Pages

Thứ Bảy, 31 tháng 3, 2012

Nới kiểm soát mạng sau vụ Bạc Hy Lai?

Các ông Tập Cận Bình, Ôn Gia Bảo và Hồ Cẩm Đào tại Quốc hội
Trong những tuần qua, một số trang mạng lớn nhất Trung Quốc đã nới lỏng kiểm duyệt vốn được áp dụng bởi một số điều khoản cấm kỵ từ trước.
Từ khóa ‘lục tứ’ chỉ ngày 4/6, khi xảy ra cuộc đàn án Thiên An Môn ở Bắc Kinh năm 1989 cũng như tên của giáo phái bị cấm ‘Pháp Luân Công’ đã lần lần xuất hiện trở lại khi tìm kiếm trên các trang đông người đọc như Baidu, hay mạng xã hội Sina Weibo có 300 triệu người dùng.
Theo các nhà quan sát truyền thông Trung Quốc, các diễn biến bất thường này xảy ra cùng thời điểm có vụ be bối chính trị lớn nhất Trung Quốc từ 20 năm qua: vụ Vương Lập Quân và Bấm Bạc Hy Lai.
Cú ‘ngã ngựa’ của Bí thư Trùng Khánh, ông Bạc Hy Lai, trước kỳ họp Quốc hội vừa qua cũng làm bùng lên đồn thổi về số phận của nhân vật cao cấp nhất ngành an ninh Trung Quốc, ông Chu Vĩnh Khang, người từng ủng hộ ông Bạc mạnh mẽ trong Bộ Chính trị.
Một số nhà phân tích tin rằng đợt ‘cởi mở trên báo chí mạng’ có liên quan đến cuộc tranh chấp quyền bính ở cấp cao nhất trong bộ máy chính trị Trung Quốc.

Nhằm đánh vào Bạc Hy Lai?
Trước kỳ đại hội đảng lần thứ 18 vào mùa thu này, Trung Quốc đang chứng kiến sự bùng nổ của báo chí mạng và hiện có dấu hiệu rằng chính trị phe phái đang tác động đến quy luật kiểm duyệt Internet.
Theo blooger David Goldman nhận xét trên trang New York Times, một số nhà quan sát chuyên về Trung Quốc đang tìm cách đọc những chỉ dấu chính trị rộng hơn qua giám sát các tin hoặc bình luận đăng tải, hay đúng hơn là được phép cho đăng tải trên mạng xã hội Trung Quốc.
Ngay sau khi Giám đốc Công an Trùng Khánh lúc đó, ông Vương Lập Quân, chạy vào lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô hôm 6/2, điều lạ là bộ máy kiểm duyệt không tỏ ra nỗ lực ngăn mọi tin đồn về vụ việc.
Một số người đồn rằng chính quyền cố ý nới lỏng kiểm soát tin tức để hạ uy tín của Bạc Hy Lai, khi đó là cấp trên của ông Vương.
Người ta tin rằng ông Chu Vĩnh Khang ủng hộ ông Bạc Hy Lai
Bill Bishop, một chuyên gia về Trung Quốc hiện sống tại Bắc Kinh, đưa ra suy đoán trên Twitter ngày 8/2:
“Có phải cơ quan tuyên giáo ở Bắc Kinh cho phép thảo luận về Vương Lập Quân vì chuyện này gây tiếng xấu cho Bạc Hy Lai?”
Nhưng ngay sau đó, dân mạng Trung Quốc báo tin rằng tìm tên ‘Tưởng Vệ Bình’, một nhà báo kỳ cựu hiện đóng tại Toronto, người chỉ trích ông Bạc Hy Lai mạnh mẽ, trên Baidu thì thấy tên ông Tưởng đã không còn bị cấm.
Tưởng Vệ Bình bị án tám năm tù năm 2001 theo lệnh của ông Bạc Hy Lai chỉ vì viết ba bài báo đăng ở Hong Kong phê phán ông Bạc. Ông Tưởng được thả sau sáu năm tù và ra hải ngoại sống nhưng vẫn viết bài chỉ trích Bạc Hy Lai.
Dù sau đó, tên của ông Tưởng lại bị chặn nhưng dân mạng Trung Quốc hiểu được thông điệp rằng: “Bạc Hy Lai đã ở vào thế nguy”.
Quả vậy, ông Bạc đột ngột bị cách chức Bí thư Đảng phụ trách Trùng Khánh vào ngày 15/3 mà không có lý do gì được chính quyền nêu ra.
Các trang mạng Trung Quốc rộ lên bàn thảo về chuyện ông Bạc hiện ở đâu.
Cơ quan kiểm duyệt một lần nữa đã nới rộng tay khác thường, để mặc cho những lời đồn thổi lưu truyền trên mạng vài ngày rồi mới ngăn chặn khi tin đồn về vụ ‘đảo chính quân sự ở Bắc Kinh’ vượt khỏi tầm kiểm soát.
Về Pháp Luân Công
Đợt tin đồn trên mạng mới nữa là tin lãnh đạo an ninh Trung Quốc, ông Chu Vĩnh Khang, có âm mưu cùng ông Bạc Hy Lai muốn gây chuyện cho quá trình nối ngôi của ông Tập Cận Bình từ Chủ tịch Hồ Cẩm Đào.
Bản thân ông Chu đã lên truyền hình để bác bỏ tin đồn nhưng người ta vẫn bàn tán thuyết rằng vị trí của ông không còn vững.
Kiểm duyệt cũng được nới lỏng với phong trào tâm linh Pháp Luân Công, tổ chức vốn cáo buộc ông Giang Trạch Dân và người được ông nâng đỡ là Chu Vĩnh Khang đã “ra lệnh truy bức và tra tấn”thành viên của họ.
Pháp Luân Công chính thức bị ông Giang Trạch Dân, khi đó là Chủ tịch nước, cấm ở Trung Quốc năm 1999. Ông Chu Vĩnh Khang nắm ngành an ninh đã chỉ đạo chiến dịch đánh phong trào này.
Phái Pháp Luân Công bị cấm ở Trung Quốc và truyền thông cũng bị cấm nói đến họ
Vào ngày 17/3, hai ngày sau khi ông Bạc Hy Lai mất chức, trang web Đại Kỷ Nguyên (Epoch Times) có liên hệ với Pháp Luân Công, không bị chặn tại Trung Quốc một thời gian ngắn, theo người dùng mạng Trung Quốc.
Tuần trước, trang web này thông báo một số từ khóa liên quan đến Pháp Luân Công được mở một thời gian ngắn ngủi trên Baidu và Sina Weibo.
Hôm 21/3, một trang web tiếng Hoa mang tên ‘Chuyển Pháp Luân”, tức là cuốn kinh sách chính của Pháp Luân Công đã hiện ra đầu bảng tìm kiếm trên Baidu.
Tên này chỉ bị kiểm duyệt chặn vào ngày sau đó.
Từ khóa “Ngọn lửa giải dối” trong tiếng Hoa, tên của một bộ phim tài liệu, cũng không bị chặn.
Đây là phim cho rằng vụ năm thành viên Pháp Luân Công tự thiêu tại quảng trường Thiên An Môn năm 2001 chỉ là trò dàn dựng của công an Trung Quốc.
Thậm chí quan trọng hơn là chuyện kiểm duyệt mạng cho phép người dùng tiếp cận cả các cụm từ liên quan đến những cáo buộc nghiêm trọng rằng chính quyền Trung Quốc giết thành viên Pháp Luân Công để lấy nội tạng đem bán.
Những cáo buộc đó cho rằng các ông Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai và Vương Lập Quân có dính líu đến chuyện giết người lấy nội tạng đó.
Chẳng hạn khi tìm kiếm bằng tiếng Hoa “thu hoạch gan”, “thu hoạch máu”, hay “Vương Lập Quân mua hàng tươi sống” thì đều có thể tìm được, theo trang Epoch Times đưa tin hôm 26/3.
Bới cấm Thiên An Môn?
Tại Trung Quốc, cụm từ ‘Lục Tứ’ ngày 4/6/1989, chỉ vụ đàn áp Thiên An Môn, luôn bị cấm nhưng lại gắn liền với công danh của ông Giang Trạch Dân, người được đưa lên đỉnh cao quyền lực sau vụ Thiên An Môn.
Hôm 21/3, dân mạng Trung Quốc tìm “Lục Tứ” và thấy xuất hiện trên Baidu một lúc.
Trang Quả Táo từ Hong Kong trích lời bà Đinh Tử Lâm, người lập ra nhóm ‘Các bà mẹ Thiên An Môn” nói chồng bà nay tìm thấy nhiều “nội dung tế nhị” trên mạng.
Bà hỏi:
"Ông Ôn Gia Bảo biết rằng trong tương lai, chuyện Thiên An Môn sẽ được công nhận"
Trần Khuê Đức
“Vì sao tìm trên mạng bây giờ lại được? Chúng tôi không rõ lý do mà chỉ hy vọng tình hình biến đổi sáng sủa hơn.”
Nhưng báo Quả Táo cũng nói tìm tương tự trên Sina Weibo thì không được gì.
Cùng thời gian, thảo luận về ông Triệu Tử Dương, cố Thủ tướng có đầu óc cải cách, người bị loại vì có cảm tình với sinh viên ở Thiên An Môn và chết khi bị giam tại gia năm 2005, cũng xuất hiện trở lại trên mạng.
Hôm 20/2, một bài chân dung về ông Triệu có trên trang Baike (Bách Khoa), bản từ điển toàn thư do mạng Baidu duy trì.
Chỉ trong một thời gian ngắn, bài đã thu hút hàng triệu lượt đọc và làm nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về Triệu Tử Dương trên các trang mạng microblogs.
Nhưng sau hai ngày, bài chân dung ông Triệu bị xóa, khiến nhà phân tích chính trị tại Bắc Kinh, ông Trần Tử Minh, nói với báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng ở Hong Kong rằng ông tin là có tranh luận ở cấp cao trong Đảng có nên mở cửa để thảo luận về ông Triệu hay không.
Nhưng quan tâm về Triệu Tử Dương tiếp tục có đà và trước lễ Thanh Minh ngày 5/4 năm nay, nhiều dân mạng vẫn tiếp tục vào thăm trang tưởng niệm ông, cũng trên mạng Internet.
Báo Hong Kong tin rằng có những động thái cho thấy hoặc đang có tranh chấp quyền bính tại Trung Quốc hoặc có cả sự thúc đẩy cải cách chính trị, thể hiện qua việc lúc đóng, lúc mở Internet.
Nhưng câu hỏi là mọi diễn biến đó có khiến Trung Quốc tiến về hướng cởi mở và đi tới về chính trị hay không?
Có khả năng ông Ôn Gia Bảo muốn cho nói rộng hơn về Triệu Tử Dương và Thiên An Môn
Ông Lý Đại Đồng, cựu chủ bút tuần báo Băng Điểm (Freezing Point) thuộc nhật báo Thanh Niên Trung Quốc, nói với Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng ông chẳng thấy có sự tiến bộ nào hết.
Ông tin rằng: “Hiện những gì xảy ra không phải là sự tiến bộ vì nhiều thứ ở Trung Quốc không được cơ chế hóa nên chúng có thể mở ra trong vài ngày, rồi sau đóng lại, biến mất.”
Vậy ai có thể được lợi từ cách nới lỏng tin tức về Thiên An Môn và Pháp Luân Công?
Trần Khuê Đức, nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc hiện sống tại Hoa Kỳ, nói với tờ Epoch Times rằng chính Thủ tướng Ôn Gia Bảo là người hưởng lợi từ chuyện mở cửa với chủ đề Thiên An Môn:
“Ông là người thông minh và biết rằng trong tương lai, chuyện Thiên An Môn sẽ được công nhận.”
Ông Trần cũng đồng ý rằng nói nhiều về Pháp Luân Công sẽ gây hại cho cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân và ông Chu Vĩnh Khang.
“Ai cũng biết Giang và Chu nỗ lực trấn áp Pháp Luân Công, nhất là Giang Trạch Dân. Cho phép nói về chuyện này là cách tấn công ông ta.”
Người ta vẫn tin rằng kiểm duyệt mạng ở Trung Quốc là nhằm ngăn chặn “các thế lực thù địch bên ngoài” và giới đối kháng trong nước, nhưng việc nới lỏng nó lại trở thành vũ khí cho đấu đá phe phái trong đảng.
Những điều này cho thấy cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc đang trở nên hung bạo hơn và ít bị che dấu khỏi con mắt của dư luận.
Cứ thế, hiện tượng này cũng không giúp cho tương lai lâu dài của đảng.
Bài phân tích do BBC Monitoring, cơ quan theo dõi tin tức quốc tế của BBC đóng tại Caversham, Anh Quốc, thực hiện và phổ biến hôm 29/3/2012.

Không có nhận xét nào: