Pages

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2012

Thiên đường và địa ngục (phần 1)

Trần Khải Thanh Thủy

 
 
Thấm thoắt tôi đã sang Mỹ được sáu tháng. Thay vì cỗ xe thời gian trôi chậm rì chậm rịt trong tù, là những tháng ngày lao nhanh như tên bắn. Vừa trở dậy, mắt nhắm mắt mở trên giường đã nghĩ tới cả một đống công việc đang chờ, bao dự định còn bị kìm nén vì chưa có thời gian (đặc biệt là sức khỏe) để bung ra công phá.
Sáu tháng, một trăm tám mươi ngày rơi xuống dưới chân, không thể nhặt lại, bằng đúng hai lệnh tạm giam ở Hỏa lò, chỉ là tờ lệnh mỏng dính sao nặng nề khủng khiếp. Một trăm tám mươi ngày ngồi bó gối nhìn ra ngoài song sắt “khóc, cười, thủ thỉ” đếm thời gian trôi, hoặc phải “nặng nề chôn uất ức từng cơn”, ngược hẳn với những gì mà tôi đang được tận hưởng nơi đây.
Sáu tháng đủ cho tôi biết thế nào là nước Mỹ. Bộ não con người khi gặp hoàn cảnh mới rồi tưởng sẽ lãng quên hoặc ức chế dập tắt vĩnh viễn những hình ảnh đau thương trong tâm trí, nào ngờ qúa khứ tưởng đã chìm sâu vào quên lãng, lại hóa gai cào trong ký ức, cứ ùa trở lại tươi rói mỗi khi chạm vào nước Mỹ.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nói: “ Qúa khứ là kho đồ cũ nát mà hiện tại hỏng hóc thì đem ra dùng lại”. Hiện tại của tôi không những không hỏng hóc mà ngược lại là một sự tươi mới tràn đầy, vậy mà những vết sẹo mãi không mọc nổi da non, mãi không chịu chìm vào trong vực thẳm mờ sương.
Sáu tháng, tôi đã qua lại khá nhiều vùng miền của nước Mỹ, từ cổng thiên đường là New York đến bãi biển vàng ở Hawaii (còn gọi là thiên đường hạ giới), rồi qua Houston, Atlanta, San Franciso, Washington D.C., San Diego, Nam California, v.v. Trừ thành phố Sacramento là nơi tôi cư ngụ, thường đi chợ, đi học, đi bác sĩ, ra bưu điện, ngân hàng, thăm bạn bè v.v còn những vùng phụ cận như Stockton, San Jose tôi cũng rất hay đi. 200 km ở Việt Nam phải đi ít nhất là 6 tiếng, ở Mỹ chỉ chạy chưa đầy 2 tiếng.
Tôi nhớ mỗi lần vào thăm tôi tại trại tù, chồng và con gái tôi phải lọ mọ trở dậy và đi từ 3 giờ sáng, thuê xe taxi tự lái, vậy mà đến 9 giờ 30 mới vào trại để gặp tôi được. Cả đi cả về là 10-12 tiếng, chỉ để gặp tôi một lần một tiếng trong suốt một tháng chờ đợi ngột ngạt căng thẳng. Còn bản thân tôi thì tù mù, vô vọng không biết bao giờ mới nhìn thấy ánh sáng le lói cuối đường hầm. Nhiều hôm bị tắc hay lạc đường, tận 10 giờ 30 phút mới vào trại, lại phải chờ đến hai giờ chiều mới được gặp vì trại chỉ làm việc đến 11 giờ. Đúng giờ quy định là alê hấp! Về! Về hết! Trường hợp như tôi, có muốn đưa tiền hối lộ để gặp qua trưa hoặc qúa thời gian quy định một chút cũng chẳng ai dám nhận.
Gặp xong, 3 giờ chiều quay về, lại khốn khổ vì tắc đường, trời tối. 9, 10 giờ mò về đến cửa hàng trả xe, lấy xe máy đi về nhà là nửa đêm luôn. Còn ở Mỹ thì thật tuyệt, cần gặp lúc 10 giờ sáng thì cứ đủng đỉnh 8 giờ mới ngồi trước vô lăng, vừa đi vừa thưởng thức cà phê nóng, vừa nói chuyện dông dài, loáng một cái đã đến nơi, chẳng bao giờ lo hố tử thần hay lo lụt lội, tắc đường. Nạn kẹt xe họa hoằn mới xảy ra, cũng chỉ trong chốc lát như mưa bóng mây chứ không căng thẳng, ê chề, ngột ngạt tưởng tắc thở như ở Việt Nam.
Sang Mỹ tôi bắt đầu học tiếng Anh, quãng đường đến trường cách nhà khoảng 7 dặm (hơn 10 km) chỉ phóng 15 phút là đến nơi. Vậy mà cũng quãng đường này ở Việt Nam (bằng từ nhà tôi đến nhà bà ngoại) tôi phải điều khiển xe gắn máy đúng 45 phút. Mỗi lần về quê chồng, dù chỉ cách 30 km mà đi taxi cũng ậm ạch cả tiếng đồng hồ. Cứ về đến nhà là thở ra cả đằng tai vì nắng gió hỗn hào khủng khiếp, bụi đường đặc phổi và cuống họng. Là dân Hà Nội gốc, mải khai sáng văn minh cho đồng bào dân tộc nên muộn mằn đường chồng con, chịu cảnh “già kén kẹn hom”. Không lấy nổi chồng ở ba sáu phố phường mà phải lấy ông “nông dân bao bạc” tại nơi dạy học. Cứ mỗi lần chứng kiến cảnh chồng về quê thăm anh em, họ hàng làng mạc là ruột lại xót như bào: “Thật thân làm tội đời, thà lấy chồng xa hẳn hoặc gần hẳn, đằng này cứ dở dở ương ương, lúc nào cũng lồng lên đòi về, mà về thì cơ cực hết chỗ nói…Tiền hết, mệt mang, cả chặng đường dài lo nơm nớp.
Bao nhiêu lần sợ tôi phàn nàn, anh cố giấu vợ con để làm tròn bổn phận với gia đình nhưng giấu làm sao được khi bụi đường bám chặt vào quần áo, đầu tóc, mặt xanh tái, mắt đỏ kè, còn xe thì bẩn như trâu đằm…
Sáu tháng đủ để cho tôi một khái niệm khá hoàn chỉnh về nước Mỹ, chạm vào bất cứ thứ gì ở Mỹ cũng khiến tôi nhớ đến những tháng ngày cùng khổ ở Việt Nam. Lên New York tham dự cuộc họp thượng đỉnh toàn cầu về nhân quyền do tổ chức phi chính phủ (NGO) tài trợ, được ở khách sạn mười tám tầng, một mình hai buồng với giá 500 USD một ngày, lại nhớ tới cái diện tích khốn khổ: Sáu mươi cm bề ngang và một mét tám bề dọc của mình trong trại. Nếu không phải là tù chính trị, nhà bất đồng chính kiến được thế giới biết tới thì cũng cá mè một lứa như bạn tù, mỗi người được 40-45 cm, phải nằm nghiêng, nửa đêm dậy đi giải là mất chỗ vì hai người nằm cạnh mỏi qúa, thấy có chỗ trống liền tranh thủ nằm ngửa để giải thoát, nhân thể chiếm luôn cái diện tích eo hẹp ấy. Thế là vừa lên gân, lên cốt để đẩy, vừa la lối cằn nhằn, chán chê mê mỏi mới ngủ lại được.
Suốt bốn tháng ở Sacramento tôi không hề gặp một trận mưa nào, vậy mà vừa xuất hiện ở New York đã mưa, như thể cái “vía” của tôi nặng nên ra khỏi nhà là ông trời trút nước xuống vậy. Nằm trong khách sạn, ngắm mưa qua cửa sổ tầng mười, thấy cảnh vật vốn đã đẹp đẽ, được cơn mưa gột rửa càng trở nên lộng lẫy huy hoàng hơn. Ở Mỹ, dù bất cứ tiểu bang, down town nào, dù mưa kéo dài cả ngày trời cũng không hề sợ ngập đường, tắc cống, trong khi ở Việt Nam chỉ cần mưa hai tiếng đồng hồ là lập tức “phố biến thành dòng sông uốn quanh”, trẻ em tha hồ lội bơi hoặc thả thuyền giấy xuống lòng đường, còn người dân cũng tranh thủ quăng lưới bắt cá ngay trước cửa nhà.
Dù không cố ý, nhưng hàng triệu gia đình của thủ đô nghìn năm văn hiến, thuộc đủ mọi thành phần, học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sĩ v.v buộc phải trở thành…có phúc hết, theo đúng câu ca của người Việt Nam: “Có phúc đẻ con biết lội, có tội đẻ con biết trèo”. Hàng trăm chiếc cống tồn tại từ thời Pháp thuộc bị tắc, công ty cấp thoát nước cũng chỉ còn biết chắp tay lạy trời đừng mưa nữa, may ra nửa ngày sau khi cơn mưa chấm dứt, đường phố mới trở lại bình thường. Biết bao nhiêu chuyện dở mếu dở cười xảy ra trong mưa, bao nhiêu đoàn khách nước ngoài phải “nằm bệt ăn vạ” trong công ty hoặc khách sạn vì không sắm nổi xe lội nước để đem theo khi sang Việt Nam. Bao nhiêu hợp đồng kinh tế bị phá bỏ chỉ vì trụ sở của công ty bị ngập, cả kho hàng chìm trong nước mưa và bùn bẩn…
Con gái tôi đi học bằng xe bus, nhà cách trường khoảng hai km, nếu đi bộ mất nửa tiếng, còn đi xe bus mất năm phút. Trở về mặt mũi phởn phơ, quần áo gọn gàng sạch sẽ, chẳng bù cho cảnh chờ đợi chen lấn xe bus ở Hà Nội. Thật là một nỗi kinh hoàng khiếp đảm cho tất cả những ai là công dân Việt đã từng một lần đặt chân lên xe bus. Thôi thì đủ kiểu, đủ dạng, chen lấn, xô đẩy, càu nhàu, cáu kỉnh vì xe thường xuyên muộn so với quy định, nhẹ nhàng cũng cỡ 15-20 phút, nặng hơn là nửa tiếng, thậm chí 40 phút là chuyện thường tình, không có gì phải la ó cả.
Hồi còn ở Việt Nam, con gái lớn của tôi lên xe từ Giảng Võ đến bến xe Gia Lâm, bao nhiêu lần đi là bấy nhiêu lần bị móc túi, lúc mất điện thoại, lúc mất tiền, dù tiền chẳng có bao nhiêu, nhưng điện thoại thì phải thay mới liên tục. Trở về nhà, quần áo xộc xệch, khuôn mặt xinh xẻo tái dại, nó tuyên bố không bao giờ đi xe bus nữa, vì xe bus đã là nỗi ám ảnh kinh hoàng của hội học sinh, sinh viên chúng nó rồi. Nó bảo, giọng ví von so sánh :
- Thầy trò đường Tăng đi Tây Trúc lấy kinh phải gặp tám mốt kiếp nạn mới tu thành chính quả, thì tụi học sinh chúng con, muốn học xong chương trình phổ thông trung học phải gặp cả nghìn kiếp nạn trên xe bus. Mẹ tính đi: “ Một năm có 365 ngày mà mỗi lần chen xe bus là một kiếp nạn, một ngày hai lần chen đi chen về, nhân với 365 ngày, và nhân với 3 năm như vậy, còn gì là người? Chưa kể những ngày mưa gió bão bùng, đường lụt lội, ngập tắc, xe đông, bác tài còn sai phụ xe gạt chúng con xuống lòng đường không thương tiếc. Vừa xô đẩy, vừa mắng chửi như mắng kẻ ăn xin, ăn mày”
Trầm ngâm một lát như thương cảm, nó bộc bạch:
- Tất nhiên là xe nhà nước, không phải xe của ông ta, nhưng quy định chỉ được chở tối đa là tám mươi khách một lượt, vậy mà thường xuyên phải chở hai trăm hành khách, làm gì ông ta chẳng cậy quyền, cậy thế ? Chỉ khổ dân vé tháng tụi con thôi.
Khi tôi hỏi :
-Bao nhiêu người trong lớp con có ý định bỏ xe bus?
Nó khẳng định :
- 100%. Ngày đầu cả hội chúng con còn vui vẻ tràn ra mặt đường hát toáng lên: “Nào anh em ta cùng nhau xông pha ra đường…đón chờ xe bus. Ta cùng đồng lòng nề chi gian lao, cùng nhau quyết chí anh hùng. Đoàn ta xung phong… lòng son không phai, lên nào, đón chờ xe buýt. Nhìn xe đang tới gần, đoàn ta bước ngang tàng, cùng chen vai hát vang…*
Đến ngày thứ 5, thứ 7 thì tất cả đều ỉu sìu sìu, nhất là bọn con trai, bình thường cứ rống lên ư ử:
“Lòng trai không nao, ngại chi chen xe, quyết vì chị em, cùng nhau tung chí anh tài”* Bây giờ chưa được hai tuần, đứa nào cũng sợ vãi linh hồn ra rồi.
“Ngoài nạn xe đông, còn lý do gì khác nữa không?” Tôi hỏi
Nó trả lời tỉnh queo:
- Ôi đủ 1001 lý do cho một lần đi xe, nào phụ xe mắng chửi hành khách như kẻ thù: “Mả mẹ chúng mày, có biết đường đứng gọn vào không, ông lại đuổi cha chúng mày xuống hết bây giờ!?
-Nào tài xế phóng nhanh vượt ẩu, ép người đi xe máy vào sát lề đường, khi không còn chỗ để ép nữa (vì ngay bên cạnh là bà bán hoa quả). Thế là phụ xe nhảy ngay xuống đường, hất tung cả sọt hoa quả của bà cụ, đánh phủ đầu người đi xe máy làm chúng con phát hãi.
Và nó kết luận :
- Đấy văn hóa xe bus, văn minh đô thị đấy, mẹ định để con mất bao nhiêu điện thoại di động, chết bao nhiêu nơ-ron thần kinh nữa?
Tất nhiên là tôi phải đầu hàng, hủy vé tháng đi, dù giá trị sử dụng vẫn còn. Thà là đi xe ôm tốn kém, nguy hiểm, nhưng không đến nỗi phải dài cổ chờ con ở nhà mỗi ngày cả tiếng đồng hồ mỗi chiều đi làm về rồi lại xót ruột vì bộ dạng… khiếp đảm của con, đầu tóc bơ phờ, mặt mũi nhợt nhạt, quần áo xộc xệch, mếu mếu khóc khóc vì lại mất tiền hoặc điện thoại
———————–
* Nhại lời bài “ Lên đàng” của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Không có nhận xét nào: