Pages

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Báo chí tự do: vũ khí của người dân



Con đường thoát khỏi cuộc khủng hoảng do báo chí thương mại gây ra đã được tìm thấy khi người dân lấy lại được sứ mạng báo chí mà các cơ quan truyền thông to lớn đã tuyên bố thất bại: Kể lại một cách trung thực và nhất quán.
Các báo giấy đang phải giảm kích thước và rút dần khỏi thị trường. Các tổ chức lớn trong lĩnh vực truyền thông, đưa tin qua vệ tinh, đường cáp và phát sóng đều đang phải chuyển giao dần hoạt động cho nhân lực ở bên ngoài biên giới (outsourcing) và đóng bớt các văn phòng đại diện ở nước ngoài. Tính tin cậy và danh giá của báo chí thương mại đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay. Cùng với những sự kiện đó là những than thở không ngừng kiểu “truyền thông đang gặp khủng hoảng” và những quan ngại xấu đối với dân chủ.

Khi nhìn lại thì thực sự chúng ta phải thấy: Báo chí đã mất đi uy tín, mất đi khán giả và thu nhập vì chính xác lại chỉ do cách ứng xử của ban biên tập đã góp phần làm cho báo chí tự tạo ra khủng hoảng và trở thành gánh nặng, chứ không phải thuận lợi, cho các nền dân chủ.
Ở Mỹ, chúng ta đã biết câu đùa cợt khi sự phàn nàn về “truyền thông” đã phổ biến tới mức là cả một ngành công nghiệp phụ của nghành phát hình thương mại qua cáp đã coi mối bất bình của công chúng là một nghách thị trường béo bở của riêng họ và họ đang cho các nhà quảng cáo thuê mua sự chú ý đó của công luận. Nước Mỹ – một quốc gia mà xuất khẩu ròng ít khi thặng dư kể cả ở lĩnh vực truyền thông và giải trí – đã có một ví dụ mới nhất vào tháng Mười vừa qua khi Jon Stewart và Stephen Colbert của kênh truyền hình cáp hài Comedy Central đã kéo được hàng trăm ngàn người tới dự buổi biểu diễn “Tập hợp vì Sức khỏe và/hoặc Sợ hãi” ở thủ đô Washington. Sự kiện đó đã được New York Times tả là “một hành động tốn kém nhưng hút hồn của việc phê bình truyền thông.”
Stewart đã nhắm sự phê phán xuất sắc của mình vào chương trình “Nhà phê bình chính trị chuyên nghiệp và hoảng loạn trong 24h”, một sự kết hợp giữa chương trình “tin tức” của truyền hình cáp, báo giấy (cả loại văn hóa cao, thấp), các tạp chí, radio và cả các bình luận hàng ngày của người dùng hỗn tạp trên Internet quanh quẩn những Xì-căng-đan trong ngày luôn biến hóa. “Báo chí có thể soi chiếc kính lúp của nó vào chính các vấn đề đang làm cho báo chí trở thành tâm điểm để từ đó soi ra các vấn đề chưa được nhìn thấy,” Stewart nói, “hoặc báo chí có thể dùng chiếc kính lúp đó để chiếu vào những con kiến đang ở trên lửa và sau đó có thể tổ chức hẳn một tuần để nói về sự bất ngờ, không mong đợi của cái bệnh dịch nguy hiểm của kiến lửa đó.”
Trong khi cuộc đấu tranh hàng ngày của người dân, thậm chí của cả các dân tộc chỉ nhận được sự chú ý hời hợt hoặc chả nhận được tý chú ý nào từ các cơ quan truyền thông quan trọng sau những ngày đầu tiên chỉ đưa tin kiểu đưa chuyện (như phong trào chống đối ở Iran, phản kháng đảo chính ở Honduras, chấn động sau động đất ở Haiti và những vất vả của dân chúng trong việc tái thiết sau đó là những ví dụ mới nhất cho thấy sự suy giảm rối loạn về sự chú ý của truyền thông đại chúng) thì các cơ quan truyền thông lại đang đi săn tìm những nhóm khán giả phụ nhỏ bé hơn và có thể lại chỉ chú tâm vào việc ve vuốt các định kiến, thiên kiến của mỗi nhóm khán giả đó. Ở Mỹ, kênh truyền hình Fox News chỉ nói về sự khát máu đúng như nó muốn nghe, còn MSNBC lại tìm kiếm một thị trường tương tự ở  cánh tả bất hạnh và chính lúc này Comedy Central đang đến với tất cả chúng ta – những người đang cảm thấy khó chịu bởi cả hai phe chính trị và đang muốn có một sự thư giãn bằng sự vui nhộn.
Sẽ rất tầm thường khi nói rằng “vấn đề của truyền thông” hiện nay là trung tâm trong các thách thức đối với dân chủ, tự do và công lý. Nhưng một câu hỏi và là một thách đố lớn hơn là: Chúng ta có thể làm được gì cho vấn đề đó?
Internet, chúng ta đã được những người đi tiên phong cho biết, có thể giải quyết được tất cả. Internet sẽ tạo ra một thế giới sáng lạn của truyền thông được dân chủ hóa. Nhưng bất kể “truyền thông mới” sẽ thay thế kẻ tiền nhiệm ở mức độ nào thì các nguyên tắc cũ hiện vẫn còn được áp dụng: Quyền lực vẫn tập trung quanh quẩn ở những kẻ đã đạt được nó và mỗi một quyền lực mới đối đầu với nó từ dưới lên đều bị hấp thụ thậm chí bởi chính các công nghệ có tính hóa giải mới hơn.”
Nhưng hiện đã có những vết nứt trên mảnh đất truyền thông đang chuyển đổi mà ta có thể tận dụng và mở rộng từ dưới lên được. Những vết nứt đó đang tạo ra các cơ hội cho những ai có những phê phán, chỉ trích và những người có những nguồn tin đủ để tạo riêng cho mình một không gian truyền thông.
Sau khi tác nghiệp như một nhà báo ở các cơ quan báo chí như báo ngày, tạp chí, radio và truyền hình và ở các cơ sở cung cấp dịch vụ Internet, vào thập niên 1990 tôi đã rời bỏ truyền thông thương mại (loại chắc chắn phải bao gồm các cơ quan truyền thông nhà nước, từ PBS tới BBC tới Al Jazeera) và không bao giờ ngoảnh lại nữa. Trong 10 năm qua tôi đã tập trung vào xây dựng Narco News – tập trung vào vùng Latin America và thành lập một cơ sở đào tạo báo chí mang tên Trường Báo chí Nguyên sơ nhằm tạo ra một thế hệ những thanh niên nam, nữ trẻ, tài năng và có nhận thức xã hội trong việc làm cho báo chí phục vụ phúc lợi xã hội chứ không phải chỉ phục vụ cho lợi ích của một ai đó. Nếu như chúng tôi đã rút ra được một bài học nào từ việc vượt qua được sự “lên voi xuống ngựa” trong phút chốc của các trang web và sự gia cố lì lợm của các gã khổng lồ truyền thông thời Internet trong mười năm qua thì đó chính là câu châm ngôn “chàng David bé nhỏ vẫn có thể đốn ngã gã Goliath khổng lồ”, nhưng không phải bằng cách trở thành kẻ đắm chìm với những công nghệ tân tiến nhất. Mà gần như ngược lại: các máy móc bóng lộn và tân kỳ không thể cứu được chúng tôi mặc dù chúng là những công cụ mà chúng tôi có thể dùng, nhưng những gã khổng lồ lại cũng dùng chúng!
Hơn mười năm qua phòng thí nghiệm của chúng tôi trong khi cố gắng tạo ra một cơ quan truyền thông từ dưới lên, không còn coi quảng cáo như nguồn kinh phí mẫu mực nữa (thay vào đó là chúng tôi dựa vào các đóng góp nhỏ của hàng trăm độc giả và người ủng hộ), đã phát triển cùng với cơ man ý tưởng và sáng kiến, nhiều đến mức không thể tập hợp lại trong một bản báo cáo được. Nhưng chúng tôi thấy có hai điều quan trọng nhất:
1.     Truyền thông của dân bắt buộc phải lấy lại được ý nghĩa báo chí từ truyền thông đại chúng.
Các lý do chính là rất nhiều “báo chí thay thế” và người em họ của nó là “vận động kỹ thuật số” đã thất bại trong việc nắm bắt được chú ý và ủng hộ của công luận. Quá nhiều các dự án như thế hoặc đã bị thoái hóa thành cái tương tự với khẩu hiệu, tờ rơi quảng cáo hoặc đã đặt quá nhiều niềm tin vào công nghệ trong khi lại quên mất điều thách thức thực sự là vấn đề con người. Công chúng vẫn luôn khao khát và kính trọng các phóng sự điều tra tin cậy được thể hiện bằng lối viết hấp dẫn, nghiêm túc. Nhưng từ các blogger đang nở rộ hàng ngày cho tới bao nhiêu dự án truyền thông đang bị thoái hóa đều thấy các trang tin của họ trở thành những khoảng trống để lên án những thế lực ác tưởng tượng, để hò hét cho những quan điểm một cách chói tai, phần nhiều giống như những gì các cơ quan truyền thông thương mại đang làm mà chả có mấy ý nghĩa phục vụ công chúng hay tạo ra những không gian mở cho người dân lên tiếng. Chúng ta luôn thấy rằng những cái gì dễ làm thì cũng dễ bị hóa giải hơn bởi các cơ quan truyền thông có tính định chế – những nơi thường “đóng gói” lại (và bóp méo) các phóng sự của những nhà báo công dân với lý do là phải “sửa” lại cho “phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế”. Do đó một câu chuyện càng được kết cấu chặt chẽ bao nhiều thì nó càng có khả năng lớn hơn trong việc tự bảo vệ chống lại việc bóp méo hay cắt xén.
Báo chí công dân, ở một số khía cạnh, đã chứng tỏ nó có đủ khả năng để lấy lại cái mà các cơ quan truyền thông lớn đang tuyên bố thực hiện và báo chí công dân đã thực hiện thậm chí còn tốt hơn. Hãy đi ra ngoài hiện trường, hãy tới thực địa và ghi nhận rồi phản ánh, tường thuật lại, hãy phỏng vấn người thật, đảm bảo tiếng nói của họ được phản ảnh chính xác, không hề có sai lệch, hãy điều tra và dựng các phóng sự tài liệu, đưa ra các chứng cứ về các hành vi sai trái của quan chức (việc công chúng đang rộ lên ủng hộ và tài trợ cho WikiLeaks là một ví dụ cho thấy xã hội đang rất khao khát thể loại phóng sự này). Một cách ngắn gọn thì giải pháp cho tình hình khủng hoảng hiện nay của báo chí không phải là cái gì phức tạp hơn việc trở lại một cách giản dị với các nguyên tắc cơ bản của phóng sự: “ai, cái gì, khi nào, ở đâu, tại sao, như thế nào” của điều đang xảy ra mỗi ngày trong đời sống con người.
Cũng không cần phải có một bằng cấp sau khi đã học hai hay bốn năm về báo chí mới có thể nắm bắt và thực hiện được những điều cơ bản vừa nói. Trường Báo chí Nguyên sơ dạy những điều cốt lõi đó trong 10 ngày và nhiều phần chỉ bằng một buổi học. Cái tinh túy nhất của những điều đó nay cũng có thể học được bằng một video clip dài 7 phút:
Tóm lại, báo chí không hơn và cũng không kém việc kể chuyện một cách trung thực. Và vì phần lớn mọi người đều đã có một kỹ năng kể chuyện nhất định, chắc chắn là có, dù là của riêng họ hay của người khác, thì báo chí là cái nghề mà hầu hết ai cũng có thể tiếp cận để học và thực tập.
Báo chí cần phải được phá bỏ lớp vỏ thần bí vốn có của nói và đưa trở lại trong tay người dân. Phần lớn con người trên trái đất đều không kể lại chuyện của họ trên truyền thông hoặc tệ hơn là họ bị kể lại một cách sai lệch vô ý hoặc có chủ ý nên không có gì đáng ngạc nhiên là người ta trốn tránh truyền thông hoặc thậm chí khi họ mong đợi truyền thông thì họ lại thành ra khó chịu với nó. Qua việc kể những câu chuyện của đại chúng ở lớp “dưới” – những người phần lớn đều ở dưới tầm quét của sóng truyền thông đại chúng, các nhà báo đúng nghĩa đã chiếm được sự chú ý và có được cơ hội chiếm được sự tin cậy của đúng công chúng mà truyền thông đại chúng đã bỏ rơi. Và điều này đưa chúng tôi đến kết luận thứ hai quan trọng sau đây:
2.     Giáo viên tốt nhất của những người mong muốn bảo vệ báo chí là những người đã đấu tranh để bảo vệ cộng đồng, nhân dân và đất nước họ.
Quan hệ giữa truyền thông thương mại và các phong trào xã hội, các phản kháng dân sự và các cuộc đấu tranh khác của nhân dân thì hoặc là mối quan hệ quên lãng hoặc là sự thù địch rõ ràng. Những người tổ chức để đấu tranh vì quyền con người và quyền kinh tế hoặc vì công lý, vì tự do hoặc lớn hơn là vì dân chủ thường bị các cơ quan truyền thông có tính định chế bỏ mặc hoặc bị khinh thường. Phần lớn lý do là do vấn đề lợi ích. Các phong trào xã hội và các cuộc đấu tranh của dân chúng chống lại lợi ích của các tập đoàn kinh doanh và chính quyền – những đối tượng có quyền này lại được các cơ quan truyền thông thương mại hoặc của nhà nước ủng hộ và câu kết. Do đó, chính truyền thông và những người làm truyền thông hiện nay cũng đang phải vật lộn để sống sót nhưng không hề có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ tiến tới đấu tranh như các phong trào xã hội hoặc các tổ chức phản kháng chính trị vì họ không hiểu được các động lực, sức mạnh có tính chiến lược, chiến thuật và đạo đức.
Chúng tôi cho rằng chỉ cần chia sẻ các kỹ năng và các công cụ truyền thông  – bí quyết của báo chí – cho càng nhiều công chúng càng tốt là đã tạo ra được một nửa giải pháp rồi. Còn nửa kia thì đòi hỏi phải có các nhà báo thực thụ đi cùng với các phong trào xã hội, chúng ta cần phải gần gũi hơn với các phong trào và trở thành một phần gì đó lớn hơn là việc chỉ là người đưa tin nhưng lại vẫn phải tuân thủ các vấn đề có tính chiến lược, chiến  thuật.
Ở Trường Báo chí Nguyên sơ, phần lớn các môn học được dành cho việc nghe các chia sẻ, kể chuyện từ những người đã tổ chức và lãnh đạo thành công một cuộc phản kháng dân sự, các phong trào cộng đồng hay các cuộc đấu tranh bất bạo động và dành cho việc học những điều phức tạp hơn các nguyên tắc quan trọng cơ sở của báo chí: các động lực chiến lược quan trọng trong các cuộc xung đột hoặc phong trào phản kháng và từ đó các nhà báo công dân mới có thể phản ánh được qua bài viết, tường thuật, ảnh minh họa một cách hiệu quả.
Năm 2010 ở trường chúng tôi đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện của Mục sư Jim Lawson – trợ thủ chiến lược gia thân cận nhất của Martin Luther King và cũng là nhà tổ chức cuộc biểu tình ngồi vào giờ ăn trưa năm 1960.
Chính thông qua các phóng sự phản ánh các cuộc đấu tranh của người bản địa, của các phong trào môi trường và lao động, các cuộc đấu tranh chống đảo chính và chống tham nhũng, lạm dụng quyền lực của chính quyền và các tập đoàn công ty mà chúng tôi, những nhà báo đúng nghĩa, mới bắt đầu nhận được ra mấu chốt của việc tạo ra một cuộc đấu tranh của chính chúng tôi nhằm bãi bỏ và thay thế được truyền thông chính thống – cái đã phục vụ cái xấu và làm trầm trọng thêm tình trạng bất công và trấn áp đang làm méo mó các xã hội trên khắp các lục địa.  Chúng tôi đang thực hiện điều này chủ yếu ở Latin America – nơi có các phong trào đã và đang giành được nhiều thắng lợi trong một thập kỷ vừa qua. Đối với chúng tôi, đưa tin, viết phóng sự cũng giúp chúng tôi có được các cách để làm sao phát triển được các chiến lược, chiến thuật nhằm mục đích mang lại được một ngành báo chí đúng đắn và chuyên nghiệp hơn trong lý tưởng phục vụ nhân dân.
Như vậy con đường giải thoát của chúng ta khỏi sự thoái hóa của truyền thông hôm nay đã được tìm thấy bằng một sự khởi đầu trở lại: Các xã hội dân chủ đang kêu gọi cho một sự trở lại những nguyên tắc căn bản của truyền thông xa xưa đã tuyên xưng:  sự truy tìm cặp đôi-sự thật-và-sáng tỏ. Đó là loại báo chí nổi lên từ đường phố, từ quay quốc lộ nơi có những con người thật đang sống và làm việc. Loại báo chí, qua suốt lịch sử vừa qua, đã giúp người dân xác quyết lại chính bản thân họ phải là người cầm lái tối cao của những con tàu số phận của họ. Lịch sử đã luôn được viết bằng những cuộc đấu tranh. Và ngày nay cũng không có gì khác.
Bằng sự dấn thân, hy sinh, con người mới đạt được tự do và lập nên tất cả các nền dân chủ như đã thấy. Đó chính là các phong trào, các cuộc đấu tranh của con người vì con người.
Con đường tiến đến một nền báo chí chân thực hơn đã được tìm thấy bằng sự sát cánh, học tập và bằng việc phản ánh các cuộc đấu tranh đó. Đó là một nền báo chí nguyên sơ, chân thực. Một vũ khí của nhân dân.
Đối Thoại biên dịch

Không có nhận xét nào: