Trần Phong (Danlambao) - Kết quả của Hội nghị Trung ương 6 đã không làm chúng ta phải bất ngờ, nó chỉ là một trong những “kịch bản” mà chúng ta cũng đã lường trước. Có chăng sự bất ngờ xen lẫn thất vọng lớn lao là dành cho những người dân ít có điều kiện để theo dõi những trò “đánh nhau” sau bức “màn nhung” của đảng, nhất là một số khá đông đảng viên cs vẫn còn chút niềm tin và hy vọng có một sự “đổi thay” nào đó của họ.
Tuy nhiên, qua đó cũng đã cho thấy có những yếu tố thuận lợi cho phong trào đấu tranh đòi tự do-dân chủ của chúng ta xuất hiện! Trước hết, phải nhìn nhận là cuộc chiến giữa hai phe “cung vua” và “phủ chúa” vẫn chưa kết thúc, chính sự nửa vời trong kết luận của hội nghị này cũng đã phần nào tự nó lột mặt nạ ra giữa bàn dân thiên hạ về cái gọi là cuộc chỉnh đốn nhằm làm “trong sạch” đảng.
Chúng ta đã thấy rõ việc “đùn đẩy” nhau giữa Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương của đảng như thế nào; đầu tiên là “một đồng chí” chỉ được 4/14 phiếu, thế nhưng việc “kết luận” lại phải đưa ra hội nghị toàn thể với số phiếu chính xác là 45/175 (ở đây chúng ta phải hiểu cho đúng là số phiếu 4 và 45 là những lá phiếu không cho rằng “đồng chí X” có lỗi mà là lỗi do chính cơ chế và đường lối của đảng). Như vậy đương nhiên là với số phiếu áp đảo (10/4 và 130/45) thì việc qui được tội cho “đồng chí X” là việc không phải bàn cãi.
Thế nhưng, giữa việc qui được tội và hình thức xử lý với những tội danh đó lại là một khoảng cách vốn luôn luôn nằm trong vòng bí mật của nội bộ “đa số của thiểu số” chóp bu đảng cs và việc “đi đêm” cũng không mấy khó xảy ra mặc dù hội nghị này đã diễn ra khá đột ngột và được canh phòng cẩn mật. Tuy vậy việc “thì thầm” giữa các đại biểu với nhau thì ai mà có thể ngăn cấm tuyệt đối cho được? Ngoài ra cũng phải tính đến vai trò “đi lại” như con thoi của gã sứ thần Trung cộng trong suốt thời gian diễn ra hội nghị này và trước đó là cuộc gặp giữa Tập Cận Bình và 3 Dũng ở Nam Ninh-Trung Quốc… Cho nên mới có cái kết quả 125/175 lá phiếu ủng hộ “không kỷ luật toàn bộ bộ chính trị” trong đó có “đồng chí X” với lý do đến trẻ con cũng không thể tin được. Đã thế lại còn sợ “các thế lực thù địch xuyên tạc” thì quả là trí tuệ và bản lĩnh của đảng ta hết thuốc chữa mất rồi!
Khi chứng kiến tổng Trọng nghẹn ngào trong lúc đọc bản tổng kết hội nghị, nhiều người cho rằng “ông ta giả khóc, kiểu nước mắt cá sấu giống ông Hồ sau cải cách ruộng đất.” Thế nhưng, xâu chuỗi tất cả những sự kiện đã và đang diễn ra rồi đem so với cái nhếch mép đểu giả của 3 Dũng trong lúc tổng Trọng đang miệt mài đọc bản tổng kết soạn sẵn trên diễn đàn thì cũng cho chúng ta hiểu ra rằng, tổng Trọng không “khóc” giả vờ vì ông ta làm sao mà có được sự thâm thúy đến độ xảo quyệt như ông Hồ? Vả lại hai sự việc này là hoàn toàn khác nhau về hoàn cảnh và bản chất, cho nên có lẽ tổng Trọng chỉ nghẹn ngào vì uất ức là hợp lý hơn cả. Bao nhiêu công lao chuẩn bị tưởng là đã chắc chắn và vô cùng kín kẽ thì nay bỗng chốc trở nên công cốc mà không thể làm gì được!
Sau hội nghị, người ta đã phát hiện thấy vài chục cuốn tài liệu 313 trang của những ai đó đã “để quên” trong ngăn bàn, thế là “lệnh trên” vội vàng ban ra cho thu hồi gấp và đã được niêm phong cất trong tủ ở văn phòng trung ương đảng. Điều này đã là một minh chứng cho công lao của “cung vua” cũng chỉ như mớ giấy lộn không hơn không kém mà thôi. Như vậy, tất cả những sự việc nêu trên cũng đã chỉ ra rằng “cung vua” hay “phủ chúa” thì cuối cùng cũng chỉ vì sự tồn tại của đảng chứ không hề vì sự sống còn của đất nước và dân tộc. Đây cũng thêm một lần cảnh tỉnh cho nhiều người, nhất là những cán bộ của đảng, lực lượng chức năng vẫn đang ngày đêm cố sức bảo vệ đảng vì nhiều lý do và mục đích thấy được niềm tin đã bị đảng tước đoạt như thế nào. Chúng ta tin rằng họ sẽ hiểu ra cũng như sẽ “tự diễn biến” tư tưởng để trở về với giá trị thật của cuộc sống, của dân tộc…
Việc “có một đồng chí trong bộ chính trị…” là có tội nhưng được trung ương “nhất trí không kỷ luật” dù tổng Trọng không nói ra thì tất cả đều đã biết rằng “đồng chí” đó chính là 3 Dũng, cho nên tuy là “thoát tội” nhưng uy tín của 3 Dũng trên thực tế cũng chẳng còn gì. Cái uy tín bấy lâu nay được che đậy thì bây giờ đối với “cấp dưới” chúng chỉ biết “sợ” chứ không còn “nể” như trước. Ở đời hễ mà “thượng bất chính thì hạ tắc loạn”, rồi đây tham nhũng sẽ tiếp tục tràn lan dù cho chúng sẽ phải kín kẽ hơn nhưng không có cơ dừng lại. Bên cạnh đó, sự bao che cho nhau lại sẽ càng “chặt chẽ” hơn nữa và tình hình kinh tế của đất nước là không thể gượng dậy trong một tương lai gần.
Với “tư duy” phản khoa học và thực tế, chủ trương của đảng cs vẫn là “đất đai là sở hữu toàn dân” rồi “không để cho nhà đầu tư trực tiếp thỏa thuận giá đất với người dân” thì danh sách, vị trí địa lý của những người dân oan mất đất chắc chắn sẽ còn kéo dài, trong số đó cũng chắc chắn sẽ (và thực tế cũng đang có) vô số gia đình thương binh-liệt sĩ của chế độ, cũng như những gia đình của chính những người đang phục vụ đảng như lực lượng vũ trang v.v… Đó chính là một trong những lực lượng phải được nối kết lại với phong trào đấu tranh đòi lại quyền tự do-dân chủ của chúng ta.
Lực lượng của phong trào toàn dân vì ngày mai của đất nước trên thực tế là không nhiều lại không được liên kết thành một khối đông đảo và vững chắc, điều đó đã làm lãng phí và mất đi sức mạnh vốn vô cùng cần thiết của bất cứ một cuộc cách mạng nào. Nói như vậy để chúng ta thấy rằng việc tưởng rằng hiện tại có rất nhiều người “chống chính quyền” có mặt ở khắp nơi đã khiến cho không ít người trong chúng ta phải ngộ nhận và trong đó cũng làm không ít người mắc phải tư tưởng “lạc quan tếu” vì trên thực tế lực lượng ấy tuy có số đông, nhưng mục đích lại rất khác nhau, chưa có sự đồng nhất về ý niệm đòi hỏi ở chính quyền điều cốt lõi của mọi vấn đề sống còn của dân tộc là tự do-dân chủ.
Những cuộc đấu tranh nêu trên, tuy không phải là tất cả, nhưng tựu trung lại phần lớn chỉ mới dừng lại ở khía cạnh đấu tranh đòi quyền lợi mà thôi, những lực lượng khác tôi đã tóm lược trong bài“Phe nào thắng thì có lợi cho dân tộc”, với đội ngũ trí thức thì tác giả Davis Thiên Ngọc cũng đã đề cập khá đầy đủ trong bài “Trí thức Việt Nam trước nội tình đất nước”… Vậy chúng ta “liên kết” họ lại bằng cách nào?
Trước hết, trong mỗi chúng ta những ai có điều kiện tiếp xúc thì hãy giải thích để những người nông dân mất đất thay vì chỉ hướng sự căm thù vào chủ đầu tư và chính quyền sở tại thì phải giúp họ hiểu ra rằng căn nguyên của việc này là do chính sách của đảng cs đã bóp nghẹt tự do-dân chủ và chỉ khi nào dân tộc ta có được điều đó một cách thực sự thì những vụ việc tương tự mới không tái diễn. Chúng ta hãy “gom” hai mục đích (quyền lợi của nhân dân và đòi tự do-dân chủ) vào làm một trong cuộc đấu tranh này của họ. Trong tranh đấu, việc có được sự đoàn kết tương thân tương ái nhất là “chiến thuật-chiến lược” đối phó với nhà cầm quyền cs là vô cùng cần thiết, mang ý nghĩa sống còn. Tuy nhiên, suốt thời gian vừa qua chúng ta thấy thực tế mới chỉ dừng lại ở tình thương yêu đùm bọc trong lúc hoạn nạn của những người đồng cảnh ngộ, ví dụ như trường hợp bà con Dương Nội và một số nơi khác đã đến với gia đình, vợ-con nhà anh, em nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng-Hải Phòng hay với bà con nông dân ở Văn Giang-Hưng Yên v.v… chứ chưa thấy được sự kết nối một cách bài bản hay một sự “hợp đồng tác chiến” nào trên diện rộng. Nếu chỉ như vậy thì không thể nào tạo ra áp lực cần thiết đối với chế độ cs vốn vô luật pháp và tình đồng loại, chúng sẵn sàng đàn áp không nương tay như chúng ta cũng đã thấy.
Gần đây nhất, tại Hà Nội khoảng 200 anh-em thương binh (tôi nhấn mạnh họ là thương binh thật) biểu tình phản đối nhà cầm quyền cs dung túng cho bọn giả thương binh đi quậy phá người dân làm mất thanh danh của họ, ấy thế mà nhà cầm quyền cs không dám đàn áp như đối với dân thường vì chúng cũng phải ý thức được rằng việc đàn áp thương binh cũng chẳng khác gì “động” đến chính những người lính hiện đang cầm súng trong tay. Chính vì thế mà chúng chỉ cố cô lập họ bằng cách phong tỏa các con đường dẫn tới vị trí của những người thương binh đang biểu tình, ngăn không cho quần chúng nhân dân biết và tiếp xúc trực tiếp với họ (điều này đã làm cho nhà cầm quyền Hà Nội đang phải ra tay dẹp bớt xe ba bánh của những kẻ giả mạo thương binh) và hiện nay đang có nhiều thương binh bị mất đất ở các tỉnh kéo về Hà Nội để khiếu kiện.
Vậy thì tại sao chúng ta không tìm cách “liên kết” giữa lực lượng thương binh và lực lượng những người dân oan mất đất và kể cả vì những việc oan trái khác do nhà cầm quyền gây ra đối với họ thành một khối đông đảo, thương binh đi đầu và ở cuối, tốt nhất là sắp xếp đội ngũ xen kẽ nhau, trương băng rôn có hình huy hiệu thương binh ở mọi chỗ trong đoàn biểu tình và khẩu hiệu đòi tự do-dân chủ, người cày có ruộng như hiến pháp đã qui định. Chúng ta tránh hết sức những động thái không cần thiết khác có thể tạo cớ cho nhà cầm quyền cs đàn áp.
Đối với đội ngũ trí thức, đặc biệt là những người có tiếng tăm trong xã hội nếu tiếp tục đi đầu trong những tiếng nói phản biện, đặc biệt là trên mặt trận chống tham nhũng do chính đảng cs phát động, thì không phải là không có tác dụng làm chính thể cs phải e ngại. Sở dĩ những người trí thức đó không bị đàn áp công khai là vì đảng cs lo sợ tính lan tỏa của sự việc liên quan đến những người nổi tiếng sẽ làm mất đi sự “chính danh” của họ. Nếu những trí thức có đủ sự dũng cảm thì mọi việc đều có thể xảy ra.
Sau Hội nghị Trung ương 6 đang có rất nhiều sự bất mãn cũng như mất niềm tin vào đảng của những người trong chính lực lượng chức năng và những người liên quan đến sự sống còn của chế độ này cho nên việc chúng ta siết chặt đội ngũ vào thời điểm hiện tại dù chưa thể có được tự do-dân chủ trong một sớm, một chiều nhưng cũng ít nhiều tạo nên “cái trớn” cho phong trào lan tỏa sâu, rộng hơn nữa và có thể khiến cho nhà cầm quyền ít nhiều phải nhượng bộ ở một vài lĩnh vực mà người dân đòi hỏi.
Thể chế mà chúng ta đang phải sống chung có nhiều cái khác rất cơ bản so với những nước có chế độ độc tài ở Châu Phi và Trung Đông, nơi đã có những cuộc cách mạng mang tên mấy loài hoa như chúng ta cũng đã biết.
Thứ nhất là dù ở chế độ độc tài tuy cũng phải có một chính đảng để tập hợp lực lượng và lãnh đạo xã hội nhưng họ lại không hề có một chủ thuyết gì cho ra hồn để có thể bịp bợm và “ru ngủ” được quần chúng như đảng cs đã và đang thực hiện. “Sợi dây” chủ yếu để ràng buộc các lực lượng phục vụ chế độ cũng như các quan chức chính phủ và các tướng lĩnh chỉ là tiền bạc và cuộc sống cộng sinh lẫn nhau chứ không vì bất cứ lý do nào khác. Vì thế khi cách mạng nổ ra đã có không ít tướng lĩnh và quan chức chính phủ đem theo một số lượng vũ khí và binh lính đáng kể chạy sang hàng ngũ những người làm cách mạng. Phải nói rằng công tác tuyên truyền và phân hóa lực lượng của chính phủ đã được họ làm khá tốt và hiệu quả.
Thứ hai là dù mang tiếng độc tài nhưng ở những nước ấy cũng vẫn cho phép vài đảng nhỏ hoạt động (tất nhiên phần lớn là phải thân chính phủ và cũng chỉ mang tính tượng trưng). Mặt khác, họ cũng có được hệ thống truyền thông và báo chí tư nhân; tuy không nhiều nhưng cũng đã góp phần tạo cho người dân tiếp cận cũng như hiểu ra được quyền tự do-dân chủ mà chính mình có quyền đòi hỏi và phải được hưởng thụ dù sự hiểu biết đó chỉ mới ở mức sơ khai và việc tập hợp lực lượng đòi tự do-dân chủ cũng thuận lợi hơn ở VN rất nhiều. Điều đó giải thích vì sao khi cách mạng nổ ra thì lập tức nhà cầm quyền ở những nước đó cho siết lại tự do báo chí, nhưng đến giai đoạn đó khi chính quyền hiểu ra thì cũng là đã muộn. Ngoài ra nhân dân các nước nêu trên còn được sự hỗ trợ to lớn từ quốc tế đã giúp cho các cuộc cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng mà không hề mất đi chủ quyền lãnh thổ.
Chính vì vậy cho nên nhà cầm quyền cs Việt Nam rất sợ và cấm triệt để tự do ngôn luận, tự do báo chí cho dù chính hiến pháp của nhà nước cs cũng phải qui định cho có vẻ dân chủ nhằm đối phó với dư luận quốc tế là chính. Do đó, việc làm sao để giúp cho quảng đại quần chúng nhân dân, nhất là ở những vùng nông thôn vốn ít có điều kiện để tiếp cận với Internet hiểu rõ được quyền được sống trong một đất nước thực sự có tự do-dân chủ sẽ đem đến cho mọi người những điều tốt đẹp, cuộc sống ấm no-hạnh phúc dài lâu với nhiều thế hệ con-cháu như thế nào là nghĩa vụ của mỗi người chúng ta. Nên nhớ là dân số nước ta ở nông thôn mới là lực lượng chiếm đa số nhưng chưa bao giờ là lực lượng đi tiên phong và là nhân tố lãnh đạo bất cứ cuộc cách mạng nào đến thành công mỹ mãn. Họ luôn cần một lực lượng trí thức để dẫn dắt và tham mưu cho họ.
Nhưng dù thế nào thì những lực lượng quần chúng (nói chung) tuy có đông đảo về số lượng thì lại không có vũ khí trong tay để có thể thực hiện một cuộc “bạo lực cách mạng” khi cần thiết, vậy thì không lẽ chúng ta chịu ngồi im thúc thủ? Không phải như vậy nếu chúng ta hiểu được rõ việc nhà cầm quyền cs vốn rất sợ sự “diễn biến từ bên trong” nội bộ của họ. Có rất nhiều bài báo của cs đã phải viết để ngăn chặn vấn đề này mà gần đây nhất tay tướng bồi bút mang danh phó giáo sư, TS Nguyễn Tiến Bình đã phải viết trên báo QĐND có nhan đề “Bản lĩnh bộ đội cụ Hồ trong đấu tranh tư tưởng, lý luận” đã phần nào nói lên nỗi lo sợ đó. Thực tế là trong hàng ngũ những tướng lĩnh đã nghỉ hưu và kể cả một số đang tại chức trong những văn bản “góp ý với đảng” nhân việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 đều đã lên tiếng phản đối việc lạm dụng quân đội tham gia cưỡng chế để “giải phóng mặt bằng”, thậm chí có ý kiến còn cho rằng không nên chính trị hóa quân đội. Vì vậy trong chúng ta những ai có điều kiện tiếp xúc với lực lượng này thì cũng nên dùng mọi cách có thể để giúp họ biết được nhiều sự thật xảy ra trên đất nước nhằm tác động và phân hóa ngay từ bên trong những lực lượng này vì khi ở đơn vị thì họ luôn luôn bị bưng bít, không thể tiếp cận những thông tin “ngoài luồng” như chúng ta. Tìm cách cho họ đọc được những bài viết của nhiều tác giả có chuyển tải nhiều thông tin tố cáo những việc làm sai trái của đảng cs trên mọi lĩnh vực của cuộc sống. v.v…
Cho đến nay, trên diễn đàn mạng có rất nhiều bài viết có giá trị thông tin cao và cụ thể cũng đã góp phần to lớn giúp nhiều người hiểu được cặn kẽ sự thật về chế độ cs và vì sao chúng ta lại cần phải đấu tranh để phá bỏ nó. Mỗi bài viết lại chuyển tải được những khía cạnh khác nhau của sự việc mà tựu trung lại là đã góp phần tố cáo chế độ cs phi nhân này trước công luận về mọi mặt trong cuộc sống. Tuy nhiên, về phía bạn đọc thì ngoài một số đã hiểu được nội dung của bài viết để đưa ra những góp ý hay phản biện nhằm làm rõ hơn ý niệm của tác giả, thậm chí đã đưa ra được những phương pháp đấu tranh khá độc đáo và khả thi góp phần làm bạn đọc khác hiểu hơn về bài viết của các tác giả, thì đáng tiếc là có nhiều độc giả lại tỏ ra khá sốt ruột đến độ cực đoan khi cho rằng “sao không đưa lực lượng này hay lực lượng kia vào bài viết” rồi “tác giả bênh phe này, đả phá phe kia” v.v… mà quên mất rằng mỗi bài viết cần phải có tiêu chí khác nhau không thể đáp ứng mọi đòi hỏi có một lượng thông tin quá lớn và không cần thiết. Cuộc đấu tranh nào cũng cần phải biết lợi dụng thời cơ hoặc “bắn tỉa” từng “thằng” một chứ sức lực có hạn mà cứ đòi “đánh” lung tung thì sao gọi là có “bài bản”? Thậm chí có bạn lại đòi trong mỗi bài viết về vấn đề của thể chế cs lại phải đưa cho bằng đủ mọi “nguồn gốc” tội ác của đảng cs vào, như thế chẳng khác nào họ muốn “bắn” vào quá khứ của đảng cs bằng “đại bác” trong khi chỉ “bắn” vào hiện tại của chúng bằng mấy “viên gạch” thì phỏng có ích gì? Bởi lẽ, nếu cứ như vậy thì các bài viết sẽ rất dài và quan trọng là nó sẽ “làm loãng” đi chủ đề xuyên suốt của bài viết là muốn nêu bật sự đốn mạt của bè lũ cs hiện tại và nếu cứ như vậy thì chẳng khác gì chúng ta đang “múa gậy vườn hoang” như đánh vào không khí vậy. Đành rằng có thể chế của ngày hôm nay đương nhiên thì nó phải có nguồn gốc của “ngày xưa” của chúng điều đó thì ai mà lại không biết? Hơn nữa thực tế thì những tên thuộc lớp “ngày xưa” ấy đã chết sạch rồi còn đâu để cho chúng ta “đánh” chúng suốt ngày?
Cho nên thay vì dành thời gian để chỉ trích thì các bạn nên tìm cách phát tán càng nhiều càng tốt những bài viết của tác giả Đặng Chí Hùng đến với thật nhiều người. Tôi cho rằng loạt bài “Những sự thật không thể chối bỏ” và hai bài viết gần đây nhất là “Những sự thật cần phải biết” là một trong những bài viết về nguồn gốc tội ác của cs có hệ thống, có nhiều thông tin khách quan và có giá trị nhất từ trước đến nay. Bản thân tôi cũng đã in loạt bài viết này đưa cho mấy ông, bà bạn già trong tổ hưu đọc, có một ông gặp tôi bảo: “ấy chết, sao ông lại phát tán tài liệu phản động thế làm gì, ở đâu ra thế? thôi đi chẳng phải đầu lại phải tai” tôi trả lời: “đi đường tôi nhặt được ai đó đánh rơi, về đọc thấy hay và bổ ích thì đưa các ông đọc, ông cứ về đọc cho hết đi, nếu phản bác được thì tôi sẽ xin nghe lời ông dạy”. Mấy ngày sau gặp lại, ông ấy bắt tay tôi khẽ bảo “tôi đưa cả cho mấy thằng con tôi đọc để giúp chúng nó hiểu” mà không nói gì thêm, nhìn vào đôi mắt ông bạn già ngân ngấn lệ. Tôi hiểu dường như ông ấy muốn nói “lúc hiểu ra mọi chuyện thì đã già mất rồi!…”
Đấy là sống ngay tại thành phố lớn mà còn như vậy, chẳng biết Internet là cái gì, huống hồ ở nông thôn? Cách đây khá lâu, trong một dịp tới nhà tôi về vài việc ở khu phố, cậu công an khu vực vốn khá thân như con-cháu trong nhà có than vãn chuyện mảnh đất của nhà cậu ấy ở quê đang bị giải tỏa với cái giá đền bù rẻ như bèo. Cái cớ là để phục vụ công trình công cộng nghe ra thật vớ vẩn là “Nhà công tác thanh thiếu niên” trong khi xã đã có cái trụ sở to đùng và đã dành riêng cho đoàn xã một phòng khá rộng, chưa kể còn cái hội trường chẳng mấy khi dùng đến. Cậu luôn mồm kể tội mấy thằng trong ban giải tỏa ở địa phương không có tình có lý. Tôi mới bảo “cháu hiểu thế là chưa hết lẽ đâu, sở dĩ các địa phương có cơ sở để làm láo chính là do cái chủ trương của đảng coi đất đai là sở hữu toàn dân đấy. Thật ra chủ nghĩa cs mới là phản khoa học và là phản động khi đi ngược lại với trào lưu của thế giới loài người mà trong đó quyền tư hữu là không thể tước đoạt được. Bác lấy ví dụ cho dễ hiểu mảnh đất đối với người nông dân là để nuôi sống họ cũng như toàn xã hội, vì thế nó gần gũi và là vốn quí giống như người vợ vậy. Thế cháu có muốn vợ mình là “của chung” không? Dĩ nhiên câu trả lời chắc chắn là không rồi. Vậy thì đất cũng thế thôi, không thể khác!…” Im lặng hồi lâu, cậu công an khu vực buông ra một câu chửi tục, có lẽ do cậu buột miệng vì lần đầu tiên tôi thấy cậu ấy chửi thề. Phải thừa nhận là cậu sĩ quan công an này là người tử tế nhất mà tôi từng tiếp xúc, ở khu phố tôi ở ai cũng bảo như vậy. Cuộc đấu tranh vì tự do-dân chủ của chúng ta còn dài và tôi mong rằng, mỗi chúng ta hãy bắt đầu bằng những việc như thế, mỗi khi có điều kiện.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét