Pages

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

Cải cách chính trị Miến Điện: Tâm điểm thảo luận tại Thượng đỉnh ASEAN Cam Bốt

Những chuyển biến chính trị gần đây tại Miến Điện sẽ là chủ đề thảo luận trọng tâm trong Thượng đỉnh ASEAN tại Cam Bốt.
 
 
 
Đức Tâm

Sau nhiều năm đau đầu về hồ sơ Miến Điện, lần này, nhân Hội nghị Thượng đỉnh tại Cam Bốt, Hiệp hội các nước Đông Nam –ASEAN có lý do để ủng hộ chế độ Naypyidaw. Giới quan sát nhận định, Miến Điện sẽ là tâm điểm của các cuộc thảo luận (tại Thượng đỉnh ASEAN), nếu cuộc bầu cử diễn ra tốt đẹp, thì đó sẽ là một thành công đối với ASEAN.
Khi khai mạc Thượng đỉnh lần thứ 20 tại Phnom Penh, vào thứ Ba, 03/04, ASEAN chưa biết được kết quả chính thức cuộc bầu cử bán phần được tổ chức ngày hôm nay. Tuy nhiên, ASEAN vẫn sẽ có nhiều thông tin từ các quan sát viên mà khối này đã gửi tới để theo dõi cuộc bỏ phiếu và trừ phi có những đột biến, bất ngờ lớn, gương mặt tiêu biểu của phe đối lập, lãnh đạo Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, bà Aung San Suu Kyi sẽ trở thành nghị sĩ, sau nhiều năm bị cầm tù và quản thúc tại gia.

Một nhà ngoại giao châu Á, xin dấu tên, nói với AFP : « Đây là một giai đoạn quan trọng hướng tới sự phục hồi chính trị của Miến Điện ». Theo quan chức này, việc đánh giá thực tâm của giới lãnh đạo khi tiến hành các cải cách chính trị phụ thuộc rất nhiều vào kết quả cuộc bầu cử cũng như diễn tiến cuộc bỏ phiếu có tự do và công bằng hay không.
Trong năm qua, Miến Điện đã có nhiều cải cách « ngoạn mục » và ASEAN là nhóm nước đầu tiên kêu gọi quốc tế bãi bỏ cấm vận Miến Điện. Hôm qua, Ủy viên châu Âu, phụ trách Thương mại, Karel de Goucht, cho biết là châu Âu đã nghĩ tới việc bãi bỏ các trừng phạt chính trị đối với Miến Điện vào ngày 23/04 tới đây, nhưng các trừng phạt về kinh tế thì vẫn tiếp tục.
Vẫn theo Ủy viên châu Âu Karel de Goucht, các thỏa thuận về ưu đãi thuế quan giữa Bruxelles và Naypyidaw chỉ có thể được đề cập tới sau khi Tổ chức Lao động Quốc tế – OIT – ra báo cáo, đánh giá về tình trạng lao động cưỡng bức tại Miến Điện.
Các vụ vi phạm nhân quyền và trấn áp mạnh mẽ mọi đối kháng của tập đoàn quân sự cầm quyền tại Miến Điện, cho tới tháng Ba năm 2011, thường là những chủ đề khó xử đối với ASEAN, như những bóng mây đen ám ảnh các Hội nghị Thượng đỉnh của khối này.
Thế nhưng, năm nay, Miến Điện tham gia Thượng đỉnh ASEAN ở Phnom Penh trong một tư thế khác : Chính quyền Naypyidaw thực hiện cải cách với nhịp độ nhanh chưa từng thấy.
Ông Bridget Welsh, chuyên gia chính trị học, thuộc đại học Quản trị Singapore (Singapore Management University) nhấn mạnh là lần đầu tiên, ASEAN cử quan sát viên tới theo dõi cuộc bầu cử và « Miến Điện sẽ là tâm điểm của các cuộc thảo luận (tại Thượng đỉnh ASEAN), nếu cuộc bầu cử diễn ra tốt đẹp, thì đó sẽ là một thành công đối với ASEAN ».
Tại Hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 11 năm ngoái, ASEAN đã đồng thuận để cho Miến Điện làm chủ tịch luân phiên của khối này vào năm 2014. Do vậy, Miến Điện đang mong đợi đầu tư nước ngoài đổ vào nước này, sau khi cộng đồng quốc tế bãi bỏ lệnh cấm vận.
Theo nhận định của giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á thì ASEAN sẽ chú ý tới việc giúp đỡ Miến Điện thúc đẩy cải cách và được Hoa Kỳ cũng như châu Âu bãi bỏ các trừng phạt.
Mặc dù hôm nay, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ tố cáo các trường hợp bất hợp lệ xẩy ra trong các phòng bỏ phiếu, nhưng tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitsuwan, lại hoan nghênh « tinh thần hồ hởi, sự chú ý và thái độ rất có ý thức của tất cả các bên » tham gia cuộc bầu cử.
ASEAN vốn thường xuyên bị phương Tây tố cáo có thái độ quá mềm yếu đối với chính quyền Miến Điện. Do vậy, giới phân tích lưu ý rằng một trong những thách thức đối với khối này là phải biết giữ khoảng cách. Thậm chí, chuyên gia Bridget Welsh còn nói thẳng, muốn tạo được lòng tin thì ASEAN phải biết thừa nhận là có một số vấn đề cần giải quyết. « Nếu ASEAN quá mềm yếu, họ không còn đáng tin cậy nữa, trong khi đó, sự khả tín và tính vẹn toàn lại là những điều cơ bản đối với các cải cách thực sự tại Miến Điện ».
Một năm cải cách Miến Điện
2011:
Ngày 30/03/2011 : Cựu thủ tướng Thein Sein, một người xuất thân từ hàng ngũ quân đội chính thức được đề cử vào chức vụ tổng thống. Tập đoàn quân sự Miến Điện tự giải tán. Tướng Than Shwe liên tục cầm quyền từ năm 1992 về hưu. Cộng đồng quốc tế tố cáo Miến Điện tiến hành cải tổ về mặt hình thức.
Ngày 06/07/2011 : Lần đầu tiên kể từ khi được trả tự do vào tháng 11/2010 nhà đối lập Aung San Suu Kyi rời khỏi Rangoon đến viếng thăm Bagan, một thành phố ở miền trung. Một tháng sau, bà đến Bago ở phía bắc Rangoon với mục đích chính trị.
Ngày 19/08/2011 : Cuộc gặp lịch sử giữa giải Nobel Hòa bình 1991, Aung San Suu Kyi với tổng thống Thein Sein tại Naypyidaw.
Ngày 18/09/2011 : Aung San Suu Kyi đánh giá « tích cực » tiến trình cải tổ tại Miến Điện nhưng thận trọng về khả năng chính quyền tiếp tục trên con đường cải tổ.
Ngày 30/09/2011 : Tổng thống Thein Sein bất ngờ quyết định đình chỉ dự án xây đập thủy điện tại bang Kachin. Đây là một dự án do Trung Quốc tài trợ và gây nhiều tranh cãi.
Ngày 12/10/2011 : Naypyidaw trả tự do cho 200 tù chính trị trong đó có nghệ sĩ danh tiếng Zarganar.
Ngày 17/11/2011 : Hiệp hội các nước Đông Nam Á đồng ý trao chức chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2014 cho Miến Điện.
Ngày 19/11/2011 : Chính quyền tiến hành đối thoại với các nhóm vũ trang thuộc các sắc tộc thiểu số. Từ đó đến nay một số thỏa thuận ngưng bắn đã được ký kết. Cho dù các thỏa thuận đó còn mong manh.
Ngày 30/11/2011 : Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Hillary Clinton công du Miến Điện. Sự kiến chưa từng có từ hơn 50 năm qua.
2012:
Ngày 05/01/2012 : Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo được phép tham gia bầu cử bổ sung ngày 01/04/2012. Trước đó vào tháng 5/2010 tổ chức chính trị này đã bị giải thế.
Ngày 13/01/2012 : Thêm một đợt trả tự do cho các tù nhân chính trị, trong đó có những gương mặt nổi bật của phong trào nổi dậy năm 1988 và cựu thủ tướng Khin Nyunt. Ông Khin Nyunt từng là nạn nhân của đợt thanh lọc năm 2004.
Ngày 16/01/2012 : Chủ tịch Quốc hội Shwe Mann tuyên bố « Miến Điện không có sự lựa chọn nào khác ngoài con đường dân chủ ».
Ngày 23/01/2012 : Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Miến Điện.
Ngày 11/02/2012 : Aung San Suu Kyi khởi động chương trình vận động tranh cử tại Kawhmu, đơn vị bầu cử gần Rangoon. Tiếp theo đó là vòng vận động kéo dài trong cả tháng để ủng hộ các ứng viên của Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ.
Ngày 21/03/2012 : Miến Điện mời quan sát viên quốc tế theo dõi bầu cử bổ sung.
Ngày 25/03/2012 : Vì lý do sức khỏe Aung San Suu Kyi bắt buộc phải hủy vài chặng cuối của cuộc vận động tranh cử.
Ngày 01/04/2012 : Bầu cử bổ sung mở đường cho nhà đối lập Aung San Suu Kyi vào Nghị viện.
Theo: RFI

Không có nhận xét nào: