Phạm Kỳ Đăng
“Khi một đảng thôi độc tài, đòi hỏi độc đoán tác quyền bị xoá bỏ, điều kiện khung cho sân chơi sẽ được xác lập cho mọi người dân đều tham gia vào quyền lực và chắc hẳn họ sẽ cử ra người đại diện. Các trí thức, cũng như mọi công dân đều có cơ may tham gia vào sự ủy nhiệm quyền lực đó.”
Người trí thức lên tiếng, phản tỉnh và dấn thân? Điều ấy thuộc về cuộc sống thường hằng như mưa nguồn chớp biển. Xã hội nhân quần chỉ sôi nổi bàn rộ khi trí thức vắng hẳn tiếng nói trong xã hội nan nguy ầm ầm lao như một cỗ xe tuột dốc không phanh, không cơ chế số lùi trong thiết kế.
Tôi thuộc diện không mấy thiết tha với biệt nhãn nhìn họ ở vị trí được nâng cao hơn tầm xứng đáng với họ. Trí thức khai sáng văn minh, cũng từng xây dựng học thuyết bao biện cho độc tài và những thể chế tàn bạo, từng truy nã tận diệt tư tưởng đối kháng và, ghê rợn nhất, từng có những phát minh công xưởng hoá, dây chuyền hoá sự giết người hàng loạt.
Nếu tôi không lầm, trí thức – nâng tầm văn hoá và cả tận diệt nhân văn – bao gồm rất nhiều giới, hay nói đúng hơn rất nhiều giới làm nên trí thức. Ở nước Nga của Tolstoi và Dostojevski vĩ đại cùng cự tuyệt bạo lực chuyên chính, chính Lênin là một trong những lãnh tụ đầu tiên đòi hỏi cải tạo và xây dựng giới trí thức thành một giới chuyên dụng sau này cho nhà nước, đương nhiên coi trí thức là công cụ – như một hệ quả logic của tham vọng cấy trồng người tương lai. Để rèn giũa người, mọi phương tiện giao dịch đều được huy động hết công suất liên thanh “nổ” khẩu hiệu và giáo điều. Người đứng máy nổ đó, là trí thức, còn ai vào đấy nữa. Như vậy, cùng với thảm hoạ đốt sách hoặc thuần hoá trí thức bằng trại tập trung hay trại cải tạo, đã từng xảy ra vụ thông đồng hủ lậu kéo dài nhiều thập kỷ giữa người cầm quyền và trí thức. Lãnh tụ ban đầu, e dè và khinh thị, còn coi trí thức bằng hoặc không bằng cục phân. Sau này lãnh tụ của nhà nước Angkar còn không cần phân nữa.
Trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít, nhiều văn nghệ sĩ, triết gia, khoa học gia đã chẳng chần chừ hoà mình vào tổ chức chính trị. Gia nhập đảng cộng sản, hậu thế không nên quên những gương mặt chói sáng: Louis Aragon, Joliot–Curie, Pablo Neruda, Pablo Picasso, Paul Eluard, Albert Camus, Jean–Paul Sartre, Yvest Monstand, v.v. Aragon tha thiết vì “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng”. Pablo Picasso vào đảng vì như ông nói, Đảng Cộng sản Pháp đã mang lại quê hương cho đời nghệ sĩ lưu vong như ông. Và còn cả rất nhiều trí thức, trước hiểm hoạ diệt vong nhân loại, đã cùng đồng hành, kề vai sát cánh gắn bó từng chặng hoặc cả đời với Đảng cộng sản.
Cũng từ bên ngoài, là khách mời tới thăm quê hương Cách mạng tháng Mười hiện hữu sức mạnh đảng chuyên chính công nông, André Gide viết phóng sự “Trở về từ Liên bang Xôviết”. Picasso, nhiều năm từ chối lời mời, khi lãnh tụ qua đời mới thể theo lời yêu cầu của đảng vẽ chân dung lãnh tụ. Một chân dung mang vẻ vô thường vô phạt của bác nông phu, bác hàng thịt vô danh, cơ bản nhất thiếu hẳn đi vẻ nhân từ của cha già dân tộc. Rồi Sartre lên án việc xe tăng Xôviết vào Hungary. Cũng từ bên trong hệ thống của xã hội chủ nghĩa hiện thực, nơi đảng đã độc tôn tiếm quyền và đắc ý độc quyền, nhiều trí thức đã phản tỉnh, phê phán Đảng lại cũng bởi chủ nghĩa cộng sản mang lại đời vong quốc trên chính quê hương của họ. Danh sách này nhiều vô kể.
Gia nhập ở lại hay ly khai khỏi Đảng đều là những hoạt động dấn thân và tự nguyện của những đầu óc độc lập. Chủ nghĩa cộng sản đã từng là mơ ước, đã từng là lời kêu gọi lương tri, là thuốc phiện và mốt của người trí thức, ở nhiều thời điểm lịch sử như sau Cách mạng tháng Mười, Nội chiến Tây Ban Nha, Thế chiến II và Chiến tranh Việt Nam. Trong tương quan cho phép so sánh sòng phẳng, sự phản ứng của những người Nhân văn Giai phẩm, và “Chống Đảng” không kém phần gay gắt, dẫu cho người bị nạn – như các nạn nhân chung của chế độ xã hội chủ nghĩa hiện thực – đều xác quyết một lòng trung tín. Vì vậy tôi không xếp Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Nguyễn Hộ hay Trần Độ vào đối lập trung thành. Phản ứng của họ quyết liệt và trung thực trong thời điểm chủ nghĩa cộng sản đang còn là kỳ vọng. Ít nhất vào thời điểm này, nếu còn sống, họ sẽ không đưa ra thông điệp thất vọng.
Thất vọng vì nó tiêm liều tê liệt cho mọi vận động, nỗ lực từ mọi tầng lớp đang cố gắng hướng đến giải độc quyền, xây dựng xã hội dân sự. Chỉ trong một xã hội dân sự xây dựng trên cơ sở nhà nuớc pháp quyền, thay thế cho cho một bộ máy nhà nước toàn trị như quái vật chà đạp thần dân, mới có sự tồn tại thật sự của nhà nuớc và công dân. Khi đó can đảm công dân sẽ thôi là đặc quyền hoặc là một thách thức dành cho một thiểu số nào đó nói lời phê phán.
Khi một đảng thôi độc tài, đòi hỏi độc đoán tác quyền bị xoá bỏ, điều kiện khung cho sân chơi sẽ được xác lập cho mọi người dân đều tham gia vào quyền lực và chắc hẳn họ sẽ cử ra người đại diện. Các trí thức, cũng như mọi công dân đều có cơ may tham gia vào sự ủy nhiệm quyền lực đó.
Trong tình thế Đảng vẫn loay hoay cố công chỉnh đốn, liệu người trí thức có thể an ủi vai trò mình là người tạo ra sản phẩm trí tuệ tinh thần, mà không chú trọng vào cân nhắc công và tội. Việc làm của họ phỏng đi đến một kết quả gì nếu người trí thức quên đòi hỏi của một chút gì đó tựa lương năng và khai sáng?
Nhân dân kỳ vọng thì không phải là không chính đáng, đáng ghi nhận hơn là lời dè bỉu eo sèo rất chính đáng về người trí thức có thể tự do nghĩ ngợi, tự đi đứng được mà vẫn chịu áp tải, không giải thoát được ra khỏi tình trạng giám hộ.
Nói ra một câu phân trần cũng là một thỏa hiệp. Sẽ là ngây thơ nếu cho rằng trí thức cần sự lãnh đạo của Đảng bằng pháp luật. Làm gì có điều này, nếu như Đảng nằm trên vòng cương tỏa của luật pháp.
Như vậy băn khoăn vì chưa xuất hiện một giới trí thức ở Việt Nam sẽ không chính đáng bằng tự vấn về sự a dua, về các cuộc thanh trừng và khủng bố trí thức trong thế kỷ qua. Cũng không phải lo lắng vì có thể bơ vơ đứng đường khi Đảng từ bỏ quyền lãnh đạo. Những “trăn trở” này tố giác suy tư của lớp người trí thức công cụ-thư lại. Đây là lối tư duy của người bị điều kiện hoá, không có khả năng tri nhận độc lập và tất nhiên còn cách xa mọi sự phản tỉnh.
Sự đau đớn trải nghiệm, lẽ dĩ nhiên là cái giá của mọi người phải trả. Thú nhận sự đau đớn còn khó khăn hơn nhiều. Tài năng và danh vọng cực phẩm không làm thay đổi một Günter Grass hầu như suốt đời lên tiếng phản bác đường lối chính trị của nhà nước CHLB Đức. Gần đây báo chí phanh phui quá khứ ông đã từng là người của SS khi còn trai trẻ. Hẳn nhiên vậy, đã trong xã hội toàn trị ai cũng phải can dự cả, có gì đáng gây mặc cảm đụng chạm khủng khiếp lắm đâu. Giá như ông công bố sớm thì người ngưỡng mộ đỡ tiếc cho ông cơ hội bạch hoá đời mình.
Điểm lại dữ kiện và một số hiện tượng từng xảy ra cho cuộc thảo luận, người trí thức có thể thấy nhiều hơn khả năng dung nạp nhau về quan điểm, và viễn tượng hoà giải để đồng tâm hiệp lực ở nhiều phương diện vẫn đợi chờ cũng như còn bỏ ngỏ.
Bài viết của nhà văn Phạm Thị Hoài, đích đáng khắc hoạ chân dung, đặc sắc về văn phong, đã chụp cắt, quét lớp một nhóm, nhà văn gọi là đối lập trung thành. Khái niệm đối lập trung thành tuy nhiên không cho ta cách nhìn phân liệt hơn về nhiều trí thức và thái độ, mức độ chống đối hoặc phản biện. Cũng như đánh giá không có nghĩa là đưa ra chuẩn xếp hạng cho người trong và ngoài lớp cắt đó. Đã và còn có rất nhiều trí thức quan phương a dua, trùm chăn, phò chính thống nhưng, quý giá vậy thay, có sự hiện diện của những trí thức dấn thân vốn trung thành, xa rộng ra là đối lập vốn chung lý tưởng – bao gồm cả cựu đảng viên, tướng lĩnh, phục viên, lão thành, viên chức hưu trí. Mọi ý kiến phản tư, phản biện của họ đều đáng đựợc nghiêng mình lắng nghe. Xã hội còn trông chờ vào những ai khác nữa. Dưới góc độ đó, công lao của người trí thức, nhân sĩ xuống đường biểu tình chống cắt cáp, chống xâm lược lãnh hải, chủ quyền, Biển Đông trong năm 2011 thật không hề nhỏ chút nào. Sức cổ vũ, thức tỉnh và khai phóng tiềm năng từ tiếng nói phản tỉnh và phản biện của trí thức vốn trung thành đã làm được nhiều việc và hiện cần thiết hơn bao giờ hết.
P.K.Đ.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét