Bạch Dương
Luôn gây ấn tượng mạnh mẽ trước công chúng bởi những phát ngôn thẳng thắn, quyết liệt mà không phải vị cán bộ nào cũng dám nói, ông từng được Financial Times, một tờ báo danh tiếng của nước ngoài ví von là Lý Quang Diệu của Việt Nam. Ông chính là Nguyễn Bá Thanh – Bí thư thành ủy Đà Nẵng.
“Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt mà chỉ cần phấn đấu”
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã tuyên bố như vậy trong buổi nói chuyện với hơn 4.000 cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp xã, phường đến các quận, huyện và sở ban ngành TP Đà Nẵng hôm 24/2/2012, được truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình Đà Nẵng.
Tại buổi nói chuyện này, ông Nguyễn Bá Thanh đã thắng thắn đề cập đến những vấn đề gai góc, tế nhị, nhạy cảm, khó nghe nhất nhưng cũng thiết thực nhất trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đà Nẵng, nhất là tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, chạy chức quyền. Cụ thể, ông Thanh khẳng định: “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt mà chỉ cần phấn đấu. Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng”.
Ngoài ra, ngay sau tuyên bố trên, ông Thanh đưa ra lời khuyên đối với người làm công tác cán bộ: “Người làm công tác cán bộ phải vô tư, phải tự đi tìm cán bộ để bổ nhiệm chứ đừng để cán bộ tìm tới mình. Khi người ta chạy tới nhà các đồng chí đem cái này, cái khác tới biếu để được bổ nhiệm… những cán bộ như thế nếu được bổ nhiệm chỉ có hại cho Đảng, cho chế độ. Tôi xin nói thật là những ai đã làm được việc thì họ không bao giờ chạy chọt, xin xỏ đâu”.
Tuy nhiên, tại đây ông Thanh cũng không ngại thừa nhận công tác cán bộ tại một số nơi tại Đà Nẵng vẫn còn nhiều bất cập, thiếu công bằng: “Hiện công tác đánh giá cán bộ là khâu khó nhất. Nhưng các đồng chí yên tâm, cố gắng làm tốt sẽ được đề bạt, bổ nhiệm, được thăng tiến, chứ không phải chạy chọt, chung chi là lên chức đâu”.
Tuyên bố của Bí thư thành ủy Đà Nẵng diễn ra trong bối cảnh, sau ba năm liên tiếp dẫn đầu cả nước (2008, 2009 và 2010) về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năm 2011 Đà Nẵng rớt xuống vị trí thứ 5. Theo ông Thanh, nguyên do là một biểu hiện của việc một bộ phận cán bộ thành phố thiếu tâm huyết, nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm. Do đó, Tuyên bố của Bí thư Thành ủy ngay trong buổi nói chuyện đầu năm được đánh giá là có tác dụng khích lệ tinh thần cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của Đà Nẵng phấn đấu công tác nhằm đề giữ vững vị thế là môt cực kinh tế hàng thứ ba của Việt Nam của Đà Nẵng và theo đà này, giúp thành phố tiếp tục phát triển hơn nữa.
“Cái được lớn nhất của Đà Nẵng trong thời gian qua là được lòng dân”
Ông Thanh đã từng nhận xét, “Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng”. Đúng là nhờ những khát vọng và mong muốn đưa quê hương ngày càng phát triển mà đến nay, sau hơn 16 năm từ khi tách tỉnh, Đà Nẵng đã trở thành địa phương đạt nhiều “cái nhất” trong cả nước. Từ quy hoạch tốt nhất, giải tỏa nhiều nhất với hơn 97 nghìn hộ dân, nhiều cầu độc đáo nhất, được công nhận là thành phố sạch nhất, các công trình đạt kỷ lục thế giới, ba năm “nhất” về PCI, về ứng dụng công nghệ thông tin…đến những “cái nhất” đậm chất nhân văn như chương trình “5 không”, “ba có” độc đáo nhất; lo Tết cho dân và cho phụ nữ nghèo chu đáo nhất; miễn thủy lợi phí sớm nhất; đối thoại với nhân dân rộng rãi nhất; hoàn thành chương trình mổ tim cho trẻ em nghèo bất hạnh sớm nhất; xây dựng Bệnh viện Ung thư, Bệnh viện Phụ nữ, Bệnh viện Sản – Nhi lớn nhất; Quỹ vay vốn cho người hoàn lương, chương trình chạy thận nhân tạo miễn phí độc đáo nhất…
Nhưng với những người làm lãnh đạo, làm công bộc cho nhân dân thì “Cái được lớn nhất của Đà Nẵng trong thời gian qua là được lòng dân”, ông Bí thư Thành ủy tự hào chia sẻ trong buổi nói chuyện thân mật kéo dài tới ba tiếng với hơn 4.000 cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp xã, phường đến các quận, huyện và sở ban ngành TP Đà Nẵng hôm 24/2/2012.
Lý giải cho những thành quả đáng tự hào đã đạt được của thành phố Đà Nẵng ông Thanh nói: “Đà Nẵng đã tạo nên cái được lớn nhất là được lòng dân, tạo sự đồng thuận trong Đảng và trong nhân dân. Tất cả những việc đó dần dần qua năm tháng đã tạo nên thương hiệu cho Đà Nẵng. Chúng ta có quyền tự hào về những việc làm được trong 15 năm qua, đã hình thành nên một Đà Nẵng hấp dẫn và lôi cuốn hơn”.
Cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân một chuyến về thăm và làm việc tại Đà Nẵng cũng đánh giá: “…Đà Nẵng với những thay đổi rất đáng khâm phục. Những con đường mới khang trang, những cây cầu mới hiện đại, tiêu biểu cho một sức sống mãnh liệt của người dân Đà Nẵng. Đà Nẵng ngày càng văn minh, giàu đẹp”..
“Phải biến Đà Nẵng thành đô thị đáng sống chứ không phải là thành phố chán sống trong tương lai”
Bí thư thành ủy Đà Nẵng đã tuyên bố như vậy với báo chí trong bối cảnh dư luận xôn xao bàn tán quanh việc chính quyền Đà Nẵng “cấm cửa” dân nhập cư. Mọi chuyện bắt đầu từ việc Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Nghị quyết số 23, trong đó ghi rõ “Trong khi chờ xin ý kiến của trung ương về một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện Luật cư trú trên địa bàn TP Đà Nẵng, tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự. Tăng cường công tác quản lý cư trú, nhất là việc quản lý sau đăng ký tạm trú, thường trú tại nhà thuê, nhà mượn, nhà ở nhờ”.
Giải thích lý do Đà Nẵng ra Nghị quyết 23, ông Thanh tuyên bố: “Tôi khẳng định chính quyền Đà Nẵng không có chuyện “cấm cửa” dân nhập cư. Nghị quyết trên xuất phát từ tình hình một bộ phận lớn dân nhập cư không có nhà cửa, không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự ồ ạt đổ về các quận nội thành, nơi có mật độ dân số đô thị thuộc loại cao nhất cả nước hiện nay, làm sức chịu đựng của hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục bị quá tải; tội phạm diễn biến hết sức phức tạp, gần 50% các vụ phạm pháp hình sự thời gian qua không phải là dân địa phương. Trước những bức xúc đó, HĐND TP mới có một nghị quyết như vậy”.
Cuối năm 2011, Đà Nẵng vinh dự nhận danh hiệu Thành phố môi trường bền vững ASEAN. Đây là phần thưởng xứng đáng với nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng. Tâm huyết xây dựng “Thành phố môi trường” luôn được thắp lửa bởi ý chí từ phía lãnh đạo thành phố.
Điều đó giải thích lý do vì sao Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng thẳng thừng từ chối tiếp nhận dự án hàng tỷ USD bởi những lo ngại ảnh hưởng về môi trường. Hành động này được coi là thông điệp khẳng định rằng lãnh đạo thành phố đang và sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường xanh, sạch, đẹp, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố “đáng sống” với sự phát triển bền vững về môi trường.
“Cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ”
Trong một cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố, Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thay gây ấn tượng bất ngờ khi đề cập đến một khái niệm được đánh giá là “khá lạ lẫm” nhưng cũng “rất chí lý và thấm thía” đó chính là “văn hóa xấu hổ”. Chuyện xuất phát từ việc “hứa hẹn nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu” hoặc thậm chí không làm mà vẫn hứa với dân của một số cán bộ, ông Thanh nhấn mạnh: “Cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ”.
Điều đó có nghĩa là, đối với những cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, phải có lòng tự trọng, sự dũng cảm và trên hết là tinh thần trách nhiệm, lời nói phải đi đôi với việc làm. Không thể nghĩ mình đã có chức, có quyền thì có hứa rồi không làm cũng chẳng sao, không dễ gì bị mất chức.
“Làm thì phải có lửa! Ai mệt quá thì giơ tay xin nghỉ”
Đây là một phát biểu đáng nhớ, thể hiện rõ khí phách quyết liệt khi làm quan của ông Thanh trong buồi nói chuyện về Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo với cán bộ phụ nữ và trao giải “Chi hội Phụ nữ tiêu biểu” năm 2011 của Đà Nẵng.
Buổi nói chuyện trên gây được nhiều tiếng vang, tạo được nhiều ấn tượng đối với tất cả những người tham dự khi ông tuyên bố: “Làm thì phải có lửa! Ai mệt quá thì giơ tay xin nghỉ. Bí thư cấp quận, huyện đến Bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, chi hội phụ nữ phải nhận thức đúng tầm quan trọng của quỹ và vào cuộc quyết liệt!”.
Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo của Đà Nẵng là một chương trình hành động mang ý nghĩa nhân văn, được phát động trong các chi hội phụ nữ các cấp ở Đà Nẵng, theo đó, mỗi năm, mỗi phụ nữ sẽ đóng góp 500.000 đồng vào quỹ thuộc chi hội của mình, ai có điều kiện thì đóng góp cao hơn. Một điều đặc biệt là, những hộ phụ nữ nghèo thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đóng góp giúp đồng thời ngân sách thành phố cũng sẽ hỗ trợ khoản tiền tương đương để từ đó hình thành một quỹ trong mỗi tổ, mỗi chi hội phụ nữ. Quỹ này sẽ được dùng trong trường hợp bất cứ thành viên nào trong tổ, chi hội phụ nữ, gặp khó khăn, gặp chuyện khẩn cấp cần vay tiền nóng hoặc cần vốn làm ăn… thì khỏi phải chạy vạy đi vay nặng lãi, mà đến ngay với quỹ để mượn tiền với lãi suất rất thấp là 0,5%.
Cũng trong buổi nói chuyện thân mật trên, ông Thanh cũng mạnh mẽ cam kết các cấp ủy Đà Nẵng sẽ nỗ lực hết sức trong việc giúp đỡ các hội viên phụ nữ khó khăn, các hộ phụ nữ nghèo đơn thân bằng nhiều hành động thiết thực, không để họ cô độc trong cuộc sống. Theo Bí thư Thành ủy, không có gì là có ngay từ đầu; chủ trương đúng rồi thì cứ làm, có gì chưa đúng thì điều chỉnh. Vấn đề là phải hành động, hành động và hành động quyết liệt hơn nữa.
Cuối cùng, vị Bí thư thành ủy bày tỏ tin tưởng về sự thành công của mô hình Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo mà Đà Nẵng đang phát động và tích cực triển khai: “Không biết tôi có lạc quan quá hay không, nhưng quan sát chung thì tôi tin quỹ này sẽ có lợi, sẽ giải quyết được nhiều việc lắm. Tôi có niềm tin về hiệu quả của cách làm này. Nếu làm tốt, không chừng đây sẽ là mô hình tốt cho phụ nữ cả nước làm theo!”.
Theo: Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét