Pages

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Chuyên gia Nhật nhìn an ninh Biển Đông


Ông Shinji Yamaguchi (trái) và Jean-Pierre
Cabestan ở hội thảo
Lê Quỳnh

BBC từ Hong Kong

Nhật Bản xem các tranh chấp lãnh hải gồm vùng Biển Đông là phép thử cho hướng đi tương lai của Trung Quốc trong khi hải quân Quân Giải phóng đang thực hiện chiến lược ba giai đoạn.
Một chuyên gia quốc phòng Nhật Bản cho biết như vậy trong buổi thuyết trình hôm 27/3 ở Hong Kong bàn về tham vọng trên biển của Trung Quốc.
Ông Shinji Yamaguchi phát biểu trong bối cảnh tiếp tục có căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh sau khi Nhật Bản đầu tuần này tuyên bố một đảo thuộc khu vực tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư là “tài sản quốc gia”.

Tại cuộc thảo luận có mặt các nhà ngoại giao và học giả các nước như Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc và Ấn Độ, ông Shinji Yamaguchi tóm tắt những ý chính trong báo cáo gần đây về hải quân Trung Quốc, đuợc công bố bởi cơ quan của ông, Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản (NIDS) – đơn vị có quan hệ mật thiết với Bộ Quốc phòng.
Sứ mạng của ông Shinji Yamaguchi ở Hong Kong dường như nhằm quảng bá quan điểm của giới chuyên gia quốc phòng Nhật và cũng để thử phản ứng dư luận trong vùng, đặc biệt là Trung Quốc.
Báo cáo của NIDS nói tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông bắt đầu căng thẳng hơn từ cuối thập niên 1960 và tiếp tục là một trong những yếu tố gây bất ổn ở Đông Nam Á cho đến nay.
Thái độ của Trung Quốc cũng thay đổi tùy thời điểm. Thập niên 1970 và 1980 chứng kiến Trung Quốc dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa năm 1974, bãi đá Gạc Ma năm 1988 và đảo đá ngầm Vành Khăn năm 1995.
Sang cuối thập niên 1990, Bắc Kinh thay đổi giọng điệu và bắt đầu bàn bạc với Asean, dẫn đến Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 hứa hẹn kiềm chế và không dùng vũ lực.
Tuy vậy, ông Yamaguchi ghi nhận, Trung Quốc lại trở nên cứng rắn hơn từ vài năm qua, cùng với sự tăng tiến hoạt động của các cơ quan Hải giám và Ngư chính. Ví dụ, tàu Ngư chính lớn nhất mang số hiệu 311 được điều ra Biển Đông từ tháng Ba 2009 và ngày càng có những hành động khiêu khích, mà điển hình là dính líu vụ cắt cáp tàu Viking 2 của Việt Nam hồi tháng Sáu 2011.
Tài liệu của NIDS cho biết Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng chủ động diễn tập trên Biển Đông cùng các cơ quan giám sát hàng hải.
Mỗi năm đều có ít nhất một sự kiện như vậy kể từ 2009, trong đó có cuộc tập trận nhằm “giành lại đảo do quân thù chiếm đóng” hồi mùa hè năm ngoái.
Mục tiêu chiến lược
Dẫn lại báo cáo của NIDS mà ông là một trong bảy người hiệu đính, ông Yamaguchi cho rằng Trung Quốc có ít nhất ba mục tiêu chiến lược từ trung đến dài hạn ở Biển Đông.
Mục tiêu thứ nhất – giúp giải thích sự cứng rắn hơn của Bắc Kinh – là bảo đảm các lợi ích, đặc biệt là kinh tế, trên Biển Đông. Nhu cầu năng lượng của Trung Quốc ngày càng lớn, khi mà phụ thuộc vào dầu thô nhập khẩu đã lên đến 55.2% năm ngoái, cao hơn cả Mỹ (53.5%). Bắc Kinh ngày càng tin rằng sẽ tuyệt vời nếu khai thác được tài nguyên dưới lòng Biển Đông.
Điều đáng nói, các dự báo của Trung Quốc về trữ lượng ở vùng biển này thường cao hơn của nước ngoài. Một nghiên cứu của Trung Quốc cho rằng có 36.78 tỉ tấn dầu và 7.55 nghìn tỉ mét khối khí đốt ở nơi được gọi là “Vịnh Ba Tư thứ hai”, trong khi phía Nhật Bản lại dẫn nguồn của Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ đoán chỉ có khoảng 3.78 tỉ tấn dầu, còn Husky Energy của Canada thì nói khí đốt tự nhiên gần quần đảo Trường Sa ở khoảng 170 tỉ mét khối.
Viện Quốc phòng Nhật giải thích Trung Quốc “ngày càng bất mãn với các nước có tranh chấp mà lại đang đi đầu trong khai thác tài nguyên ở Biển Đông”. Bằng việc gia tăng tuyên bố chủ quyền và phô trương sức mạnh quân sự, Trung Quốc “cố gắng ngừng việc khai thác một chiều của các nước và kiếm tìm lợi thế trong vấn đề này”.
Nhiều chuyên gia Trung Quốc, cả dân sự và quân sự, ủng hộ cách tiếp cận này, cho rằng cần đưa hải quân kiểm soát Biển Đông để từ đó chiếm phần hơn khi bước vào đối thoại và đàm phán. Học giả nổi tiếng Diêm Học Thông, Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế của Đại học Thanh Hoa, tuyên bố Trung Quốc lâu nay nhường nhịn láng giềng nhưng lại bị lợi dụng và vì thế cần có những biện pháp trừng phạt.

Nằm ở Đông Bắc Á gần Bắc Hàn, Lực lượng Tự vệ Nhật luôn đề cao cảnh giác
Mục tiêu thứ hai là bảo đảm tuyến đường vận tải trên Biển Đông, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc ngày càng gắn chặt với kinh tế toàn cầu. Trung Quốc đặc biệt phụ thuộc vào các tuyến đường vận chuyển đi qua eo biển Malacca – khoảng 60% tàu bè đi qua nút thắt cổ chai này treo cờ Trung Quốc hoặc là đang vận chuyển hàng cho Trung Quốc.
Phía Nhật nói Trung Quốc lo ngại việc các láng giềng tranh chấp như Malaysia và Việt Nam đặt mua tàu ngầm. Theo báo cáo, tàu ngầm là vũ khí thích hợp để phá vỡ các tuyến đường biển huyết mạch, và đây cũng là lý do để Trung Quốc đẩy nhanh sự hiện diện của hải quân trong vùng.
Mục tiêu thứ ba xa hơn là đối chọi với quân lực Mỹ mà một dẫn chứng là căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam.
Nhật Bản cho rằng nếu năng lực phòng thủ và tấn công ở Hải Nam được hoàn thiện, nó có thể “làm tăng khả năng đối phó với sự hiện diện của hải quân Mỹ ở vùng biển xung quanh Trung Quốc”. Tàu ngầm từ Hải Nam sẽ không chỉ ra đến Biển Đông mà thậm chí đi xa tới tây Thái Bình Dương để hạn chế hoạt động của quân Mỹ.
Một tham vọng lớn của Trung Quốc là cố gắng chế tạo tên lửa đạn đạo đối hải có thể bay xa hơn 1500 cây số để bắn chìm tàu sân bay Mỹ trước khi quân Mỹ kịp vào Vòng phòng thủ thứ nhất (first island chain) trong trường hợp xung đột ở Đài Loan hay Biển Đông. Phía Nhật nhận định mặc dù Trung Quốc “có thể thành công” trong tương lai gần, nhưng hiện tại dự án này vẫn gặp nhiều trục trặc kỹ thuật.
Nhật tìm đối tác
Ông Yamaguchi cho hay là quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông, Nhật Bản buộc phải quan tâm đến tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước ở Biển Đông. Trước mắt, khác với ở Biển Đông, Trung Quốc không khiêu khích Nhật Bản bằng những sự kiện như quấy rối tàu khảo sát nước ngoài hay tập trận đạn thật rầm rộ. Lý do chính có lẽ đơn giản là vị thế của Nhật cũng như rủi ro làm xấu đi quan hệ với Mỹ, vốn đang đặt căn cứ quân sự tại Nhật.
Tuy vậy, Nhật Bản cáo buộc ngày càng xuất hiện nhiều tàu Ngư chính và Hải giám của Trung Quốc ở khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku, mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Năm ngoái, hai máy bay do thám của Trung Quốc cũng lần đầu tiên bay đến sát bãi đáp của Nhật trên đảo. Tokyo lo ngại nếu sức mạnh quân sự của Trung Quốc cải thiện trên cả Biển Hoa Đông, thì có thể Trung Quốc sẽ có thái độ cứng rắn tương tự như đã xảy ra ở Biển Đông.
Bản báo cáo của NIDS khuyên Trung Quốc rằng “gây áp lực với các nước tranh chấp ở Đông Nam Á có thể chỉ khiến các nước lo bảo vệ chủ quyền bằng biện pháp hung hăng hơn, mà kết quả là làm tăng căng thẳng khu vực”. Theo họ, Trung Quốc cần hòa hoãn hơn và có những bước cụ thể để hoàn tất một bộ quy tắc ứng xử trên biển với các nước Asean.
Một chuyên gia về Nhật Bản, GS. Jean-Pierre Cabestan (Đại học Hong Kong Baptist), nói với BBC tại hội thảo rằng mức độ cạnh tranh hay hợp tác giữa Nhật và Trung Quốc sẽ phụ thuộc liệu Bắc Kinh có tôn trọng trật tự hiện nay ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi Nhật đã quản lý hành chính, hay không.

Chiến hạm Nhật Bản trong một chuyến thăm Hải Phòng
“Nó cũng phụ thuộc hai nước có tìm được cách cùng khai thác ở khu vực Shirakaba/Chunxiao. Đó sẽ là nguồn cảm hứng cho Trung Quốc và Đông Nam Á tìm kiếm thỏa thuận tương tự ở Biển Đông,” ông nói.
Đó là hy vọng, còn thực tế gần đây giới học giả và dư luận Nhật ngày càng lo ngại về sự tăng cường quân sự của Trung Quốc. Khảo sát của BBC World Service năm 2011 cho hay 88% người Nhật có phản ứng tiêu cực trước viễn cảnh quân đội Trung Quốc trở nên mạnh hơn.
Chính phủ Nhật cũng đã chuyển trọng tâm từ Lực lượng Tự vệ trên Bộ sang trên Biển, đồng thời tái khẳng định liên minh Mỹ – Nhật, củng cố quan hệ với các nước “cùng chia sẻ giá trị” như Úc và Hàn Quốc. Tại Đông Nam Á, Tokyo cũng nhấn mạnh hợp tác đa phương, trong đó có với Việt Nam. Năm ngoái, Thứ trưởng quốc phòng Nhật tuyên bố nước này sẽ đóng vai trò “hợp tác cụ thể hơn” trong cuộc gặp với giới chức Asean bàn về Biển Đông.
Và nói như một phóng viên thường trú ở Tokyo, tin tức tại Nhật Bản hiện nay hình như chỉ xoay quanh hai vấn đề: sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc (mà Nhật và cả châu Á phụ thuộc), cùng các bài viết về đe dọa an ninh của Trung Quốc.
Mới nhất trong tuần này, Nhật Bản và Trung Quốc lại cãi vã sau khi Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho hay một trong bốn đảo ở khu vực Senkaku/Điếu Ngư được xếp vào tài sản quốc gia.
Bốn hòn đảo được Nhật chính thức đặt tên vào đầu tháng Ba. Đáng chú ý, theo báo Nhật, năm ngoái Tokyo tuyên bố kiểm soát 23 đảo trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, nhưng đã chừa ra bốn đảo trên để tránh kích động Bắc Kinh. Như thế, động thái liên quan bốn đảo này giờ đây phải được xem là sự cố ý đối đầu ngoại giao.
Sự cạnh tranh chiến lược Nhật – Trung có thể được một số nước tranh chấp Biển Đông ngầm hoan nghênh. Hôm 23/3 lần đầu tiên diễn ra Đối thoại Chiến lược cấp thứ trưởng giữa Nhật và Philippines. Theo truyền thông Nhật, Tokyo có gợi ý cho Philippines tàu tuần tra theo hình thức vốn vay ODA.
Nhưng Trung Quốc sẽ xem những động thái như vậy là sự bao vây. Không khó để hình dung tranh chấp Biển Đông và Biển Hoa Đông sẽ là hai quân cờ lớn liên quan với nhau trên bàn cờ chiến lược Nhật – Trung trong thời gian tới.

Hình của Hải quân Nhật chụp tàu TQ gần Senkaku 16/3/2012

Không có nhận xét nào: