Pages

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

‘Mùa Xuân Ả Rập’ không buộc Mỹ ‘xóa bài làm lại’

http://www.viet.rfi.fr/sites/viet.filesrfi/dynimagecache/0/11/3500/1744/410/204/sites/images.rfi.fr/files/aef_image/libya211011.jpgV.Giang chuyển ngữ


“Vậy thì điều gì đã thực sự xảy ra? Mỹ bị cú bất ngờ hay chuẩn bị chờ đón bão Mùa Xuân Ả Rập đang kéo đến?”
DUBAI, United Arab Emirates (AP) - Khoảng 18 tháng trước khi xảy ra cuộc nổi dậy ở Ai Cập lật đổ chế độ độc tài lâu năm của Tổng Thống Hosni Mubarak, một công điện ngoại giao Mỹ được gửi đi từ Cairo.
Nội dung công điện cho rằng ông Mubarak nhiều phần sẽ là tổng thống trọn đời và cho hay chế độ của ông có khả năng đe dọa thành phần chống đối cũng như kiểm soát bầu cử qua các biện pháp gian lận.
Cùng lúc đó, có một công điện khác từ Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Tunisia gửi về Bộ Ngoại Giao Mỹ. Nhưng công điện này lại tiên đoán chính xác những gì sẽ xảy ra sau đó. Với sự nhận định chính xác, người soạn công điện nói rằng lãnh tụ quốc gia này, ông Zine el-Abidine Ben Ali, đã mất đi sự cảm thông với quần chúng và đang gặp phản ứng bất mãn ngày càng cao trên đường phố.
Vậy thì điều gì đã thực sự xảy ra? Mỹ bị cú bất ngờ hay chuẩn bị chờ đón bão Mùa Xuân Ả Rập đang kéo đến?

.
Thanh niên Ai Cập biểu tình tại Quảng Trường Tahrir đòi giới quân sự phải trao quyền cho dân sự, sau khi Tổng Thống Hosni Mubarak bị lật đổ. “Mùa Xuân À Rập” lật đổ được ba nhà độc tài, nhưng Mỹ có thể không phải thay đổi chính sách với khối Ả Rập. (Hình: Michel Sibiloni/AFP/Getty Images)
Thường thì ai cũng nói rằng Washington bị cú bất ngờ ngoài tiên liệu và nay phải chấp nhận việc mất đi ảnh hưởng ở Trung Ðông, đưa đến việc phải “xóa bài làm lại”. Nhưng cũng có dư luận giải thích cách khác: Những biến cố xảy ra năm 2011 là cơ hội để gia tăng vai trò của Washington trong khu vực khao khát tự do dân chủ và sáng tạo, và cũng để có những đồng minh chiến lược mới.
Dĩ nhiên, không ai có thể chối bỏ được là Washington có chấn động vì sự “rớt đài” của hai đồng minh tại Ai Cập và Tunisia. Các cuộc cách mạng tại hai nơi này đánh sập mối quan hệ bền vững lâu năm của chế độ độc tài với Mỹ và mở đường cho các nhóm Hồi Giáo từ trước đến nay vẫn bị đàn áp có cơ hội tham gia chính trường.
Nhưng những người cho rằng đây là thời đại đen tối cho Mỹ ở Trung Ðông đã quên đi một điều quan trọng: Ðó là vùng Vịnh Ba Tư.
Hiện có mối quan hệ chặt chẽ giữa Mỹ với các hoàng triều tuy nhỏ nhưng mạnh về tài chánh và kinh tế, vốn cho đến nay đã tránh khỏi các cuộc nổi dậy và đang ngày càng chứng tỏ thế mạnh chính trị của họ trong thế giới Ả Rập.
Giới Ả Rập ở vùng Vịnh và Mỹ rất gắn bó với nhau trong chính sách ngoại giao. Cả hai bên đều lo ngại về tham vọng bành trướng quân sự và chương trình nguyên tử của Iran. Vùng Vịnh cũng là nơi đặt các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ – kể cả Bộ Chỉ Huy Ðệ Ngũ Hạm Ðội đặt tại Bahrain và là một phần quan trọng trong chiến lược an ninh của Ngũ Giác Ðài ở Trung Ðông sau khi Mỹ rút khỏi Iraq năm nay.
Tóm lại, ảnh hưởng của Mỹ bị thiệt hại trong vụ Mùa Xuân Ả Rập, nhưng cùng lúc cũng tiếp tục gắn liền với những quốc gia đang lên ở vùng Vịnh.
“Mỹ bị mất các đồng minh lâu năm và dễ nói như Mubarak,” theo lời Sami Alfaraj, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược ở Kuwait. “Nhưng, cùng lúc đó, các đồng minh của họ trong vùng Vịnh cũng đang nổi trội. Do đó, tôi coi đây là một sự sắp xếp mới cho Mỹ. Có thể phải lùi ở một vài nơi, nhưng tiến ở nơi khác.”
Ông Nicholas Burns, người từng là nhân vật đứng hàng thứ ba ở Bộ Ngoại Giao Mỹ, cho rằng “không ai có thể tránh được làn sóng thay đổi”. Ông nói là có nỗ lực để khuyến cáo các chính quyền Ả Rập ở vùng Vịnh hãy khởi sự có biện pháp cải cách.
Ông Burns tin rằng vụ Mùa Xuân Ả Rập dạy các nhà ngoại giao Mỹ bài học quí giá về sự kiên nhẫn và toàn thể bối cảnh của vấn đề.
“Chúng ta đang chứng kiến những thay đổi mà ảnh hưởng toàn diện chỉ có thể nhìn thấy trong nhiều năm tới, thậm chí nhiều thập niên tới,” theo ông Burns, hiện là giáo sư ngành ngoại giao và chính trị quốc tế tại Kenedy School of Government ở Ðại Học Harvard. “Ðây là những lúc mà Mỹ không nên có hành động thái quá.”
Nhưng trong hoàn cảnh có nhiều biến chuyển quá nhanh, đây chẳng phải là lời khuyên dễ dàng nghe theo. Ông Mubarak là người luôn bảo vệ thỏa thuận hòa bình ký kết giữa Ai Cập và Israel vào năm 1979 dưới áp lực của Mỹ và hiện không có gì chắc chắn là ai đó lên thay ông ta sẽ tiếp tục đường hướng này. Trong khi đó, phía Palestine bất chấp sự phản đối của Mỹ và nhất định đòi Liên Hiệp Quốc phải để cho họ tuyên bố lập quốc.
“Khả năng của chúng ta nhằm ảnh hưởng tình hình trong vùng Trung Ðông hiện nay bị giới hạn nhiều hơn bất cứ thời gian nào trong 35 năm qua,” theo lời Graeme Bannerman, một cựu phân tích gia Bộ Ngoại Giao Mỹ, trong cuộc hội thảo hồi Tháng Mười Một có sự góp phần bảo trợ của viện United States Institute of Peace.
Nhận định này có thể đúng phần nào ở Tunisia hay Ai Cập, nơi chính phủ Mỹ bị chỉ trích vì liên hệ với các chế độ độc tài.
Nhưng nếu hỏi về Mỹ ở các nơi khác, như vùng Vịnh, ở Libya hoặc ngay cả ở Iraq, người ta có thể nghe thấy các nhận định khác hẳn.
“Hiện còn quá sớm để nói rằng ảnh hưởng Mỹ ở Trung Ðông tăng hay giảm vì vụ Mùa Xuân Ả Rập,” theo lời Nawaf Tell, cựu giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược của Ðại Học Jordan.
(V.Giang)

Không có nhận xét nào: