New York, USA – Nhân dịp Đối thoại
song phương về nhân quyền được dự kiến vào ngày 26-27 tháng Tư tại Hà Nội, giữa
Úc và VN, Human Rights Watch (HRW) đã đưa ra đề nghị: Úc cần thúc đẩy cải thiện
nhân quyền ở Việt Nam. Thông cáo báo chí của HRW đưa ra tại New York, sáng sớm
25.04.2012.
(New York, ngày 25 tháng Tư,
2012) – Úc cần vận động Việt Nam phóng thích tất cả tù nhân chính trị và chấm
dứt cản trở tự do ngôn luận, lập hội và nhóm họp ôn hòa cũng như tự do tín
ngưỡng và tôn giáo trong cuộc đối thoại song phương thường niên về nhân quyền
tại Hà Nội vào ngày 26 và 27 tháng Tư năm 2012. Đó là thông điệp của Tổ chức
Theo dõi Nhân quyền trong bản khuyến nghị dài 18 trang được chuyển cho phía Úc.
Chỉ tính riêng trong quý đầu của năm 2012, Việt
Nam đã bỏ tù ít nhất 12 người chỉ vì họ thực thi các quyền nói trên một cách ôn
hòa. Trước đó, ít nhất 33 nhà vận động nhân quyền và viết blog trên mạng
internet đã bị kết án tù trong năm 2011 chỉ vì họ đã bày tỏ các niềm tin tôn
giáo và chính trị.
“Việt Nam đã lão luyện trong ngón nghề sách
nhiễu, bắt bớ và truy tố những nhà vận động có đủ can đảm nói lên suy nghĩ của
mình, với các tội danh mơ hồ về an ninh quốc gia được gắn với các mức án phạt
nặng nề,” ông
Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân
quyền nói. “Úc cần chất vấn chính quyền Việt Nam về những tuyên bố nực cười của
họ rằng Việt Nam không có tù nhân chính trị, bởi chính những điều luật được dùng
để kết án họ đã lạm dụng nhân quyền.”
Các quan chức Úc cần thúc đẩy Việt Nam sửa đổi
hoặc loại bỏ các điều khoản trong bộ luật hình sự, Pháp lệnh về Tôn giáo, Pháp
lệnh 44 về Xử phạt các Vi phạm Hành chính, và các điều luật tư pháp khác có hiệu
lực hình sự hóa các hành vi bất đồng chính kiến ôn hòa và một số hoạt động tôn
giáo, đi ngược lại với nghĩa vụ của Việt Nam trong tư cách quốc gia thành viên
đã tham gia Công ước Quốc tế về các Quyền Chính trị và Dân sự (ICCPR). Cụ thể
là, Úc cần gây sức ép nhằm xóa bỏ hoặc sửa đổi các điều luật về tội danh “an
ninh quốc gia,” trong đó có điều 79 (“hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân
dân”), điều 87 (“phá hoại chính sách đoàn kết”), điều 88 (“tuyên truyền chống
nhà nước”), điều 89 (“phá rối an ninh”), điều 91 (“trốn đi nước ngoài hoặc trốn
ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”), điều 92 (“hình phạt bổ sung”
về tước quyền công dân), và điều 258 (“lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm
lợi ích của nhà nước”) của bộ luật hình sự.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền ghi nhận rằng, trên
thực tế, những người thành lập hoặc tham gia một đảng phái chính trị đối lập với
Đảng Cộng sản Việt Nam có nguy cơ bị kết tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền
nhân dân,” còn những người không quy phục các tổ chức tôn giáo do nhà nước kiểm
soát thường bị truy tố về tội “phá hoại chính sách đoàn kết.” Những nhà vận động
từng chấp bút các bài cổ vũ dân chủ hoặc xã luận phê phán chính phủ và trả lời
phỏng vấn các đài phát thanh nước ngoài như RFA, VOA và BBC thường bị giam giữ
với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước.”
Những người đòi quyền lợi lao động hoặc đất đai
đứng ra tổ chức các cuộc biểu tình hoặc đình công tự phát thường bị kết tội “phá
rối an ninh.” Những nhà vận động nhân quyền muốn trốn khỏi Việt Nam, hoặc đi
nước ngoài dự tập huấn rồi trở về Việt Nam có thể bị bắt giữ và kết tội “trốn đi
nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân.” Các nhà
vận động tôn giáo, khiếu kiện đất đai hoặc vận động chống tham nhũng cũng bị kết
tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” để “xâm phạm lợi ích của Nhà nước.” Hơn
nữa, sau khi đã thụ án nhiều năm tù, những người bị kết án với các tội danh nói
trên có thể phải chịu thêm các “hình phạt bổ sung” như bị tước quyền công dân
khi đã chấp hành xong án tù, bị quản chế tới 5 năm, bị cấm đi khỏi nơi cư trú và
bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
“Giới ngoại giao Việt Nam thích khoe khoang với
các đối tác nước ngoài về sự tôn trọng pháp quyền ở nước mình,” ông Robertson
nói. “Nhưng một hệ thống tư pháp bỏ tù những người phản đối một cách ôn hòa hoàn
toàn đi ngược lại những cam kết trống rỗng của chính quyền. Các quan chức Úc cần
sử dụng cuộc đối thoại để đòi hỏi Việt Nam tôn trọng các nghĩa vụ pháp lý quốc
tế về nhân quyền ở cấp độ tương ứng với nguyện vọng của họ về các thỏa thuận
viện trợ và thương mại quốc tế.”
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cũng kêu gọi Úc ưu
tiên kêu gọi việc phóng thích ngay lập tức các tù nhân chính trị đang có vấn đề
trầm trọng về sức khỏe để họ được chăm sóc y tế thích hợp. Vào tháng Bảy và
tháng Chín năm 2011, ít nhất có hai tù nhân chính trị – Nguyễn Văn Trại và
Trương Văn Sương – bị chết trong tù.
Cụ thể, Úc cần bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về
sức khỏe của một số tù nhân đang thụ án. Ví dụ như nhà thơ, nhà vận động chống
tham nhũng Nguyễn Hữu Cầu, 66 tuổi, người đã bị giam giữ tổng cộng 34 năm kể
từ năm 1975. Ông bị mất gần hết thị lực và hầu như bị điếc hoàn toàn. Nhà vận động Phật giáo Hòa
Hảo Mai Thị Dung, 43 tuổi, đang thụ án 11 năm tù vì vận động cho Phật giáo
Hòa Hảo, hiện bị ốm nặng liệt cả hai chân và mắc bệnh tim, bị sỏi mật, theo lời
những nhà vận động Phật giáo Hòa Hảo đã tới thăm bà trong năm 2010. Các tù nhân
chính trị khác gặp vấn đề khó khăn về sức khỏe gồm có nhà vận động Công giáo
Nguyễn Văn Lý, nhà
vận động Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Văn Lía, và nhà văn cổ vũ dân chủ Nguyễn Xuân Nghĩa. Cả ba
người đều bị các mức án nhiều năm tù chỉ vì đã thực thi các quyền cá nhân một
cách ôn hòa.
“Cha Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Hữu Cầu, Mai Thị Dung,
Nguyễn Văn Lía và Nguyễn Xuân Nghĩa cần được phóng thích ngay lập tức để được
chăm sóc y tế thích hợp,” ông Robertson nói. “Úc cần hỏi thẳng những người tham
gia đối thoại phía Việt Nam xem họ có điều gì phải sợ ở những nhà vận động ốm
đau nặng này, và yêu cầu chính quyền ngay lập tức cho các tù nhân nói trên được
tại ngoại chữa bệnh vì lý do nhân đạo.”
Úc cũng cần nêu quan ngại nghiêm trọng về việc áp
dụng quản chế hành chính để giam giữ một nhà vận động quyền lợi về đất đai, Bùi
Thị Minh Hằng, người bị đưa đi quản chế hành chính hai năm tại trại Thanh Hà không qua xét
xử vì đã tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí
Minh diễn ra từ tháng Sáu đến tháng Tám năm 2011. Ngày mồng 4 tháng Tư năm 2012,
cán bộ trại Giáo dục Thanh Hà cản trở không cho bà ký một văn bản khởi kiện yêu
cầu xem xét lại tính hợp hiến của quyết định đưa bà vào trung tâm giáo dục không
qua xét xử.
Trong quyết định được ban hành về trường hợp Bùi
Thị Minh Hằng, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội dẫn Nghị định 76, có nội dung
hướng dẫn về việc đưa người vào các “trung tâm giáo dục.” Theo điều 35 của Nghị
định này: “Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục hoặc người đại diện
hợp pháp của họ có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính về việc áp dụng
biện pháp đó.” Tuy nhiên, chính quyền đã phớt lờ các đơn khiếu nại của luật sư
Hà Huy Sơn, người đại diện cho Bùi Thị Minh Hằng nộp.
“Đưa Bùi Thị Minh Hằng vào một trung tâm giáo dục
chỉ vì bà đã tham gia vào các cuộc biểu tình ôn hòa là sự vi phạm công nhiên
pháp luật quốc tế về nhân quyền,” ông Robertson phát biểu. “Úc cần nêu mối quan
ngại và thúc giục chính quyền Việt nam phóng thích bà Hằng ngay lập tức và vô
điều kiện.”
Ngoài vấn đề những người bị giam giữ vì lý do
chính trị ra, Tổ chức Nhân quyền tuyên bố Úc cần thúc ép chính quyền Việt Nam có
biện pháp với tình trạng lạm dụng của công an, và của cán bộ các trung tâm quản
chế, đồng thời chấm dứt bao che cho các hành vi lạm dụng đó, cũng như chấm dứt
cưỡng bức lao động trong các trung tâm cai nghiện.
“Nghiên cứu gần đây của Tổ chức Theo dõi Nhân
quyền cho thấy hạt điều và các loại hàng hóa khác được sản xuất bằng sức lao
động bị ép buộc trong các trung tâm cai nghiện rồi đem xuất khẩu,” ông Robertson
nói. “Úc cần vận động cho một mô hình cai nghiện khác, nhân đạo và khoa học hơn,
đồng thời đảm bảo rằng không có một sản phẩm nào dính tì vết của lao động cưỡng
bức được nhập khẩu vào thị trường Úc.”
Human Rights Watch
Nguồn: VRNs
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét