Nhóm PV
“… theo đơn thư phản ánh, ông Nhương đã lập hồ sơ giả để đưa con cháu vào công chức, viên chức; cố tình tuyển dụng, xét tuyển viên chức bừa bãi…”
Một trong 4 lĩnh vực mà ông Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng tỉnh Bắc Ninh nêu ra, yêu cầu đoàn thanh tra liên ngành cần làm rõ là công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ công chức, viên chức tại huyện Quế Võ. Tuy nhiên, giữa bản Kết luận 422 và thực tế ở đây thì còn “lắm chuyện” phải bàn.
Kết luận 422 nêu rõ: “Công tác tuyển dụng, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm, điều động cán bộ, công chức, viên chức xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm ở tất cả các khâu, kéo dài nhiều năm, gây dư luận không tốt trong nhân dân”. Vậy, những khuyết điểm đó là gì, ở những khâu nào? và ai là người phải chịu trách nhiệm?
Như chúng tôi đã thông tin từ bài báo ngày 26/03/2012, dư luận nhân dân huyện Quế Võ rất bất bình trước những điều hành có dấu hiệu vi phạm pháp luật của ông Nguyễn Đình Nhương, Bí thư Huyện uỷ Quế Võ trên nhiều lĩnh vực công tác. Trong bài báo này, chúng tôi chỉ đề cập đến công tác tổ chức cán bộ. Cụ thể, theo đơn thư phản ánh, ông Nhương đã lập hồ sơ giả để đưa con cháu vào công chức, viên chức; cố tình tuyển dụng, xét tuyển viên chức bừa bãi…
Bằng những quyết định này, ông Nguyễn Đình Nhương đã “giúp” con gái mình trưởng thành trong sự nghiệp
Đoàn thanh tra liên ngành cũng lấy nội dung tố cáo này làm căn cứ để xác minh. Các đối tượng “con cháu” mà đơn thư nêu ra là: ông Nguyễn Đình Vượng, Phó Chủ tịch UBND huyện (cháu ruột ông Nhương); bà Nguyễn Thị Hương, Phó phòng Lao động – Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) và bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó phòng Nội vụ (con gái ông Nhương); ông Lại Hữu Bắc, Giám đốc Ban Quản lý Khu công nghiệp huyện (con rể ông Nhương); ông Nguyễn Anh Thắng, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường (cháu ruột ông Nhương), bà Nguyễn Thị Trang (con gái ông Nguyễn Vân Phú, Chủ tịch UBND xã Phượng Mao) …
Về bà Nguyễn Thị Hương, thực tế vào làm hợp đồng cho Phòng Tổ chức – LĐ-TB&XH từ năm 2003. Năm 2009, bà Hương đã gửi hồ sơ để được xét tuyển vào Ban Quản lý Khu công nghiệp huyện (chỉ gửi hồ sơ, chưa từng làm ở đây ngày nào cả). Sau khi có quyết định xét tuyển này, bà Hương được “điều động” về Phòng LĐ-TB&XH. Khi chưa hết thời gian tập sự (tính từ ngày có quyết định này), bà Hương đã được cất nhắc lên vị trí Phó Trưởng phòng, mặc dù lúc đó vẫn chưa đủ các điều kiện cần và đủ khác.
Ông Nguyễn Đình Vượng (người đeo kính) và ông Nguyễn Đình Lợi là các cán bộ có sai phạm được nêu trong Kết luận 422.
Với ông Lại Hữu Bắc cũng tương tự. Ban đầu, ông Bắc làm hợp đồng cho Chi cục Thuế Quế Võ, sau đó chuyển về làm kế toán của Phòng Giáo dục rồi chuyển sang làm Ban Quản lý Khu công nghiệp huyện. Nhưng trong hồ sơ lại có thời điểm công tác tại Trường Tiểu học thị trấn Phố Mới. Thực tế, ông Bắc chưa từng công tác, hưởng lương ở đây ngày nào cả. Trường hợp ông Bắc cũng giống bà Hương, chỉ là gửi hồ sơ để lấy chỉ tiêu xét tuyển, rồi “làm” quyết định điều động là xong!
Theo thông tin chúng tôi nắm được, cả bà Hương và ông Bắc đều học ở Trường Quản lý Kinh tế công nghiệp, nay nâng cấp và được đổi tên là Trường Cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên – Cơ sở 2). Sau này, ông Bắc và bà Hương tiếp tục theo học đại học từ xa tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên.
Trường hợp ông Nguyễn Anh Thắng cũng không ngoại lệ. Do mới học hết bậc THCS nên ông Thắng đăng ký học ở Trường Quản lý Kinh tế công nghiệp, hệ 3 năm 2 bằng (sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp bằng THPT và bằng chuyên nghiệp). Sau đó, ông Thắng tiếp tục học đại học “chuyên tu” giống bà Hương và ông Bắc. Đến nay, cả ông Thắng, ông Bắc và bà Hằng đều đã tốt nghiệp thạc sĩ theo dạng “liên doanh liên kết”.
Con đường công danh của ông Thắng “sán lạn” vô cùng. Sau khi làm hợp đồng tại Phòng Tài nguyên – Môi trường và thi trượt công chức, ông Thắng chuyển về công tác tại Uỷ ban Kiểm tra Huyện uỷ Quế Võ và được xét tuyển công chức trong chỉ tiêu khối cơ quan Đảng. Năm 2009, ông Thắng được điều chuyển trả lại Phòng Tài nguyên – Môi trường ở vị trí Phó phòng và nay đã lên Trưởng phòng. Đây cũng là con đường mà ông Nguyễn Đình Vượng đã đi, nay đã tại vị ở chức Phó Chủ tịch UBND huyện. Và, hiện tại ông Vượng đã theo học “tiến sĩ”!
Ngoài ra, còn 11 trường hợp khác (trong đó có 3 trường hợp là cháu ruột ông Nhương, 4 trường hợp là con, cháu lãnh đạo một số xã và phòng, ban của huyện Quế Võ) cũng được tuyển dụng dưới hình thức ký hợp đồng ở cơ quan hành chính Nhà nước, nhưng gửi hồ sơ xét tuyển tại các trường học, rồi ra quyết định điều động để hợp thức chỉ tiêu công chức (theo quy định là phải thi tuyển). Đây chính là hình thức giả mạo hồ sơ.
Không chỉ sai phạm ở khâu tuyển dụng, mà tiếp tục sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ là trưởng, phó trưởng phòng; cấp trưởng, cấp phó các đơn vị sự nghiệp; hiệu trưởng, hiệu phó các trường thuộc 3 bậc học là mầm non, tiểu học và THCS. Toàn bộ việc bổ nhiệm trong giai đoạn 2005 đến tháng 8/2011 (thời điểm thanh tra), huyện không làm quy hoạch cán bộ. Đoàn thanh tra đã tiến hành kiểm tra hồ sơ của 47 cán bộ lãnh đạo là hiệu trưởng, hiệu phó các trường mầm non, tiểu học và THCS với 60 lượt bổ nhiệm, kết quả: 23 người không có bảng kê khai tài sản, 21 người không có phiếu tín nhiệm, 34 người không có nhận xét của cơ quan quản lý Nhà nước trước khi bổ nhiệm. Việc không làm công tác quy hoạch và bổ nhiệm theo kiểu tùy hứng được nhiều cán bộ huyện Quế Võ nhận định là để dễ bề cất nhắc với những ai thuộc “cánh hẩu” và “biết điều”.
Kết luận 422 quy trách nhiệm của những sai phạm trong công tác tổ chức cán bộ thuộc về Chủ tịch UBND huyện Quế Võ (giai đoạn này là ông Nhương) và lãnh đạo Phòng Nội vụ là ông Nguyễn Đình Lợi, hiện giữ chức Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Quế Võ. Sai là vậy, chưa xem xét, xử lý kỷ luật nhưng không hiểu sao Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Bắc Ninh lại về làm quy trình để chuẩn bị bổ nhiệm ông Lợi vào chức danh Phó Bí thư Thường trực kiêm Chủ tịch HĐND huyện Quế Võ?
Nếu cứ thanh tra, xử lý kiểu cho… lên chức, chắc hẳn chỉ có ở Bắc Ninh!
Theo: Báo Thanh tra
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét