Pages

Chủ Nhật, 25 tháng 12, 2011

Nhà thờ bị đánh bom ngày Noel

Bên ngoài nhà thờ Thánh Theresa ở Madalla
Nhiều người chết khi đang tham dự lễ Giáng sinh
Một loạt vụ tấn công nhằm vào người Thiên chúa giáo ở Nigeria vào ngày Giáng sinh 25/12 đã làm hàng chục người tử vong.
Một vụ nổ bên ngoài một nhà thờ gần thủ đô Abuja làm 35 người thiệt mạng, trong khi một sỹ quan cảnh sát chết ở thành phố Jos và bốn người bị sát hại ở Damaturu.

Vụ tấn công đầu tiên xảy ra bên ngoài nhà thờ thánh Theresa ở Madalla. Ngoài 35 người chết còn có hơn 50 người bị thương.
Nhà thờ và các nhà cửa xung quanh bị hư hại nặng nề.

Công chúng giận dữ

Linh mục Christopher Barde nói với hãng tin AFP rằng vụ nổ xảy ra khi thánh lễ buổi sáng Giáng sinh kết thúc.
“Khung cảnh thật sự khủng khiếp,” ông kể, “Nhiều người [bị thương] chạy đến chỗ tôi và nói ‘Xin cha hãy xức dầu thánh cho con’.”.
"Tôi muốn nói với tất cả người dân Nigeria rằng chính phủ sẽ không lơi lỏng trong quyết tâm đưa tất cả thủ phạm ra trước công lý."
Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan
Công chúng đang trở nên giận dữ trước vụ tấn công cũng như phản ứng chậm chạp của các cơ quan khẩn cấp.
Hãng tin Reuters thuật lại hàng ngàn thanh niên đã dựng các chướng ngại vật để phong tỏa con đường dẫn từ thủ đô đến miền bắc đất nước nơi đa số là người Hồi giáo. Các lực lượng an ninh đã dùng hơi cay để giải tán họ.
Còn ở Jos, một vụ nổ đã xảy ra gần Nhà thờ ngọn núi của lửa và những điều kỳ diệu và theo sau đó là một vụ nổ súng làm chết một sỹ quan cảnh sát, người phát ngôn chính phủ Nigeria Pam Ayuba nói với hãng tin AP.
Hai thiết bị nổ đã được tìm thấy trong một tòa nhà gần đó và đã được tháo ngòi nổ trong khi quân đội được triển khai đến hiện trường.
Ở thị trấn Damaturu ở phía tây bắc cũng xảy ra hai vụ nổ.
Một là đánh bom tự sát bằng bom xe vào một đoàn xe của Cục An ninh quốc gia. Phóng viên BBC cho biết bốn người bị thiệt mạng trong vụ tấn công này, bao gồm cả kẻ đánh bom tự sát.
Vụ nổ kia xảy ra ở thị trấn Gadaka lân cận.
Cả Damaturu và Gadaka đều ở bang Yobe vốn là trung tâm của tình trạng bạo lực giữa các lực lượng an ninh và các chiến binh Hồi giáo cực đoan Boko Haram.
Hơn 60 người đã chết trong các vụ giao chiến giữa hai bên chỉ tính trong tuần lễ từ 18 đến 25/12.

Xung đột đẫm máu

Người phát ngôn của Boko Haram, Abul-Qaqa, nói với truyền thông địa phương rằng chính họ thực hiện các vụ tấn công này.
Boko Haram, vốn có nghĩa là ‘giáo dục phương tây bị cấm’ muốn áp đặt luật Hồi giáo Sharia.
Hồi tháng 8/2011, nhóm này cũng đã thực hiện một vụ tấn công liều chết vào trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Abuja làm chết hơn 20 người.
"Ngay cả vào ngày Giáng sinh thì thế giới cũng không được yên ổn trước sự hèn nhát và nỗi lo sợ khủng bố."
Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle
Tháng 9/2010 họ đã giải thoát hàng trăm tù nhân ở nhà tù Maiduguri.
Họ cũng đứng đằng sau một loạt các vụ nổ bom ở Jos trong đêm Giáng sinh năm 2010 làm chết 80 người và bị cáo buộc đứng sau vụ tấn công vào các doanh trại quân đội ở Abuja vào đêm giao thừa dương lịch năm 2011.
Năm 2009, họ tấn công vào các đồn cảnh sát ở Maiduguri giết chết hàng trăm người. Cũng trong năm này, lãnh đạo của họ là Mohamed Yusuf bị quân đội bắt và giao cho cảnh sát và sau đó được phát hiện là đã chết,
Biên tập viên châu Phi của BBC Martin Plaut nhận định rằng đã có những dấu hiệu từ trước cho thấy các cuộc tấn công này đang được lên kế hoạch.
“Trong tuần trước, những quả bom đang được chế tạo đã nổ sớm ở các bang Yobe và Kaduna,” ông cho biết.
Sau đó cảnh sát đã bố ráp một nơi tình nghi là hang ổ của nhóm Boko Haram ở Yobe. Khoảng 60 người đã chết trong cuộc đấu súng tại đó.
Boko Haram đang mắc vào một cuộc chiến ngày càng đẫm máu với chính quyền Nigeria kể từ khi nó ra đời vào năm 2002.
Các vụ đánh bom hôm Giáng sinh 25/12 có vẻ như là một phần của một chiến dịch tấn công ̣được hoạch định bởi các chiến binh Hồi giáo, những người đang kêu gọi thành lập một quốc gia Hồi giáo hà khắc.

Thế giới lên án

Bản đồ các vị trí bị tấn công
Nigeria đã trải qua tình trạng xung đột tôn giáo trong nhiều năm
Nhà Trắng nói rằng các vụ tấn công là ‘bạo lực không có lương tri’ trong khi Ngoại trưởng Anh William Hague gọi chúng là ‘hèn nhát’.
Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan nói các vụ tấn công là sự sỉ nhục vô duyên cớ vào sự an toàn và tự do chung của người dân Nigeria.
“Nhân dân Nigeria phải hòa làm một để lên án các vụ tấn công này,” ông nói.
“Tôi muốn nói với tất cả người dân Nigeria rằng chính phủ sẽ không lơi lỏng trong quyết tâm đưa tất cả thủ phạm ra trước công lý,” Tổng thống Jonathan, vốn là một người Thiên chúa giáo, nói.
Nhà Trắng nói các kết quả điều tra ban đầu cho thấy các vụ tấn công này là ‘hành động khủng bố’ và cam kết sẽ giúp đỡ Nigeria đưa những kẻ chịu trách nhiệm ra trước công lý.
“Chúng tôi lên án hành động bạo lực không có lương tri này và những mất mát thảm thương về nhân mạng trong ngày Giáng sinh,” người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney phát biểu.
“Chúng tôi thành thật chia buồn với người dân Nigeria nhất là những người đã mất gia đình và người thân,” ông nói.
Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy bày tỏ ‘tình đoàn kết với cuộc chiến chống khủng bố’ của Nigeria.
Còn Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle phát biểu: “Ngay cả vào ngày Giáng sinh thì thế giới cũng không được yên ổn trước sự hèn nhát và nỗi lo sợ khủng bố.”
Ngoại trưởng Anh William Hague nói rằng những vụ đánh bom này là ‘sự tấn công hèn nhát vào những gia đình đoàn tụ trong hòa bình và trong lời cầu nguyện để mừng một ngày vốn tượng trưng cho sự hòa thuận và thiện chí đối với nhau’.
"Tấn công vào nhà thờ là sự thù ghét mù quáng với mục đích kích động và nuôi dưỡng thậm chí thêm thù hận và hỗn loạn."
Tòa thánh Vatican
“Tôi xin chia buồn với những người mất người thân và những người bị thương,” ông nói.
Israel cho biết họ sẽ gửi cứu trợ y tế đến Nigeria và rằng nước này ‘lên án một cách mạnh mẽ nhất’ những vụ tấn công này.
Trong khi đó, Tòa thánh Vatican nói tấn công vào nhà thờ là ‘sự thù ghét mù quáng’ với mục đích ‘kích động và nuôi dưỡng thậm chí thêm thù hận và hỗn loạn’.

Không có nhận xét nào: