Phan Hoàng Linh
“Bảy xin Hiến pháp ban hành
Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”(Hồ Chí Minh)
Từ “Nhà nước chăm lo cho nhân dân” đến “Nhà nước phục vụ nhân dân”, từ “lấy dân làm gốc” cho tới “dân là gốc”, đó không chỉ là sự thay đổi đơn thuần về mặt thuật ngữ của chúng ta khi đề cập tới vấn đề quyền lực Nhà nước, mà còn thể hiện sự thay đổi sâu sắc về tư duy lý luận, từ một nhà nước bảo hộ dần chuyển sang nhà nước dịch vụ, từ việc xem nhân dân chỉ như là một đối tác để tạo lập quyền lực nhà nước thì đã chuyển sang khẳng định chính nhân dân chứ không phải ai khác, mới là nguồn gốc của quyền lực công.
Trong hằng hà sa số những đạo luật quốc gia, Hiến pháp đóng vai trò quan trọng nhất chính bởi Hiến pháp điều chỉnh mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân kể trên. Từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946, tới nay chúng ta đã trải qua một lịch sử lập hiến gắn liền với nhiều sự kiện trọng đại của dân tộc với 4 bản Hiến pháp. Cho tới thời đại ngày nay, khi nhu cầu tu chỉnh Hiến pháp trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, người ta càng lúc càng nhận thấy những giá trị lịch sử của bản Hiến pháp đầu tiên, dù ra đời trong một hoàn cảnh hết sức gấp rút và còn có những quy định sơ sài hay những thiếu sót, song nó vẫn để lại nhiều di sản quý báu về mặt tư tưởng cũng như thực tiễn cho công tác lập hiến đầy phức tạp hiện nay. Đã có nhiều sự “quay trở về” với Hiến pháp 1946, như một sự trở về với nguồn cội, nhằm tìm ra những hướng đi đúng đắn cho lần tu chỉnh Hiến pháp tới, làm sao để tạo lập một “đạo luật gốc” thực sự hiệu quả, thực sự bền vững, mới mong xây dựng một chính quyền của dân, do dân, vì dân mà nhiều người hằng mong mỏi.
Kỳ 1: Quyền lập hiến thuộc về ai? (Hay vấn đề Hiến pháp và chủ quyền nhân dân)
Đây là một trong những vấn đề nổi trội và được quan tâm nhiều nhất trong lần sửa đổi Hiến pháp dự định sắp tới.
Chủ quyền nhân dân trong Hiến pháp đầu tiên được quy định ngay tại Điều thứ nhất: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà. Tất cả quyền binh trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo.” và được cụ thể hoá bằng những điều khoản cụ thể tiếp theo, trong đó đáng chú ý là Điều thứ 21: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia, theo Điều thứ 32 và 70.” Thừa nhận quyền phúc quyết Hiến pháp thuộc về nhân dân có nghĩa, quyền lập hiến trực tiếp thuộc về toàn thể dân chúng.
Các bản Hiến pháp tiếp theo, mặc dù tiếp tục có những quy định về chủ quyền nhân dân, nhưng lại không bản Hiến pháp nào có quy định về quyền phúc quyết này. Quyền lập hiến cũng như tu chỉnh Hiến pháp được trao về Nghị viện (từ Hiến pháp năm 1959 trở đi gọi là Quốc hội) – tức thuộc về một cơ quan nhà nước, thuộc về các vị dân biểu, chứ không phải trực tiếp thuộc về nhân dân như bản Hiến pháp đầu tiên nữa.
Nhưng, trong khi tiếp tục khẳng định “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”, song lại không thừa nhận quyền lập hiến thuộc về nhân dân – quyền lực thể hiện rõ nét nhất vấn đề nhân dân là nguồn gốc của quyền lực nhà nước, rõ ràng chúng ta đã có sự mâu thuẫn lớn ở đây. Dưới đây là một vài lý do giải thích sự mâu thuẫn đó cũng như ủng hộ việc chúng ta thừa nhận trở lại vấn đề quyền lập hiến thuộc về nhân dân.
1. Hiến pháp – Khế ước xã hội
Trước khi cách mạng tư sản nổ ra, trong chế độ chiếm nô cũng như đêm trường phong kiến hà khắc, tự do của con người bị bóp nghẹt, và nhà nước chỉ là sức mạnh mà những kẻ thống trị dùng để đàn áp dân chúng, bảo vệ đặc quyền đặc lợi của mình. Vì vậy, xây dựng một mô thức chính quyền dân chủ là ước mơ của không ít những nhà tư tưởng.
Cho đến thời đại khai sáng, nhiều người đã dành hết tâm huyết của mình để làm việc này. Họ mong muốn rằng quyền lực nhà nước phải xuất phát từ nhân dân, và pháp luật phải là một đại lượng chung cho ý chí của toàn thể dân chúng trong xã hội, thì tự do mới có thể được đảm bảo, con người mới có thể phát huy hết khả năng của mình. Từ đó họ cho rằng, Nhà nước và pháp luật phải xuất phát từ ý chí của con người, của toàn thể nhân dân bởi vì Chúa đã để cho con người quyền tự do định ra các quy phạm pháp luật. Được hình thành và bảo vệ ngay từ thời Trung cổ, tư tưởng này đã được triết gia người Anh Hobbes kế thừa. Hobbes đã cố gắng thế tục hóa pháp luật trên cơ sở khái niệm “trạng thái tự nhiên” trong đó tất cả mọi người đều được tự do và bình đẳng. Nhưng điều nổi bật nhất ở Hobbes là ông đã xây dựng nên quan niệm về nhà nước và pháp luật dựa trên một nguồn duy nhất: đó là Khế ước xã hội. Luật pháp và Chính quyền phải là sản phẩm của Khế ước xã hội, của ý chí chung của đa số tuyệt đối người dân. Điều này về sau cũng được một số triết gia như Locke, Rousseau, Kant thừa nhận. Từ Hobbes đến Rousseau, tư tưởng về Khế ước xã hội đã được phát triển lên mức trở thành một học thuyết xây dựng chính quyền nổi tiếng (được đề cập trong tác phẩm cùng tên – “Bàn về Khế ước xã hội” của Rousseau). Rõ ràng đây là một tư tưởng hết sức tiến bộ, phản ánh một nguyện vọng xây dựng chính quyền “của dân, do dân, vì dân” cùng một xã hội thượng tôn pháp luật mà nhân loại khao khát trong hàng ngàn năm trước đó. “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” – một quy định nổi tiếng trong hầu hết các bản Hiến pháp, kể cả Hiến pháp hiện hành của chúng ta – chính bắt nguồn từ tinh thần của học thuyết Khế ước xã hội này.
Một quan điểm tiến bộ trong lý luận về Nhà nước và pháp luật, song nó cũng phải nhận rất nhiều những nghi ngờ, thậm chí là phê phán, phủ định từ nhiều phía. Bởi luật pháp vốn trọng chứng hơn trọng cung, nếu muốn bảo vệ quan điểm Nhà nước và pháp luật là sản phẩm của Khế ước xã hội, trước hết chúng ta cần chứng minh được rằng, tồn tại cái gọi là Khế ước xã hội. Nếu không chứng minh được, mặc nhiên quan điểm đó sẽ nhận phải sự phủ định quyết liệt là điều không thể chối cãi. Giáo sư Jean–Claude Ricci đã nhắc tới sự phê phán như vậy đối với học thuyết về Khế ước xã hội: Quan điểm này có thể bị phủ nhận về mặt lý luận bởi nếu không chứng minh được sự thực lịch sử của khế ước xã hội, không chứng minh được nội dung của khế ước này thì Khế ước xã hội chỉ tồn tại trong tư tưởng của các triết gia và được dùng như một hình ảnh minh họa để giải thích những ý tưởng của họ mà thôi. Nếu khế ước xã hội không thực tồn tại thì mọi lý thuyết xây dựng trên cơ sở khế ước đó hoàn toàn là sai lầm. Người ban hành luật không bao giờ có thể tuyên bố rằng mình đã trở thành nhà lập pháp theo ý chí và thỏa thuận tự do của những người tham gia vào khế ước xã hội. Như vậy, nhà lập pháp không có quyền hợp pháp và khả năng để làm cho pháp luật trở nên bắt buộc.
Từ việc không chứng minh được sự tồn tại của Khế ước xã hội, quan điểm này cũng dễ bị phủ nhận về mặt đạo đức, bởi vì một quan điểm như vậy sẽ hợp pháp hóa quyền của bất kỳ người hoặc nhóm người nào đang nắm giữ quyền lực. Người nắm quyền lực có thể làm bất cứ điều gì bởi họ cho rằng mọi điều họ làm đều thể hiện ý chí của những người tham gia vào khế ước xã hội. Mọi hình thức lạm dụng quyền đại diện, những sự đàn áp, tham quyền và chiếm đoạt sẽ vô tình được hợp pháp hóa.[1]
Những sự phủ nhận đó khiến học thuyết tiến bộ này đứng trước sự lung lay dữ dội. Nhưng 25 năm sau khi Rousseau viết ra tác phẩm “Khế ước xã hội” của mình, thì ở một quốc gia hợp bang xa xôi phía bên kia bờ Đại Tây Dương, xảy ra một sự kiện quan trọng. Những người đại diện cho dân chúng ở các tiểu bang đã gặp nhau tại Philadelphia, và sau nhiều ngày hội họp, tranh luận sôi nổi nhưng cũng không kém phần gay gắt, họ trịnh trọng biểu quyết và đặt bút ký vào một văn bản đặc biệt. Văn bản này có những điểm đáng chú ý sau đây:
- Nó là một văn bản thể hiện sự thoả thuận của đại diện nhân dân các tiểu bang về vấn đề thành lập một chính quyền liên bang vững mạnh thay thế cho các điều khoản hợp bang lỏng lẻo trước đây, quy định trình tự, cách thức thành lập các cơ quan trong chính quyền liên bang và cách thức vận hành chúng. Nó đồng thời cũng được coi là văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất.
- Sau khi được các đại biểu tiểu bang thông qua, văn bản ấy đã trải qua một quá trình lâu dài để vận động dân chúng từng tiểu bang trực tiếp biểu quyết phê chuẩn – kể cả việc phải tu chính, bổ sung thêm một số điều khoản về nhân quyền.
Như vậy, văn bản đó có thể coi là một bản thoả ước của đại đa số nhân dân Mỹ, trong đó quy định việc tạo lập ra chính quyền liên bang cũng như cách vận hành nó để điều hành đất nước.
Văn bản ấy chính là Hiến pháp Mỹ – bản Hiến pháp thành văn được coi là đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Hiến pháp Mỹ được sự phê chuẩn của đại đa số dân chúng, nó khai sinh ra chính quyền liên bang hùng mạnh – điều này đã làm nên một siêu cường đứng đầu thế giới với khởi đầu là một thể chế hợp bang rời rạc; là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, là “luật tối cao của đất nước”. Hãy nghe lời nói đầu đầy trang trọng và tự hào của bản Hiến pháp này: “Chúng ta, nhân dân Hợp chúng quốc Hoa Kỳ với mục đích xây dựng một Liên Bang hoàn hảo hơn nữa, thiết lập công lý, đảm bảo an ninh trong nước, tạo dựng phòng thủ chung, thúc đẩy sự thịnh vượng trong toàn khối, giữ vững nền tự do cho bản thân và con cháu chúng ta, quyết định xây dựng Hiến pháp này cho Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ.” Lời nói đầu tuyên bố “nhân dân” là người lập ra hiến pháp, nhấn mạnh Hiến pháp này là của nhân dân. Bình luận về Lời nói đầu của Hiến pháp Mỹ, một tác giả viết: “Ba từ đó (chúng ta, nhân dân) nói được nhiều hơn bất kỳ ba hay ba mươi từ nào trong toàn bộ bản văn Hiến pháp. Đó không phải là những từ có hiệu lực trực tiếp, chúng không thiết lập một cấu trúc nào, nhưng chúng lại có tính trao quyền, có tính tạo điều kiện, và chúng gửi một thông điệp rất mạnh mẽ đến nhân dân về bản chất của xã hội mà Hiến pháp muốn mô tả”. Lời nói đầu như vậy có giá trị biểu tượng rất cao, tạc nên chân dung của một xã hội đồng lòng – nền tảng cho bất kỳ trật tự hiến pháp nào muốn trường tồn, mặc dù các thành viên của xã hội có thể có những quan điểm, cái nhìn, nguyện vọng khác nhau.[2] Không có gì phải bàn cãi nếu cho rằng Hiến pháp với quyền lập hiến thuộc về nhân dân phản ánh đúng tinh thần của một bản Khế ước xã hội – bởi nó là sự đồng lòng thoả ước của đa số tuyệt đối những người dân. Vì vậy, lý luận về luật học đều thừa nhận một cách rộng rãi rằng Hiến pháp chính là Khế ước xã hội.
Bởi là Khế ước xã hội, quyền lập hiến đương nhiên phải thuộc về dân chúng. Trở lại với những nghi vấn ở trên, với một bản Hiến pháp dân chủ, chúng ta đã chứng minh được sự thực tồn của Khế ước xã hội. Khi chúng ta chứng minh được Hiến pháp là Khế ước xã hội thực tồn tại với sự đồng lòng phê chuẩn của tuyệt đại đa số nhân dân, thì mô thức Nhà nước và pháp luật là sản phẩm của Khế ước công hoàn toàn có cơ sở. Được dân chúng, thông qua Hiến pháp, trao quyền lực đại diện và quản lý xã hội, những người cầm quyền hoàn toàn có thể nhân danh ý chí chung của xã hội để ban hành các luật lệ cũng như điều hành quốc gia. Quyền lực công của cơ quan nhà nước cũng như các viên chức được hợp pháp hoá bởi chính nhân dân, và bị giới hạn bởi Hiến pháp. Nghĩa là, coi Hiến pháp là Khế ước xã hội, chúng ta sẽ loại trừ được những sự phủ định, phê phán về mặt lý luận cũng như đạo đức nói trên, chứng minh được một cách thuyết phục cơ sở của thuyết Khế ước. Tinh thần “Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân” được thể hiện rõ nét nhất thông qua quyền lập hiến của dân chúng.
2. Quyền lập hiến thuộc về nhân dân là nguyên tắc xuyên suốt trong lịch sử tư tưởng lập hiến của dân tộc
Quan niệm quyền lập hiến thuộc về nhân dân cũng phù hợp với lịch sử tư tưởng lập hiến ở nước ta trước và sau Cách mạng tháng Tám. Điểm chung trong tư tưởng lập hiến của các nhà nho yêu nước trước Cách mạng tháng Tám là sự cần thiết phải ban hành một bản hiến pháp cho nước Việt Nam và hiến pháp đó phải thể hiện được ý chí của nhân dân, do nhân dân lập ra. Như vậy có thể thấy rằng, vượt qua cách trở về không gian cũng như điều kiện khó khăn về thông tin từ bên ngoài, các nhà nho yêu nước của Việt Nam đã tiếp thu tư tưởng lập hiến tiến bộ nhất của nhân loại thời kỳ đầu thế kỷ 20 – tư tưởng nhân dân là chủ thể của quyền lực nhà nước, trong đó có quyền lập hiến. Sau Cách mạng tháng Tám, tư tưởng lập hiến của Hồ Chí Minh cũng đề cao hai nguyên tắc: một là bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước; hai là bảo đảm nguyên tắc quyền lập hiến thuộc về nhân dân.[3] Và trên thực tế, Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp do Hồ Chủ tịch khởi xướng đã thể hiện rõ nét điều này.
3. Quyền lập hiến của nhân dân – Tư tưởng phổ biến của Hiến pháp các nước trên thế giới
Nhìn chung hầu hết các quốc gia trên thế giới đã công nhận quyền phê chuẩn, thông qua hiệu lực pháp lý của Hiến pháp là quyền cơ bản của nhân dân, được ghi nhận trong Hiến pháp, thể hiện rõ nét tư tưởng chủ quyền nhân dân đối với Nhà nước. Sự phê chuẩn của nhân dân có thể có nhiều phương thức như trực tiếp trưng cầu dân ý trong toàn bộ quá trình soạn thảo Hiến pháp, hoặc trao quyền phúc quyết cho dân chúng sau khi Nghị viện đã thông qua Hiến pháp… Trong đó, phương thức nhân dân phúc quyết Hiến pháp phổ biến hơn cả. Nội dung cơ bản của quyền phúc quyết Hiến pháp là việc thông qua một Hiến pháp mới, sửa đổi Hiến pháp sau khi được Quốc hội/Nghị viện thông qua đều phải được biểu quyết bởi nhân dân. Cơ sở để đưa ra toàn dân phúc quyết khá phong phú: có thể là do Quốc hội/Nghị viện đã thông qua hoặc do một số lượng đại biểu Quốc hội/Nghị viện đề nghị, hoặc do trong nội bộ các đại biểu còn có nhiều quan điểm khác nhau, hoặc do sáng kiến của nhân dân đề xuất thông qua các cơ quan dân cử. Ngay cả tỉ lệ thông qua cũng khá đa dạng (quá bán hoặc tối thiểu 2/3 tổng số cử tri đi bầu,…). (Vấn đề phúc quyết Hiến pháp sẽ được đề cập cụ thể hơn ở mục tiếp theo)
Quyền phúc quyết, phê chuẩn Hiến pháp của dân chúng thực sự đã trở thành một biểu hiện cao nhất cho tính dân chủ trực tiếp trong xã hội. Nó đã cho thấy nhân dân có vai trò vô cùng quan trọng trong việc quyết định những vấn đề liên quan sát sườn đến lợi ích của bản thân mình và tự xây dựng được ý thức trong việc tham gia xây dựng Hiến pháp, chính sách và pháp luật. Quyền lập hiến, lập pháp cũng được phân chia rõ ràng.[4]
Hợp lý trong lý luận, phổ biến trên thế giới và phù hợp với lịch sử tư tưởng lập hiến ở Việt Nam, quyền phúc quyết Hiến pháp được quy định trong Hiến pháp năm 1946 chính là minh chứng rõ ràng cho nhận định rằng, đây là một bản Hiến pháp tiến bộ không kém bất kỳ một bản Hiến pháp nào trên thế giới vào lúc đó [5]. Vì thế, tôi tin chắc rằng, trong lần sửa đổi Hiến pháp sắp tới đây, quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân sẽ được thừa nhận trở lại, để nhân dân thực sự là cội nguồn của quyền lực Nhà nước.
4. Nhân dân thực hiện quyền lập hiến của mình như thế nào?
Học thuyết chủ quyền nhân dân đòi hỏi Hiến pháp phải được soạn thảo bởi một đại hội phổ thông do dân chúng bầu, chứ không phải là một cơ quan lập pháp thường, và sau đó được phê chuẩn theo một quy trình thể hiện sự chấp thuận của dân chúng – lý tưởng nhất là thông qua trưng cầu dân ý,[6] hay một hoạt động có phạm vi hẹp hơn – phúc quyết Hiến pháp, điều mà Hiến pháp năm 1946 đã ghi nhận. Tuy nhiên, do tính phức tạp của quy trình lập hiến cũng như điều kiện thực tế của mỗi quốc gia, nhân dân không thể trực tiếp thực hiện toàn bộ các giai đoạn của quy trình lập hiến. Vì vậy, một câu hỏi được đặt ra là: làm thế nào bảo đảm để nhân dân trong điều kiện không trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình lập hiến vẫn có khả năng tác động đến quá trình lập hiến, bảo đảm cho nội dung, tinh thần của hiến pháp phù hợp với ý nguyện của nhân dân.
Hiến pháp – khế ước xã hội – là một văn bản mang tính nhìn xa trông rộng đồng thời phải giải quyết những vấn đề tối quan trọng của quyền lực nhà nước, chủ quyền quốc gia cũng như mối quan hệ giữa chính quyền với nhân dân. Nó cần được tạo ra bởi những người thật sự có chuyên môn xuất sắc về luật học, chính trị học và thậm chí là nhiều lĩnh vực khác như triết học, xã hội học… Vì vậy sẽ thật khó khăn nếu muốn toàn thể nhân dân trực tiếp tham gia vào toàn bộ quá trình soạn thảo Hiến pháp – điều đó có thể sẽ gây nên tình trạng trì trệ kéo dài và tốn kém cho hoạt động lập hiến, bởi không phải ai cũng có đủ những hiểu biết sâu rộng để góp phần xây dựng, soạn thảo nên bản Khế ước xã hội này. Với lí do đó, sẽ là hợp lý hơn cả, nếu nhân dân chỉ tham gia vào quá trình phê chuẩn – tức biểu quyết ưng thuận hoặc không ưng thuận một bản Hiến pháp mới hay những điều khoản sửa đổi của Hiến pháp – chứ không phải là nhân dân tham gia vào toàn bộ quá trình soạn thảo, xây dựng và thông qua Hiến pháp. Chúng ta gọi đó là quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân.
Phân tích về khía cạnh thuật ngữ cho thấy, phúc quyết là từ Hán – Việt, được ghép bởi hai từ là phúc và quyết: phúc có nghĩa là “lật lại, xét kỹ” ; quyết có nghĩa là “quyết định” . Như vậy, có thể hiểu phúc quyết là việc đưa một vấn đề đã được quyết định ra để biểu quyết lại. Trong Điều 70 Hiến pháp năm 1946 quy định:
“Sửa đổi Hiến pháp phải theo cách thức sau đây:
A) Do hai phần ba tổng số nghị viên yêu cầu.
B) Nghị viện bầu ra một ban dự thảo những điều thay đổi.
C) Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.”
Như vậy, quyền phúc quyết Hiến pháp của nhân dân được thực hiện sau khi những điều khoản sửa đổi Hiến pháp đã được Nghị viện ưng chuẩn. Nhân dân sẽ quyết định việc có phê chuẩn hay không những điều khoản sửa đổi đó, hoặc một bản Hiến pháp hoàn toàn mới. Điều này vừa thể hiện quyền lập hiến thuộc về nhân dân – khi nhân dân có quyền thông qua hiệu lực pháp lý của Hiến pháp, vừa tạo điều kiện để quy trình lập hiến diễn ra thuận lợi hơn, tạo lập được một bản Hiến pháp đủ tầm nhìn nhằm thiết lập một chính quyền “của dân, do dân, vì dân” linh hoạt, mạnh mẽ. (Dù vậy, một số nước vẫn có quy định nhân dân trực tiếp tham gia vào quá trình soạn thảo Hiến pháp)
Cuối cùng, tôi muốn đề cập một vấn đề nhỏ về tư duy cũng như giáo dục luật học của chúng ta. Trong số không ít các giáo trình lý luận về nhà nước và pháp luật hiện nay, nhiều khi chúng ta đề cao một cách cực đoan tính đúng đắn của quan điểm “luật pháp là ý chí của giai cấp thống trị”, “nhà nước là một bộ máy chuyên chính giai cấp”, mà phủ định hoặc ít ra là chưa thừa nhận và tiếp thu một cách hợp lý quan niệm Nhà nước và pháp luật là sản phẩm của Khế ước xã hội. Một vết hằn sâu sẽ vô hình xuất hiện dần trong tư duy của chúng ta, nếu chúng ta trở thành những người lãnh đạo thì sẽ có khuynh hướng lạm quyền và độc đoán khi sử dụng quyền lực nhà nước, còn khi chúng ta là những người “bị trị” – tức công dân – chúng ta sẽ có khuynh hướng chống đối, luồn lách trước pháp luật, chính bởi vì từ lâu trong hiểu biết của chúng ta Nhà nước và pháp luật chỉ là ý chí và công cụ chuyên chế của những nhà cầm quyền. Ngược lại, nếu tiếp thu và làm quen với kiến thức rằng Nhà nước và pháp luật là sản phẩm của Khế ước công, thì dù chúng ta là những người cầm quyền hay công dân, chúng ta cũng sẽ tôn trọng luật pháp vì trong hiểu biết của chúng ta, mỗi người đều trở thành một phần của Khế ước thiêng liêng đó. Ý thức về thượng tôn luật pháp trong xã hội Việt Nam kém xa những nước phương Tây không chỉ do những điều kiện về lịch sử, địa lý, mà một phần rất lớn chính là vì giới hạn hiểu biết của người dân Việt Nam chưa có điều kiện để tiếp xúc với tinh thần tôn trọng pháp luật.
(Còn tiếp…)
_________________________
[1] Jean-Claude Ricci, “Nhập môn luật học”, Nhà pháp luật Việt – Pháp, Nxb. Văn hoá – Thông tin, Hà Nội – 2002, tr.10.
[2] Lê Anh, “Hiến pháp của dân: Chủ quyền tối thượng thuộc về dân” (http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=77&NewsId=236101)
[3] TS. Vũ Hồng Anh, “Quyền lập hiến và thủ tục lập hiến” (http://na.gov.vn/Sach_QH/Ban%20ve%20lap%20hien/Chuong1/6.htm)
[4] Trương Hồng Quang, “Bàn về quyền phúc quyết Hiến pháp” (http://hongtquang.wordpress.com/2011/07/05/ban-v%E1%BB%81-quy%E1%BB%81n-phuc-quy%E1%BA%BFt-hi%E1%BA%BFn-phap/)
[5] Nhận định của TS. Nguyễn Sĩ Dũng (http://vietbao.vn/Chinh-Tri/Hien-phap-1946-Nghi-ve-quyen-phuc-quyet-hien-phap-cua-dan/20655734/96/)
[6] Bùi Ngọc Sơn, “Sửa đổi Hiến pháp ở Mỹ” (http://na.gov.vn/Sach_QH/Ban%20ve%20lap%20hien/Chuong3/2.htm)
Theo: Blog Phan Hoàng Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét