Pages

Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

'Không lường trước được giá cả tăng'


Vương Đình Huệ
Bộ trưởng tài chính cho rằng xảy ra tăng giá vừa qua là do phối hợp giữa các cấp cũng như công tác phân tích, dự đoán tiến hành chưa tốt.
Trong tháng Chín vừa qua, giá một số mặt hàng thiết yếu đã tăng mạnh, đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên mức 2,2%, bằng tám tháng trước đó cộng lại gây nhiều quan ngại cho tái lạm phát.
Trả lời truyền hình trong nước ngày 14/10, Bộ trưởng Tài chính ông Vương Đình Huệ cho biết sự leo thang nhanh chóng của CPI trong tháng Chín, là do bốn nhóm mặt hàng chính bao gồm y tế, giáo dục, giao thông, nhà ở và vật liệu xây dựng.

Giải thích cho sự tăng giá của các mặt hàng, ông Huệ nói:
Bốn nhóm mặt hàng nói trên chiếm 95% tổng tăng giá trong tháng Chín (2,1%).

"Đối với mặt hàng khám chữa bệnh, 43 tỉnh thành phó đã điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh theo thống tư liên tịch của Bộ tài chính và Bộ y tế từ tháng hai năm nay, làm cho nhóm này tăng đến 17,02%, tác động đến chỉ số CPI 0,95%."
"Nhóm thứ hai, liên quan đến giáo dục và đào tạo thì do tháng 9 là thời điểm khai trường, 43 tỉnh, thành cũng điều chỉnh mức học phí của các trường tại các cấp, đặc biệt là khối phổ thông trung học, làm cho chỉ số giá tăng 10,84%, tác động lên CPI là 0,65%."
"Nhóm thứ 3, do tháng 8 và đầu tháng 9 chúng ta có 3 lần tăng giá xăng dầu làm cho chỉ số của nhóm giao thông tăng 3,33%, tác động đến chỉ số CPI 0,34%."
Ông cho rằng việc tăng giá xăng là do phải theo sát tăng giá xăng thế giới, đồng thời phải đảm bảo mức cung ứng dự trữ đầy đủ cho lưu thông và sản xuất kinh doanh, tiêu dùng.
"Nhóm thứ tư là nhà ở và vật liệu xây dựng trong tháng 9 đã tăng 2,18%, tác động đến CPI 2,1%"

Bài học kinh nghiệm

Công tác dự đoán và dự báo là vấn đề mà Bộ trưởng tài chính cho là cần phải cải thiện.
"Trước đó, chúng ta không lường được, tháng Bảy và Tám thì chỉ số âm, nhưng tháng Chín lại tăng cao như thế," ông nói.
Y tế
Mặt hàng y tế ảnh hưởng CPI tháng Chín nhiều nhất
"Nếu chúng ta phân tích, dự báo tốt, có thể công tác điều hành giá cả làm cho tổng mức và ở từng tháng có thể đều đặn hơn."
Ông Huệ cũng cho rằng phải tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành cũng như giữa trung ương và địa phương. Ông lấy ví dụ về nhóm giá y tế; mặc dù thông tư liên tịch của Bộ tài chính và Bộ y tế tuy đưa ra hồi đầu tháng Hai, nhưng việc điều chỉnh mức giá và lộ trình điều chỉnh giá lại do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương quyết định.
"Nếu chúng ta có điều phối tốt từ Bộ Y tế và Bộ Tài chính tham gia vào với các tỉnh và tránh tháng Chín là tháng khai trường, rất nhiều mua sắm cho giáo dục đào tạo, học phí tăng."
"Trong khi giá xăng dầu thế giới đang tăng thì ngay giá dịch vụ y tế, giáo dục đào tạo cũng phải điều chỉnh ở mức linh hoạt hơn."
"Giá như chúng ta mà làm sớm hơn ở tháng Bảy, Tám, nhất là dịch vụ y tế thì không chỉ tổng mức giảm mà cả chỉ số giá từng tháng cũng đều đặn hơn."

Nguy cơ tái lạm phát

Trao đổi với báo chí trong nước hồi tháng Chín, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ thống kê giá cả của Tổng cục thống kê nói việc leo thang nhanh chóng của chỉ số CPI trong tháng Chín gây nhiều quan ngại rằng lạm phát năm nay có thể sẽ tăng cao hơn chỉ tiêu 7%.
Nếu mức tăng duy trì ở 1,5% trong ba tháng tới thì đến tháng 12, chỉ số CPI sẽ tăng 9,93%, tin từ Cổng thông tin chính phủ cho biết.
Nhận xét với báo chí về chỉ số CPI trong tháng Chín, ông Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả, Bộ tài chính cho biết: "Nếu CPI cả nước tăng thêm 2% nữa thì rất đáng lo vì chưa năm nào cao như thế cả."
Ông Vũ Đình Ánh nhận xét thêm rằng không thể xem thường sự tăng giá hàng loạt của các mặt hàng thiết yếu, đồng thời cần phải lập tức kiềm chế trước nguy cơ lạm phát quay trở lại.

Không có nhận xét nào: