Pages

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Đại gia số 1 thế giới khác gì đại gia Việt Nam?



Chuyên gia Bùi Kiến Thành

Huyền Biển (Thực hiện)

“Những hành động chơi nổi, chơi trội như vừa đề cập tức là không mang tính giáo dục với con cái, tạo cho con cái một cái nếp xấu để tiêu dùng tiền một cách lãng phí. Về vấn đề giáo dục có lẽ là không tốt đối với con cái”
“Đó là hành động xài tiền nhiều để có một hình ảnh gì đấy, nhưng hình ảnh đó chưa phải là hình ảnh sang trọng. Giàu mà không sang thì chỉ cho ra một hình ảnh của trọc phú”… – Chuyên gia tài chính cao cấp Bùi Kiến Thành chia sẻ với Phunutoday xung quanh những lùm xùm của những đám cưới siêu khủng, lối chơi ngông rúng động dư luận trong thời gian vừa qua.
Với một góc nhìn thẳng, ông chỉ ra rằng đó là một căn bệnh của xã hội đối với những người nhiều tiền muốn thể hiện tiền bạc của mình. Còn một đại gia thực sự là người thành đạt trong công việc mình làm, tạo ra rất nhiều tiền nhưng tiền đó không phải là vấn đề quan trọng nhất.

Điều quan trọng hơn cả là trách nhiệm đối với cơ quan của mình, đối với nhân viên của mình, khách hàng và cuối cùng là đối với xã hội.
Ông Bùi Kiến Thành
“Những hành động chơi nổi, chơi trội như vừa đề cập tức là không mang tính giáo dục với con cái, tạo cho con cái một cái nếp xấu để tiêu dùng tiền một cách lãng phí. Về vấn đề giáo dục có lẽ là không tốt đối với con cái”…
PV: – Dư luận Hà Tĩnh cũng như cả nước đang rúng động bởi siêu đám cưới cho con trai của một thương gia tại huyện miền núi nghèo Hương Sơn với chi phí lên tới 50 tỷ đồng, kèm món quà hồi môn là ngôi nhà 130 tỷ. Cùng với đó, người dân Tây Đô cũng choáng váng bởi dàn xe khủng trong ngày cưới cùng ý định mượn máy bay rước dâu của một nữ đại gia thủy sản.
Là một chuyên gia tài chính cao cấp, ông nghĩ gì với cách thể hiện của những đại gia này?
Ông Bùi Kiến Thành: – Tiền không phải là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá con người. Vì vậy, những ai có tiền nên thận trọng với số tiền của mình và dùng số tiền của mình để làm gì có ích cho xã hội, cho mọi người ngoài vấn đề có ích cho mình.
Phong cách của một người có tiền là có trách nhiệm với xã hội vì tiền thật sự từ đâu nó ra, mình là một nhà kinh doanh thì tiền thật sự là từ trong xã hội mà ra. Mình bán hàng hóa người ta mua, mình tạo ra được số tiền mà mình sở hữu vì vậy phải có trách nhiệm với đồng tiền.
Ở các nước khác có rất nhiều người giàu có, ví dụ ông Rockefeller III cháu của nhà giàu có số 1 thế giới từ đầu thế kỷ 20, theo kinh nghiệm cá nhân ở bên New York, một hôm tôi có hẹn với ông Rockefeller III đi ăn cơm trưa tại Câu lạc bộ Đại học.
Mình đi xe đến là một lẽ tự nhiên, nhưng ông ấy đã đi bộ từ văn phòng của ông ấy đến, qua mấy con đường thôi không xa lắm.
Ông ấy tới nơi nếu như mà không có quen sẽ không có biết ông ấy là một đại gia giàu nhất thế giới có một quỹ từ thiện lên tới 10 tỷ USD. Ông vận một áo khoác bình thường và đội một chiếc nón dạ trên đầu. Đó là phong cách của Rockefeller. Và ông đã nói một câu chuyện rất lý thú.
Ông nói rằng: chúng tôi rất khó trong vấn đề tập cho con cái sống với đời sống có ý nghĩa. Ví dụ, hồi đó ông gửi người con trai của mình học ĐH ở bên Nhật, con trai của người giàu nhất thế giới đi học ở bên Nhật mà ông nói rằng tôi bảo nó ở ký túc xá và gửi mỗi tháng cho người con trai khoảng mấy trăm đô la chỉ để đủ sống một cuộc đời bình thường như tất cả những sinh viên bình thường khác.
Còn con gái của ông, đi học ĐH, mỗi một năm ông ấy chỉ cho họ có 3 bộ áo mới đi dạ hội. (Ở bên Mỹ thường có dạ hội diễn ra vào đầu năm, cuối năm, và giữa năm có một dạ hội cho những cô gái mới được giới thiệu ra ngoài xã hội) Không phải con cháu của Rockefeller muốn trưng diện như thế nào thì trưng diện.
Tôi mới hỏi thế thì sinh viên thấy cháu đi dạ hội với váy áo nhảy đầm tốt lắm. Ông mới cười và nói mấy đứa con gái của tôi cũng như mấy đứa con gái kia (thường là con nhà giàu). Nó bận áo rồi ít khi nó bận lại lần thứ nhì, mặc rồi bỏ vào ngân hàng áo dạ hội khi nào cần dùng thì tới đó lựa. Hàng trăm chiếc áo của những sinh viên có tiền ở đó nhiều lắm. Sinh viên mỗi lần mặc xong lại để vào ngân hàng hàng áo này, thích dùng áo nào lại lấy ra mặc.
Điều đó cho thấy việc sử dụng tiền của họ rất thận trọng chứ không phải là phô trương vấn đề của cải của mình.
Tôi không đánh giá gì về việc rước dâu vừa rồi, chỉ có điều ở Việt Nam mình cũng có nhiều người rất giàu nhưng người ta cũng có phong cách rất phong thái, không phô trương. Đó là tùy mỗi người, có người muốn phô trương, có người thật sự không muốn phô trương cũng rất lặng lẽ, âm thầm.
Những ai có tính chất phô trương như vậy nên suy nghĩ lại, mình làm như thế để làm gì, mọi người sẽ đánh giá hành động mình ra sao?
Chưa hẳn mình khoe của như thế, mình tiêu dùng như thế người ta khen mình hay đánh giá mình tốt vì làm việc cũng không cần ai khen, nhưng ít ra mình làm như thế phải có suy nghĩ.
Dàn siêu xe đám cưới gây chấn động xứ Nghệ ngày 18/12/2011
Dàn siêu xe đám cưới gây chấn động xứ Nghệ ngày 18/12/2011
Vậy thì, các vị xài tiền như thế, đi xe khủng như vậy là có mục đích gì, gửi thông điệp gì cho xã hội, nên suy nghĩ lại thông điệp của mình muốn gửi đi đấy nó là như thế nào? Nó có mục đích gì, có thật sự hợp lý hay không hợp lý?
Ở dưới quê mình, xung quanh là bao nhiêu đồng bào lam lũ, bán lưng cho trời bán mặt cho đất để cày sâu cuốc bẫm làm từng hột lúa cho mình ăn mà mình phô trương cái giàu có như thế có hợp lý hay không?
Và một cuộc tiêu xài như thế tính ra có thể nuôi được bao nhiêu em đi học? Có thể nuôi được bao nhiêu trẻ mồ côi. Điều đó sẽ thật sự có ý nghĩa hơn là mình tiêu dùng như vậy thì cái đó mình phải xem. Cái đó thì tất cả mọi người đều phải có trách nhiệm đối với mình cũng như đối với xã hội.
PV: - Lý giải về việc này, họ nói rằng đó là vì muốn khẳng định với mọi người mình không nợ nần ai, chứ không phải chơi trội. Và vì muốn san sẻ với những hoàn cảnh thiếu may mắn mới sẵn lòng như vậy. Theo ông, đâu mới là lý do thật sự?
Ông Bùi Kiến Thành: – Đó là hành động xài tiền nhiều để có một hình ảnh gì đấy, nhưng hình ảnh đó chưa phải là hình ảnh sang trọng. Giàu mà không sang thì chỉ cho ra một hình ảnh của trọc phú.
Có lẽ là như thế này, cũng là do tầm cỡ tiền của mình có, khi mình có một tỷ đồng động thái của mình sẽ khác. Nhưng khi mình có một tỷ đô la rồi thì tiền không phải là vấn đề nữa. Và khi mình đã có một chục tỷ đô la rồi thì tiền đó thành ra cái trách nhiệm đối với xã hội, lúc đó không có phô trương làm gì.
Những người phô trương mới có tiền tới mức độ nào đó người ta muốn phô trương cho thiên hạ biết là tôi có tiền. Nhưng khi mà người khác có tiền gấp 100 lần, 1000 lần thì không còn có nhu cầu để phô trương nữa. Khi đấy người ta sử dụng đồng tiền hết sức thận trọng.
Câu chuyện của gia đình Rockefeller đó thực sự ông làm như thế là giáo dục cho con không phải trong tay con có hàng tỷ đô la và con sẽ được hưởng thụ hàng tỷ đô la, có nghĩa là tiêu xài một cách vô tội vạ mà mình phải có trách nhiệm, thì đó là một cách giáo dục cho con cháu thôi.
Không biết ở Việt Nam mình cái nền nếp giáo dục là như thế nào chứ các cụ của mình nói rất hay: “Lưu tử kim mãn doanh, hà như giáo nhất kinh”, có nghĩa là để lại cho con một nhà đầy vàng không bằng dạy cho con thông suốt một cuốn sách.
Các cụ ngày xưa đã có câu như vậy là tiền tài không phải là cái gì quan trọng nhất mà mình để lại cho con, sự nghiệp tiền tài như thế nó sẽ tiêu xài hết nhưng nó không có giáo dục.
Những hành động chơi nổi, chơi trội như vừa đề cập tức là không mang tính giáo dục với con cái, tạo cho con cái một cái nếp xấu để tiêu dùng tiền một cách lãng phí. Về vấn đề giáo dục có lẽ là không tốt đối với con cái.
Người có tiền thì người ta vẫn nói tiền của người ta người ta xài, việc gì của mình mà mình nói. Nhưng mình cũng nên suy nghĩ đến cái nhắc nhở: đồng tiền đó ở đâu ra. Nếu có tiền mua một cái nhà trăm tỷ hay nhiều hơn nữa thì đó là vấn đề của mỗi người, nhưng điều muốn nói là chi dùng ra tiền để thuê máy bay trực thăng làm này làm nọ với sở thích của mình như vậy mà mình xài một số tiền lớn thì phải suy nghĩ.
Thật sự họ có tiền hay không thì mình không biết, còn hành động đó có phải là hành động của người đại gia, đó có phải là hành động chung của người có tiền nhiều hay không thì có thể nói rằng những người đại gia trên thế giới này, họ ít có hành động như thế, họ không đi phô trương tiền bạc của mình một cách quá mức, quá đáng.
“Siêu” đám cưới chấn động Hà Tĩnh với đoàn đón dâu hàng trăm xe
“Siêu” đám cưới chấn động Hà Tĩnh với đoàn đón dâu hàng trăm xe
PV: - Một đại gia thực sự khác như thế nào với một trọc phú như ông vừa nói?
Ông Bùi Kiến Thành: – Lấy một ví dụ hằng ngày chúng ta thấy trên đường của Hà Nội hay các đường của thành phố Việt Nam có bao nhiêu những xe khủng như Mercedes, BMW rất đắt tiền, nhiều bà, nhiều ông mua xe Rollroyce nhập khẩu về Việt Nam đắt hơn 1 triệu đô la…
Những động thái đấy cho rằng mình có tiền thì mình cứ việc mua xe mình xài chẳng ăn thua gì tới người khác. Nhưng cũng phải ngẫm lại số tiền đó là ngoại tệ. Ngoại tệ đó từ đâu ra? Ngoại tệ ta phải xuất khẩu, muốn xuất khẩu thì hàng bao nhiêu người phải làm việc để có số tiền ngoại tệ 1 triệu đô la.
Ví dụ bây giờ chúng ta bán gạo, thì 1 tấn gạo của Việt Nam có 400 đô, tôi muốn có 400.000 đô la thì phải bán một nghìn tấn gạo. Mỗi một tấn gạo như vậy nông dân Việt Nam phải sản xuất ra bằng cách nào, cày sâu cuốc bẫm bao nhiêu tháng để làm ra.
Xe mình ngồi trên đó thể hiện bao công sức của bao nhiêu nghìn người nông dân lao động để sản xuất ra số gạo cần thiết để xuất khẩu để có ngoại tệ chúng ta mua một chiếc xe như thế.
Trách nhiệm xã hội của mình đối với người thực sự đã có công tạo ra cái điều kiện để mình có thể dùng làm như vậy thì mình không nên quên chứ không nên nói rằng chúng ta có tiền, chúng ta cứ việc xài, nhất là vấn đề tiêu xài như vậy nó không phải ảnh hưởng riêng túi tiền của mình mà túi tiền của cả quốc gia trong việc mình sử dụng ngoại hối của đất nước.
Ở bên Nhật, bây giờ cũng vậy mà trước đây cũng vậy, trong những năm 50 – 60, người ta có một thể hiện, đó là người Nhật sẽ không khi nào đi thứ xe sang trong khi làm việc. Là một ông tổng giám đốc của một tập đoàn lớn của Nhật, họ cũng sẽ không đi những chiếc xe khủng như ở Việt Nam mình.
Bây giờ tình hình nó cũng hơi khác nhưng nước Nhật trong thời kỳ xây dựng đất nước, những năm 50 – 60 đó họ rất nghiêm túc trong việc tiết kiệm dự trữ ngoại hối của một đất nước, hay tiết kiệm chi phí của một tập đoàn hay một công ty. Cái đó chúng ta nên suy nghĩ và thực sự học tập cái phong cách của một người có tiền trong xã hội.
PV: - Ông đánh giá như thế nào về việc những đại gia thời nay chơi ngông bằng cách nuôi chó triệu đô, tậu nhà trăm tỷ, mượn máy bay đón dâu. Liệu đây có phải là cách để phô trương thân thế hay là chiêu bài nhằm phục vụ mục đích kinh doanh?
Ông Bùi Kiến Thành: – Cái đó là cả hai. Một là nó phục vụ cho mục đích kinh doanh, mình có nhà to để mời ông này bà nọ tới đón tiếp thịnh soạn để tạo một ấn tượng, hay mình tiêu xài mời người ta đi vào nhà hàng ăn mấy chục triệu đồng… nó có thể phục vụ mục đích kinh doanh và tiến thân của mình và mua chuộc lòng những người mình muốn mua chuộc. Đó là một vấn đề.
Và một vấn đề khác nữa nếu không tính đến chuyện kinh doanh kia, cái bệnh tiêu xài quá lố đó là vì người ta muốn thể hiện qua số tiền lớn người ta tiêu xài.
PV: - Hiện tượng này phản ánh điều gì trong xã hội chúng ta, thưa ông?
Ông Bùi Kiến Thành: – Không riêng gì xã hội chúng ta, tất cả xã hội trên thế giới này khi mà người ta nhảy từ một địa vị ít tiền tới một địa vị nhiều tiền và rất nhiều tiền thì nó có một cái bệnh hoạn là muốn phô trương số tiền đó ra thôi. Thì đó là một cái bệnh của xã hội đối với những người nhiều tiền muốn thể hiện vấn đề tiền bạc của mình.
Người ta thấy rằng mình cần phải cho mọi người biết mình giàu có, từ chỗ có người muốn bận cái áo đẹp thì cũng muốn cho người ta biết mình có tiền mua áo đẹp, có người vào shop mua một đôi giày 5 – 7 triệu đồng thì đó cũng là một cách khác để đi xài tiền một cách quá đáng. Còn những người có tiền lớn hơn cũng như vậy thì vấn đề tiếp dâu, đón dâu hàng mấy chục tỷ cũng như vậy.
Cái bệnh đó là bệnh của xã hội, động thái xài một lần mấy chục tỷ, đi mua một đôi giầy mấy trăm đô thì cũng đã từ cái bệnh đó không phải chỉ riêng cho những người xài quá đáng như trường hợp rước dâu. Như vậy trong xã hội Việt Nam cái bệnh đó cũng rất là phổ biến.
Với lại số tiền xài nó không hợp lý với việc mình cần phải xài. Nhưng mà nhiều người có tiền người ta nói người ta có quyền xài, mình không có quyền chỉ trích.
PV: - Vậy theo ông, đại gia thực sự là gì?
Ông Bùi Kiến Thành: - Đại gia là những người thành đạt trong xã hội, có thể là đại gia về vấn đề khoa học, có đại gia thành đạt trong vấn đề kinh doanh. Vậy thì, vấn đề thành đạt trong kinh doanh không bắt buộc phải đi tiêu xài một cách phí phạm.
Ví dụ Bill Gates, ông là đại gia thế giới về giàu có nhưng ông ấy đâu có đi xài phí phạm. Vợ của Bill Gates rất bảo thủ trong vấn đề tiêu dùng trong gia đình.
Và đại gia là gì, đại gia là làm thành ra một xí nghiệp tốt để cung ứng sản phẩm cho cả thế giới. Và thực sự khi có được mấy tỷ đô la rồi thì không phải là để tiêu xài cá nhân cho mình hay đem cho con cái một cách bừa bãi. Có nhiều người thì tổ chức ra những quỹ từ thiện, xã hội để tiêu dùng số tiền cho mai sau. Ví dụ như vậy. Đại gia là người có tiền nhưng không phải đại gia là đi xài bừa bãi.
Tôi xin chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân khác, cũng là một thành viên gia đình Rockefeller. Anh ta một nhà kinh doanh lớn, anh là Phó Chủ tịch của ngân hàng Chase Manhattan Bank ở New York, cả ngày từ sáng đến chiều đều rất bận rộn với công việc. Nhưng lương của anh cách đây hơn 50 năm là mấy trăm nghìn đô la hoàn toàn toàn gửi cho quỹ từ thiện cả, không lãnh một đồng nào.
Tại vì thực sự gia đình nhà anh cũng nhiều tiền rồi, và số tiền từ cổ tức cũng như cổ phần của anh đã dư sức cho anh ấy sống không cần tiền lương. Người ta suốt ngày làm việc khổ cực từ sáng đến chiều như thế người ta không vì đồng lương hay muốn làm thêm tiền, thành ra số tiền không phải động cơ anh làm việc nữa mà, động cơ làm việc là trách nhiệm đối với xã hội.
Đại gia là thế nào? Mình là một chủ doanh nghiệp lớn thì mình có trách nhiệm với các nhân viên làm việc cho mình. Một tập đoàn lớn có thể có 2 – 3 trăm người thậm chí lên đến triệu người làm việc cho mình thì mình phải có trách nhiệm đối với nhân viên làm sao người ta luôn luôn có công ăn việc làm, không bị thất nghiệp.
Còn đối với dân chúng mình là một doanh nghiệp như thế mình phải phục vụ cho tốt. Đại gia một là như vậy, thành đạt trong công việc mình làm, tạo ra rất nhiều tiền nhưng nó không phải là vấn đề quan trọng nhất mà vấn đề của mình là cái trách nhiệm đối với xã hội, trách nhiệm đối với cơ quan của mình, đối với nhân viên của mình, khách hàng và cuối cùng là đối với xã hội.
PV: - Từng là Chủ tịch, Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm Quốc tế Mỹ American Internatinal Underwiter… rồi từng là nhà kinh doanh địa ốc, là nhà tài chính cao cấp… khỏi phải nói ông có rất nhiều tiền. Với những gì mình làm được ông có nghĩ mình là một đại gia thực sự?
Ông Bùi Kiến Thành: – Về vấn đề này, bản thân tôi không muốn nói chuyện riêng về mình. Nhưng có thể nói, qua một thời gian từ 1954 tới 1975 thì những việc làm, những cơ sở kinh doanh của tôi ở trong nam cũng rất đáng kể, hay là đi làm việc ở nước ngoài suốt bao nhiêu năm trước khi về đây cũng rất đáng kể.
Nhưng khi về đây từ hồi 1991 đến bây giờ tôi không có tính về đây để làm giàu mà về đây để giúp cho mọi người làm giàu, về đây để đưa ra những ý kiến, những đề xuất đối với Chính phủ làm sao để nền kinh tế Việt Nam vươn lên.
Đó là vấn đề quan trọng, không phải để làm giàu cho cá nhân của mình.
- Xin cám ơn ông!

Không có nhận xét nào: