Pages

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Twitter và vai trò đối với các cuộc cách mạng

Triệu Phong

Năm 2008, một sinh viên ngành báo chí trường đại học UC Berkeley, tên James Buck, sang Ai Cập với mục đích chứng kiến cuộc đấu tranh chống áp bức. Tại đây anh kết nối được với một mạng lưới thân hữu chặt chẽ nhưng thoạt đầu anh chỉ biết được sự kiện sau khi mọi sự đã qua. James ngạc nhiên nhận thấy trong cuộc phản kháng, dân chúng ở đây tập họp cũng như giải tán thật nhanh trước khi cảnh sát xuất hiện, nên có rất ít người bị bắt và gây tác động lớn đến nhiều nơi khác.
Nhờ đâu mà họ làm được như thế? Hỏi ra mới được nghe nói: “Chúng tôi ai cũng có điện thoại di động để gửi tin nhắn miễn phí qua Twitter.”

Thanh niên Ai Cập tụ tập ở quảng trường Tahrir ở Cairo vào tháng 2 năm 2011, mang chân dung những người bị thiệt mạng trong cuộc đàn áp. Dùng Twitter – một trang microblog chỉ cho dùng 140 chữ cái – và Facebook để kêu gọi nhau, thanh niên Ai Cập vùng lên lật đổ Tổng Thống Hosni Mubarak. (Hình: Marco Longari/AFP/Getty Images)
Giải cứu bằng Twitter, cách nửa vòng trái đất
Vào bấy giờ, Twitter chỉ mới thành lập được hơn một năm, ít ai nghe nói đến. Không những vậy nếu có biết, người ta cũng cho là xài nó chỉ thêm phí thì giờ.
Theo lời khuyên của bạn bè, James mở một trương mục của Twitter, nhờ vậy anh có thể nhận và gửi Tweet, tức một bản văn dài không quá 140 chữ cái, qua điện thoại di động tầm thường của mình. Hằng ngày James tường thuật diễn tiến từng chặng phiêu lưu về cho bạn bè ở Berkeley. Quan trọng hơn nữa, anh bắt đầu trao đổi Tweet với nhiều người tranh đấu ở nơi đây.
Ngày 10 Tháng Tư, James khăn gói đi Mahalla, một thành phố trung tâm của ngành dệt may, lớn bậc nhất vùng Trung Ðông, nằm trên lưu vực sông Nile. Lực lượng lao động ở đây có đến 27,000 công nhân và cuộc đấu tranh của họ đang đến hồi quyết liệt. Mahalla cũng là nơi mở màn cho cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả Rập từ Tunisia đến Yemen sau này.
Vừa đến chưa được bao lâu, James và người bạn đồng hành bị lực lượng an ninh bắt. May thay họ không bị tịch thu điện thoại di động. Trước khi người tài xế ngồi vào xe chở họ về trụ sở, James có đủ thì giờ để gửi đi một lời nhắn ngắn nhất nhưng cũng là một cái Tweet lịch sử nhất từ khi kỹ thuật này được phát minh. Cái Tweet chỉ chuyển đi có một chữ: “Arrested,” tức bị bắt.
Blogger Hossam el-Hamalawy ở UC Berkeley thấy được Tweet của James. Anh lập tức phổ biến rộng rãi tin James bị bắt. Trong khi James đang bị thẩm vấn ở bộ chỉ huy cảnh sát, nỗi hiểm nguy của anh được loan truyền nhanh chóng qua Twitter và xa hơn nữa. Không mấy chốc, nhiều bạn bè khác của James ở Berkeley biết tin, rồi đến khoa trưởng, kế đó là Tòa Lãnh Sự Ai Cập. Vài giờ sau, James được thả, và lần này anh cũng gửi độc nhất một chữ trên Tweet: “Free,” có nghĩa là tự do hay được phóng thích.
Nhóm thành lập Twitter ở San Francisco lúc mới nghe tin về nỗi nhọc nhằn mà James phải chịu đựng kể cả vai trò của Twitter giúp gióng lên cho anh một tiếng vang quốc tế, để rồi đem lại tự do cho anh. Họ không ngờ Twitter có một hiệu năng lớn lao đến như vậy.
140 chữ cái làm nên dư luận
Twitter do Jack Dorsey, Biz Stone và Evan Williams thành lập vào Tháng Ba 2006. Twitter là một mạng truyền thông xã hội và dịch vụ microblog, tức tiểu nhật ký. Người sử dụng có thể đưa lên mạng cập nhật mới nhất của mình, giới hạn chỉ trong 140 ký tự. Người sử dụng có trang đặc trưng riêng, trên đó trình bày những cập nhật của mình. Twitter, vốn là một dịch vụ miễn phí, trở thành một công cụ cá nhân để diễn đạt, tiếp cận với các xu hướng về văn hóa, quan điểm và thông tin.
Twitter tiếp tục tăng trưởng trên khắp toàn cầu ở mức kỷ lục. Năm 2010, có khoảng 150,000 người ghi danh sử dụng và mỗi ngày có 65 triệu Tweet được truyền đi. Ðến Tháng Tám 2011 con số vượt quá 200 triệu với hơn 1 triệu người nối kết với Twitter. Cũng trong thời kỳ đó, số nhân viên làm việc cho Twitter cũng tăng từ 250 người lên đến trên 600.
Vì Twitter có thể dùng dễ dàng trên computer hoặc các dụng cụ điện tử di động như điện thoại di động, kể cả điện thoại thường không phải smartphone, và cũng vì nó chỉ cho phép gửi được một thông điệp ngắn từ 140 chữ cái trở xuống, nên Twitter trở thành công cụ thuận tiện nhất thế giới để số đông người có thể cùng chia sẻ dữ kiện ngay tức thời. Nhờ Twitter mà các công ty có thể dồn nỗ lực để tiếp xúc với khách hàng. Ðồng thời khách hàng chọn lựa công ty nào mình ưa chuộng để nhận thông báo trực tiếp.
Nhiều nhà bình luận trên thế giới cho cuộc cách mạng Ả Rập năm 2011 là cuộc cách mạng của Internet, hay cụ thể hơn, của mạng truyền thông xã hội như Twitter, Facebook và YouTube. Nhờ chúng mà những người dân vô danh bình thường, không đảng phái, không người lãnh đạo nhưng lật đổ được các chế độ độc tài, thực hiện được cuộc cách mạng “Hoa Lài” ở Trung Ðông lẫn Bắc Phi, vang lừng khắp thế giới.

Hàng chữ “twitter” được xịt lên cửa một tiệm ở quảng trường Tahrir sau khi
chính quyền Ai Cập cắt Internet hồi tháng 2 năm 2011.
(Hình: Peter Macdiarmid/Getty Images)
Dân Tunisia, người Ai Cập, đồng loạt kéo ra đường, hợp sức phản kháng chống đàn áp nhờ có Twitter và Facebook. Toàn thể Trung Ðông lẫn Bắc Phi tuồng như theo lời kêu gọi trên Internet để nổi dậy chống bạo quyền, thực hiện cuộc “Cách Mạng Hoa Lài.” Tuy nhiên nhiều giới chuyên môn vẫn bác bỏ vai trò của mạng truyền thông xã hội đối với cuộc cách mạng. Theo họ, kỹ thuật không làm nên cuộc cách mạng mà yếu tố quan trọng chính là ý chí của quần chúng. Ðể gây nên cuộc nổi dậy trước hết cần phải có một thời gian lâu cả hằng mấy thập niên mới đủ để nung nấu, làm sôi sục sự bất mãn.
Vào thời gian có cuộc nổi dậy ở Tunisia, Ben Wedeman phóng viên của CNN có mặt trên đất nước này, gửi về Hoa Kỳ một Tweet trả lời thắc mắc, rằng những gì xảy ra ở Tunisia có phải là một cuộc cách mạng Twitter không. Nội dung nói: “Không một ai ở Tunis tôi nói chuyện hôm nay đá động gì đến Twitter, Facebook hay WikiLeaks gì cả. Tất cả đều do ở tình trạng thất nghiệp, tham nhũng thối nát, và áp bức bất công.” Dan Murphy làm việc cho Christian Science Monitor gửi về tòa báo mình nội dung như sau: “Cuộc Cách Mạng Hoa Lài ở Tunisia được thúc đẩy bằng máu thịt và tình trạng tồi tệ; không phải nhờ WikiLeaks ‘tiết lộ’ cho dân Tunisia biết rõ bộ mặt thật của một chính quyền mà họ từng chung sống suốt trọn đời.”
Mạng xã hội giúp chuyển tin tức
Tuy nhiên không thể phủ nhận mạng truyền thông xã hội đã góp phần làm dấy nên làn sóng cách mạng bằng sự sinh động và dễ dàng của nó. Trên thực tế Twitter là một hệ thống phân phối tin tức không khác gì điện thoại hay email hoặc gửi tin nhắn, ngoại trừ tính tức thời (real-time) và khả năng phân bố hằng loạt của nó. Nói rõ hơn, một thông điệp do một blogger đưa lên có thể được lập lại đến hằng ngàn lần, đồng thời gửi đi khắp thế giới chỉ trong một nháy mắt. Tiềm năng của Twitter là ở chỗ đó. Vì đối với tin tức, nếu được lan truyền đi càng nhanh, động năng do nó tạo nên càng lớn.
Khác với biến cố ở Ba Lan vào năm 1989 được xem là cuộc cách mạng của điện thoại. Thực tế của truyền thông hiện nay là, Twitter và Facebook cùng các công cụ truyền thông xã hội khác có thể hết sức hữu dụng trong việc loan truyền tin tức về những cuộc cách mạng, vì chúng mang đến tiếng nói cho mọi người, theo ý kiến của nhà sáng lập mạng Twitter, Evan Williams, đồng thời có thể giúp họ khai triển và đạt đến một hiệu ứng nào đó. Twitter là một phương tiện tuyệt vời giúp truyền đi một thông điệp, giúp thúc đẩy truyền thông dòng chính chú ý đến để góp tay quảng bá rộng hơn, và để nối kết các nhà tranh đấu với Tây phương ở tốc độ cấp số nhân. Truyền thông xã hội không chỉ là công cụ để giao tiếp và phối hợp hành động, mà còn là một công cụ để thu hút được sự ủng hộ ở khắp nơi chỉ trong một thời gian ngắn.
Dân Tunisia dùng Twitter để tiếp tế, để báo động địa điểm nơi có các xạ thủ bắn sẻ đang mai phục, để kêu gọi hiến tặng máu, và tập hợp các cuộc phản kháng. Phải chăng điều này đánh dấu một kỷ nguyên mới trong việc sử dụng Twitter, khi người ta dùng nó để tránh nơi hiểm nguy và cứu được sinh mạng trong những tình huống hỗn loạn.
Như trong cuộc Cách Mạng Xanh ở Iran, chức năng chính của truyền thông xã hội là giúp luồn lách khỏi sự siết chặt, chận không để dòng thông tin tuôn chảy của chính quyền. Truyền thông xã hội, cùng SMS và với lối truyền miệng theo truyền thống, cũng từng là phương tiện quan trọng giúp kết hợp những cuộc phản kháng của quần chúng, vốn chưa có ai lãnh đạo. Không có đảng chính trị hay một nhân vật độc nhất nào đứng đằng sau các cuộc xuống đường, vốn kéo dài cả tháng trời rồi thế giới mới bắt đầu chú ý đến.
Phải chăng như vậy có nghĩa là thế giới sẽ được nhìn thấy có thêm nhiều cuộc cách mạng khác nữa, hay chỉ đơn thuần cách mạng có thể xảy ra nhanh hơn, hoặc được loan báo có hiệu quả hơn. Hãy chờ xem.
–––––––-
Liên lạc tác giả: trieu.phong@nguoi-viet.com
Theo: Người Việt.

Không có nhận xét nào: