tâm thương mại OCD thì tòa nhà này không có chức năng làm chợ truyền thống. Trong khi đó, phần lớn các ki ốt ở tầng 1 của trung tâm thương mại này đều đóng cửa cuốn im ỉm. Nhìn vào đó người ta thấy rõ hoạt động kinh doanh thương mại ở nơi này gần như bị tê liệt. Có duy nhất gian hàng bán buôn mỹ phẩm với một người bán, một người mua tại thời điểm chúng tôi đến đây.
Ngày 2/12, ông Nguyễn Thế Hoàng, Phó Trưởng Ban quản lý Trung tâm thương mại OCD cho biết, trung tâm OCD xây dựng năm 2005, hoạt động năm 2006, không có thiết kế chợ truyền thống mà chỉ có hơn 100 ki ốt phục vụ thương mại. Mỗi tiểu thương tại chợ cũ đều được bốc thăm ki ốt tại trung tâm thương mại nhưng phải chuyển đổi mặt hàng kinh doanh. Nhiều tiểu thương bán hàng thực phẩm như rau quả, thịt cá đã bán trao tay kiốt cho người khác. “Các hộ kinh doanh không thuận lợi thì họ không kinh doanh. Còn góc độ người quản lý thì lúc nào cũng muốn chợ tấp nập” – ông Hoàng nói.
Chưa hài hòa lợi ích với dân
Các chợ hiện đại, trung tâm thương mại xây dựng trên nền chợ cũ đều có vị trí đắc địa, thậm chí có thể coi đó là mảnh đất vàng khi nằm giữa quần thể khu dân cư… Thế nhưng hoạt động buôn bán trong khu vực chợ truyền thống lại trở nên èo uột cũng bởi sự sắp xếp, bố trí chưa hợp lý của hệ thống chợ trên địa bàn Hà Nội. Ví như, quận Đống Đa có 3 chợ chính là chợ Thổ Quan, chợ Khương Thượng và chợ Ô Chợ Dừa.
Khi chợ Ô Chợ Dừa được thay thế bằng Trung tâm thương mại, không còn chợ truyền thống với các mặt hàng phục vụ sinh hoạt hằng ngày thì việc đến hai chợ còn lại là khá xa, nhất là trong tình trạng giao thông phức tạp hiện nay. Bởi vậy người dân phải chọn cách hợp lý hơn để mua thực phẩm ăn uống hằng ngày chính là ở chợ cóc, chợ tạm. Xây dựng Trung tâm thương mại OCD mà không giữ lại chợ truyền thống là thiệt thòi cho tiểu thương và chính người dân sống trên địa bàn. Ông Nguyễn Thế Hoàng nói về hướng khắc phục: “Để tránh lãng phí và sử dụng có hiệu quả hơn 100 kiốt phục vụ thương mại hiện nay, Ban Quản lý đã đề nghị thuê lại của các hộ kinh doanh để có thể làm siêu thị nhưng chưa nhận được sự đồng thuận của các tiểu thương”.
Trở lại chợ Hàng Da ở phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, ông Lê Văn Vượng, phụ trách quản lý chợ dân sinh ở đây lý giải nguyên nhân vắng khách: “Trung tâm thương mại Hàng Da là mô hình đầu tiên của Hà Nội vừa là chợ dân sinh vừa là trung tâm thương mại. Chợ dân sinh sạch sẽ hơn hẳn trước đây nhưng lượng khách vắng hơn là do phía ngoài có nhiều chợ cóc và hai chợ tạm là chợ Hàng Bè, chợ Phùng Hưng. Chúng tôi đã đề xuất với quận giải quyết được chợ cóc, chợ tạm thì người dân sẽ vào mua hàng bên trong chợ Hàng Da”.
Làm sao để chợ hiện đại của Hà Nội hoạt động hiệu quả, tránh lãng phí và thuận tiện cho người dân là một câu hỏi đang cần lời giải đáp. Hiện đại hóa các chợ là một xu hướng tất yếu. Nhưng khi xây dựng và đưa vào hoạt động phải tính đến yếu tố văn hóa, an toàn thực phẩm và sự thuận tiện cho người dân, nhất là người dân có thu nhập thấp. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này
Việt Hà – Cao Hồng.

Không có nhận xét nào: