Hoàng Hoa
Các đại biểu đều thống nhất rằng quyền lực nhà nước phải được kiểm soát để tránh sự lạm quyền, vi phạm Hiến pháp.
Ngày 21 và 22-3, tại Vũng Tàu, Viện Nghiên cứu Lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ QH) phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tổ chức hội thảo về cơ chế kiểm tra, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước tại Việt Nam. Đây chính là một nội dung được dư luận quan tâm trong tiến trình sửa đổi Hiến pháp 1992 hiện nay.
“Triệu âm binh lên thì phải kiểm soát được nó”
Đồng chủ tọa hội thảo, TS Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nêu rõ khái niệm kiểm soát quyền lực đã được Đại hội XI đề cập đến. “Đó là nội dung hết sức quan trọng, một trong những giá trị cốt yếu của nhà nước pháp quyền. Nhưng đây lại là một vấn đề mới ở Việt Nam” – ông Phúc nói.
Một câu hỏi được hội nghị quan tâm lý giải, đó là tại sao phải kiểm soát quyền lực nhà nước. Theo GS-TS Nguyễn Đăng Dung (ĐHQG Hà Nội), quyền lực nhà nước xuất phát từ nhân dân, do nhân dân ủy quyền (nhân dân ủy quyền, trao quyền theo nhiệm kỳ chứ không phải “muôn năm vạn tuế” – GS Dung nhấn mạnh). Nhưng Nhà nước, thông qua các cán bộ công quyền, không phải là thánh thần và cũng có thể mắc sai lầm, vì thế phải kiểm tra, kiểm soát để tránh lạm quyền. “Đã ủy quyền, trao quyền thì phải kiểm soát, cũng giống như đã triệu âm binh lên thì phải kiểm soát được nó vậy” – GS Dung ví von.
Hoạt động chất vấn tại Quốc hội cũng là một hình thức thực hiện kiểm soát quyền lực. Ảnh: CTV
Trong tham luận gửi tới hội thảo, PGS-TS Nguyễn Cửu Việt (ĐH Luật TP.HCM) cũng phân tích rằng thứ khát vọng mạnh mẽ nhất của con người là khát vọng quyền lực. Vì vậy, không lạ rằng nếu người ta đã nắm quyền thì không ai muốn nhượng bớt quyền, kể cả các cơ quan, tổ chức, thậm chí cả giai cấp, tầng lớp, nhóm… trong xã hội, vì đó cũng bao gồm con người. Do đó, quyền lực trong xã hội cần được kiểm soát, nếu muốn có dân chủ, công bằng, tự do, an ninh chính trị…
Còn theo phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Trương Trọng Nghĩa, cơ chế hiện nay có sự lạm dụng quyền lực. “Nếu phối hợp, phân công mà không có kiểm soát thì sẽ không hiệu quả, anh này làm sai thì anh kia không nói được, đợi chừng nào vỡ ra dẫn đến những thiệt hại cho xã hội mới ngồi lại sửa. Kiểm soát là để ngăn ngừa sự lạm dụng, sự sai sót, đổ vỡ đó” – ông Nghĩa kết.
Dùng quyền lực kiểm soát quyền lực
Vậy làm cách nào để kiểm soát quyền lực nhà nuớc, nhất là trong bối cảnh ở Việt Nam đây là vấn đề mới, như lời ông Thang Văn Phúc nói? Theo PGS Nguyễn Cửu Việt, để kiểm soát quyền lực, không có phương cách nào khác là lấy quyền lực kiểm soát quyền lực, trong đó quyền lực kiểm soát phải cân bằng và ở bên ngoài quyền lực bị kiểm soát. Ông cho rằng kiểm soát từ bên trong, hay tự kiểm soát, tự kiểm tra cũng như lời hô hào tự kiểm tra, tự hoàn thiện… không có bao nhiêu ý nghĩa trong xã hội.
“Muốn kiểm soát được quyền lực nhà nước thì phải có cơ chế dân chủ, phải có đại diện thật sự của người dân trong cơ quan dân cử. Thứ hai là các cơ chế kiểm soát phải thật sự độc lập chứ như bây giờ, xét đến cùng vẫn là ta tự kiểm soát ta, không có kiểm soát ngoài nên khó có thể độc lập” – ông Việt nhận định.
Đồng quan điểm, TS Tô Văn Hòa (ĐH Luật Hà Nội) cho rằng trong kiểm soát quyền lực cần chú trọng tới các cơ chế giám sát bên ngoài hơn là bên trong. Chẳng hạn đối với việc kiểm soát hệ thống hành pháp thì QH cần đủ mạnh để giám sát về mặt chính trị (ví dụ bỏ phiếu bất tín nhiệm), còn tòa án thì giám sát về mặt pháp lý. Ông Hòa cũng lưu ý bản thân sự phân công quyền lực một cách rõ ràng cũng chính là một cách kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, phải có cơ chế cụ thể thì mới vận hành được việc kiểm soát chứ như hiện nay, QH có quyền giám sát nhưng không có cơ chế cụ thể nên khó thực hiện hiệu quả.
Theo GS Nguyễn Đăng Dung, giám sát của QH là biểu hiện quan trọng của kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, giám sát ấy phải tập trung vào giám sát hành pháp, phải áp dụng các phương pháp như điều trần chứ không phải kiểu “đi kiểm tra cưỡi ngựa xem hoa”.
Giám sát quá nhiều thành ra hình thức
Hiện nay Hiến pháp quy định QH có quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của toàn bộ bộ máy nhà nuớc, từ nguyên thủ quốc gia cho đến Chính phủ, từ VKSND Tối cao cho đến TAND Tối cao, từ cả hoạt động của Ủy ban Thường vụ QH cho đến tổ chức và hoạt động của các chính quyền địa phuơng… QH còn giám sát cả hoạt động xét xử của tòa án nên ngày càng có xu hướng can thiệp vào từng vụ án cụ thể, trong khi đó nguyên tắc của tòa án là phải độc lập.Việc giám sát quá nhiều các đối tượng, chủ thể bị giám sát, phạm vi giám sát quá rộng dẫn tới giám sát mang tính hình thức và không thấy trọng tâm của việc giám sát Chính phủ – hành pháp.GS-TS NGUYỄN ĐĂNG DUNG
Theo: PLTP
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét