Phó Chủ tịch TQ Tập Cận Bình
Nguyễn Đình Ấm
Hôm 14/3/2012 ông Tập Cận Bình phó chủ tịch, ông chủ tương lai của Trung Quốc, thẳng thừng tuyên bố công khai tại một trường đảng: “Đảng cộng sản Trung Quốc là nơi “tập trung mọi thối nát…thành phần giá áo, túi cơm”, và “mất hết lòng tin của nhân dân Trung Quốc”…
Những tuyên bố này của ông Tập nói lên điều gì?
- Sự thừa nhận thực trạng thê thảm về phẩm giá, nhân cách, uy tín, thối nát…của Đảng Cộng sản TQ, ông thực sự muốn thay đổi theo hướng dân chủ để ĐCSTQ tiếp tục tồn tại trong danh dự và an toàn?.
- Đấu đá nội bộ, tranh giành đặc quyền, đặc lợi căng thẳng đến tột đỉnh của nội bộ Đảng CSTQ trước thềm đại hội “dàn lại bàn cờ” chính trị…
Những tuyên bố trên đây của các lãnh tụ đảng độc tài, toàn trị không có gì mới nhưng chỉ khác lời của ông Tập lần này mang tính khái quát (mà theo những kẻ ngụy biện gọi là “vơ đũa cả nắm”), thẳng thừng, mạnh mẽ và “thật” hơn mà thôi.
Bởi vì, trên thực tế, chỉ những cư dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chuyên nghe đài phát thanh, truyền hình, báo “lề phải”…bị nô dịch về thông tin thì mới mơ hồ về sự “quang vinh muôn măm” của ĐCSTQ. Ngược lại, bộ phận lớn dân thành thị, lớp trẻ có học, những người sử dụng internet…không lạ gì những điều ông Tập nói. Họ ghê tởm, căm thù, phỉ nhổ những đảng viên, cán bộ chức quyền trong bộ máy Đảng, Nhà nước không từ một thủ đoạn, hành vi xấu sa, bì ổi nào để thả sức vơ vét của cải, tiền bạc của nhân dân. Hàng năm có cả nhiều nghìn cuộc biểu tình, “kiện cáo đông người”, đình công, tự thiêu…và bị nhà cầm quyền TQ bắt bớ, đàn áp thể hiện điều đó.
Vào những năm 1940 của thế kỷ trước, nhờ thắng lợi của quân đồng minh: Mỹ, Anh, Pháp và Liên Xô trước phát xít Nhật, Đức mà những người cộng sản TQ tập hợp dân chúng cần lao tiến hành thắng lợi cuộc chiến tranh giải phóng giành lại độc lập cho TQ. Sau đó, với sự ủng hộ của Liên Xô họ đánh đuổi được Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan và chiếm cứ toàn bộ lục địa TQ từ năm 1949. Từ những người học vấn cỡ “ búa liềm” chèo lái một đất nước rộng bao la lạc hậu, nghèo khó, chẳng bao lâu họ đã biến hàng 500-600 trăm triệu “đồng chí” đã giúp họ lên cầm quyền trở thành nô lệ, vật thí nghiệm cái gọi là kinh tế XHCN, làm con rối trong các cuộc đấu đá giành đặc quyền, đặc lợi. Hết cải cách điền địa đến phong trào hợp tác xã bậc cao, bậc thấp, nông trang rồi “toàn dân làm gang thép”, “cách mạng văn hóa”…đã triệt hạ nền tảng kinh tế, văn hóa hàng nghàn năm của TQ và mầm mống tư bản mới phát triển, tàn sát hàng chục triệu dân lành, đẩy hàng tỷ đồng bào của họ đến thảm họa đói nghèo, lạc hậu cùng cực. Cảnh họ thanh trừng, tàn sát nhau giành đặc quyền, đặc lợi còn dã man, tàn độc mà các chế độ phát xít tàn ác nhất cũng phải “nghiêng mình”, kinh sợ.
Từ những năm 1960 do tranh giành ảnh hưởng, mâu thuẫn với Liên Xô mà giới lãnh đạo TQ đi theo con đường thực dụng, trên thực tế rời bỏ những nguyên lý kinh tế giáo điều XHCN mở cửa với bên ngoài, đặc biệt từ năm 1972 bắt tay với Mỹ nên đã giải phóng sức lao động, tiềm năng của đất nước hơn 9 triệu km2, hàng tỷ dân bị kìm hãm bao năm nên bộ mặt kinh tế khởi sắc, tiền của dồi dào nhưng phần lớn thuộc về các quan chức Đảng, Nhà nước và bọn lưu manh mang nhãn “doanh nghiệp”, còn đại đa số người dân vẫn bị bóc lột, áp bức, nô dịch về thông tin, văn hóa và nghèo đói… Sự hưng thịnh kinh tế TQ cơ bản nhờ cơ chế thị trường, giải phóng sức dân bao năm bị kìm hãm, bóc lột sức lao động rẻ, khai thác tài nguyên quốc gia, tàn phá môi trường một cách “không thương tiếc”, ăn cắp bản quyền, sao chép công nghệ của nước tiên tiến, nô dịch kinh tế, văn hóa những nước nhỏ mà giới lãnh đạo tham nhũng, đê hèn…
Mặc dù nền kinh tế theo thị trường nhưng để giữ đặc quyền, đặc lợi, Đảng CSTQ đưa ra một một mô hình gọi là XHCN đã chết yểu được mơ mơ hồ hóa là “CNXH kiểu TQ”, thực chất là chế độ độc tài phong kiến kiểu mới. Đây là chế độ quái thai vì chẳng phải XHCN cũng chẳng phải phong kiến, không hẳn là tư bản nhưng vẫn cơ bản là chế độ độc tài. Quan chức đảng CS từ trung ương đến cơ sở nắm toàn bộ quyền hành của đất nước, cai trị dân bằng nghị quyết, mệnh lệnh, “ý kiến chỉ đạo” của của cá nhân có quyền hành và một bộ máy vũ trang, pháp luật, truyền thông…đồ sộ để duy trì lâu dài chế độ quân chủ trá hình. Tất cả cái gọi là “hệ thống chính trị…, các tổ chức chính trị xã hội, các hội đoàn”… chỉ là con rối trong tay họ. Ai phản ứng, ý kiến trái chiều lập tức bị sa thải, vùi dập, tù đày, thủ tiêu vừa công khai, vưà bí mật, bất chấp dư luận trong nước và quốc tế phản ứng thế nào.
Khi các quan chức cộng sản ở mọi tầng nấc có quyền uy tuyệt đối, không bị ai cạnh tranh, thách thức, không ai dám, được nói đến những sai phạm của họ thì việc họ không sa đọa về đạo đức, lối sống, không trụy lạc về nhân cách, không vơ vét của cải và không bị dân phỉ nhổ, ghê tởm…mới là điều lạ. Chế độ độc tài TQ đã 63 năm tồn tại trong trạnh thái ấy, ông Tập phải cắn răng mà nói ra, mới biết cái mùi trong miệng cộng sản không thể cứ ngậm mãi mà ngậm mãi được.
Thừa nhận thế, nhưng xem ra ông Tập, ông Ôn cũng không thể thay đổi được tình trạng này vì cả bộ máy Đảng, Nhà nước đã coi vơ vét là mục tiêu của quyền hành, những “dự án kiếm chác” dở dang của bản thân, con, cháu, bồ bịch…vụ nọ gối vụ kia không bao giờ dứt. Việc họ đột nhiên từ bỏ những khoản thu nhập khổng lồ trước mắt trong khi họ vẫn “cầm còi” là vô cùng khó khăn. Nay ông Tập hò hét: “Củng cố tổ chức, kiểm soát việc kết nạp đảng viên, tăng cường giáo dục và thanh tra” và “thanh lọc đội ngũ một cách kiên quyết, loại trừ những phần tử thoái hóa nghiêm trọng không thể cứu vãn… ”, cũng chỉ là “bổn cũ”, nghe “ quen quen” (Huỳnh Ngọc Chênh) mà thôi. Quả thật, tuyên bố của ông Tập vẫn là bài của giới lãnh đạo TQ từ 50-60 năm nay, chẳng khác các vua chúa thời Tần, Hán, Tống, Nguyên, Minh Minh, Thanh…Thời nào, khi suy tàn mà chẳng có những tuyên bố phải thương dân, trừ khử bọn quan lại ô uế, những Khuất Nguyên, những “thất trảm sớ” (như ở VN)…nhưng cũng chẳng thể tự thay đổi xã hội phong kiến thối nát do ông vua là “con trời” không bao giờ muốn từ bỏ ngai vàng.
Thậm chí, các thời phong kiến khả năng “tự chỉnh sửa” của họ còn cao hơn ĐCSTQ bởi vì, nếu chế độ phong kiến mục ruỗng thì vua phải chịu trách nhiệm, bị dân oán thán, lịch sử ghi xương, khắc cốt, trộm cướp nổi lên, nước ngoài xâm lấn… Từ đó có thể mất ngai vàng, bị chu di tam tộc, tôi tớ mất bổng lộc…còn ĐCSTQ thối nát là “lãnh đạo tập thể, trách nhiệm tập thể”…sức ép phải thay đổi “thấp” hơn nhiều so với chế độ phong kiến.
Vì vậy muốn đưa ĐCSTQ từ chỗ “tập trung mọi thối nát, giá áo, túi cơm” đến lành mạnh, tốt đẹp mang lại hạnh phúc cho dân, ghi danh với dân tộc, tránh được số phận nhục nhã như “cách mạng văn hóa” thì chỉ có cách ĐCSTQ phải dựa vào dân, được dân giám sát (dân trực tiếp bàu người lãnh đạo, tự do báo chí, tự do ngôn luận…) thì mới thành công. Ngược lại, cách làm như ông Tập nói vừa rồi vẫn là ĐCSTQ “vừa đá bóng, vừa thổi còi” thì chỉ là mị dân nhằm “ câu giờ” (dân đang bức xúc đòi hỏi sự thay đổi) hoặc để mở đường cho cuộc thanh trừng nội bộ mới mà thôi. Không tin, các bạn hãy chờ xem.
Nguyễn Đình ẤmTheo: Blog BĐX
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét