Pages

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

Nói lấy được

Trần Huy Thuận

Khổng Tử nói: “Biết, nói biết; không biết, nói không biết – ấy là biết”. Lão Tử thì cực đoan hơn: “Biết, nói không biết, ấy là biết”.
Vậy mà trong đời sống thực tế, vẫn có kẻ biết rất ít, thậm chí chẳng biết gì, nhưng lại rất thích… nói! Dân gian gọi họ là bọn NÓI BỪA (NÓI ẨU), NÓI LẤY ĐƯỢC.
“Nói bừa”, “nói ẩu” và “nói lấy được” là nói như thế nào?
Không biết gì mà cứ nói như người hiểu biết, biết rất lơ mơ cũng nói như người thông thạo lắm, thấy ai nói bất cứ chuyện gì, về bất cứ đề tài nào, cũng nhảy vào tham gia, tán như thánh! Đấy là một dạng người nói bừa, nói ẩu phổ biến. Nhưng phần lớn loại này là những kẻ thích huyênh hoang, khoe mẽ hoặc hợm hĩnh – chỉ làm ta buồn cười, chứ không tổn hại gì cho người khác, cho xã hội.

Cũng thuộc loại trên, còn có những kẻ chuyên nói như một cái máy, hễ bấm vào là lập tức phát ra những ngôn từ như đã được “lập trình” sẵn, bất chấp thực tế hoàn cảnh, thời gian… giống như một cháu bé thuộc lòng bài mà chả hiểu gì về nội dung bài học. Có thể gọi đó là kiểu “nói theo quán tính” cũng được. Khi nói theo kiểu trên, người nói thường có bộ mặt rất trơ lì, vô cảm nhưng đầy tự tin.
Lại có kẻ chuyên nói theo ý của cấp trên. Cấp trên nói một thì anh ta tán ra mười, thậm chí còn “đón ý” nói được cả những vấn đề cấp trên định nói. Thánh chửa?..
Nhưng thực sự đáng ngại chính là loại người biết rõ điều mình nói là không đúng (hoặc ít ra là không đúng trong thời điểm ấy), đã lỗi thời, đã lạc hậu, đã bị ném vào sọt rác lịch sử, vẫn vô tư nói, nói lấy được! Có những điều kẻ ít học nhất cũng hiểu mà kẻ có đầy mình học vị, không hiểu. Cái sự vô lý đó không phải do kiến thức mà do lợi ích chi phối. Kẻ học vị cố tình không hiểu là do sợ ảnh hưởng đến quyền lợi bản thân, đến chiếc ghế anh ta đang thụ hưởng,.. thế thôi!
Có những việc người đang chức không thấy, không hiểu, nhưng khi về hưu lại hiểu, lại thấy. Dẫn đến tình trạng, khi đang chức không nói, hoặc nói khác, nhưng khi về hưu lại nói hoặc nói hoàn toàn ngược lại. Sự thay đổi cách nói này có hai nguyên do, thứ nhất là do thay đổi nhận thức, thứ hai là do bản chất sống cơ hội.
Thay đổi nhận thức có thể là do khi đang chức mải mê công việc, do chỉ nghiên cứu lý thuyết xuông, xa dời thực tế, xa dân. Nay về với cuộc sống đời thường, cuộc sống thực, được va chạm nhiều với thực tế, được sống cuộc sống của dân,.. nên dần dần “mở mắt” ra! Điều này cũng lý giải tại sao có vị về nghỉ hưu lâu rồi mà vẫn không nói được tiếng nói của dân: Bởi các vị ấy đã không sống đúng cuộc sống của người đã nghỉ hưu, vẫn sống như kẻ mộng du, vẫn hàng ngày mơ màng nhấm nháp cái vị vinh quang ngọt ngào trong quá khứ…
Thay đổi nhận thức còn do bản chất cơ hội trong lối sống của người đó. Loại người này muốn tỏ ra là kẻ “thức thời” hay nói đúng ra là muốn đóng vai một kẻ “thức thời”, để tranh thủ sự ủng hộ của mọi người, của xã hội. Anh ta đã bắt chước tiếng nói của dân, làm cho nhiều người lầm tưởng anh ta đã trở lại thành dân thường như họ. Không! Tuyệt đối không có chuyện ấy. Hãy cảnh giác loại người này, bởi thực chất họ vẫn là họ với tất cả thói xấu xa của thời đương quyền đương chức. Xin nói ngay, đương quyền đường chức không xấu, cái xấu là thói lợi dụng quyền chức, thói lộng quyền, cậy thế áp chế dân lành, vượt qua cả luật lệ. Họ bắt chước tiếng nói của dân chỉ để tiếp tục lợi dụng dân mà thôi. Và cũng còn vì một lẽ nữa: Vì bản thân họ!
Tại sao lại nói họ bắt chước tiếng nói của dân là vì bản thân họ? Đơn giản lắm, vì bản chất họ là kẻ cơ hội, kẻ sống theo nguyên tắc “gió chiều nào che chiều ấy”. Họ sẵn sàng “trở cờ” khi sinh mệnh chính trị của họ bị đe dọa. Họ cố bắt chước tiếng nói của dân, nhưng không bao giờ họ trở thành người dân như triệu triệu người dân bình thường chúng ta đươc.
Đấy cũng chính là bọn người NÓI LẤY ĐƯỢC – “được” đây là được cho chính lợi ích của bản thân họ!
Theo: Blog NTT

Không có nhận xét nào: