“…Với địa lý đặc biệt của chúng ta hậu quả sẽ rất kinh khủng và Việt Nam sẽ không còn là Việt Nam. Mọi người Việt Nam và mỗi người Việt Nam phải phản đối, và phản đối thật quyết liệt…”
Cách đây một năm, trong những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2011, cả thế giới đã phập phồng lo lắng theo dõi những gì xảy ra sau khi một cơn sóng thần dữ dội chưa từng thấy tàn phá 600km bờ biển Fukushima làm gần 20.000 người thiệt mạng và tràn ngập nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi.
Cả thế giới đã dành mọi ngưỡng mộ cho nhóm 50 kỹ sư và kỹ thuật viên, nhómFukushima 50, đã tình nguyện đương đầu với cái chết trong những ngày đầu để tạo điều kiện cho các đội cấp cứu có thể tới ngăn chặn đại họa. Họ là những anh hùng của thời đại mới, những người hy sinh cho đồng loại thay vì thống trị và đàn áp.
Fukushima trước hết là một bài học khiêm tốn. Người ta không bao giờ có thể tiên liệu được tất cả mọi mối nguy. Nhật là nước nhiều kinh nghiệm nhất về sóng thần và động đất và cũng là một mẫu mực cho thế giới về sự thận trọng và chính xác nhưng các nhà máy điện nguyên tử đã chỉ dự trù để đương đầu với những ngọn sóng cao tối đa 6m trong khi thực tế là ngọn sóng tháng 3/2011 đã cao 15m tại địa điểm nhà máy và 30m ở vài nơi khác. Và các lò phản ứng theo nhau phát nổ. Kết quả là bờ biển và vùng biển Fukushima bị ô nhiễm nặng trong nhiều thập niên, nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi bị hủy hoại và sự tháo gỡ sẽ đòi hỏi 40 năm. Các nhà máy điện nguyên tử được thành lập để cung cấp năng lượng rẻ và sạch nhưng trong trường hợp này môi trường đã bị nhiễm độc nặng và cái giá phải trả đã quá, quá cao. Chưa kể 20.000 mạng người.
Sau đó Nhật, tất cả các nước phát triển và hầu hết mọi nước trên thế giới tuyên bố đình chỉ việc xây dựng các nhà máy điện nguyên tử, đa số tuyên bố bỏ hẳn năng lượng hạt nhân. Lý do: không thể dự đoán được mọi nguyên nhân tai nạn trong khi hậu quả quá khủng khiếp.
Bối cảnh quốc tế này làm nổi bật sự điên cuồng của chính quyền cộng sản. Trong khi cả thế giới từ bỏ điện hạt nhân thì họ lao vào một cách cực kỳ vô ý thức. Ngay trước thảm họa Fukushima mọi quốc gia chấp nhận điện nguyên tử cũng đã tỏ ra rất thận trọng. Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước có kỹ thuật hạt nhân cao, và có cả bom nguyên tử, đã chỉ đi những bước rất dè dặt. Sau hơn 30 năm tỷ lệ điện nguyên tử của họ mới chỉ sấp sỉ bằng 2% tổng số điện sản xuất. Năm 2008 khi chính quyền Việt Nam tuyên bố xây dựng bốn lò phản ứng trong hai nhà máy điện nguyên tử dự trù đi vào sản xuất năm 2020, tương đương với một tỷ lệ điện nguyên tử 20% cho Việt Nam, nhiều chuyên gia đã hoảng hốt lên tiếng báo động. Quá liều lĩnh, ngay cả nếu chúng ta không chống năng lượng hạt nhân, nhất là chúng ta lại hoàn toàn chưa có kỹ năng cần thiết.
Những cảnh giác này đã có kết quả nào? Chính quyền đã chọn dịp kỷ niệm một năm thảm kịch Fukushima để tuyên bố sẽ xây dựng không phải bốn mà mười bốn lò điện nguyên tử.
Chúng ta không thể chấp nhận. Khả năng xảy ra tai nạn quá cao vì chúng ta chưa có kiến thức và kinh nghiệm và nếu xảy ra một tai nạn vì bất cứ lý do nào thì có mọi xác xuất là nó sẽ không kiềm chế được. Với địa lý đặc biệt của chúng ta hậu quả sẽ rất kinh khủng và Việt Nam sẽ không còn là Việt Nam. Mọi người Việt Nam và mỗi người Việt Nam phải phản đối, và phản đối thật quyết liệt. Trước hết là các trí thức. Vì hiểm hoạ lớn đến độ mà sự hèn nhát cũng chính là sự liều lĩnh ngu dại nhất.
Ban biên tập Tổ Quốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét