Pages

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Trung quốc có thể khởi sự những cuộc chiến quy mô nhỏ.


Ảnh minh họa (Nguồn: internet)
Đài Bắc – Có những dấu hiệu rõ ràng xuất phát từ Trung Quốc, cho thấy đất nước này có thể khơi mào những cuộc tấn công quy mô nhỏ bằng tên lửa tại các vùng biển tranh chấp, nơi mà người ta cho là có chứa những mỏ dầu trữ lượng lớn. Theo các chuyên gia quốc tế, hậu quả của những việc làm đó, đối với Bắc Kinh là khả dĩ chịu được.

Tranh chấp chủ quyền gay gắt giữa Trung Quốc với các nước láng giềng ở Biển Đông (nguyên văn: biển Hoa Nam) và biển Hoa Đông từ lâu đã trở thành tin tức hàng đầu trên các phương tiện truyền thông. Hầu như tất cả các nước trong khu vực đều dính líu đến những tranh cãi lẻ tẻ với Trung Quốc – từ Hàn Quốc và Nhật Bản đến Philippines và Việt Nam. Chỉ tính riêng trong tháng 3, Bắc Kinh đã khẩu chiến với Seoul về một bãi đá chìm; với Manila về kế hoạch xây một bến phà của Philippines; và với Hà Nội về vụ công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc có những động thái nhằm khai thác các mỏ dầu và khí ngoài khơi.

Nhưng không chỉ là khẩu chiến: Trung Quốc còn bắt tàu cá Việt Nam và giam toàn bộ các ngư dân trên tàu. Điểm chung của tất cả các vùng tranh chấp, các đảo và đá tranh chấp, là thật ra chúng nằm gần bờ biển của các nước có yêu sách chủ quyền mâu thuẫn với Trung Quốc, hơn là gần Trung Quốc.
Khi các nhà chiến lược nói về “Thế lưỡng nan Malacca”, họ muốn nói rằng hệ thống đường giao thương hàng hải của Bắc Kinh rất dễ bị tấn công. Nếu xảy ra xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc, nguồn cung cấp dầu thô và mỏ sắt cần thiết để duy trì sự vận hành của nền kinh tế Trung Quốc có thể dễ dàng bị cắt đứt tại eo biển nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương này.
Trong trường hợp đó, lãnh đạo Trung Quốc sẽ bị buộc phải nhanh chóng ngồi vào bàn đàm phán, theo các điều khoản mà đối phương đòi hỏi – và khi lộ rõ ra rằng khu vực tây Thái Bình Dương chứa những mỏ dầu và khí tự nhiên khổng lồ chưa được khai thác – Bắc Kinh nghiễm nhiên coi việc kiểm soát khu vực là một lối thoát, giúp họ thoát ra khỏi tình thế bấp bênh hiện nay. (Theo ước đoán của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở tây Thái Bình Dương có thể đáp ứng nhu cầu của đất nước này trong hơn 60 năm nữa).
Với việc chi tiêu quốc phòng chính thức đạt mức kỷ lục 100 tỷ USD trong năm 2012, và con số thực tế ước tính cao hơn nhiều, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) dường như đang trên đường tạo dựng sức mạnh cần thiết để bảo đảm rằng mọi thứ sẽ đều vận hành trôi chảy trong công cuộc tìm kiếm an ninh năng lượng của Trung Quốc.

Những tên lửa đạn đạo chống tàu mới của Trung Hoa sẽ khiến Washington phải nghĩ lại về việc huy động quân đội vào khu vực để giúp đỡ các đồng minh của mình, và cái kho máy bay chiến thuật trên đất liền, tên lửa hành trình chống tàu – đang ngày càng lớn dần – này cũng khiến Mỹ phải nghĩ lại như vậy. Đấy là chưa kể đến cả một hạm đội chiến hạm phóng tên lửa và tàu ngầm. Làm cho đường vào khu vực này của thế giới thậm chí trở nên nguy hiểm đối với quân Mỹ, công cuộc hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc cũng đã góp phần làm giảm số lượng những vụ lính Trung Quốc phát hiện, truy đuổi và ngắm bắn các mục tiêu phức tạp.
Nếu Bắc Kinh tin được rằng Washington không muốn can thiệp, lực lượng vũ trang của các nước đối thủ của Trung Quốc trong khu vực có thể sẽ phải đương đầu với máy bay chiến đấu J-15; máy bay này sẽ được đặt trên chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, chắc chắn được hoàn tất vào tháng 8 tới, hoặc được đặt trên một số ngày càng nhiều tàu khu trục của hải quân, hoặc tàu biển có khả năng đổ bộ lên đất liền, hoặc mẫu hạm trực thăng có khả năng chuyên chở hàng nghìn lính thủy đánh bộ tới các đảo tranh chấp.
Trung Quốc có một ý chí chính trị mạnh mẽ đối với những hoạt động như thế – đây là điều đã hơn một lần được thể hiện rõ. Trong những bài bình luận đăng tải trên báo chí quốc doanh ở nước này (mà trong đó đáng chú ý nhất là tờ Hoàn Cầu Thời Báo – Global Times), khái niệm “chiến tranh quy mô nhỏ” ngày càng được tuyên truyền nhiều hơn, kể từ năm 2011. Vào đầu tháng ba, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo còn nhấn mạnh rằng PLA cần được chuẩn bị tốt hơn để tham gia “những cuộc chiến trong khu vực”.
Các chuyên gia mà Asia Times Online phỏng vấn đều nhất trí rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ đáp ứng các mục tiêu tương lai của họ bằng những cuộc tấn công quân sự có hạn chế vê quy mô.
Theo ông Steve Tsan – Giám đốc Viện Chính sách Trung Quốc của Đại học Nottingham – mọi sự nói chung còn tùy vào việc cuộc chiến tranh nhỏ diễn ra vì lý do gì, được thực hiện như thế nào và chống lại nước nào. Ông Tsang tin rằng Hàn Quốc sẽ không phải là mục tiêu, cho dù gần đây đã nổ ra khẩu chiến giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, sau khi lãnh đạo Cục Quản lý Hải dương Trung Quốc tuyên bố rằng bãi đá chìm Leodo, nằm ngoài khơi hòn đảo du lịch Jeju của Hàn Quốc, chắc chắn là một phần “vùng biển thuộc quyền tài phán” của Trung Quốc. Bắc Kinh gọi bãi đá này là “Suyan”.
“Việc Trung Quốc mở đầu một chiến dịch quân sự, cho dù chỉ với quy mô hạn chế, nhằm vào Hàn Quốc, sẽ là rất nghiêm trọng, không ai có thể chấp nhận được” – ông Tsang nói. “Mỹ sẽ phải có lập trường quyết liệt và hành động ngay lập tức tại Hội đồng Bảo an LHQ để thiết lập lệnh ngừng bắn” – ông bổ sung thêm.
Tuy nhiên, theo ông Tsang, một cuộc đối đầu về quân sự nho nhỏ của Trung Quốc với Việt Nam hoặc Philippines, về những đảo san hô vòng đang gây tranh chấp trên Biển Đông, thì lại là một chuyện khác hẳn. “Mặc dù Trung Quốc không nghiễm nhiên cho rằng họ sẽ dễ dàng chiến thắng Việt Nam, và những cuộc chiến như thế sẽ gây mất ổn định nghiêm trọng ở Đông Nam Á và phần còn lại của Đông Nam Á, chiến tranh vẫn sẽ được kiểm soát. Nếu cuộc đụng độ là ngắn và có quy mô hạn chế, ảnh hưởng tức thì sẽ không đáng kể lắm”.
Tuy thế, ông Tsang cảnh báo rằng việc Trung Quốc tấn công Việt Nam hay Philippines sẽ càng làm tăng thêm quyết tâm của các nước Đông Nam Á, là phải hợp tác với Mỹ.
Nhưng về căn bản, các nước đó không làm được gì nhiều để đương đầu với một nước Trung Hoa hung hăng”.
Sau đó Tsang đưa ra quan điểm cho rằng hiệp ước bảo vệ lẫn nhau hiện nay giữa Philippines và Mỹ giúp đất nước Đông Nam Á này “miễn dịch” trước một cuộc tấn công chớp nhoáng của Trung Quốc.
“Ta cần xem lại điều khoản của hiệp ước. Chính phủ Mỹ cần xem một cuộc tấn công quân sự nhằm vào Philippines là vấn đề an ninh nghiêm trọng mà họ cần phải có phản ứng, và cần có thời gian để cân nhắc một phản ứng thích hợp” – ông Tsang nói. “Sẽ không có gì xảy ra nếu vụ việc kết thúc trước khi vấn đề bị đưa ra Quốc hội, trong một cuộc tranh cãi gay gắt nào đó”.
James Holmes, phó giáo sư về chiến lược ở Đại học Chiến tranh Hàng hải Mỹ, nói rằng Bắc Kinh chắc chắn sẽ chẳng chịu trách nhiệm gì nếu PLA tấn công Philippines hoặc Việt Nam.
“Bắc Kinh sẽ làm sao để các cuộc đụng độ nhỏ đó càng nhỏ và càng khuất mắt càng tốt. Ưu thế của hạm đội Trung Quốc trước quân đội các nước ASEAN, và sự xuất hiện của những vũ khí mới đặt gần bờ biển, như tên lửa đạn đạo chống tàu chẳng hạn, tạo cho Trung Quốc khả năng đánh chặn mạnh mẽ trong trường hợp có xung đột” – Holmes nói.
Ông giải thích rằng Trung Quốc có thể để dành các vũ khí chiến đấu quan trọng, trong khi vẫn sử dụng tàu trang bị nhẹ và tương đối vô hại để thực hiện các mục tiêu của mình, tương đương như sử dụng lực lượng tuần duyên.
“Hải quân các nước Đông Nam Á có thể đối đầu với các tàu biển đó, nhưng họ sẽ làm thế với ý thức rất rõ ràng rằng PLA có thể triển khai sức mạnh vượt trội trên biển nếu họ muốn thử” – Holmes nói.
Các nhà kinh tế cũng cho rằng không có nhiều thứ ngăn cản một cuộc chiến tranh năng lượng nhỏ với các láng giềng Đông Nam Á của Trung Quốc.
“Thị trường chứng khoán trên toàn thế giới sẽ phản ứng dữ dội trong một thời gian ngắn – chẳng hạn là vài ngày” – ông Ronald A Edwards, chuyên gia về kinh tế chính trị Trung Quốc ở Đại học Tamkang (Đài Loan), cho biết.
“Còn về khía cạnh ảnh hưởng tới tình hình lạm phát, công ăn việc làm và sản lượng năm nay, thì nếu chiến tranh có tác động gì, tác động đó cũng sẽ nhỏ thôi, chỉ trừ ở các nước bị Trung Quốc tấn công”.
Edwards kết luận bằng một luận điểm làm người ta phải suy nghĩ. Ông lập luận rằng, hậu quả của cuộc chiến tranh 9 ngày giữa Nga và Gruzia năm 2008 – trong đó Nga sử dụng quân đội mạnh gấp bội để đuổi Gruzia khỏi vùng Nam Ossetia, rồi bị phương Tây lên án – có thể được coi như một chỉ dấu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ trả giá đắt thế nào cho những cuộc phiêu lưu mạo hiểm của PLA.
Edwards nói: “Cuộc chiến tranh chớp nhoáng của Nga với Gruzia là một ví dụ rất tốt để chúng ta so sánh. Mặc dù tin tức về cuộc chiến này tràn ngập báo chí khắp nơi suốt vài tuần, nhưng nó chẳng gây ảnh hưởng to lớn nào tới nền kinh tế của tất cả các nước, ngoài Gruzia, vào tháng 8-2008 và sau đó”.
Tác giả: Jens Kastner là một nhà báo hiện làm việc ở Đài Loan.

Nguồn: Asia Times/ Basam

Không có nhận xét nào: