John Garnaut – Foreign Policy
Việc sa thải bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai là một quá trình dài 30 năm – một câu chuyện dài nhơ bẩn của những gia đình lãnh đạo và những bè đảng giành giật linh hồn của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nếu Thủ tướng Ôn Gia Bảo là một “diễn viên hay nhất” như những người chỉ trích ông vẫn nói thì ông đã dành phần biểu diễn xuất sắc nhất của mình vào phút cuối. Với những câu trả lời hùng hồn và xúc động tại cuộc họp báo cuối cùng dài 3 tiếng tại hội nghị thường niên Quốc hội Nhân dân trong tháng này, Ôn đã đưa ra kiệt tác chính trị của mình, nhắc lại những sự kiện sóng gió nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc và đóng chiếc đinh cuối cùng vào quan tài của kẻ thù lớn nhất của mình, cựu bí thư Đảng uỷ Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Và với việc hạ bệ Bạc, Ôn đã trả mối thù đến một gia đình từng vô số lần chống lại ông và người đỡ đầu ông trong quá khứ.
Khi trả lời cho một câu hỏi được đặt ra một cách nhẹ nhàng về sự kiện Trùng Khánh, Ôn đã báo trước việc tử hình chính trị với Bạc, một thông báo cách chức lãnh đạo của Bạc đầy chấn động ngày hôm sau đã tiếp tục làm rung chuyển chính trường Trung Quốc ở mức độ chưa từng thấy kể từ năm 1989. Nhưng một thông báo bổ sung kế tiếp càng có vẻ quan trọng hơn. Bằng cách gián tiếp nhưng rất rõ ràng, Ôn đã miêu tả Bạc như một người muốn đoạn tuyệt với quá trình đổi mới kinh tế, mở cửa với thế giới và cho phép người dân thụ hưởng cuộc sống hiện đại dài mấy thập niên của Trung Quốc. Ông đặt quá trình tranh đấu của sự nghiệp của Bạc vào ngữ cảnh của sự lựa chọn giữa những cải cách chính trị cấp bách và “những thảm hoạ lịch sử như Cách mạng Văn hoá,” đối đỉnh hai phiên bản cực kỳ khác nhau của trận chiến dài 30 năm ở Trung Quốc, trong đó Bạc Hy Lai và Ôn Gia Bảo là hai kẻ thừa kế lý tưởng. Trong thế giới của Ôn, hạ bệ Bạc là bước đầu trong trận chiến giữa quá khứ Mao-ít của Trung Quốc và tương lai dân chủ hơn được hiện thân bởi nhân vật đỡ đầu mà ông hằng kính mến, cựu bí thư Hồ Diệu Bang của những năm 1980. Lời lẽ của ông đã thổi bay vẻ ngoài đoàn kết của đảng vốn được gìn giữ từ cuộc thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn.
Trong tháng Mười sắp đến, Đảng Cộng sản chắc chắn sẽ thực hiện việc chuyển giao lãnh đạo mỗi mười năm một lần trong đó Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn sẽ giao quyền hành cho một đội ngũ mới do đương kim Phó Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu. Đa số các lãnh đạo trong Uỷ ban Chấp hành Bộ Chính trị sẽ về hưu, và việc chuyển giao sẽ kéo dài xuống những giai tầng thấp hơn trong Đảng, chính quyền và quân đội. Ôn hi vọng lời nói của ông sẽ ảnh hưởng đến những ai sắp nắm những vị trí chủ chốt, hướng tư tưởng nào mà họ sẽ thiết lập cũng như sự nghiệp của ông sẽ được ghi chú như thế nào trong lịch sử.
Ôn Gia Bảo và Bạc Hy Lai trội hơn hẳn những đồng nghiệp của mình qua khả năng nổi bật của họ trong việc truyền đạt và tạo dựng phong cách cá nhân cũng như tư tưởng của mình hơn hẳn guồng máy đơn điệu của đảng. Là hai thành viên nổi tiếng nhất trong Bộ Chính trị, họ cũng là hai những nhân vật phân cực nhất trong giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc. Họ có nhiều điểm tương đồng, bao gồm quan điểm cho rằng mối đồng thuận của Đảng Cộng sản vốn đã thống lĩnh trong ba thập niên qua – “mở cửa và đổi mới” cùng với việc kiểm soát chính trị không khoan nhượng – đang sụp đổ dưới gánh nặng của bất bình đẳng, tham nhũng và ngờ vực. Nhưng lý lịch, cá tính và phương thức chính trị của hai con người này lại hoàn toàn khác nhau.
Bạc đã huy động sự lôi cuốn phi thường và năng khiếu chính trị của mình để tấn công vào tình trạng hiện tại để chính quyền đóng vai trò mạnh mẽ hơn. Ông đã chứng tỏ khả năng nổi bật trong việc vận động nguồn lực chính trị lẫn tài chính trong quá trình bốn năm rưỡi lãnh đạo thành phố lớn Trùng Khánh bên sông Dương Tử. Ông đã làm cả nước sững sờ khi đập tan băng đảng trong thành phố cũng như những quan chức, luật sư và thương gia không chịu hợp tác và tái xây dựng nền kinh tế nhà nước tập trung của thành phố trong khi trơ trẽn khoác cho mình biểu tượng của Mao Trạch Đông. Ông tạo ra một làn sóng hoài niệm cách mạng bao gồm việc gửi tin nhắn những lời dạy của Mao, nhân viên chính quyền cùng quây quần hát “nhạc đỏ”, và những tiết mục yêu nước xưa cũ tràn ngập chương trình truyền hình Trùng Khánh.
Từ vị thế thiên tả hoặc “thiên chính quyền”, Bạc đã thách thức mặt “mở cửa và đổi mới” trong mối đồng thuận chính trị mà Đặng Tiểu Bình đã đạt được từ ba thập niên trước. Trong khi đó Ôn Gia Bảo, người đóng vai vị thủ tướng Khổng giáo uyên bác, đồng cảm và khẳng khái, lại thách thức nửa bên kia mối đồng thuận của Đặng – kiểm soát chính trị tuyệt đối – từ cánh phải cấp tiến. Ông đã liên tục phân tích sự cần thiết phải giới hạn quyền lực của nhà nước qua luật lệ, công lý và dân chủ hoá. Để làm việc này, ông đã nhắc lại sự nghiệp đầy tính biểu tượng của những lãnh đạo cấp tiến từng bị thanh trừng mà ông đã phục vụ trong những năm 1980, đặc biệt là Hồ Diệu Bang, người mà ông vừa giúp “phục hồi” danh dự trong những hội nghị chính thức. Như mọi lãnh đạo Cộng sản đều biết, những ai muốn có được phần trong tương lai của đất nước trước tiên phải chiến đấu để kiểm soát quá khứ.
Cho đến tháng trước Bạc có vẻ vẫn đang nắm thế chủ động, với mạng lưới con ông cháu cha của tầng lớp lãnh đạo cao cấp – và sức mạnh đầy hấp dẫn của “mô hình Trùng Khánh” để kéo cả nước về phía mình, trong khi nỗ lực của Ôn chỉ tạo ra vài kết quả thực dụng. Bạc tạo được danh tiếng của mình như là một ngôi sao đang lên đến ngày 6 tháng Hai khi giám đốc công an và cánh tay phải của ông là Vương Lập Quân lái xe đến một cuộc hẹn tại lãnh sự quán Anh để cắt đứt những nhân viên theo dõi rồi tạt ra xa lộ để tìm đường sống tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô. Ông được cho là đã mang theo những câu chuyện bẩn thỉu về hoạt động tội phạm của gia đình Bạc bao gồm việc liên quan đến cái chết của thương gia người Anh Neil Heywood, các quan chức phương Tây cho biết. Dưới con mắt của Bắc Kinh, đây là trường hợp tìm cách đào thoát cao cấp nhất trong 40 năm qua, và nó xảy ra dưới sự kiểm soát của Bạc. Vương “đã phản bội tổ quốc và đi theo kẻ thù,” Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói, một quan chức tình báo Trung Quốc cho biết.
Ôn, con trai của một giáo viên hèn mọn, đã chứng kiến gia đình mình liên tục bị chỉ trích và tấn công trong cuộc Cách mạng Văn hoá, và đã bước lên quyền lực bằng cách gây ấn tượng đối với hàng loạt các nhà cựu cách mạng. Ngược lại Bạc sinh ra để cầm quyền. Là con trai của nhà lãnh đạo cách mạng Bạc Nhất Ba, ông theo học tại trường trung học Bắc Kinh số 4 danh giá nhất nước. Bạc chưa đến tuổi 17 khi một rạn nứt giữa những con ông cháu cha và con cái thành phần “có lý lịch xấu” nổ ra thành một cuộc chiến giai cấp. Tháng Sáu 1966, trong những tháng đầu của cuộc Cách mạng Văn hoá, một trong những đồng học của Bạc đã sáng tác ra một điệu hát ngắn sau đó trở thành bài ca chính thức của giới con ông cháu cha tiên phong trong phong trào Hồng Vệ Binh lúc đầu: “Cha anh hùng, con can đảm; cha phản động, con hoang đàng.”
Những học sinh hồng vệ binh tại trường Bắc Kinh số 4 biến phòng ăn cũ thành một chốn giam cầm đầy man rợ đối với những giáo viên và những phần tử phản động mà họ bắt được. Họ đã sơn câu khẩu hiệu nổi tiếng “Khủng bố đỏ vạn tuế” trên tường bằng máu người.
Nhưng chỉ sau vài tháng, Mao đã chuyển cuộc Cách mạng Văn hoá của mình sang những đồng chí chiến đấu và tung ra những nhóm hồng vệ binh kém thân thế hơn để chống lại những hồng vệ binh “quyền quí” cũ. Bạc Hy Lai đã bị đi tù sáu năm. Cha ông, Bạc Nhất Ba, đã bị tra tấn. Những Hồng Vệ Binh đã bắt cóc mẹ Bạc tại Quảng Châu và hoặc đã giết chết bà hoặc bà đã tự sát; nếu có tài liệu nào còn sót lại, chúng vẫn bị giữ kín.
Kể từ “Nghị quyết về Lịch sử” của Đặng Tiểu Bình năm 1981, cuộc Cách mạng Văn hoá đã chính thức trở thành một “thảm hoạ”, nhưng Đảng Cộng sản chưa bao giờ giải thích việc gì đã xảy ra. Nó chỉ để lại một cái tên, được hiểu là xấu nhưng không rõ nghĩa. Với việc nêu lại cái bóng ma của Cách mạng Văn hoá, Ôn Gia Bảo đã làm nứt rạn chiếc kho lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc: rằng chiếc hộp đen vĩ đại che đậy những đấu đá, sự tàn bạo, những phân nửa sự thật và những giả dối trắng trợn mà trên đó Trung Quốc đã xây dựng quá trình chuyển hoá kinh tế và xã hội của mình. Bên dưới những lớp nhận định cẩn trọng của ông là một thử thách to lớn đối với thái độ không khoan nhương mà Đảng Cộng sản vẫn luôn dùng để hoạt động. Và để hiểu được cuộc Cách mạng Văn hoá mang ý nghĩa gì đối với Ôn Gia Bảo, ta cần phải xem lại cuộc đời của người dẫn dắt ông, nhà lãnh đạo cách tân Hồ Diệu Bang trong những năm 1980, người đã điều khiển Đảng Cộng sản qua thời kỳ sôi nổi nhất.
Hồ Diệu Bang đã bị loại khỏi chức vụ lãnh đạo Liên đoàn Thanh niên Cộng sản vào ngày 13 tháng Tám, 1966, năm ngày sau khi chủ tịch Mao dẫn đầu cuộc biểu tình quần chúng đầu tiên của cuộc Cách mạng Văn hoá. Bị giam giữ trong sáu tuần lễ, những Hồng Vệ Binh đã đánh đập, hành hạ ông, bắt ông đứng yên hàng giờ, cổ đeo một tấm bảng gỗ lớn khi tay bị trói quặt sau lưng. Sáu tuần sau, trong dịp nghỉ lễ, họ gọi người con trai 18 tuổi của ông là Hồ Đức Hoa lên để đưa ông về. “Tôi đã khóc khi thấy thân hình ông,” Hồ Đức Hoa kể với tôi. “Ông nói với tôi rằng ‘đừng trở thành kẻ vô dụng, hãy về đi, chẳng có có vấn đề gì đâu.’”
Hồ Diệu Bang quay lại làm việc ngay sau khi Mao qua đời vào năm 1976, và Đảng Cộng sản đoàn kết chung quanh quan điểm vượt qua cuộc Cách mạng Văn hoá nhưng lại thiếu một lộ trình tương lai. Được chỉ định đứng đầu Phòng Tổ chức đầy quyền lực, Hồ đã dẫn đầu phong trào “tìm sự thật từ dữ kiện” — để lý tưởng nhường bước cho thực tế — và để phục hồi những đồng chí từng bị lật đổ. Đặng, người cho đến năm 1980 đã giữ vị trí lãnh đạo tối cao, đã thăng cấp Hồ lên chức tổng bí thứ Đảng Cộng sản.
Cho đến những năm đầu 1980, Đảng Cộng sản đang nhanh chóng rút lui khỏi cuộc sống xã hội thường ngày. Khi nền kinh tế đi lên, người dân Trung Quốc bắt đầu được hưởng phần nào quyền tự do cá nhân, nhưng những nguyên tắc quan trọng trong nền chính trị nội bộ đảng vẫn không thay đổi. Tại giao điểm đầy quan trọng này, chẳng có một luật lệ nào được thực thi, chẳng có một trọng tài độc lập nào, chỉ có duy nhất quyền lực.
Vào năm 1985, trong khi đa số những lãnh đạo cao cấp bổ nhiệm lẫn nhau hoặc con cái của nhau vào các vị trí quan trọng, Hồ Diệu Bang đã chiêu mộ Ôn Gia Bảo, con của một nhà giáo, để điều hành Văn phòng Trung ương — một vị trí tương tự như bộ trưởng. Một năm sau, con trai cả của Hồ Diệu Bang là Hồ Đức Bình, đã phát biểu hệt như lời của Ôn Gia Bảo nói hai tuần trước. “Cách mạng Văn hoá là một thảm hoạ,” ông đã nói với bộ trưởng bộ tuyên truyền lúc ấy, vào giai đoạn cha ông đang nắm quyền lực cao nhất. “Nó sẽ không tái xuất với cùng hình thức, nhưng một cách mạng văn hoá dù bị loại bỏ một hay hai lần cũng không thể loại trừ là nó sẽ tái xuất hiện.”
Có lẽ ông đã có dự cảm về những gì sắp xảy ra. Đến năm 1986 căng thẳng giữa nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển và môi trường xã hội tự do hơn đã bắt đầu đụng độ với những đòi hỏi về việc kiểm soát chính trị tuyệt đối của giới lãnh đạo cao cấp Đảng Cộng sản. Hồ Diệu Bang tìm cách giới hạn nạn tham nhũng trong giới con cái những lãnh đạo cao cấp, cố tình tảng lờ những chiến dịch mang tư tưởng bảo thủ và thoả hiệp với những cuộc đấu tranh của sinh viên. Đến cuối năm đó, giới lãnh đạo cao cấp cảm thấy quá đủ.
Rồi, cũng như trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá, và cũng là trường hợp của hiện tại, chẳng có luật lệ nào giám định sự đi xuống của Hồ Diệu Bang; chỉ là một nhóm những kẻ môi giới quyền lực sau hậu trường cảm thấy rằng ông đã đi quá xa. Vào tháng Giêng 1987, 21 năm sau khi bị thanh trừng trong cuộc Cách mạng Văn hoá, những nhà lãnh đạo đảng bắt Hồ phải tham dự một cuộc kiểm điểm đầy sĩ nhục dài năm ngày với tên gọi “Cuộc họp Đời sống Dân chủ Đảng”. Người chỉ trích Hồ mạnh mẽ nhất là cha của Bạc Hy Lai.
Hồ Đức Hoa, người con trai út, hiện đang sống với vợ mình tại ngôi nhà rộng rãi nhưng cũ kỹ ở phía tây Trung Nam Hải, khu vực riêng biệt dành cho giới lãnh đạo, nơi ông đã sống hơn nửa đời mình. Hồi tưởng của ông về Cách mạng Văn hoá có ý nghĩa gì đối với gia đình ông và cha ông, Hồ Diệu Bang, đã giúp giải thích câu chuyện mà Ôn Gia Bảo kể lại hôm nay.
Hồ Đức Hoa kể lại cha ông đã đau khổ nhưng không ngạc nhiên, khi những trưởng lão trong Đảng dùng sự suy sụp chính trị của ông để lôi kéo một chiến dịch “chống giải phóng tư sản” trên khắp Trung Quốc. Các cán bộ Đảng ra lệnh cho Hồ Đức Hoà biểu lộ quan điểm chống đối của mình đối với nguyên tắc chính trị của cha nhưng ông đã từ chối.
“Cũng giống như năm 1966. Nếu ai đó được cho là đã được “giải phóng” thì mọi người sẽ cùng nhau chỉ trích người đó,” Hồ Đức Hoa nói. “Đất nước đã đi ngược vào thời gian mà lẽ ra nó đã được dân chủ hoá và chuyển sang chế độ pháp trị.”
Hồ Đức Hoa nói với cha mình rằng ông cảm thấy bi quan như thế nào về tương lai của đất nước. Hồ Diệu Bang đồng ý rằng những phương pháp và quan điểm của phong trào chống giải phóng năm 1987 được lấy thẳng từ Cách mạng Văn hoá. Nhưng ông đã khuyên con mình nên lĩnh hội những viễn cảnh lịch sử, và nhắc rằng người dân Trung Quốc không tham dự những trò chơi quyền lực của giới lãnh đạo như họ đã từng làm 20 năm trước. Ông gọi chiến dịch chống giải phóng là “cách mạng văn hoá dạng trung” và cảnh báo rằng một cuộc cách mạng văn hoá nhỏ chắc chắn sẽ xảy ra, Hồ Đức Hoa kể với tôi. Khi xã hội phát triển, Hồ Diệu Bang nói với con, những cuộc cách mạng văn hoá hạng trung và nhỏ sẽ từ từ lu mờ khỏi sân khấu lịch sử.
Có lẽ điều may mắn là Hồ Diệu Bang đã không thấy được rằng cái chết của mình vào tháng Tư 1989 đã khiến cho quần chúng đổ đến khóc thương tại Quảng trường Thiên An Môn, các sinh viên đã ca ngợi tính trung thực và nhân đạo của ông, trái ngược với cái nhìn của họ đối với những nhà lãnh đạo khác lúc ấy. Cuộc tuần hành biến thành một cuộc biểu tình lớn đòi hỏi giải phóng hoá và dân chủ hoá, chống lại nạn tham nhũng ngày càng tăng trong giới con cái lãnh đạo cao cấp.
Ôn Gia Bảo vẫn giữ vị trí lãnh đạo tại Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản, và làm việc cho người kế nhiệm Hồ Diệu Bang là Triệu Tử Dương, một người cổ vũ cải cách. Có một bức ảnh nổI tiếng trong đó Ôn đứng sau lưng Triệu trong khi ông tuyên bố những lời đau khổ “Tôi đã đến quá trễ” đối với những sinh viên không chịu rời bỏ quảng trường. Không bao lâu sau, Đặng và những lãnh đạo đảng khác đã ra lệnh cho xe tăng tiến vào, khởi đầu một cuộc chấn động kiểu Cách mạng Văn hoá và bổ sung thêm một tài liệu đẫm máu vào văn khố lịch sử của Đảng Cộng sản. Bạc Nhất Ba đã ra lệnh thanh trừng Ôn, căn cứ theo một người có cha làm bộ trưởng lúc ấy, nhưng những lãnh đạo đảng đã rất ấn tượng khi Ông đã chuyển lòng trung thành từ Triệu (người đã bị giam giữ tại gia trọn đời) và ủng hộ thiết quân luật. Ôn đã chơi theo luật lệ của một hệ thống tàn nhẫn, vì gia đình mình — đặc biệt là vợ và con trai — dùng vị thế của mình để bảo vệ quyền lợi thương mại riêng của họ, trong khi sự nghiệp của ông tái tiến triển.
Hồ Diệu Bang hầu như đã bị xoá khỏi lịch sử chính thức sau cuộc thanh trừng ông vào năm 1987. Nhưng vì ông đã không công khai thách thức Đảng, ông vẫn giữ lại được di sản và những người ủng hộ, bao gồm những bí thư và thủ tướng hiện tại và tương lai: Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường. Bốn người này đều thường xuyên đến thăm căn nhà của gia đình Hồ trong dịp Tết. Nhưng chỉ có Ông Gia Bảo là người công khai tưởng niệm di sản người thầy của mình.
Hai năm trước, vào dịp giỗ lần thứ 21 của Hồ Diệu Bang, Ôn đã viết một bài bình luận trên tờ Nhân dân Nhật báo, bài viết rất đặc biệt trong một quốc gia mà những nhà lãnh đạo hiếm khi hé lộ đời sống riêng tư của mình trước công chúng. “Tôi khắc sâu trong tim những gì ông đã dạy tôi trong những năm tháng ấy,” Ôn viết. Trong bốn nhà lãnh đạo cao cấp thường xuyên đến thăm căn nhà cũ của Hồ Diệu Bang, Ôn Gia Bảo có mối liên hệ nồng ấm nhất đối với vợ và bốn người con của Hồ Diệu Bang.
Hồ đã dạy những người con mình phải chống lại quan điểm vốn đã ăn sâu vào tâm lý của Đảng Cộng sản, rằng họ có có một quyền thừa kế nào đấy để giữ những chức vụ cao. Tuy thế người con cả Hồ Đức Bình vẫn lên đến chức Phó Chủ tịch Mặt trận thống nhất Trung Quốc. Và năm ngoái ông đã dùng di sản và mạng lưới con ông cháu cha để tổ chức và tuyên bố những điều mà những người có thanh thế thấp bé chắc chắn sẽ bị đi đoạ. Ông đã xuất bản một cuốn sách về cha mình, với lời dẫn đầu của Ôn. Ông đã tổ chức hàng loạt những cuộc hội thảo kín gồm những học giả nổi tiếng và các con cháu của những nhà lãnh đạo cách tân để tìm cách xây dựng một mối đồng thuận cho việc cải cách.
Cuộc hội thảo đầu tiên và thầm lặng nhất vào tháng Bảy, đã châm ngòi cho cuộc tranh luận sôi nổi trong quần chúng về “Mô hình Trùng Khánh” của Bạc Hy Lai so với đối thủ của nó là “Mô hình Quảng Đông” cấp tiến hơn. Cuộc hội thảo thứ hai vào tháng Tám, kỷ niệm 35 năm ngày bắt giữ “Lũ Bốn Tên” cực đoan của Mao, đóng hẳn cánh cửa cuộc Cách mạng Văn Hoá chỉ vài tuần sau khi Mao qua đời vào tháng Tám 1976. Cuộc hội thảo thứ ba, vào tháng Chín, kỷ niệm lần thứ 30 Nghị quyết về Lịch sử năm 1981, trong đó khẳng định Cách mạng Văn hoá là một thảm hoạ và không được xảy ra lần nữa.
Chính trong buổi họp vào tháng Chín, Hồ Đức Bình đã thiết lập đề tài mà sau này Ôn đã nhắc đến trong buổi họp báo của mình. Hồ Đức Bình cũng đã đăng những nhận định của mình trên một trang mạng liệt kê biên niên sử cuộc đời của cha ông: “Điều cốt yếu là để bảo đảm việc chấp thuận thái độ phê phán và kiên quyết lên án cuộc Cách mạng Văn hoá… Trong những năm gần đây, vì một lý do nào đấy, có vẻ như đang có một cuộc “hồi sinh” nhằm cổ vũ Cách mạng Văn hoá. Một số người đã hoan nghênh nó; một số không tin vào Cách mạng Văn hoá nhưng dù thế vẫn lợi dụng nó và hưởng ứng. Tôi nghĩ chúng ta phải cảnh giác mấu chốt này!”
Nghĩa bóng của quan điểm này, vốn chẳng cần che đậy, là cần phải ngăn chặn Bạc Hy Lai trong việc lôi kéo Đảng Cộng sản trở về cái quá khứ cực đoan vô pháp luật ngày xưa. Xin lỗi khi hỏi rằng vì sao Bạc lại có thể tìm kiếm quyền lực bằng cách ca ngợi một phong trào từng giết chết mẹ mình?
Hồ Đức Bình nhấn mạnh việc cần thiết phải tạo ra những cơ cấu nhằm thể chế hoá những trò chơi quyền lực giữa các lãnh đạo đảng. Ông nói với các bạn bè dòng dõi và các trí thức tại buổi hội thảo rằng tàn dư của chế độ phong kiến quý tộc – nền chuyên chế kiểu xưa – có thể đã tái hiện như đảng đã từng có trong Cách mạng Văn hoá. Ông báo trước những cuộc ẩu đả đang xảy ra hiện nay:
“Nếu chúng ta thật sự muốn thực hiện quá trình dân chủ hoá đời sống chính trị trong nội bộ đảng, cái giá phải trả thì vô cùng lớn. Liệu chúng ta có can đảm để chấp nhận cái giá này? Nếu chúng ta thực hiện ngay, rõ ràng là phải có giá. Liệu chúng ta chịu trả giá? Liệu đã đúng lúc? Tôi không biết chắc được. Tuy nhiên, tôi cho rằng nó có thể tạo ra vài ‘hỗn loạn’ trong một số địa phương, những ‘hỗn loạn’ tạm thời, và những ‘hỗn loạn’ mang tính địa phương. Chúng ta phải sẵn sàng.”
Hồ Đức Bình đã bước tới, với vài khiên cưỡng, nhằm sử dụng di sản của cha mình để giúp kiến tạo tương lai Trung Quốc. Ông là thành viên ban chấp hành của một trong hai cơ quan mang tính đại diện cùng với những lãnh đạo cao cấp ở Trung Quốc. Ông đã thảo luận vấn đề Cách mạng Văn hoá với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng như người kế nhiệm là Tập Cận Bình không bao lâu trước cuộc họp báo của Ôn Gia Bảo và việc đi xuống của Bạc Hy Lai, căn cứ theo một nguồn tin gần gũi với những thảo luận trên. Dân chúng quan tâm đến chính trị của Trung Quốc hiện đang theo dõi trận chiến đang xảy ra bên trong Bộ Chính trị trong đó Bạc Hy Lai bị truất phế và đưa ra những bài học hình thành tương lai của Trung Quốc.
“Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa thể nhận định được liệu Ôn Gia Bảo đang đại diện cho bản thân hay đại diện cho một nhóm người,” một quan chức cấp bộ vừa về hưu cho biết, ông đã tiên đoán một cách chắc chắn với tôi việc Bạc bị truất phế 10 ngày trước khi sự việc xảy ra. “Có thể là 80% bản thân ông và 20% của một nhóm người. Chúng ta vẫn phải chờ xem.”
Vẫn chưa biết rõ liệu mạng lưới bảo kê của Đảng Cộng sản và những mắt gút về quyền lợi chức quyền và tài chính có thể cải cách được hay không. Nhưng với phong trào thiên tả ở Trung Quốc vừa bị xử trảm qua việc Bạc Hy Lai bị thanh trừng, và việc các nhà chỉ trích Bạc hiện đang nói về thể chế “khủng bố đỏ” của ông sau những tiết lộ hàng ngày về tính tàn khốc về chính trị lẫn thể xác dưới sự cầm quyền của ông, Ôn bắt đầu chiếm lại cảm tình của một số người từng từ bỏ ông.
“Trước đây tôi không có một cái nhìn hoàn toàn tích cực đối với Ôn Gia Bảo, vì ông nói rất nhiều nhưng chẳng thực hiện được bao nhiêu,” một nhân vật truyền thông hàng đầu có quan hệ lâu dài với nội bộ lãnh đạo Trung Quốc. “Giờ đây tôi nhận ra là tôi đã có thể nói được, điều này rất quan trọng. Lên tiếng để cả thế giới biết rằng ông chẳng thực hiện được việc gì bởi vì ông đã bị chế độ bóp chẹt.”
Người học trò trung thành nhất của Hồ Diệu Bang, người đã khiên quan tài của ông đến nơi an nghỉ cuối cùng, hiện đang xây dựng trên nền tảng được thiết lập bên ngoài bởi Hồ và các con ông nhằm ngăn chặn việc quay lại của Cách mạng Văn hoá. Ôn Gia Bảo đang bảo vệ đường lối của đảng do Đặng Tiểu Bình đưa ra trong nghị quyết lịch sử năm 1981 để chống lại cuộc tấn công từ phía tả. Nhưng trong ẩn ý, ông đang thách thức mối đồng thuận 30 qua của Đảng Cộng sản từ giới cấp tiến phía hữu.
Hồ Đức Hoa, người con trai út, đã chỉ thẳng ra cái hố sâu ngăn cách giữa những vị trí trên tại một cuộc phỏng vấn báo chí hiếm hoi một tháng trước đây: “Sự khác biệt giữa cha tôi và Đặng Tiểu Bình là: Đặng muốn cứu đảng, còn cha tôi muốn cứu những người dân thường.”
Ôn Gia Bảo xem sự đi xuống của Bạc như là cơ hội chuyển hướng để giương cao ngọn cờ đổi mới của mình trong khi Đảng Cộng sản lại quá chia rẽ để kềm chế ông. Ông kêu gọi quần chúng Trung Quốc vì đảng đang mất đi độc quyền về lòng tin và con đường cải cách nội bộ đã bị ngăn chặn từ lâu. Điều trớ trêu là ông làm điều này bằng cách công khai thanh trừng một nạn nhân vốn không có hy vọng gì đến sự minh bạch của công lý, vì cái đảng mà ông cống hiến cả đời mình chẳng biết cách nào hơn.
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét