Pages

Thứ Hai, 26 tháng 12, 2011

Nợ nước mắt

 
width=Thanh Chung
“Giả sử, giả sử thôi, “Ông Cụ” cũng trường thọ như vị đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Giả sử quốc tang Cụ được cử hành vào những năm đầu của thế kỷ hai mốt, mình tin nhiều người sẽ vẫn khóc. Nhưng sẽ là những giọt nước mắt dành cho một CON NGƯỜI – một CUỘC ĐỜI – chứ không phải nước mắt dành cho Thánh nhân.”
Sau entry “Hát cho một người nằm xuống”, mình đã định không nhắc gì đến ba cha con ông cháu họ Kim ở nước Triều nữa. Nhưng vì có cái comment dưới đây của một người bạn nên đành phải “điều trần” đôi lời:

“Kòm thì khác…. đang trông người ngẫm đến ta đây. Chả biết có bao giờ hay không bao giờ nữa nước VN mình lại có đc cảnh dân khóc ng lãnh đạo cao nhất như đã từng khóc cụ Hồ và như dân Bác Triều đang khóc Il k . Và tôi cho rằng Không phải vô cớ mà người dân khóc lãnh đạo mình như thế đâu. Phải có một cái gì đó thật máu thịt thì mới có được từ dân những giọt nước mắt như thế TC ạ. Và ta vãn thấy Bắc Triều đang là một TƯ TƯỞNG.
TA CÓ THỂ NGHÈO NHƯNG TA K HÈN. BỞI TA CÓ MỘT TƯ TƯỞNG.
Ta ghét bài này
4 NGÀY NAY ĐI HÓT CỨT BÒ MÀ VÃN NGHĨ THẾ ĐẤY.”
______
Tháng chín năm sáu chín, mình hơn tám tuổi. Ký ức đọng lại về quốc tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giọng đọc điếu văn nghẹn ngào của Tổng bí thư Lê Duẩn; là tiếng cô phát thanh viên trên Đài tiếng nói Việt Nam đẫm trong nước mắt; là từng đoàn người đội mưa, xếp hàng đi viếng Bác Hồ. Mẹ cài lên ngực mình chiếc băng tang có hai màu đỏ đen. Bố đọc đi đọc lại câu thơ của Tố Hữu: “Bạn từ bãi biển Hi-rôn – Bạn còn đến kịp để hôn Bác Hồ”. Mình cũng thuộc bài thơ “Bác ơi” từ dạo ấy.
Đến tận bây giờ mình vẫn tin, trong nỗi đau mất mát “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” năm ấy tịnh không có giọt nước mắt nào giả dối từ phía NHÂN DÂN. Mình nói, từ phía nhân dân, bởi sau này, mỗi khi nghe nghệ sĩ Thu Hiền nức nở: “Chuyện kể rằng Bác đòi nghe câu ví. Thương làng Sen từ thuở ấu thơ. Mà không gian vẫn lặng như tờ. Bác chờ mãi… chờ mãi…” mình đâm ra nghi ngờ những cụm mỹ từ “hết lòng chạy chữa”, “vô cùng thương tiếc” và “muôn vàn tình thương yêu…” trong bài điếu văn. (Anh trai mình mất cách đây vài năm. Khi cảm nhận được cái lạnh từ đôi bàn chân đang nhích dần lên, anh đã nắm chặt hai bàn tay chị dâu mình đến tận phút cuối).
Giả sử, giả sử thôi, “Ông Cụ” cũng trường thọ như vị đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp. Giả sử quốc tang Cụ được cử hành vào những năm đầu của thế kỷ hai mốt, mình tin nhiều người sẽ vẫn khóc. Nhưng sẽ là những giọt nước mắt dành cho một CON NGƯỜI – một CUỘC ĐỜI – chứ không phải nước mắt dành cho Thánh nhân. Càng không phải nước mắt dành cho lãnh tụ kiểu “Thương cha, thương mẹ, thương chồng – Thương mình thương một – thương ông thương mười” (Tố Hữu).
****
Anh bạn đồng nghiệp của mình từng có ba năm công tác tại văn phòng đại diện ở Bắc Triều tiên. Anh kể mỗi khi chuông điện thoại reo, anh nhấc máy ở tầng trên thì cô nhân viên phục vụ người bản xứ cũng nhấc ống nghe ở tầng dưới. Có lần anh vắt sợi dây như vô tình trên tập tài liệu của mình trước khi đến cơ quan làm việc. Lúc trở về nhà, sợi dây đã bị kẹp vào một trang khác. Nghĩa là cô nhân viên quét dọn đã vào phòng riêng của anh lục lọi tài liệu trên bàn làm việc.
Năm chín tám, mình đi tập huấn ở Malaysia do Quỹ Dân sô LHQ tổ chức. Trong lớp có hai học viên đến từ Bắc Triều tiên. Họ được phân công theo dõi lẫn nhau. Không ai dám đi ăn riêng hoặc nói chuyện với các thành viên đến từ các văn phòng khác trong khu vực. Dịp cuối tuần, văn phòng Malaysia tổ chức cho cả lớp đi chơi ở Malakka, hai bạn Triều tiên đều không tham dự.
Hồi mới sang, mình thuê nhà ở đảo Roosevelt. Đây là nơi ở của nhân viên nhiều phái đoàn Ngoại giao tại Liên hiệp quốc. Chiều mùa hè, khi mọi cư dân đều tranh thủ đi dạo, chạy bộ, tận hưởng không khí mát lành trên đường kè sát bờ sông, nhân viên ngoại giao người Triều tiên cùng gia quyến của họ cũng vẫn sát cánh bên nhau, “hóng mát tập thể”.
Gần đây nhất, mình xem bên trang tin anh Ba Sàm đoạn phim quay cảnh những người Triều tiên được mổ mắt miễn phí. Ngay sau khi tháo băng, nhìn thấy ánh sáng, câu đầu tiên họ hét to là cảm ơn vị lãnh tụ vĩ đại họ Kim của mình. Họ dập đầu, khóc lóc. Người sau thảm thiết hơn người trước để chứng tỏ lòng trung thành và kính yêu lãnh tụ. Có người còn thề thốt rằng, họ mong có đôi mắt chỉ để được nhìn ngắm dung nhan của Vị lãng tụ vô cùng kính yêu – người đã mang đến cho họ cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tuyệt nhiên không có lời tri ân nào dành cho các thầy thuốc thiện nguyện quốc tế.
Nhìn từng đoàn người xếp hàng vật vã, nức nở trước linh cữu của Tổng tư lệnh Kim Chính Nhật, mình tin vẫn còn nhiều giọt nước mắt xuất phát từ tình thương yêu “máu thịt” như trong comment của anh Kòm – Tình yêu thương được vun tưới bằng chính sách ngu dân, u tối. Nhưng mình còn tin hơn rằng, phần lớn những giọt nước mắt ấy được nặn ra từ sự sợ hãi. Sự sợ hãi khi mỗi người dân phải đóng kịch với ngay chính những người thân yêu trong gia đình; khi nhà nhà trở thành trụ sở công an, người người làm mật vụ không công cho chính quyền. Cha con, ông cháu nhà họ Kim đang nợ nhân dân Triều tiên một biển nước mắt.

Không có nhận xét nào: