Pages

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

VN hứa bảo vệ quyền lợi công ty Nga

Một dàn khoan dầu khí
BP đã phải rút lui khỏi dự án với Việt Nam
vì áp lực của Trung Quốc
Việt Nam nói việc ký hợp đồng dầu khí với tập đoàn Gazprom là 'phù hợp luật pháp quốc tế' và cam kết bảo vệ quyền lợi của đối tác.
Hôm 5/4, công ty khí đốt khổng lồ của Nga ra thông cáo nói đã đạt thỏa thuận với tập đoàn dầu khí PetroVietnam để cùng khai thác khí gas tại hai mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh, lô 5.2 và 5.3 trong bồn trũng Nam Côn Sơn ở Biển Đông.
Ngày 10/4, Trung Quốc chính thức lên tiếng phản đối.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân nói nước này mong doanh nghiệp nước ngoài "tôn trọng và ủng hộ nỗ lực của nước đương sự giải quyết tranh chấp qua đàm phán song phương, tránh dính líu vào tranh chấp Nam Hải dưới bất cứ hình thức nào".
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm thứ Năm 12/4 tuyên bố dự án giữa PetroVietnam và Gazprom là hoàn toàn hợp pháp.

'Lợi ích hợp pháp và chính đáng'

Người phát ngôn Lương Thanh Nghị nói với các phóng viên tại Hà Nội: "Các dự án hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí hiện nay, bao gồm cả các dự án hợp tác với Gazprom, đều nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982".
Ông Nghị nói thêm rằng Việt Nam cam kết bảo vệ lợi ích chính đáng của các công ty nước ngoài làm ăn với Việt Nam tại Biển Đông.
"Việt Nam cam kết và có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các đối tác nước ngoài làm ăn với Việt Nam."
Người phát ngôn BNG Việt Nam Lương Thanh Nghị
"Việt Nam hoan nghênh đối tác nước ngoài hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trên cơ sở luật pháp Việt Nam."
"Việt Nam cam kết và có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của các đối tác nước ngoài làm ăn với Việt Nam."
Ông không đề cập tới việc năm 2009 công ty dầu BP của Anh đã quyết định rút khỏi chính địa điểm khai thác khí đốt này, nằm ở khoảng giữa bờ biển Việt Nam và quần đảo Trường Sa, vì áp lực của Trung Quốc.
Lúc đó, Việt Nam cũng vừa gây áp lực vừa thuyết phục BP ở lại tiếp tục kinh doanh, nhưng áp lực từ phía Trung Quốc lớn hơn.
So với Việt Nam, quy mô làm ăn kinh doanh của BP ở Trung Quốc lớn hơn rất nhiều và đó là nguyên nhân chính dẫn đến quyết định rút khỏi hai lô 5.2 và 5.3 của BP.
Việt Nam đã thường xuyên điều tàu hải quân hộ tống và canh gác các tàu thăm dò hải dương của dân sự, nhưng tiềm lực hải quân của Việt Nam hiện giờ chưa đủ mạnh để có thể bảo vệ tàu bè ở đại dương một cách hữu hiệu.

Không có nhận xét nào: