Pages

Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

VN - Campuchia vẫn vướng mắc biên giới

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Nguồn: Chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng
Campuchia Hun Sen
Ngày 2/4, Thủ tướng Việt Nam và Campuchia có cuộc hội đàm song phương ở Phnom Penh, nhân dịp đoàn Việt Nam đến dự Hội nghị Cấp cao ASEAN.
Truyền thông Việt Nam cho hay trong cuộc gặp, ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Hun Sen "nhất trí tiếp tục triển khai các thỏa thuận đã đạt được, tập trung tháo gỡ một số vướng mắc tồn tại nhằm đẩy nhanh việc hoàn thành phân giới cắm mốc".
Biên giới giữa hai quốc gia trở thành một vấn đề chính trị tại Campuchia từ sau khi Việt Nam rút quân, dẫn tới cuộc tổng tuyển cử năm 1993 do Liên Hiệp Quốc bảo trợ.

Tranh cãi
Trong giai đoạn chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia (1979-1993) cầm quyền sau khi Việt Nam tiến vào lật đổ Khmer Đỏ, Campuchia và Việt Nam ký ba thỏa thuận biên giới chính.
Năm 1982, ông Hun Sen, khi đó là Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia, cùng Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch, ký Hiệp định về Vùng nước lịch sử. Theo đó, vùng nước nằm giữa bờ biển tỉnh Kiên Giang, đảo Phú Quốc đến quần đảo Thổ Chu của Việt Nam và bờ biển tỉnh Kampot đến nhóm đảo Poulo Wai của Campuchia là vùng nước lịch sử của hai nước.
Trong hai năm 1983 và 1985, hai nước ký hai hiệp ước về quy chế biên giới, đáng chú ý là nguyên tắc biên giới hai nước "là đường biên giới hiện tại, được thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/100.000 của Sở Địa dư Đông Dương thông dụng trước năm 1954 hoặc gần năm 1954 nhất".
Tuy vậy, từ sau bầu cử đa đảng lần đầu năm 1993, các đảng như Funcinpec, Đảng Sam Rainsy, bác bỏ mọi hiệp định biên giới mà chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia (1979-1993) đã ký với Việt Nam với lý do đây chỉ là vệ tinh của Việt Nam và nhà nước này đã không được Liên Hiệp Quốc thừa nhận.
Năm 1996, Quốc vương Sihanouk cáo buộc Việt Nam xâm phạm lãnh thổ bằng cách lấn mốc giới vào tỉnh Svay Rieng 300 đến 400 mét.
Tháng Tư năm đó, phái đoàn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đến Phnom Penh, bàn việc biên giới với hai đồng thủ tướng Ranarridh và Hun Sen.
Ông Kiệt đề nghị lập cơ chế chính thức để giải quyết, nhưng Campuchia bác bỏ.
Trong chiến dịch tranh cử năm 1998, Hoàng thân Ranariddh cáo buộc ông Hun Sen là lờ đi những vi phạm của Việt Nam. Đến cuộc bầu cử kế tiếp năm 2003, Đảng Sam Rainsy lại chỉ trích Hun Sen là nhượng bộ Hà Nội về biên giới.
Trước sức ép trong nước, Campuchia - nay dưới sự lãnh đạo của ông Hun Sen - ký với Việt Nam Hiệp ước bổ sung về biên giới quốc gia năm 2005.
Hiệp ước này đã có tác dụng giảm bớt căng thẳng từ vấn đề biên giới.
Tuy vậy, vẫn có chỉ trích, ví dụ từ Đảng Sam Rainsy nói ban lãnh đạo Campuchia hiện thời đã không làm gì để ngăn chặn tình trạng "mất đất".
Việt Nam cho biết, đến nay hai nước mới chỉ phân giới được 200 km trong tổng số 1.137 km đường biên giới.
Chỉ có 72 mốc được cắm trong tổng số 322 mốc giới dự kiến.

Không có nhận xét nào: