Máy bay do thám không người lái Global Hawk của Mỹ. Ảnh: Military.com |
Bộ trưởng Quốc phòng Australia, Stephen Smith cho hay việc sử dụng quần đảo Cocos là một lựa chọn lâu dài hướng tới mối quan hệ Australia - Mỹ bền chặt hơn. Tuy nhiên, bãi đáp và hạ cánh trên quần đảo này cần được nâng cấp trước khi đưa vào sử dụng.
"Cocos hiện không ở trong tình trạng lý tưởng. Một trong những việc đầu tiên chúng tôi phải làm đó là nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, cụ thể là bãi đáp và hạ cánh của máy bay", ông Smith nói trên đài phát thanh ABC. "Đó là một trong những lý do vì sao đây là một trong những triển vọng về lâu dài".
Bản đồ vị trí quần đảo Cocos của Australia tại Ấn Độ Dương. Đồ họa: Caro, NASA |
Các tàu sân bay và tàu ngầm tấn công nguyên tử của Mỹ cũng có thể được đưa tới Perth, thành phố lớn nhất ở bang Tây Australia, như một phần trong các nỗ lực tái tập trung các nguồn lực phòng thủ của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Australia cho rằng những ưu tiên hàng đầu trong việc thắt chặt hợp tác với Mỹ là việc luân chuyển lính thủy đánh bộ Mỹ qua Lãnh thổ Bắc Australia để tới căn cứ HMAS Stirling ở Perth, nơi có khoảng không gian lớn hơn và hữu dụng hơn.
Kurt Campbell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đã tới Australia tuần trước để bàn về đợt triển khai đầu tiên của 250 lính thủy đánh bộ Mỹ vào tháng tới, cũng như những vấn đề quốc phòng khác. Sự xuất hiện của những lính Mỹ đầu tiên nằm trong kế hoạch đưa 2.500 binh sĩ Mỹ tới bắc Australia, vốn được Tổng thống Mỹ Barack Obama công bố hồi tháng 11 năm ngoái khi tới thăm nước này.
Mỹ có sự hiện diện quân sự hạn chế tại Australia, một đồng minh thân cận từ lâu, trong đó có trạm do thám vệ tinh từ xa Pine Gap ở gần Alice Springs, thành phố lớn thứ hai của Lãnh thổ Bắc Australia.
Nhật Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét