Pages

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Đề nghị cho anh em ông Vươn tại ngoại

Cho đến nay thì biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với các bị can Vươn, Quý, Vệ và Sịnh là không cần thiết, áp dụng theo quy định tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Kiến nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn với anh em ông Vươn
Đường vào đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn
Ngày 03/4, Luật sư Nguyễn Việt Hùng và Luật sư Phạm Xuân Nga, luật sư bào chữa cho các bị can Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ đã có văn bản kiến nghị gửi Cơ quan CSĐT Công an TP.Hải Phòng và Viện KSND TP.Hải Phòng kiến nghị xem xét về trách nhiệm hình sự và thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với các bị can trong vụ việcở Tiên Lãng ngày 05/01/2012.

Kiến nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn với anh em ông Vươn
Văn bản kiến nghị thay đổi biện pháp ngăn chặn của Văn phòng Luật sư Kinh Đô
Theo văn bản kiến nghị, hai Luật sư cho rằng: Theo kết luận của Thủ tướng thì việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất ngày 05/01/2012 của UBND huyện Tiên Lãng là trái pháp luật, điều này đã dẫn tới việc một số người thân trong gia đình bị can Đoàn Văn Vươn vì bức xúc đã phản ứng lại lực lượng cưỡng chế gây thương tích cho 4 cán bộ chiến sỹ Công an và 2 cán bộ chiến sỹ Quân đội.
Trong vụ việc này, nguyên nhân chính dẫn đến hành vi phản ứng của một số thành viên trong gia đình ông Vươn là việc làm không đúng pháp luật của những cán bộ, quan chức của huyện Tiên Lãng và việc huy động lực lượng Quân đội, Công an tham gia cưỡng chế cũng là không đúng.
Trong quá trình thực hiện việc cưỡng chế, lực lượng cưỡng chế đã đi đường qua khu nhà của gia đình bị can Quý và bị can Vươn (trên đất bị can Vươn được giao nhưng chưa bị có quyết định cưỡng chế), mà bản thân họ không được thông báo là lực lượng cưỡng chế sẽ đi qua nhà của họ để vào khu vực cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế của UBND huyện.
Gia đình bị can Vươn, bị can Quý cũng đã có rào chắn không đồng ý cho lực lượng cưỡng chế đi qua; những cán bộ, quan chức tham gia việc cưỡng chế cũng không có thông báo và không đề nghị đi qua khu vực nhà của họ, không được gia đình họ đồng ý cho đi qua, nhưng vẫn tự động đi vào khu vực sinh sống của họ.
Việc kháng cự chỉ xảy ra sau khi lực lượng cưỡng chế cố ý vượt qua rào chắn mà gia đình ông Vươn đã rào từ trước. Trên thực tế là nhà và tài sản của gia đình ông Quý, ông Vươn đều bị huỷ hoại cả ở trong và cả ở ngoài khu vực có quyết định cưỡng chế ngay sau cưỡng chế, khi mà lực lượng chức năng vẫn còn quản lý cả khu vực này.
Một vấn đề nữa là để vào khu vực cưỡng chế (theo quyết định cưỡng chế) còn một đường đi khác không phải đi qua khu nhà nằm ngoài khu vực cưỡng chế, nhưng lực lượng cưỡng chế lại không đi theo con đường này. Nếu đi con đường này vào khu vực cưỡng chế thì sẽ không xảy ra việc phản ứng của người thân trong gia đình ông Vươn.
Sau khi có kết luận của Thủ tướng ngày 10/02/2012 về việc thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất là không đúng pháp luật, việc huỷ hoại tài sản của gia đình bị can Vươn, bị can Quý đã được khởi tố vụ án, Luật sư cũng đã có kiến nghị nêu rõ những dấu hiệu của một số tội danh và vụ án khác có liên quan trực tiếp, có mối quan hệ “nhân - quả” với vụ án “Giết người - Chống người thi hành công vụ” nêu trên. Những sai phạm trong việc thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất, việc thực hiện cưỡng chế không đúng pháp luật, việc kháng cự của bị can trong vụ án này và việc huỷ hoại tài sản,… là một chuỗi các hành vi có mối liên hệ chặt chẽ với nhau khó có thể tách rời. Thế nhưng chỉ hành vi của những người trong gia đình ông Vươn bị xử lý, hiện tại họ đang bị áp dụng biện pháp tạm giam; còn các hành vi có dấu hiệu của những vi phạm pháp luật hình sự khác thì lại chưa bị xử lý. Đó là điều không công bằng đối với các bị can!
Hành vi phản ứng lại lực lượng cưỡng chế có nguồn gốc xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của một số cán bộ, công chức, quan chức. Bản thân các bị can Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Vệ trước khi xảy ra vụ án này là những người dân lương thiện, chăm chỉ làm ăn, có người đã từng là quân nhân, có bản lĩnh lấn biển, chưa có tiền án, tiền sự; họ cũng có nơi cư trú, sinh sống rõ ràng.
Mặt khác, liên quan đến vụ việc này họ cũng còn có rất nhiều việc phải làm, như giải quyết các việc liên quan đến vụ án hành chính đã khởi kiện trước đây, nhà cửa và tài sản của gia đình bị hủy hoại khi cưỡng chế xảy ra, rồi các khoản vay nợ cá nhân và ngân hàng cần phải giải quyết.
Cơ quan chức năng của Hải Phòng đã hủy quyết định thu hồi đất và tiếp tục cho gia đình ông Vươn sử dụng đất, nhưng hiện nay các lao động chính của gia đình ông Vươn đều bị tạm giam, chỉ còn lại phụ nữ và trẻ em trong gia đình, nên không thể tiếp tục đầu tư sản xuất; nếu điều này tiếp diễn thì sẽ làm cho các quyết định thấu tình đạt lý của Thủ tướng Chính phủ không có điều kiện để thực hiện trên thực tế đối với cuộc sống của gia đình ông Vươn. Ông Vươn và các thành viên trong gia đình đã đổ mồ hôi, xương máu, sức người, sức của và cả nước mắt (con gái ông Vươn chết đuối tại khu đầm năm 2001 khi mới 8 tuổi) để quai đê lấn biển mưu sinh; lại nhiều năm khiếu kiện, theo đuổi công lý để bảo vệ quyền lợi hợp hợp pháp của mình và gia đình.
Do vậy, nay dù đang ở trong hoàn cảnh lao lý thì các luật sư cũng tin chắc rằng ông Vươn và gia đình sẽ vẫn tuân thủ pháp luật. Mặt khác, cho đến nay đã sắp hết thời hạn tạm giam theo quy định của pháp luật. Vì vậy, luật sư cho rằng cho đến nay thì biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với các bị can Vươn, Quý, Vệ và Sịnh là không cần thiết, áp dụng theo quy định tại Điều 94 Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Bởi những lý do nêu trên, để đảm bảo sự công bằng đối với các hành vi trong vụ cưỡng chế ngày 05/01/2012 đối với khu đầm của gia đình bị can Đoàn Văn Vươn tại thôn Chùa Trên, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng. Các luật sư đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra, Viện kiểm sát nhân dân TP Hải Phòng thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho các bị can Vươn, Quý, Sịnh, Vệ được tại ngoại khi chưa có kết luận hoặc phán quyết có hiệu lực pháp luật (khichưa xác định các bị can có tội hay không có tội hoặc được miễn trách nhiệm hình sự).
Việc các bị can nói trên được tại ngoại trong giai đoạn hiện nay, theo các luật sư vẫn đảm bảo được tính khách quan, không những không ảnh hưởng gì đến việc điều tra mà còn đảm bảo được sự công bằng và nhân đạo, tránh được những dư luận không tốt liên quan đến việc giải quyết vụ việc.
Theo: Infonet

Không có nhận xét nào: