Pages

Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Mỹ không thể đứng sau mà lãnh đạo tại châu Á


Aaron L. FriedbergThe Diplomat, ngày 9 tháng Mười 2012 – Boxitvn
Trần Ngọc Cư dịch
Vào đầu tháng Chín, trong khi [cựu Tổng thống Mỹ] Bill Clinton gây ấn tượng mạnh mẽ trước đám đông tại Đại hội Đảng Dân chủ ở thành phố Charlotte, thì vợ ông đang đối diện với một cử tọa nhỏ bé hơn và thiếu nhiệt tình hơn tại Bắc Kinh. Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đã đến Trung Quốc với những lời lẽ xoa dịu và kêu gọi hợp tác. Tìm cách làm nhẹ bớt dư luận về một cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đang leo thang, Bà Clinton nói tại một hội nghị các đảo quốc nhỏ nơi bà dừng chân trên đường đi đến Bắc Kinh rằng “…dẫu sao, Thái Bình Dương cũng đủ lớn cho tất cả chúng ta”.

Các quan chức nước chủ nhà [Trung Quốc], không tin vào những gì bà nói. Washington phải “chấm dứt vai trò thọc gậy bánh xe”, khuấy động căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, một bài viết của Thông tấn xã Nhà nước lên tiếng khuyến cáo. Mặc dù cuộc đón tiếp chính thức dành cho bà có phần hữu hảo hơn trước, nhưng bà Bộ trưởng Ngoại giao không đạt được một tiến bộ rõ rệt nào trên một loạt vấn đề nổi bật, gồm cả cuộc nội chiến tại Syria và chương trình vũ khí hạt nhân của Iran.
Chuyến đi Bắc Kinh của Bà Clinton là dấu hiệu tiêu biểu cho một sự thay đổi lần thứ ba trong những nỗ lực đang được xúc tiến của chính quyền Obama nhằm soạn ra một chiến lược Trung Quốc bền vững. Vào thời điểm chuyến thăm viếng đầu tiên của bà tháng Giêng 2009, Bộ trưởng Clinton đã đề nghị một dạng thức “tái khởi động” (a re-set), tương tự như đường lối bà tìm kiếm với Nga. Từ đây về sau, lúc bấy giờ bà tuyên bố, Mỹ sẽ không để cho những bất đồng về nhân quyền cản trở nỗ lực hợp tác để giải quyết các vấn đề bức thiết khác, như thay đổi khí hậu và khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Có lẽ vì giải thích hành vi này của Mỹ như một dấu hiệu của sự yếu đuối, Bắc Kinh đã đáp lại những đề nghị này bằng một đường lối cứng rắn trong các ứng xử với Mỹ cũng như với các nước láng giềng châu Á. Xu thế này biểu hiện rõ nét nhất tại biển Đông Trung Hoa và biển Nam Trung Hoa/biển Đông Việt Nam, nơi mà Trung Quốc tìm cách tăng cường các đòi hỏi chủ quyền nhằm kiểm soát các đảo và tài nguyên thiên nhiên.
Điều đáng khâm phục là, cuối cùng Chính quyền Obama đã có phản ứng tương xứng. Bắt đầu năm 2010 chính quyền này đã thay đổi đường lối và bắt đầu đưa ra những tuyên bố được quảng bá rầm rộ và có những cử chỉ để nhấn mạnh việc Mỹ vẫn tiếp tục những cam kết của mình đối với châu Á. Điều làm cho Bắc Kinh rất bực bội là, Mỹ đã xâm lo vào những cuộc tranh chấp lãnh hải đang xảy ra – bằng cách nhắc nhở lại mối quan tâm của Mỹ trong việc đảm bảo tự do thông thương và đưa ra đề nghị đóng một vai trò trung gian hòa giải. Các quan chức cũng công bố rằng Mỹ sẽ, theo từ ngữ của Bộ trưởng Clinton, “xoay trục” chiến lược hướng về châu Á, tăng cường sự hiện diện quân sự nơi đây ngay cả khi Mỹ cắt giảm chi phí quốc phòng tổng quát. Điểm cao tiêu biểu của tiến trình xoay trục này diễn ra vào tháng Mười một 2011, khi Tổng thống Obama đến thăm khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dừng lại ở Australia để công bố việc sắp triển khai một lực lượng nhỏ lính thủy đánh bộ Mỹ.
Tuy vậy, trong những tháng gần đây, Washington đã tế nhị đổi chiều và hướng về một lập trường hòa hoãn hơn. Giữa lúc một số nhà quan sát tình hình Trung Quốc cảnh báo rằng chiến lược “xoay trục” đã làm sâu sắc thêm sự ngờ vực lẫn nhau và có thể khởi động vòng xoáy gia tăng sự cạnh tranh giữa hai nước, Chính quyền Obama đã tìm cách hạ giọng và trấn an Bắc Kinh về các ý định của mình. Luận điệu cứng rắn, hiếu chiến đã được thay thế bằng một loại ngôn ngữ nhạt nhẽo của ngành kế toán Thay vì nói “xoay trục” nhanh chóng hướng về châu Á, các người phát ngôn chính phủ bây giờ lại mô tả việc làm của mình là “tái quân bình” hồ sơ chiến lược của Mỹ. Thật vậy, trong những tháng gần đây, từ “xoay trục” hình như đã được loại ra ngoài từ vựng chính thức của Chính quyền Obama.
Mặc dù thoạt đầu Mỹ đã tìm cách động viên các đồng minh châu Á, nhưng hiện nay Washington cố tình tạo một khoảng cách giữa mình với các nước này, nhắc nhở họ rằng Mỹ không đứng về phe nào trong việc giải quyết sau cùng các tranh chấp lãnh hải giữa họ với Trung Quốc. Một trường hợp nổi bật điển hình là, Chính quyền Obama đã nhiều lần không chịu trả lời minh bạch câu hỏi, liệu Mỹ sẽ đến cứu viện Philippines trong trường hợp có một cuộc tấn công nhắm vào quân đội Phi trong biển Đông hay không?
Liền sau khi Ngoại trưởng Clinton rời Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cũng thực hiện một chuyến công du sang Bắc Kinh vào tháng Chín. Cũng giống như bà bộ trưởng, mục đích của Panetta là thuyết phục các quan chức nước chủ nhà rằng, theo từ ngữ của một bài báo đầy hoài nghi đăng trên Nhân dân Nhật báo, “chiến lược ‘tái quân bình’ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương không nhắm vào việc chống Trung Quốc”. Để chứng minh điều này, vị Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên đã mời Hải quân Trung Quốc gửi một chiến hạm tham dự một cuộc thao diễn đa quốc gia sắp tới. Bằng một lối phát biểu chắc chắn làm cho các bộ ngoại giao khắp châu Á phải chau mày, Panetta tuyên bố rằng Mỹ muốn thấy Trung Quốc “nới rộng vai trò của mình trong Thái Bình Dương”.
Sự thay đổi mới nhất trong chiến lược Mỹ là thiếu chín chắn và có thể phản tác dụng. Như cuộc tiếp đón dành cho Bộ trưởng Clinton đã cho thấy, các lãnh đạo của Trung Quốc không mấy hứng thú vì được ve vuốt. Nếu họ tin lời kêu gọi hợp tác lần này của Washington là thành thật, họ cũng có khả năng coi đó là dấu hiệu suy yếu tạm thời của Mỹ. Trong tình hình này, Bắc Kinh có đủ mọi khích lệ để chơi mạnh tay hơn nữa, bằng cách đòi hỏi Mỹ phải có biện pháp cụ thể để chứng tỏ thiện chí của mình và làm giảm bớt những căng thẳng mà Trung Quốc cho là Mỹ có phần trách nhiệm.
Mối nguy ở đây chắc hẳn rõ ràng: khi tìm cách xoa dịu Bắc Kinh, chính quyền Mỹ có nguy cơ hủy hoại nhiều thành quả đã đạt được. Các quốc gia châu Á khác dù không muốn bị cuốn hút vào một cuộc chiến tranh lạnh, nhưng họ cũng rất lo sợ bị bỏ rơi, tự mình đối đầu với một Trung Quốc ngày càng hùng mạnh. Chủ điểm của chiến lược “xoay trục” là để trấn an các nước này rằng, mặc dù đang gặp nhiều khó khăn, Mỹ sẽ không tháo chạy và phó mặc họ cho định mệnh. Nói chung, mặc dù nhiều nhà quan sát thời cuộc trong khu vực hoan nghênh các dấu hiệu cam kết gần đây của Mỹ, nhưng họ không tin rằng Mỹ có đủ ý chí và ngân sách để thể hiện sự cam kết của mình. Những cắt giảm ngân sách quốc phòng sắp đến và những dấu hiệu cho thấy rằng, sau vài tháng lên giọng cứng rắn, Wahington đã sẵn sàng có lập trường hòa hoãn với Trung Quốc, chỉ có thể gia tăng những mối hoài nghi này.
Khi Trung Quốc trở nên ngày càng lớn mạnh, các nước khác sẽ phải ra sức nhiều hơn nữa để duy trì cán cân quân bình lực lượng nhằm bảo vệ lợi ích của mình và đóng góp cho việc gìn giữ hòa bình. Nếu đứng chung lại, Mỹ và các nước bạn cũng như đồng minh của Mỹ có thừa phương tiện để duy trì một thế quân bình lực lượng như vậy. Nhưng nếu muốn các nước khác làm tròn nghĩa vụ của mình, Washington cần phải có lập trường cứng rắn trong cách ứng xử với Bắc Kinh. Thậm chí quan trọng hơn nữa, Mỹ cần phải thực hiện những đầu tư tốn kém dài hạn vào các khả năng quân sự, những khả năng sẽ cần đến để chống lại các khả năng quân sự của Trung Quốc. Khi nói đến châu Á, Mỹ không có phương án lựa chọn là đứng sau mà lãnh đạo.
A.L.F.
Aaron L. Friedberg là Giáo sư Chính trị học và Quốc tế sự vụ tại Trường Công vụ và Quốc tế sự vụ Woodrow Wilson thuộc Đại học Princeton. Cuốn sách mới nhất của ông, A Contest for Supremacy: China, America, and the Struggle for Mastery in Asia (Một cuộc thi đua giành bá quyền: Trung Quốc, Mỹ, và cuộc tranh giành quyền bá chủ tại châu Á) hiện nay đã xuất hiện trong dạng bìa giấy. Bài tiểu luận của ông “Bucking Beijing: An Alternative U.S. China Policy”(http://boxitvn.blogspot.com/2012/08/chong-lai-bac-kinh.html), đã xuất hiện trong số Foreign Affairs, tháng Chín/tháng Mười 2012. Từ 2003-2005, ông là Phó Trợ lý các Vấn đề An ninh Quốc gia tại Văn phòng Phó Tổng thống.
Nguồn bản gốc: thediplomat.com
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
Được đăng bởi bauxitevn

Không có nhận xét nào: