Pages

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

BẮC KINH ĐỪNG LẦM TƯỞNG HOA KỲ SUY YẾU

“Một thế giới không có Hoa Kỳ dẫn dắt sẽ là một thế giới bạo lực nhiều hơn, mất trật tự hơn, kém dân chủ hơn và chậm phát triển hơn là thế giới trong đó Hoa Kỳ tiếp tục có ảnh hưởng hướng dẫn và điều hành sinh hoạt.”
SAMUEL HUNGTINTON
I . BẮC KINH PHỤC HỒI CHỦ NGHĨA DÂN TỘC CÔN ĐỒ TẠI CHÂU Á:
Tại Châu Á – Thái Bình Dương, bọn Trung Nam Hải phục hồi “Chủ Nghĩa Dân Tộc” côn đồ, bành trướng bá quyền, càng ngày càng tỏ ra ngang ngược, hống hách và hỗn xược với sách lược “giành đảo lấn biển” bằng vũ lực, tấn công vũ trang, xâm chiếm lãnh thổ và lãnh hải các quốc gia lân bang không thuộc chủ quyền của Hoa Lục. Tình hình càng ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Từ hơn 100 năm nay, Trung Hoa đã nhiều lần đơn phương tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Tên Đô đốc Sa Zhengbing – Tổng Tư Lệnh Hải quân Thanh Triều – đã từng dẫn đầu một tàu viễn dương đến vùng biển đang trong vòng tranh chấp này vào năm 1907 để tuyên bố, khẳng định chủ quyền của Thanh Triều.

Sau khi cuộc nội chiến giữa hai phe “Quốc Dân Đảng” và “Cộng Sản” tại Hoa Lục chấm dứt. Phe cộng sản dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông thắng trận, Tưởng Giới Thạch phải chạy ra đảo Đài Loan. Mao thiết lập nền “Cộng Hòa Dân Nhân” vào năm 1949. Mao phục hồi chủ nghĩa bá quyền qua tác phẩm “Lược sử Tân Trung Quốc”. Mao tuyên bố: “Tất cả các lãnh thổ và lãnh hải thuộc khu vực ảnh hưởng của Trung Quốc đã từng bị phe các nước đế quốc Tây Phương và Nhật Bản chiếm đoạt từ giữa thế kỷ thứ 19 sau Thế chiến thứ I như: Ngoại Mông, Triều Tiên, Mã Lai, Thái Lan, Miến Điện, Buthan, Nepal, Ladak, Hồng Kông, Ma cao, Việt Nam và những đảo ở Thái Bình Dương như Đài Loan, Ryukyu, Sakalin phải được giao hòan cho Trung Quốc.”
Riêng tại Việt Nam và vùng biển Đông Nam Á, Trung Cộng đưa ra yêu sách ngang ngược, chủ quyền lớn nhất với 80% diện tích trong 3,5 triệu km2, thông qua đường “lưỡi bò” hay chữ U gồm 9 đoạn với ý đồ khống chế toàn bộ biển Đông đã bị cả thế giới phê phán là không có cơ sở pháp lý.
*
Theo tài liệu về lý thuyết “HẢI DƯƠNG NAM TIẾN” của GS Ni Lexiong về tham vọng bành trướng lãnh thổ và phát triển kinh tế, nó đã nhanh chóng trở thành tác phẩm gối đầu giường từ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào rồi đến Tập Cận Bình, đang từng bước thực hiện lý thuyết “GIÀNH ĐảO LẤN BIỂN”, “LẤN CHIẾM LÃNH THỔ CÁC NƯỚC LÁNG GIỀNG” và “ĂN CƯỚP THỊ TRƯỜNG” của GS Ni Lexiong, tên lý thuyết gia của chủ nghĩa “THỰC DÂN MỚI” Trung Cộng, muốn bành trướng hải lực bằng học thuyết Thomas Hobbes – nhà triết học chính trị Anh thế kỷ XVII – cho rằng sinh hoạt cộng đồng quốc tế là kẻ mạnh được, yếu thua. Lexiong đi đến kết luận Trung Quốc cần phải xây dựng một hải lực hùng mạnh để bảo vệ Hoa Lục và bảo vệ đội thương thuyền. Muốn đạt được mục tiêu chiến lược nầy, Trung Quốc phải kiểm soát được vùng biển trước mắt.
Mới đây, học viện KHOA HỌC QUÂN SỰ của BQP TRUNG CỘNG cho xuất bản tác phẩm hiếu chiến của Đại tá Liu Ming- Fu: “GIẤC MƠ TRUNG QUỐC”. Liu viết: “Sự cạnh tranh giữa hai cường quốc Hoa Kỳ và Trung Quốc để trở thành một quốc gia lãnh đạo thế giới, một cuộc xung đột để khẳng định bên nào tiến lên thống trị thế giới.” Đại tá Liu không dấu diếm giấc mộng bành trướng Đại Hán thống trị toàn cầu. Đừng quên vào năm 1998, Bạch thư của BQP Trung Quốc trâng tráo nói rằng: “TRUNG CỘNG PHẢI LÃNH ĐẠO THẾ GIỚI VÀO THẾ KỶ THỨ 21”.
Vào cuối thế kỷ thứ 20, Trung Cộng đã 2 lần tuyên bố rằng: “HOA KỲ LÀ ĐẠI ĐỊCH” (main enemy) của Trung Quốc. Bước sang thế kỷ 21, Yan Xuetong chuyên gia về an ninh quốc tế của trường Đại Học Bắc Kinh, phát biểu rằng: “Trung Quốc chuẩn bị đối phó với Hoa Kỳ? Câu trả lời của tôi là đúng vậy.”
Theo một bản tin trên báo South China Morning Post, ngày 26/11/2011 với tựa đề: “Thiện chí không phải là yếu đuối”. Tướng Luo Yuan – Học Viện Quân Sự của QĐGPND – cảnh báo rằng: “Bất kỳ quốc gia nào nhầm lẫn như thế, chỉ lấy được sự trái nghịch những gì mà họ muốn lấy,” tướng Luo nói. “Hoa Kỳ và Nhật không hiểu sự phức tạp của vấn đề và sự quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và khối ASEAN. Hiện thời, chỉ có 5 trong số 10 nước trong vùng Biển Đông do Trung Quốc giành hết, nhưng mỗi tranh chấp đều khác nhau.”
Theo Zhang Yunling – Học viện Khoa Học Xã Hội – phát biểu trong một buổi hội thảo rằng: “Hòa bình và ổn định vùng Châu Á – Thái Bình Dương là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.” Zhuang bóp méo sự thật rằng. “Trong khi giới truyền thông Trung Quốc chú ý nhiều tới Biển Đông, hầu hết các nhà lãnh đạo khối ASEAN không đẩy xa vấn đề khi họ nhắc tới tranh chấp.”
Nguồn tin BBC ngày 5/3/2012 đưa tin: Thủ tướng TC Ôn Gia Bảo phát biểu trong buổi khai mạc phiên họp Quốc Hội tại Bắc Kinh, chỉ một ngày sau khi Trung Quốc loan báo chi tiêu quân sự của họ trong năm 2012 sẽ đạt tới mức 100 tỷ mỹ kim (tăng 11,2% so với năm 2011): “Chúng ta sẽ tăng cường năng lực vũ trang để hoàn thành nhiệm vụ quân sự đa dạng với cốt lõi là khả năng đánh thắng “CUỘC CHIẾN TRANH CỤC BỘ” trong điều kiện thông tin hóa,” Ôn Gia Bảo nói. “Trung Quốc đặt mục tiêu ra sức nâng cao trình độ khoa học công nghệ và khả năng sáng tạo tự chủ trang thiết bị vũ khí.”
II . PHẢN ỨNG TỪ PHÍA HOA KỲ:
David Finkelstein – Trung tâm Phân tích Hải Lực – cho rằng bản Phúc trình của Ngũ Giác Đài là một thông điệp quan trọng về sức mạnh quân sự của Trung Cộng. Báo The Washington Post , ngày 8/17/2010: “CHINA FOCUSES ON MILITARY MIGHT” (Trung Cộng chú trọng về sức mạnh quân sự). Bản phúc trình dài 80 trang là bản thông điệp gửi thế giới, đặc biệt là các nước vùng Châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời đặt Hoa Kỳ trước một thách đố quyết liệt, không phải chỉ ở Á Châu mà là toàn cầu. Sức mạnh quân sự của Trung Cộng phát triển thị trường và mở rộng biên giới kinh tế toàn cầu.
Stanley A. Weiss – Chủ tịch sáng lập Điều khiển Nghiệp vụ vì An ninh Quốc gia (Business executives for National security) – cho rằng Hoa Kỳ phải chấm dứt sự cô lập tại Á Châu. Hoa Kỳ phải giành quyền chủ động ở Á Châu, trước sự bành trướng bá quyền của Trung Cộng. Ông Weiss nêu vấn đề Trung Cộng bành trướng ở Miến Điện mà Quốc Hội, Hành pháp và giới truyền thông không mấy quan tâm. Miến Điện đã trở thành tiền đồn chiến lược về cả hai mặt: “Quân sự” và “Kinh tế” nguy hiểm cho Hoa Kỳ và Á Châu gắp nhiều lần hơn Bắc Hàn. Weiss đánh giá: “Nước duy nhất bị cô lập ở Đông Nam Á bây giờ là Mỹ.” (The only nation is really isolated in Southeast Asia today is America”. Chiến lược của Bắc Kinh biến Miến Điện thành một tỉnh “tự trị” của Hoa Lục như Hồng Kông với quy chế “One system, two nations”. Bắc Kinh đang xây dựng hệ thống ống dẫn dầu từ cảng KYAUKPYU bờ Ấn Độ Dương chạy dọc theo Miến Điện đến Vân Nam. Nhưng, gió đã đổi chiều ở Miến Điện khiến ý đồ của Trung Cộng đã bị phá sản.
Nhật báo The Washington Post ngày 30/7/2010 đưa tin lên: “Hoa Kỳ cứng rắn hơn với Trung Cộng” (US takes toughter stance with China). Chiến lược của Hoa Kỳ thừa nhận Bắc Kinh đã vươn lên hàng cường quốc, nhưng HK đã cắm mốc giới hạn (but lays down markers). Bắc Kinh không thể vượt qua giới hạn mà Biển Đông và Bắc Á Châu là tiêu biểu, vượt qua giới hạn nầy Mỹ sẽ chống lại (confront) vì quyền lợi của Hoa Kỳ (when it butts up against American interests).
Tiếp theo đó, ký giả John Promfret viết trên tờ Washington Post số ra ngày 17/8/2010: “Trung Quốc chú trọng đến sức mạnh quân sự.” John dựa vào các dữ kiện của Ngũ Giác Đài về sự bành trướng của Trung Cộng trên 3 lãnh vực:
• Tầu ngầm nguyên tử.
• Hỏa tiễn tầm xa, nhất là hỏa tiễn di động hủy diệt HKMH của Hoa Kỳ ở Biển Đông – Thái Bình Dương.
• Đóng thật nhiều tàu tuần dương loại 3.000 tấn để kiềm soát Biển Đông – TBD và Ấn Độ Dương.
John Promfret trích dẫn tài liệu quốc phòng: “Sức mạnh quân sự của Trung Cộng hiện nay lớn nhất Á Châu. Mục tiêu chính vẫn là loại Hoa Kỳ ra khỏi địa bàn chiến lược Châu Á – Thái Bình Dương cả về quân sự lẫn kinh tế và thị trường.”
Nghị sĩ McCain vạch trần ý đồ của Trung Cộng để cảnh báo nước Mỹ và thế giới: “They are building a military that is in their view that comports (tương xứng) their economic power,” ông nói. “At some points, we have to stand up!”
III . BẮC KINH ĐỪNG LẦM TƯỞNG MỸ YẾU THẾ:
Ngày 05/01/2012, TT Barack Obama cùng với Bộ Trưởng Quốc Phòng Leon Panetta, Chủ tịch Tham Mưu Trưởng Liên Quân Martin Dempsey và các tướng lãnh trong Uûy Ban Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ dự phiên họp rất quan trọng tại Ngũ Giác Đài duyệt xét về “CHIẾN LƯỢC MỚI CỦA HOA KỲ” sau khi ngân sách Quốc Phòng Hoa Kỳ sẽ cắt giảm đến 487 tỷ USD tỷ USD trong vòng 10 năm sắp tới. Lục quân sẽ cắt giảm từ 570.000 người xuống còn 490.000 người và sẽ cắt lực lượng TQLC 20.000 người xuống còn 182.000 người trong vòng 5 năm tới.
TT Obama công bố “đường lối chiến lược” (strategic guidance) của Hoa Kỳ trong chiều hướng mới. Vấn đề được đặt ra tuy ngân sách cắt giảm lớn, nhưng làm thế nào duy trì được sức mạnh quân sự để giữ vững vị thế siêu cường. Đại tướng TMT/ Lục Quân Ray Odierno và Tư lệnh TQLC James F. Anos không vui do Lục quân bị cắt giảm nhiều nhất, kế đó là TQLC và Nhảy Dù bị giảm quân số khoảng 10.000 quân.
Điểm quan trọng nhất, Hoa Kỳ sẽ chuyển sức mạnh quân sự từ Âu Châu – NATO qua Châu Á – Thái Bình Dương. Ngân sách của Ngũ Giác Đài vẫn giữ nguyên, không bị cắt xén, được đánh giá sự tái phối trí lực lượng quy mô của Hoa Kỳ để thích hợp với thời điểm “hoán chuyển toàn cầu” (a global moment of transition). Sức mạnh của Hoa Kỳ ở Châu Á – Thái Bình Dương không giảm mà còn hùng mạnh hơn trước do sự tăng cường lực lượng quân sự từ Âu Châu – NATO đổ dồn về mặt trận phương Đông để bảo vệ Đồng minh và ngăn chận sự bành trướng của Trung Cộng trên Biển Đông.
Sự cắt giảm quân số Lục Quân Hoa Kỳ một số lượng lớn, có liên quan gì đến học thuyết “TÂN BIỆT LẬP” (Neo Isolationist) của cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Robert Gates với quan điểm chống can thiệp bằng vũ lực vào nội tình các nước khác? Những người theo chủ thuyết “Tân Biệt Lập” họ có lý khi chống lại cuộc tiến quân của Hoa Kỳ chiếm đóng Iraq và cuộc chiến tại Afghanistan. Tám năm sau chiến dịch “Vì Tự Do của người Iraq” Hoa Kỳ phải trả món nợ giết người (butcher bill) trị giá 4.400 sinh mạng chiến binh Hoa Kỳ, 37.000 thương bệnh binh, 100.000 ngàn thường dân Iraq tử vong…
Như vậy, theo quan điểm của Robert Gates, các chiến sĩ Hoa Kỳ không phải tham chiến trên bộ ở các nước Á Châu; vậy thì, 28.000 quân Mỹ đang trú đóng ở Nam Triều Tiên để làm gì? Tại sao chúng ta không rút quân đội ta ra khỏi Nam Triều Tiên và chúng ta chỉ bán vũ khí cho họ để tự trang bị lấy, chiến đấu bảo vệ đất nước của họ. Chính vì quân đội Hoa Kỳ đã phải hy sinh trong cuộc chiến tranh tại bán đảo Triều Tiên mà Tướng McArthur nêu lên vấn đề tại sao quân đội Hoa Kỳ phải tham chiến trên bộ tại các nước Á Châu? Hoa Kỳ hãy rút lực lượng TQLC đang trú đóng tại Okinawa trên 65 năm qua. Hãy để cho người Nhật nhận lãnh trách nhiệm trong việc bảo vệ đất nước của họ. Nếu có vấn đề gì vượt quá khả năng của họ, lúc đó chúng ta giúp đở họ trong phạm vi khả năng của chúng ta.
Việc Ngũ Giác Đài cắt giảm ngân sách Quốc phòng và lực lượng lục quân là một thông điệp gởi cho các đồng minh của Hoa Kỳ tại Châu Âu, Châu Phi, Trung Đông và Châu Á rằng, việc bảo vệ đất nước của họ thuộc về trách nhiệm và bổn phận của chính dân tộc họ. Họ phải biết liên minh với các quốc gia láng giềng để tạo thành sức mạnh chống lại kẻ thù chung. Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò cố vấn và huấn luyện người sử dụng vũ khí tối tân của Hoa Kỳ.
Lấy gương nước Đức là một thí dụ điển hình: Ngày 3/2/2012, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, Bộ trưởng Quốc Phòng Đức Thomas de Maiziere đã kêu gọi quân đội các nước Châu Âu tăng cường đảm hiệm an ninh cho nước mình và các nước lân bang. Ông cho rằng chính sách phòng thủ chung của EU còn kém xa so với khả năng sẵn có; vì vậy, lực lượng vũ trang Âu Châu phải cùng nhau tổ chức phòng thủ mạnh hơn, chia sẻ khả năng quân sự nhiều hơn và cùng mua sắm vũ khí để tự bảo vệ.
John Kirby – Phát ngôn viên BQP Hoa Kỳ – giải thích: “Libya là một thí dụ chứng minh cho việc không nhất thiết phải cần đến lục quân. Chúng tôi muốn có một chiến lược toàn diện hơn, phù hợp với yêu cầu thực tế hơn.” Cắt giảm 100.000 lực lượng lục quân để tăng cường sức mạnh siêu việt của Hải Quân và Không Quân Hoa Kỳ.
Ngũ Giác Đài đã pha trộn “HỌC THUYẾT HẢI LỰC” của Alfred Thayer Mahan (Mỹ) và Karl Doenitz (Đức) để xây dựng Hải Lực Hoa Kỳ và học thuyết về “KHÔNG LỰC” để tiếp tục giữ vững vị trí siêu cường số 1 toàn cầu để răn đe Trung Cộng.
HỌC THUYẾT ALFRED MAHAN (1840 -1914):
Đô Đốc ALFRED MAHAN, một vị lãnh đạo Hải Quân Hoa Kỳ, được mệnh danh là “Chiến Lược Gia CLAUSEWITZ của biển cả”. Ông đã thiết lập chiến lược Hải quân Hoa Kỳ của thế kỷ XX và đã có ảnh hưởng đến sự phát triển hải quân của Anh Quốc, Đức Quốc và Nhật Bản theo học thuyết MAHAN, qua tác phẩm lừng danh “The influence of Sea Power upon History 1600 – 1783” (Sự ảnh hưởng của Quyền Lực Trên Biển Lịch Sử 1600 – 1783).
Các quan niệm căn bản của học thuyết Mahan tập trung vào một điều duy nhất là phải “CHẾ NGỰ BIỂN CẢ”. Mahan cho rằng, không một nước nào có thể tự xem mình là sức mạnh toàn cầu nếu không có sách lược phát triển sức mạnh hải quân trên toàn thế giới, có khả năng hiện diện bất cứ nơi nào, bất cứ lúc nào và đánh bại bất cứ kẻ thù nào, mà tầm quan trọng là bảo vệ các tuyến đường hàng hải, gìn giữ an ninh cho các đoàn thương thuyền.
Cốt lõi của học thuyết hải lực Mahan gồm các điểm chính: 1/ Sự cần thiết phải có một hạm đội hùng mạnh khủng khiếp 2/ Nhu cầu cần duy trì các căn cứ hải quân và đề nghị các căn cứ cần phải có tại Hạ Uy Di, Phi Luật Tân và Cuba. Ông cũng bênh vực công trình xây dựng kinh đào Panama. Ngày nay, lực lượng Hàng Không Mẫu Hạm của Hoa Kỳ gồm 11 chiếc, nó đãm bảo cho Hải quân Hoa Kỳ là quyền lực chế ngự biển cả trên toàn thế giới và vĩ đại duy nhất của thế kỷ thứ XX và XXI:
• USS Enterprise CVN 65: Hạ thủy năm 1960. Chính thức gia nhập hải quân Hoa Kỳ ngày 25/11/1961.
• USS Nimitz CVN 68: Hạ thủy tháng 5/1972. Chính thức gia nhập hải quân Hoa Kỳ vào tháng 5/1975.
• USS Eisenhower CVN 69: Hạ thủy năm 1975. Chính thức gia nhập hải Hoa Kỳ vào tháng 1977.
• USS Carl Vinson CVN 70: Hạ thủy năm 1980. Chính thức gia nhập hải quân Hoa Kỳ vào tháng 13/3/1982.
• USS Roosevelt CVN 71: Hạ thủy năm 1984. Chính thức gia nhập hải quân Hoa Kỳ vào năm 1986.
• USS Lincoln CVN 72: Hạ thủy năm 1960. Ngày 28/5/1991, chạy về hướng Đại Tây Dương tham gia chiến tranh vùng Vịnh.
• USS Washington CVN 73: Hạ thủy năm 1990, được đưa vào Đệ Thất Hạm Đội 7 năm 2008 để thay thế HKMH USS Kitty Hawk ngừng hoạt động là tàu có uy lực mạnh nhất toàn cầu hiện nay. Cảng chính tại Yokosuka, tỉnh Kanagawa.
• USS Stennis CVN 74: Hạ thủy năm 1993. Chính thức hoạt động ngay/12/1995 là một trong những hạm đội chủ lực của hải quân Hoa Kỳ ở nước ngoài.
• USS Truman CVN 75: Hạ thủy năm 1996 dược trang bị cho Hạm đội Đại Tây Dương của Hoa Kỳ vào tháng 7/1998.
• USS Ronald Reagan CVN 76: Hạ thủy năm 2001. Hiện nay phục vụ trong Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
• USS Bush CVN 77: Hạ thủy tại căn cứ Norfolk 10/1/2009 và bắt đầu phục v chánh thức cho hải quân Hoa Kỳ.
• HKMH tiếp theo sẽ là Gerald Ford CVN 78 sẽ được chế tạo theo phương án mới, tiêu chuẩn “HKMH thế kỷ thứ XXI”.
Đô Đốc Nhật Bản Isoroku Yamamaoto (1884 – 1943) đã chứng minh điều đó rằng, các cuộc hành quân của HKMH chứng tỏ có khả năng tung sức mạnh qua một khoảng cách dài. Từ sau trận Trân Châu Cảng, ông nói: “Không một quốc gia nào đã duy trì bất cứ một mức độ CHẾ NGỰ THẾ GIỚI MÀ KHÔNG CÓ LỰC LƯỢNG HÀNG KHÔNG MẪU HẠM ĐỂ ĐẠI DIỆN QUYỀN LỰC CỦA NÓ QUANH ĐỊA CẦU.”
Trong khi đó, Trung Cộng chỉ có một HKMH Varyag còn đang trong vòng thử nghiệm mà bọn Trung Nam Hải nuôi tham vọng sẽ vượt qua mặt Hoa Kỳ, trở thành siêu cường thống trị thế giới? Đừng quên rằng, trong Thế chiến thứ II, Yamamoto đã chỉ huy tới 06 HKMH tấn công Trân Châu Cảng. So ra, hải lực của Trung Cộng hiện nay, còn kém xa hải lực của Nhật Bản cánh đây tới …70 năm, biết đến thế kỷ nào Trung Cộng mới đủ sức đánh thắng được Mỹ?…
HỌC THUYẾT KARL DOENITZ (1891 – 1980).
Kark Doenitz là người chủ trương mạnh mẽ học thuyết “CHIẾN TRANH TẦU NGẦM” trong thế chiến thứ II. Doenitz đã sáng tạo chiến thuật về cuộc chiến tranh tàu ngầm. Ngày nay, chiến thuật của ông được các quốc gia trên thế giới nghiên cứu và áp dụng, kể cả Hoa Kỳ và Trung Cộng.
Doenitz rút kinh nghiệm sau thời gian chỉ huy chiếc tàu ngầm mới vừa được thành lập là U-68 của Hải quân Đức. Ông đã nghiên cứu và viết tài liệu huấn luyện thủy thủ đoàn về học thuyết tầu ngầm U. Khi Chiến tranh Thế giới thứ II bắt đầu vào năm 1939, Doenitz chỉ có 56 chiến tàu ngầm U, nhưng chỉ có 26 trong số nầy có khả năng hoạt động giữa Đại Tây Dương. Dù vậy, các tàu U của ông đã đánh chìm 114 thương thuyền trong 4 tháng cuối năm 1939.
Tháng 8/1940, Hitler cho phép Doenitz hạ thủy nhiều tàu ngầm U hơn, thực hiện chiến tranh tàu ngầm không bị hạn chế. Trong thời gian 4 tháng, các tàu ngầm U đã đánh chìm 285 tàu địch, tổng cộng hơn 1 triệu tấn.
Sự nhập cuộc của Hoa Kỳ vào tháng 12/1941, Doenitz đã có mục tiêu mới. Lúc đó, Hoa Kỳ không có kế hoạch bảo vệ cho các đoàn tàu chiến của họ; vì vậy, chỉ 6 tháng đầu năm 1942, các tàu U đã đánh đắm 585 tàu Mỹ chìm dưới đáy biển Đại Tây Dương. Ngày 30/1/1943, Doenitz giờ đây đã là Hải Quân Đô Đốc, mặc dầu không bao giờ vào Đảng Quốc Xã (Nazi) đã trở thành Tư Lệnh Hải Quân Đức.
Nhờ phát minh được dụng cụ điện tử Radar tối tân, Hoa Kỳ và Đồng minh có thể phát hiện các vị trí của các nhóm sói biển (tàu ngầm U). Dù vậy, Doenitz và các tàu ngầm U đã tiếp tục chiến đấu với 398 chiếc tàu U vẫn còn hoạt động đến khi Thế chiến thứ II chấm dứt. Nhưng học thuyết chiến tranh tàu ngầm của Đô đốc Karl Donitz vẩn còn tồn tại và được nhiều quốc gia trên thế nghiên cứu và hoàn chỉnh, trong đó xin kể đến Hoa Kỳ.
Theo nguồn tin từ Asia Military Review, Hoa Kỳ có tới 71 tàu ngầm, so với Trung Cộng chỉ có 60 (50 tàu ngầm chạy bằng động cơ điện – diesel và 10 tàu chạy bằng năng lương hạt nhân, nhưng đa số tàu ngầm trong hạm đội này đều đã lỗi thời.) Hãng Arms – Expo của Nga vừa thực hiện bảng đánh giá hiệu quả các tàu ngầm hạng nặng mang tên lửa đạn đạo chiến lược của các cường quốc quân sự trên thế giới.
Trong danh sách 8 loại tàu ngầm hạt nhân mạnh nhất thế giới của 6 quốc gia Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Ấn Độ:
• Hoa Kỳ với tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược lớp Ohio, chiếm lĩnh ngôi vị số một, đạt tổng số điểm 49,4 về sức mạnh tấn công, cấu trúc, chỉ số hoàn hảo khi hoạt động và độ tin cậy.
• Nga đứng hạng nhì với tàu ngầm lớp Dolphin thuộc Project 667BDRM 47,7 điểm.Tàu ngầm Project 941, lớp Akula đạt 47.1 điểm và tàu ngầm Project 955 Borey đạt 41.7. Cả 3 tàu ngầm của Nga được xếp hạng từ 2 tới 4.
• Anh với tàu ngầm lớp Vanguard đứng hàng thứ 5 với 35,9 điểm.
• Pháp với tàu ngầm lớp Le Triomphant đứng hàng thứ 6 với 33,4 điểm.
• Trung Cộng với tàu ngầm Type-094 đứng hàng thứ 7 với 30,1 điểm.
• Ấn Độ với tàu ngầm INS Arihant xếp thứ 8 với 17,7.
Ngày 29/7/2011, một tàu ngầm hạt nhân tại cảng Đại Liên ở phía Bắc Trung Quốc đang gặp phải “sự cố” và đang bị rò rỉ phóng xạ. Theo cựu phi công tên Mamoru Sato Nhật cho rằng: “Khu vực này hiện bị quân đội Trung Cộng cảnh giới nghiêm ngặt và tình hình có vẻ như nghiêm trọng”.
Điều nầy chứng minh, những sản phẩm chiến tranh của Trung Cộng chỉ chú trọng về số lượng hơn về phẩm, hầu hết chỉ là hàng mã, nhằm tạo nên ảo tưởng sức mạnh dỏm của Trung Cộng, nhất là khi vỡ tan giấc mộng MIG – 23 “Made in China”. Trung Cộng từng nuôi tham vọng sao chép MIG- 23 và F-111 để tạo ra thiết kế mang tên Q-6 nhưng do năng lực công nghiệp quốc phòng còn quá hạn chế nên dự án nầy đã hoàn toàn thất bại, vì rằng các phi cơ chiến đấu của họ không đủ khả năng tham gia nhiệm vụ hỗ trợ trận đánh trên biển:
• Tiêm kích J-5 (MiG-17), J-6 (MiG-19), J-7 (MiG-21) và J-8 thiếu khả cường kích mặt đất và bán kính tác chiến ngắn.
• Q-5 có bán kính tác chiến ngắn, trong tải vũ khí nhỏ, hệ thống điện tử lạc hậu.
• Phi cơ ném bom H-5 (II-28) và H-6 (Tu-16) có tốc độ thấp, thiếu khả năng tự bảo vệ.
• Hai mẫu thiết kế JH-8 và JH-7 đều không khả thi.
• Thiết kế Q-6 dựa trên MiG 23MS, nhưng động cơ phản lực không đáp ứng nhu cầu cung cấp lực cần thiết hoạt động không chiến.
Theo nhật báo kinh doanh Kommersant của Nga về việc Nga giao 48 chiến đấu cơ đa dụng Su-35 Flanker-E cho không quân Trung Cộng trị giá 4 tỷ mỹ kim. Dù Nga thừa biết rằng, Trung Cộng mua hàng rồi tháo rời ra làm “hàng nhái” rồi “hàng dỏm” để bán cho các quốc gia khác. Ăn cắp các kỷ thuật quân sự, rồi tân trang lại mang nhãn hiệu “Made in China” để trang bị cho kỷ nghệ quốc phòng Trung Quốc. Các chuyên viên Nga cho rằng chiến đấu cơ Thành Đô J-10 là bản sao của Su-27 Flanker, Thẩm Dương J-11 là phiên bản nhái của Su-30 Flanker-C, FC-1 là sao chép từ MiG-29 Fulcrum.
Nhưng ngay sau đó, chuyên gia Xiaozhuo Zhao – Học viện Khoa Học Quân Sự Trung Quốc – đã lên tiếng tuyên bố Trung Quốc không cần Su-35 vì loại chiến đấu cơ nầy không đủ sức hấp dẫn bởi 90% các thiết bị nầy Trung Quốc đã chế tạo được. BQP Trung Cộng cũng lên tiếng chê bai thậm tệ Su-35.
HỌC THUYẾT AIRSEA BATTLE: (Không chiến trên biển cả)
Theo Tiến sĩ Raoul Heinrichs – Học giả Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Phòng Australia – Học thuyết quân sự Airsea Battle ra đời từ năm 1992, Hoa Kỳ cùng các đồng minh trong khối NATO phát triển học thuyết nầy về không chiến trên biển, nhằm bảo đảm ưu thế trước bất kỳ cuộc chiến nào, mục đích tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa KHÔNG QUÂN & HẢI QUÂN hiệp đồng tác chiến giữa tàu ngầm, chiến hạm trên mặt biển với phản lực chiến đấu, phi cơ trinh sát, hệ thống vệ tinh…
Hiện nay, Hoa Kỳ đang sử dụng học thuyết quân sự nầy hướng tới mục tiêu ở Châu Á – Thái Bình Dương nhằm mục đích:
• Tái phối trí lực lượng quân sự Hoa Kỳ bao vây Hoa Lục tại Châu Á-Thái Bình Dương.
• Ngăn chận sự thống trị đại dương của Trung Cộng.
• Ngăn chận khả năng tấn công từ xa của Trung Cộng.
• Cho phép Hoa Kỳ thực hiện các cam kết với Đồng minh, bảo đảm tự do hàng hải, ngăn chận chủ nghĩa bành trướng bá quyền của Trung Cộng.
• Hoa Kỳ sẽ dành ưu tiên cho quyền lợi không thể thương lượng của Hoa Kỳ; bởi lẽ, đây là khu vực mà một nửa hoạt động vận chuyển toàn cầu và hầu hết nguồn năng lượng vận chuyển cho các đồng minh ở Đông Bắc Á phải đi qua khu vực nầy.
Tóm lại, học thuyết AirSea Battle là một học thuyết tổng hợp giữa Học thuyết Mahan + Doenitz + Không Lực Hoa Kỳ. Lục quân Hoa kỳ, từ đây sẽ lui về vai trò thứ yếu ở hải ngoại.
IV . THỰC CHẤT SỨC MẠNH QUÂN SỰ CỦA TRUNG CỘNG:
Theo 2 nhà nghiên cứu: SHASHANK JOSHI (Viện Royal United Services Institute London) và ASLEY TOWNSHEND (Viện Chính sách Quốc tế Lowy Sydney) đánh giá: HKMH Varyag do Trung Cộng mua lại từ Ukraina từ thời Liên Xô chẳng có gì đáng sợ cả. HKMH Varyag vẫn chỉ thuộc loại tàu sân bay “hạ đẳng” so với chuẩn mực của thế kỷ thứ XXI. So sánh với HKMH lớp Nimitz của Mỹ, Varyag không thấm vào đâu:
• Trong lúc HKMH Nimitz chở được 90 chiếc phi cơ, có thể hoạt động trên biển liên tục 20 năm, trước khi về bến rà soát lại động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân.
• Ngược lại chiếc HKMH Varyag chỉ chở được tối đa 60 chiếc phi cơ và chỉ ra khơi được vỏn vẹn 45 ngày. Trái với HKMH Mỹ, chiếc Varyag vẫn sử dụng kỷ thuật cổ điển là phi cơ chiến đấu phải nhẹ, cất cánh từ một dàn phóng trên boong. Loại phi cơ duy nhất mà Trung Cộng sử dụng được trên Varyag là loại J-15 sẽ mang ít vũ khí và nhiên liệu hơn; vì vậy, hỏa lực và tầm hoạt động J-15 bị hạn chế.
• Varyag không có khả năng chứa các loại phi cơ tiếp tế nhiên liệu trên không hổ trợ, thường rất nặng, làm hạn chế phạm vi hoạt động của phi cơ J-15.
• Hải Quân Trung Cộng chưa làm chủ được kỷ thuật điều khiển HKMH, kỷ thuật chống tàu ngầm; do đó, tàu ngầm của Mỹ tự do tung hoành tại Biển Đông mà không gặp trở ngại; ngoài ra, những phi công phản lực không đủ kinh nghiệm về không chiến. Trung Cộng phải chôm một đoạn phim “TOP GUN” của Hollywood do Tom Criuse đóng để làm phóng sự chiếu trên kềnh truyền hình Trung ương CCTV vào ngày 23/1/2011.
• Thực tế nầy cho thấy, tham vọng muốn làm bá chủ Biển Đông là một giấc mộng quá xa vời. Ít nhất phải vài ba thập niên nữa, mới bắt kịp sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ trong…hiện tại. Lúc đó, Hoa Kỳ đã được được người lên sao…Hỏa.
• Theo Joshi và Townshend, bước khởi đầu của Varyag (Thi Lang) để rút tỉa kinh nghiệm và huấn luyện đội ngũ thủy thủ đoàn. Tất cả chỉ là phô trương thanh thế, hù dọa các quốc gia vùng ĐNÁ mà thôi.
Dưới đây là ý kiến của Phó Đô Đốc FUMIO OTA – cựu Giám Đốc Trung Tâm Tình Báo của BQP Nhật Bản – được Wall Street Journal đang tải:
• Đối với Hải quân Hoa Kỳ, Trung Cộng đang phí tiền đầu tư vì khi chiến tranh nổ ra, tàu ngầm hạt nhân của Hoa Kỳ sẽ dễ dàng tiêu diệt các HKMH của Trung cộng.
• Do Nhật Bản chưa có HKMH (như Thế Chiến thứ II), HKMH của Trung Cộng sẽ là một hiểm họa khó tiêu diệt. Đây cũng là mối lo chung cho các quốc gia láng giềng với Trung Cộng. Nhưng, Bắc Kinh đừng quên rằng: trong Thế Chiến II, những phi đội quyết tử “THẦN PHONG” (Kamikaze) của Nhật đã từng gây kinh hoàng cho các HKMH và hạm đội của Mỹ và nó sẽ là cơn ác mộng của Varyang và các hạm đội của Trung Cộng. Tốt hơn hết, Bắc Kinh đừng va chạm đến “Chủ nghĩa Dân Tộc” của Nhật Bản. Chính điều nầy đã giúp nước Nhật trở thành một HKMH không bao giờ bị đánh chìm.
• Rõ ràng, đây là hành động biểu dương sức mạnh khiến các quốc gia láng giềng của Trung Cộng mất niềm tin; vì vậy, Nhật Bản, Hoa Kỳ và các quốc gia Tây Phương cần phải tăng cường sức mạnh quân sự ngay lập tức, để kềm chế tham vọng của Trung Cộng.
IV. YẾU TỐ NGA TẠI CHÂU Á – THÁI BÌNH DƯƠNG:
Mới đây, Phó Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình tuyên bố, Thái Bình Dương đủ lớn cho cả Hoa Kỳ và Trung Quốc bắt tay chia sẻ lợi ích, đây không chỉ là lối nói ngoại giao. Có một điều do chủ quan, Tập Cận Bình không đề cập tới là yếu tố NGA trong thế chân vạc tại Châu Á-Thái Bình Dương.
Phần lớn lãnh thổ Nga nằm ở Á Châu; vì vậy, các nước khối ASEAN mong muốn Nga hiện diện tại Châu Á – Thái Bình Dương cùng với Hoa Ky,ø nhằm cân bằng quyền lực với Trung Cộng. Một trong những biện pháp đó là mua vũ khí của Nga nhằm hiện đại hóa quân đội.
Hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á trong lãnh vực khai thác năng lượng, đặc biệt là Việt Nam. Ông Andrey Patrushev sẽ đứng đầu công ty dầu khí Liên Doanh Việt – Nga VIETSOVPETRO. Cha của ông nầy là Nicolai Patrushev, hiện là Chủ tịch Hội đồng An Ninh của điện Kremlin, cũng là người từng lãnh đạo Cục An ninh FSB, hậu thân của KGB thời Liên Xô.
Trước kia, hãng EXXON – MOBILE, BP, TOTAL định vào Việt Nam để hợp tác khai thác dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhưng, khi bị Trung Cộng đe dọa phải tháo chạy khỏi Việt Nam. Nhưng, bây giờ thời đó đã qua rồi! Đụng tới tàu Hải Quân Hoa Kỳ – Ấn – Nga ở Biển Đông thì sẽ bị trả đũa ngay tức khắc và Trung Hoa Lục Địa sẽ trở thành thời kỳ…đồ đá!
Nga và Ấn Độ đã công khai thách thức quyền lực của Trung Cộng tại Biển Đông. Hải Quân Trung Cộng có dám tấn công những dàn khoan dầu của Nga – Ấn không? Hay chỉ dám “diệu võ giương oai” rượt đuổi, tấn công những tàu ngư phủ Việt Nam để ăn cướp hải sản, cướp tàu, bắt người đòi tiền chuộc như bọn thảo khấu Somalia? Tính ra mỗi ngày tàu cá Hoa Lục ngang nhiên vào biển Việt Nam vơ vét hải sản 200 vụ/ ngày. Hải Quân Trung Cộng hèn đến như vậy sao?
QUAN HỆ NGA – TRUNG CỘNG TRÊN ĐÀ RẠN NỨT:
Theo phúc trình của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI), dựa trên phỏng vấn cả chuyên gia người Nga và Trung Quốc. Từ năm 1991 đến 2010, ước tính 90% số vũ khí quy ước Trung Cộng mua từ Nga. Nhưng, báo cáo tiết lộ kể từ 2005, Bắc Kinh đã không có đơn đặt hàng đáng kể nào nữa. Một phần do công nghệ quốc phòng tiến bộ của Trung Cộng. Mặt khác, điện Kremlin lo ngại rằng Trung Cộng sẽ sao chép công nghệ quốc phòng và cạnh tranh với Nga trên thị trường quốc tế.
Một nhà nghiên cứu ở Đại Học Bắc Kinh công khai nói với SIPRI: “Chúng tôi đã có 400 năm liên lạc và Nga đã lừa dối chúng tôi nhiều lần. Chúng tôi không thể hoàn toàn tin tưởng họ.”
Trong quan hệ với Nga, bọn Trung Nam Hải chỉ muốn:
• Bảo đảm ổn định đường biên giới Nga – Hoa.
• Tăng cường vai trò của Trung Cộng ở Trung Á và Đông Bắc Á là một cường quốc trên thế giới.
• Thỏa mãn nhu cầu năng lượng của Trung Cộng.
• Giúp hiện đại hóa quân đội Trung Cộng.
• Thúc đẩy kinh tế cho các tỉnh miền Bắc của Trung Cộng.
Nhưng, trên thực tế, Trung Cộng và Nga chỉ chia sẻ được với nhau với lợi ích đầu tiên về đường biên giới ổn định để Trung Cộng an toàn lấn chiếm lãnh thổ của Nga. Bốn lợi ích còn lại, hai nước duy trì quan điểm khác nhau.
Tính đến năm 2009, Nga đã trở thành nhà sản xuất dầu hỏa lớn nhất và đứng thứ hai thế giới về khí đốt tự nhiên. Trong khi đó, Trung Cộng qua mặt Hoa Kỳ để trở thành nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Tuy cùng chung đường biên giới trên 4.000 km với Nga. Nhưng, Trung Cộng lại ngày càng ít nhập cảng dầu hỏa của Nga. Những hợp đồng về dầu hỏa đã ký kết với Nga chỉ là những tờ giấy lộn.
Trung Cộng cố tình đa dạng hóa nguồn cung cấp. Hiện nay, nước cung cấp dầu hỏa lớn nhất cho Hoa Lục là Arab Saudi, Angola, Iran và Oman. Trong lãnh vực khí đốt, Trung Cộng cũng đã tìm những đối tác khác, đặc biệt là các quốc gia vùng Trung Á.
Đối với bọn lãnh đạo Trung Nam Hải vô cùng gian xảo, quỷ quyệt thì Nga là mối hiểm họa, một địch thủ tiềm tàng đối với Trung Cộng, sẽ cản trở sách lược “TÂY TIẾN”, lấn chiếm toàn bộ vùng Cận Đông của Nga; vì vậy, Trung Cộng không bao giờ muốn Nga trỗi dậy như một cường quốc kinh tế và quân sự.
Hiện nay, Việt Nam là khách hàng lớn thứ nhì sau Ấn Độ đã ký nhiều hợp đồng với Nga như mua 6 tàu ngầm “KILO”, 10 tàu chiến mang tên lửa có tên “Poisonous Spider”, 12 chiếc tàu chiến tộc độ cao tên “Lightning”, 4 chiến đấu cơ Su-30MK. Năm 2009, lại ký hiệp định với Nga mua 12 phi cơ chiến đấu Su-30MK2…
Dự kiến trong năm 2012 nầy, Việt Nam và Nga sẽ bắt đầu làm việc, phát triển chung một tên lửa hành trình mới giống như BrahMos hoặc Uran-E. Như vậy, Việt Nam sẽ sớm có một nhà máy chế tạo tên lửa hành trình thuộc hàng “tiên tiến bậc nhất” trên thế giới với sự giúp đở của Nga. Nga cũng vừa hiện đại hóa thành công động cơ AL-31FM2 cho phi cơ chiến đấu Sukhoi để duy trì, tăng cường khả năng hoạt đông cho phi cơ chiến đấu Su-27 và Su-30 của Việt Nam với lực đẩy mạnh hơn và ít tốn nhiên liệu.
Theo diễn tiến tình hình Biển Đông hiện nay; giả sử, một cuộc chiến tranh bùng nổ giữa Việt Nam và Trung Cộng thì toàn bộ vũ khí tối tân mà QĐNDVN sử dụng chống quân Trung Cộng là của Nga chứ không phải của Hoa Kỳ. Xem ra, Bắc Kinh ngày càng bị cô thế hơn bao giờ hết.
V . KẾT LUẬN:
Theo Reuters, ông LE YUCHENG – TGĐ Ban Hoạch định Chánh Sách của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng – nhận định một cách thẳng thắn: Hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn ảnh hưởng đến các nước đang phát triển và sự cân bằng quyền lực quốc tế giữa các cường quốc.
Theo ông, Bắc Kinh không nên cho rằng, Washington đang suy yếu đến mức không thể cải thiện được hoặc hai bên sẽ sớm cân bằng, cán cân quyền lực. “Mỹ vẫn là Mỹ, nước nầy chiếm ¼ nền kinh tế thế giới, có sức mạnh quân sự, khoa học công nghệ quốc phòng vượt trội và chúng ta không được đánh giá thấp khả năng điều chỉnh và phục hồi của họ,” ông Le Yucheng nhấn mạnh. “Dù là cường quốc mới nổi, song Bắc Kinh vẫn chưa thể trở thành đối trọng của Washington, bởi vị thế siêu cường của Hoa Kỳ có thể sẽ còn tồn tại ít nhất từ 20 đến 30 NĂM nữa.”
Nguyễn Vĩnh Long Hồ

Không có nhận xét nào: