Pages

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2012

SỰ THIẾU NHẤT QUÁN CỦA TRUNG QUỐC LÀM CĂNG THẲNG GIA TĂNG Ở BIỂN ĐÔNG


Shannon Van Sant, theo VOA

Một bản phúc trình mới của một tổ chức nghiên cứu ở Brussels cho biết các cơ quan của chính phủ Trung Quốc đang làm cho tình hình căng thẳng ở Biển Đông trở nên tồi tệ hơn vì họ không có một chính sách nhất quán về khu vực có tranh chấp này. Từ Bắc Kinh, thông tín viên VOA Shannon Van Sant gởi về bài tường thuật sau đây.

Trong lúc căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với các nước khác ở Biển Đông, các nhà phân tích nói rằng các cơ quan chính phủ Trung Quốc có ít kinh nghiệm trong lãnh vực đối ngoại đang tranh giành quyền hành với nhau, khiến cho chính sách về khu vực có tranh chấp này trở nên thiếu nhất quán.


Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, một tổ chức nghiên cứu ở Brussels thường được gọi tắt là ICG, cho biết Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng của vụ tranh chấp qua việc nêu bật những chủ trương chủ quyền dựa trên lịch sử và làm gia tăng những tình cảm dân tộc hẹp hòi.

Bà Stephanie Klein-Ahlbrandt, Giám đốc Chính sách Trung Quốc và Đông Bắc Á của ICG ở Bắc Kinh, nói rằng sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Hoa Kỳ trong khu vực này cũng làm đảo lộn sự cân bằng quyền lực giữa các quốc gia trong khu vực.

Bà Ahlbrandt nói: “Điều này làm tăng cao mối rủi ro trong toàn bộ khu vực. Nó vượt khỏi phạm vi Biển Đông để bao trùm những nơi như Miến Điện, những nơi như Aán Độ. Và điều này làm cho Trung Quốc rất bất bình vì Trung Quốc cảm thấy khu vực này là khu vực của Trung Quốc, và vì vậy, họ đã đáp lại bằng cách thực hiện thêm những hoạt động nhằm tăng cường sức mạnh quân sự. Rồi điều này lại trở thành một cái vòng lẩn quẩn vì những nước khác cảm thấy lo ngại nên họ cũng mời gọi Hoa Kỳ tiến vào.”

Lâu nay, Hoa Kỳ vẫn thực hiện những cuộc diễn tập quân sự hàng năm với các nước trong khu vực, nhưng những nỗ lực này hiện nay được mọi người chú tâm theo dõi nhiều hơn bao giờ hết vì tình hình căng thẳng ở Biển Đông.

Trung tuần tháng này Hoa Kỳ và Philippines đã tiến hành cuộc thao dượt hải quân hàng năm, và Trung Quốc cùng với Nga cũng đã bắt đầu thực hiện những cuộc tập trận chung của họ trong khu vực.

Giáo sư Hoàng Tĩnh, Giám đốc Á châu và Toàn cầu hóa của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết như sau.

Giáo sư Hoàng cho biết: “Chúng tôi có hai trung tâm. Trung Quốc là một trung tâm kinh tế, Hoa Kỳ và các nước đồng minh của Hoa Kỳ là một trung tâm an ninh. Kết quả là tất cả những nước này bị lâm vào một tình thế khó xử. Về mặt kinh tế họ không có lựa chọn nào khác hơn là theo Trung Quốc vì Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của tất cả các nước trong khu vực này, ngay cả hai nước đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Nam Triều Tiên cũng vậy. Nhưng mặt khác họ biết rằng Hoa Kỳ vẫn nắm giữ vị trí siêu cường, xét về khả năng quân sự.”

Các nước Á châu trong vài năm nay đã đua nhau mua sắm vũ khí, khiến cho nhiều người lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang. Nhưng cho đến nay các vụ đối đầu chủ yếu là xảy ra giữa các tàu bè dân sự và những đội tàu đánh cá.

Bà Ahlbrandt nói rằng các tàu này dễ được điều động hơn, và làm cho những vụ đối đầu và đụng chạm xảy ra thường xuyên hơn.

Bà Ahlbrandt nói: “Vì vậy điều mà chúng ta có hiện nay là một cuộc chạy đua vũ trang cấp thấp của các lực lượng tuần tiểu duyên hải, và đó là một điều nguy hiểm, bởi vì các lực lượng hải quân tuy là thường tạo ra một mối đe dọa lớn hơn nhưng khó điều động hơn.”

Hàng vạn ngư phủ dựa vào Biển Đông để mưu sinh. Nhưng vì nạn đánh bắt quá độ, vấn đề ô nhiễm, và cuộc chạy đua để nuôi ăn cho dân số mỗi ngày một đông ở Á châu, cho nên những người đánh cá ngày càng hoạt động nhiều hơn ở những nơi xa bờ và tiến vào những vùng biển có tranh chấp.

Tuy sự gia tăng sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc có thể khiến Bắc Kinh có thái độ hung hăng hơn trong việc đòi hỏi chủ quyền, bà Ahlbrandt cho rằng nhiều nước, như Việt Nam, cũng đã chứng tỏ một thái độ cứng rắn hơn.

Bà Ahlbrandt nhận xét: “Tôi nghĩ rằng chúng ta nên lưu ý là thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông phần lớn là có tính chất phản ứng vì những nước đòi chủ quyền khác, dưới sự thúc đẩy của những yếu tố tương tự, cũng đang tăng cường những đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và những hoạt động kinh tế trong các vùng biển có tranh chấp.”

Những nước trong khu vực đã tìm cách giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán và việc đạt được thỏa thuận về một bộ qui tắc hành xử là một mục tiêu mà Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đã theo đuổi từ nhiều năm nay. Tuy nhiên những nỗ lực này không giúp ích gì nhiều cho việc giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Trong khi đó, các nước đã khích động tình cảm dân tộc đối với vấn đề này, làm cho vấn đề vốn đã khó giải quyết lại càng khó giải quyết hơn nữa.

Về việc này, bà Ahlbrandt của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho biết như sau: “Bất kỳ một cuộc thương thuyết nào về các vấn đề lãnh thổ cũng phải có thỏa hiệp. Vấn đề ở đây là những nước liên hệ, kể cả Philippines và Việt Nam, nước nào cũng đều gặp khó khăn trong việc giải thích cho dân chúng của nước họ hiểu được rằng chính phủ phải thỏa hiệp đối với những vấn đề như vậy, vì dân chúng nước họ trong nhiều thập niên nay lúc nào cũng tin rằng những vùng biển đó là biển của nước mình.”

Từ đầu tháng này Trung Quốc và Philippines đã dính líu tới một vụ đối đầu gần bãi đá Scarborough mà cả hai bên đều cho là lãnh thổ của mình. Một nhật báo ở Trung Quốc cảnh cáo rằng một cuộc chiến tranh qui mô nhỏ có thể được phát động để chống lại Philippines. Giáo sư Hoàng Tĩnh của Đại học Quốc gia Singapore cho rằng những luận điệu cứng rắn như vậy bắt nguồn từ những vấn đề chính trị nội bộ của Trung Quốc.

Giáo sư Hoàng nói: “Hiện nay Trung Quốc đang tiến vào thời kỳ chuyển giao quyền lãnh đạo, cho nên tất cả những thành phần tinh anh trong hàng ngũ của những người nắm quyền cai trị Trung Quốc ai nấy cũng phải chuẩn bị cho cuộc chuyển tiếp này. Và kết quả là không mấy ai có đủ khả năng để bày tỏ sự mềm mỏng đối với những vấn đề liên quan tới lợi ích quốc gia như vấn đề Biển Đông.”

Trong lúc Bắc Kinh chuẩn bị cho việc chuyển giao quyền hành tại Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào tháng 11, những phát biểu cứng rắn và những bình luận có tính chất hung hãn đối với vụ tranh chấp Biển Đông có phần chắc sẽ tiếp tục.

Không có nhận xét nào: