Pages

Thứ Hai, 19 tháng 12, 2011

Sứ quán hay “Xú quán”?

 

“Khi lấy visa, anh bị đòi nộp thêm tiền vì lấy chậm 3 ngày. Nhanh cũng mất, chậm cũng mất hoàn toàn không có văn bản quy định. Phải nói cách vặt tiền của nhân viên Lãnh sự quán đã đạt tới “đỉnh cao trí tuệ””
Với đa số người Việt hiện đang kinh doanh, học tập, mưu sinh tại Đông Âu (các nước trong phe XHCN cũ) thì Sứ quán Việt Nam, Lãnh sự quán Việt Nam là nỗi ám ảnh, là cái máy chém vào túi tiền của họ khi gia hạn gấy tờ và các thủ tục hành chính liên quan.
Cái máy chém “đậm đà bản chất đông người vì ít người” thể hiện rõ ở cách làm việc, ứng xử của nhân viên Lãnh sự được gọi là “lãnh đủ” hành công dân nước CHXHCNVN chẳng khác gì chị Dậu, anh Pha thời thực dân phong kiến khi có việc phải tới cửa quan!

Bản tính của một cá nhân rất khó thay đổi chứ khoan nói tới bản chất một chế độ độc tài toàn trị thay đổi theo kiểu một chính trị gia Đông Âu trước biến cố vào cuối thập niên tám mươi thế kỷ hai mươi từng hy vọng:..”Chủ nghĩa Xã hội mang bộ mặt con người…” Sứ quán, Lãnh sự, hay bất kỳ một cơ quan ngoại giao của chế độ này cũng chẳng bao giờ (vĩnh viễn thế) mang bộ mặt con người trong cách ứng xử với công dân của mình. Cách đây chưa lâu, người Việt mang hộ chiếu Việt mỗi khi về thăm “nước quen”, người thân vẫn phải xin visa như người “nước lạ”. Sự thật chua xót và đậm chất hài hước đó có khác gì khi những đứa con về thăm bố mẹ đẻ ra mình phải qua cơ quan ngoại giao Việt Nam xét nghiệm ADN để chứng minh khổ chủ chính là con ruột mà bố mẹ mình mang nặng đẻ đau (!?).
Trong một môi trường mà đa phần các công bộc đầy tớ sống bằng tiền đóng thế của nhân dân quay sang “hành dân là chính” đẻ ra những quy định quái dị làm nhanh, làm chậm nâng tiền thu tuỳ tiện bất chấp quy định của Bộ tài Chính, Ngoại giao như Lãnh sự quán Việt Nam tại Cộng Hoà Tiệp đã trở thành một tiền lệ mà cộng đồng chúng ta mặc nhiên công nhận nó, tặc lưỡi cho được việc để rồi sau đó nói thầm thôi thì đừng giây với…hủi! Chính sự cam chịu đó là mảnh đất mẩu mỡ cho tệ nạn tiêu cực thò cái vòi bạch tuộc hút đồng tiền mồ hôi xương máu, một nắng hai sương mà chúng ta cóp nhặt trong cuộc mưu sinh ngày một khó khăn.
Hình ảnh lem nhem của không ít nhân viên ngoại giao phải xách va li về nước khi chưa hết thời hạn, bị nước sở tại lệnh trục xuất trong vòng hai mươi tư tiếng như ông Phạm Minh Chiến mới đây là một trong rất nhiều vết nhơ về tư cách nhân viên Lãnh sự quán Việt Nam tại Tiệp. Tội của ông Chiến là lợi dụng biển số xe ngoại giao cho những người “trồng cỏ” (may là ở Tiệp) chứ với tôi này ở Việt Nam chắc ông Chiến phải bóc lịch trong tù từ mười tới mười năm năm là ít. Nhắc tới ông Chiến là không ít người trong cộng đồng chúng ta vẫn nhớ tới một người còn trẻ, nhưng hách dịch, hỗn láo, xưng hô xấc xược với cả người đáng tuổi cha chú ông ta khi lên Lãnh sự làm giấy tờ. Ông này còn có hỗn danh ăn tạp, ăn bẩn, ăn công khai, tạo cớ để ăn. Ông Phạm Minh Chiến chỉ là một ví dụ, một “đồng chí bị lộ” trong rất nhiều “đồng chí chưa bị lộ” tại Lãnh sự quán. Trước ông Chiến cũng có một vài “đồng chí” đang “vui vẻ sống đột nhiên từ trần”. Khỏi phải kể, ai ở Tiệp lâu cũng biết.
Một người bạn của tôi, quốc tịch Tiệp lên Lãnh sự xin visa về Việt Nam nộp tiền đúng theo quy định, anh nhất định không lấy nhanh theo gợi ý sỗ sàng mà cứ đủng đỉnh với suy nghĩ việc gì phải vội. Khi lấy visa, anh bị đòi nộp thêm tiền vì lấy chậm 3 ngày. Nhanh cũng mất, chậm cũng mất hoàn toàn không có văn bản quy định. Phải nói cách vặt tiền của nhân viên Lãnh sự quán đã đạt tới “đỉnh cao trí tuệ”, hay là điều này có trong giáo trình đào tạo nhân viên ngoại giao của nước CHXHCN Việt Nam?
Nhiều người làm dịch vụ đã thốt lên, Sứ quán cải trang đi với tôi vào chợ gặp người mình hỏi họ nghĩ gì khi gia hạn giấy tờ hoặc các thủ tục hành chính tại Lãnh sự? Tin chắc nhân viên Sứ quán sẽ nghe những lời ca thán, thậm chí, xin lỗi không ít người sẽ văng tục giải toả ẩn ức mà họ phải cam chịu.
Cái bi kịch khi cộng đồng chúng ta bị vắt tiền trắng trợn mà phải câm lặng sao mà buồn đến thế? Bị xéo mãi chẳng thấy quằn. Hy vọng có cuốn sổ góp ý, hy vọng nhân viên đeo bảng tên cũng mãi là giấc mơ hồng, hy vọng vào sự tử tế lương thiện sao mà khó thế Bác Hồ ơi!
Trong số người im lặng đó, có không ít những người lính vào sinh ra tử coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, không ít những trí thức khoa bảng, những người dân chân chất lương thiện mà nay phải sống trong sự sợ hãi với chính các đầy tớ được trả lương bằng tiền thuế của nhân dân, của họ. Phải chăng sự câm nín đã nuôi dưỡng cái xấu, cái ác, nếu đúng là như thế, phần nào, sự im lặng chính là đồng loã.
Sứ quán, giờ đã thành Xú quán! Tới bao giờ chúng ta không phải ngửi cái mùi xú uế ấy?
Đã bao giờ các bạn tự đặt ra câu hỏi ấy chưa? Nếu đã đặt ra bạn sẽ biết cách trả lời.
Dân Đen (Gửi tới từ Praha, Cộng hòa Séc)
© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào: