Pages

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Ngân hàng Việt Nam khủng hoảng thật rồi!


Bruce Gale/The Nation
Lê Quốc Tuấn. X-CafeVN chuyển ngữ
Các khó khăn trong lãnh vực ngân hàng ở Việt Nam nghiêm trọng đến đâu ? Vấn đề là không ai thực sự biết được.
Niềm tin vào ngành ngân hàng đã lung lay từ ngày 20 tháng 8, khi nhà ngân hàng nổi tiếng Nguyễn Đức Kiên bị bắt về các tội tham nhũng.
Nhiều ngân hàng Việt Nam bị cho là khốn khó vì các khoản nợ xấu. Tuy nhiên khó đánh giá được mức độ nghiêm trọng của sự việc.
Bản chất tội phạm mà Kiên bị cáo buộc cũng mơ hồ. Việc bắt giữ ban đầu được cho biết là vì những “hoạt động kinh doanh bất hợp pháp “. Kiên là người đồng sáng lập Ngân hàng Á Châu (ACB), ngân hàng tư nhân lớn nhất trong nước. Tổ hợp ngân hàng Anh Standard Chartered sở hữu 15% vốn tại đây.
Theo dữ liệu của ngân hàng trung ương, tính đến ngày 31/5 năm nay, các khoản nợ xấu đạt đến 4,47% tổng số nợ vay, gia tăng so với mức 3,07% vào cuối năm ngoái.
Tuy nhiên, vào tháng Tám, thống đốc ngân hàng trung ương Nguyễn Văn Bình đã thừa nhận nợ xấu trong hệ thống ngân hàng có thể lên cao đến 10%, tồi tệ hơn nhiều so với báo cáo từ các ngân hàng địa phương.

Các nhà phân tích của Fitch Ratings còn bi quan hơn, họ tin rằng khoảng 15% các khoản cho vay có thể là các nợ không đòi được. Một báo cáo gần đây của Barclays cho rằng mức nợ xấu là 20%.
Thứ sáu tuần trước, Moody đánh tụt hạng tín dụng chủ quyền của Việt Nam vì các khoản nợ xấu. Tuy nhiên, sự việc có vẻ nhầm lẫn khi gần đây, Standard & Poor từng nâng cấp các ngân hàng Việt Nam vì cho rằng tình hình đã được cải thiện.
Chắc chắn là không thiếu các dự án xây dựng bị đình trệ hoặc bị buông bỏ trong khu vực đô thị của quốc gia – đặc biệt là ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nhiều nhà phát triển địa phương đã bắt đầu các dự án xây dựng trong cao điểm của cơn bùng nổ bất động sản trong năm 2009 hiện đang bị ép buộc phải giảm giá để thúc đẩy doanh số bán các văn phòng và khu hộ gia cư. Các vụ phá sản cũng tăng cao, đặc biệt là trong các công ty sắt thép địa phương và các cửa hàng bán lẻ vốn phải vất vả cạnh tranh với các công ty nước ngoài.
Sau nhiều năm lạm phát cao và cho vay thiếu thận trọng, đất nước đã bước vào thời kỳ mà các ngân hàng không còn muốn cho vay nữa, khiến gây khó khăn cho doanh nghiệp đầu tư. Kết quả là tăng trưởng bị chậm hơn, lại càng khó khăn cho các công ty để trả nợ. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã tăng mạnh trong những tuần gần đây để đáp ứng một loạt các hoạt động rút tiền gửi. Tuy rằng cho đến nay, chưa có ngân hàng hàng nào bị khủng hoảng vì rút tiền.
Rõ ràng là cần có một số loại kế hoạch nhằm tái cơ cấu các ngân hàng của Việt Nam.
Một đề xuất nhằm cho phép các ngân hàng nước ngoài được gia tăng cổ phần của họ trong các ngân hàng trong nước và thậm chí cho phép quyền sở hữu phần lớn cuối cùng có vẻ như một ý tưởng tốt. Nhưng với nhiều ngân hàng phải đối mặt với các khó khăn trong nước, chương trình này không thể thu hút được lượng vốn cần thiết.
Một lựa chọn khác là việc chính phủ cung cấp một số hình thức cứu trợ tài chính. Một động thái như vậy hiện nay có vẻ thực tế hơn là một vài năm trước đây. Thâm hụt ngân sách của chính phủ, bằng 9% GDP trong năm 2009, hiện nay ở mức dưới 4 phần trăm. Các số liệu khác cũng tốt. Tiền tệ đã ổn định, lạm phát được kiểm soát và thâm hụt thương mại đã được thu hẹp đáng kể so với năm ngoái.
Và trong khi tỷ lệ nợ đối với GDP của chính phủ ở mức 44%, điều này được xem là tốt hơn so với nhiều nước Châu Âu có nền tài chính bị căng thẳng.
Tuy nhiên, các nhà quan sát nước ngoài, dường như vẫn chú ý vào mặt xấu của vấn đề. Một bài báo trên The Wall Street Journal tháng trước lưu ý rằng nếu số lượng ước tính của Barclays là chính xác, nghĩa là 20% vốn vay hoạt động không hiệu quả, lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam sẽ phãi chịu đến đến 16 tỷ USD nợ xấu. Số lưọng này tương đương gần 12% GDP.
Ở mức độ ấy, gần như không thể tránh khỏi một cuộc giải cứu của Quỹ IMF.
Trong khi đó, các vụ bê bối tại ACB có vẻ như còn tồi tệ hơn. Vào ngày 27 tháng 9, công an đã thông báo ý định truy tố bốn nhà điều hành ngân hàng cao cấp hơn. Công an đã mô tả cựu chủ tịch ACB Trần Xuân Giá, Phó Chủ tịch Lê Vũ Kỳ và Trịnh Kim Quang là những đồng phạm với Kiên và Giám đốc ngân hàng Lý Xuân Hải.
Nhưng mọi chuyện có thực sự tồi tệ như thế không ? Một cách giải thích khác cho rằng việc Kiên bị bắt có liên quan đến cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản cầm quyền hơn so với bất kỳ vấn đề trong chính ngân hàng ACB.
Trong những tuần lễ gần đây, một số ông trùm nổi tiếng trong nước có quan hệ với các thành viên cao cấp của Đảng Cộng sản đã bị bắt giữ. Kiên là mối liên kết gần gũi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người được biết là có mâu thuẫn với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về chiến lược kinh tế.
Việc chính phủ phải đối phó với các vấn nạn như tham nhũng và khu vực doanh nghiệp nhà nước không hiệu quả là một trong những vấn đề khiến chia rẽ hai chính trị gia.
Giá, cựu chủ tịch ACB, cũng có thể bị vướng kẹt trong tất cả các cuộc vận động chính trị. Ông là Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư từ 1996 để 2002.
Điều đó cho thấy, các ngân hàng của Việt Nam rõ ràng đang gặp khó khăn. Tình hình đòi hỏi phải được theo dõi cẩn thận.
Nguồn: The Nation

Kinh tế Việt Nam: Từ 9 tháng nhìn đến cả năm

Đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu vĩ mô và khả năng thực hiện cả năm là cơ sở xác định những giải pháp trong thời gian còn lại!
Lạm phát cả năm dưới 2 chữ số

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính theo tháng sau so với tháng trước tăng ở mức tương đối thấp so với nhiều năm vào tháng 1, tháng 2, tăng không đáng kể trong 3 tháng tiếp theo; đặc biệt đã giảm 2 tháng liền trong tháng 6, tháng 7. Tính chung trong 7 tháng đầu năm, CPI bình quân 1 tháng tăng 0,31%, thấp nhất so với cùng kỳ trong 8 năm trước đó.

Nguyên nhân chủ yếu do chính sách tiền tệ tín dụng bị thắt chặt một cách quá mức. Trong khi đó, do nông nghiệp được mùa lớn trong năm 2011 và vụ đông xuân, hè thu năm 2012 lượng và giá gạo xuất khẩu giảm kéo theo giá lương thực giảm 8 tháng liền, giá thực phẩm giảm 6 tháng liền,…

Tuy nhiên, CPI đã tăng trở lại trong tháng 8, chủ yếu do tăng giá xăng dầu, giá gas, giá thuốc và dịch vụ y tế; đặc biệt tăng cao (2,2%) trong tháng 9, chủ yếu do giá thuốc và dịch vụ y tế, giáo dục, giá xăng dầu, giá gas,… Những tháng tới sẽ tiếp tục tăng, nhưng có thể không cao bằng tháng 9.

CPI tính theo năm (so với cùng kỳ năm trước) sau khi đạt đỉnh (tăng 23,02%) vào tháng 8/2011, đã giảm liên tục, xuống mức đáy (tăng 5,04%) vào tháng 8/2012. Tuy nhiên, CPI đã tăng cao lên trong tháng 9 (tăng 6,48%).

Khả năng CPI tính theo năm sẽ tăng cao trong những tháng cuối năm, bởi CPI tính theo tháng sau so với tháng trước trong 3 tháng cuối năm nay gần như chắc chắn sẽ cao hơn CPI trong 3 tháng cuối năm trước. Tính toán sơ bộ, nếu 3 tháng tới bình quân mỗi tháng tăng từ 1% trở xuống, thì cả năm sẽ tăng dưới 8,31%, đạt được mục tiêu đề ra; nếu tăng trên 1,52%/tháng, thì cả năm sẽ tăng trên 10%, cao hơn mục tiêu đề ra ban đầu.

Lạm phát cao có thể sẽ lặp lại do tác động cộng hưởng của nhiều yếu tố.

Một là, CPI trong thời gian qua tăng thấp có một phần quan trọng do giá lương thực, thực phẩm giảm; giá lương thực, thực phẩm cuối năm thường tăng, hơn nữa lại phụ thuộc vào thiên tai, dịch bệnh, vào giá thế giới – đó là những yếu tố diễn biến khó lường.

Hai là, các giải pháp theo Nghị quyết 13/NQ-CP cùng với liều lượng tăng lên và kéo dài thêm của các giải pháp đó (tạm ứng 30 nghìn tỷ đồng ngân sách 2013, nới tốc độ tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, tăng cung tiền hỗ trợ thanh khoản…).

Ba là, CPI tăng thấp trong 8 tháng trước có thể được một số doanh nghiệp coi là thời cơ để tăng giá. Một số ngành, địa phương cũng tranh thủ sự nới lỏng tài khoá, tiền tệ, tranh thủ lúc lạm phát còn thấp để đẩy đầu tư lên.

Bốn là, hiệu quả đầu tư thấp và năng suất lao động thấp là nguyên nhân sâu xa, yếu tố tiềm ẩn của lạm phát. Tỷ lệ vốn đầu tư/GDP có thể cao hơn (cả năm trước là 34,6%, 9 tháng năm nay đã là 35,8%), trong khi tốc độ tăng GDP có thể thấp hơn (năm trước tăng 5,89%, 9 tháng năm nay tăng 4,73%, Chính phủ phấn đấu cả năm tăng 5,2%), sẽ dẫn đến hệ số ICOR cao lên, tức là hiệu quả đầu tư thấp hơn. Tốc độ tăng năng suất lao động năm nay thấp hơn, do tốc độ tăng GDP thấp đi.

Năm là, nếu lặp lại chu kỳ 8 năm qua, sau 2 năm tăng cao, năm 2012 sẽ tăng thấp hơn, nhưng năm 2013 sẽ tăng cao hơn. Vòng luẩn quẩn: “tăng trưởng – lạm phát – thất nghiệp – thắt chặt – suy giảm – nới lỏng – lạm phát” cũng rất dễ lặp lại.

Sáu là, do các nền kinh tế lớn đẩy mạnh bơm tiền làm cho lạm phát thế giới sẽ cao lên, nếu tỷ giá trong nước tăng sẽ làm nhập khẩu lạm phát và lạm phát ở trong nước bị khuyếch đại.

Bảy là, tâm lý kỳ vọng lạm phát cao đã phải mất nhiều thời gian mới tạm thời hạn chế được, nay chỉ cần lạm phát cao trở lại sẽ phá vỡ những kết quả đã đạt được.

Để ngăn chặn nguy cơ lạm phát cao trở lại, cần phải thực hiện nhiều giải pháp.

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới tư duy, không chạy theo tăng trưởng nhanh bằng bất cứ giá nào, coi việc tăng trưởng nếu đạt được khoảng 5% trong năm nay cũng là tăng trưởng hợp lý.

Thứ hai, thận trọng với việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Không nên hạ lãi suất huy động xuống nữa bởi tiền sẽ không vào ngân hàng.

Thứ ba, thận trọng với việc nới lỏng chính sách tài khóa, giám sát chặt chẽ chi tiêu công, đầu tư công, nếu không sẽ làm tăng bội chi – nguyên nhân trực tiếp làm tăng lạm phát.

Thứ tư, điều chỉnh giá thị trường là đúng hướng và cần thiết, nhưng phải có lộ trình, tránh dồn dập sẽ tạo ra lực cộng hưởng kích lạm phát.

Thứ năm, cẩn trọng với việc điều chỉnh tỷ giá để tránh làm khuếch đại lạm phát ở trong nước, làm cho giá nhập khẩu tính bằng VND tăng kép.

Thứ sáu, kiềm chế nhập siêu trở lại để tránh nhập khẩu lạm phát.

Thứ bảy, nguyên nhân sâu xa, yếu tố tiềm ẩn của lạm phát cao là hiệu quả đầu tư thấp, năng suất lao động thấp. Vì vậy, việc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng cần được đẩy mạnh hơn, khắc phục sức ỳ của bước khởi đầu.

Thứ tám, khẩn cấp ổn định tâm lý của các nhà đầu tư và dân cư trước tác động khi Nhà nước xử lý các hành động thâu tóm ngân hàng.

Cán cân thương mại và thu chi ngân sách

Lần đầu tiên so với cùng kỳ trong nhiều năm, Việt Nam đã xuất siêu. Mặc dù xuất siêu ở mức rất thấp (34 triệu USD), nhưng nếu so với mức nhập siêu tính bằng tỷ USD với 2 chữ số trong nhiều năm trước đây và 9 tháng năm ngoái ở mức xấp xỉ 8,1 tỷ USD, thì mức xuất siêu như trên là kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, cân đối ngân sách năm nay có nhiều khó khăn. So với dự toán cả năm, tổng thu ngân sách nhà nước tính đến 15/9 đạt thấp (63,3%). Chỉ có thu từ dầu thô đạt khá (91,7%), còn thu nội địa và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đều đạt thấp (thu nội địa đạt 60,5%, thu từ xuất nhập khẩu đạt 54,8%).

Trong khi đó, tổng chi ngân sách so với dự toán năm đạt cao hơn (67,1%). Nếu không có giải pháp kịp thời và quyết liệt thì bội chi ngân sách sẽ cao hơn dự toán năm và cao hơn năm trước; theo đó bội chi ngân sách/GDP có thể sẽ cao hơn mục tiêu (4,8%) và cao hơn năm trước (4,9%). Nếu GDP là hiệu quả, thì thu ngân sách/GDP là hiệu quả của hiệu quả. Tỷ lệ thu ngân sách/GDP 9 tháng đạt gần 23,8%.

Tăng trưởng ở mức nào là hợp lý?

Trong 9 tháng 2012 tăng trưởng GDP đạt được một số điểm tích cực: Đã có xu hướng cao lên qua các quý; Với đà cao lên như trên, cùng với thông lệ của Việt Nam trong nhiều năm qua, có thể dự báo tăng trưởng quý IV và cả năm sẽ cao hơn 9 tháng; Tăng trưởng GDP đạt được ở cả 3 nhóm ngành: nông, lâm nghiệp-thuỷ sản, công nghiệp-xây dựng, dịch vụ.

Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (sau khi loại trừ tốc độ tăng giá) đã cao dần lên (quý I tăng 5%, 6 tháng tăng 6,5%, 9 tháng tăng 6,7%). Tăng trưởng xuất khẩu đạt cao, chủ yếu do lượng xuất khẩu tăng và đặc biệt 9 tháng đã xuất siêu…

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế 9 tháng qua cũng có những hạn chế, bất cập như: Tăng trưởng thấp hơn của cùng kỳ 2 năm trước và diễn ra ở cả 3 nhóm ngành

Với “tiến độ” như 9 tháng, thì cả năm theo dự báo của Chính phủ có thể đạt 5,2%. Nếu đạt được tốc độ này, thì tăng trưởng kinh tế năm 2012 thuộc loại thấp nhất tính từ năm 2000 đến nay (thấp hơn cả tốc độ tăng 5,32% của năm 2009) và thấp tương đối xa so với mục tiêu đề ra (6-6,5%).

Để đạt được tốc độ 5,2% thì quý IV phải tăng khoảng 6,6%. Việc tăng cao hơn tới gần 1,3 điểm phần trăm của quý IV so với quý III là không dễ!

“Nhập siêu từ Trung Quốc là bình thường”

Đó là ý kiến của ông Đào Ngọc Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – Thái Bình Dương, Bộ Công Thương. Trao đổi về tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc, ông Đào Ngọc Chương cho biết, việc nhập siêu nhiều từ Trung Quốc thì cần phải phân tích kỹ cơ cấu xuất nhập khẩu giữa hai nước. Theo ông Chương số liệu của Tổng cục Hải quan đến hết tháng 8, xuất khẩu vào Trung Quốc đạt hơn 8,3 tỷ USD và nhập khẩu hơn 18,2 tỷ USD (nhập siêu gần 10 tỷ USD).
Trong đó, 10 mặt hàng chủ yếu nhập khẩu phục vụ sản xuất, kinh doanh trong nước và xuất khẩu chiếm hơn 15 tỷ USD gồm máy móc, thiết bị; dụng cụ, phụ tùng khác 3,41 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện 2,09 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 2 tỷ USD; bông vải sợi nguyên phụ liệu dệt may, da giày, xăng dầu thành phẩm, khí đốt hóa lỏng và các sản phẩm từ dầu mỏ, nguyên liệu chất dẻo, phân bón thức ăn gia súc…

Đến 90% nhập khẩu từ Trung Quốc là nguyên liệu đầu vào của các ngành sản xuất trong nước, ông Chương nói.

Theo ông Chương, chúng ta phụ thuộc vào Trung Quốc bởi ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, không đủ đáp ứng các ngành sản xuất trong nước và xuất khẩu. Nếu không nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, chúng ta cũng phải nhập từ các thị trường khác, trong khi nhập từ Trung Quốc có ưu thế về địa lý (gần nên vận chuyển đỡ tốn kém), giá cả cũng cạnh tranh hơn…

Về lâu dài, giảm nhập siêu bằng cách tăng xuất khẩu hoặc đẩy mạnh công nghiệp phụ trợ, thu hút vốn đầu tư nước ngoài ở các ngành công nghiệp đầu vào, bởi phụ thuộc vào một thị trường là không có lợi.

Về những lo ngại Trung Quốc đang có chiến lược đẩy hàng nghìn thiết bị công nghệ lạc hậu sang các nước, ông chương cho rằng số lượng các dự án trúng thầu của nhà thầu Trung Quốc không nhiều. Chỉ một vài gói thầu triển khai ngay sau khi trúng thầu nhưng cũng không hẳn là máy móc thiết bị của Trung Quốc ào ạt tràn vào nước ta ngay được.

Trước lo ngại sẽ thành “bãi phế thải” công nghệ lạc hậu từ Trung Quốc, ông Chương cho rằng, đó là chủ trương của Trung Quốc nhưng Việt Nam và các nước ASEAN đều có đối sách về việc này. Hiện Chính phủ có quy định cấm nhập khẩu máy móc thiết bị cũ, lạc hậu đã qua sử dụng…

Về nhập khẩu hàng tiêu dùng, rau củ quả kém chất lượng, chứa chất độc hại từ Trung Quốc, ông Chương nói, nhìn vào thống kê xuất nhập khẩu 8 tháng đầu năm, tỷ lệ hàng tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc là rất thấp trong khi chúng ta đang xuất siêu nhóm hàng rau củ quả.

Quan hệ buôn bán hai nước được quản lý theo đường chính ngạch nhưng do địa lý nên tình trạng buôn bán hàng hóa qua cửa phụ, lối mòn, buôn lậu trên biển là rất nhiều. Vì vậy, các loại hàng hóa kém chất lượng, hàng giả… dù cố gắng vẫn không kiểm soát hết được.

Nếu không có khu vực FDI…

(NVP)

Nhìn vào kết quả xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2012 có thể rút ra ngay một kết luận về vai trò của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong tổng kim ngạch xuất khẩu 83,8 tỷ đô-la Mỹ, khu vực FDI chiếm đến 52,5 tỷ đô-la, tức 62,6% bất kể số lượng doanh nghiệp trong nước lớn hơn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất nhiều lần.
Quan trọng hơn, 9 tháng đầu năm, xuất khẩu tăng 18,9% chính là nhờ mức tăng rất cao của khu vực FDI, đến 34,6% chứ còn khu vực kinh tế trong nước, tức kể cả doanh nghiệp nhà nước lẫn doanh nghiệp tư nhân, xuất khẩu 9 tháng đầu năm sụt 0,6%!
Rõ ràng là nếu không có khu vực FDI, xuất khẩu Việt Namsẽ sụt giảm so với mức tăng cao đều đặn trong nhiều năm trước. Sẽ có người nhận xét, xuất khẩu của khu vực FDI tăng cao là nhờ tính cả dầu thô. Không phải, xuất khẩu dầu thô 9 tháng đầu năm chỉ tăng 14,7% và nếu không tính dầu thô, xuất khẩu của khu vực FDI tăng đến 37,9%.
Thế nhưng trong cân nhắc chính sách, nhiều người lại bỏ quên khu vực FDI. Việc kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài không còn được chú trọng như những năm trước; các khó khăn của giới doanh nghiệp nước ngoài không được quan tâm tháo gỡ kịp thời như xưa…
Kết quả có thể thấy ngay, mức đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm đến 39% (còn 6,1 tỷ đô-la), vốn FDI thực sự triển khai trong 9 tháng đầu năm cũng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái (còn 8,1 tỷ đô-la).
Những khó khăn của doanh nghiệp trong nước dẫn đến những vận động hành lang của các nhóm lợi ích khác nhau rồi dẫn đến những thay đổi chính sách thường xuyên, gây lúng túng bối rối cho các doanh nghiệp FDI đang hoạt động. Các doanh nhân nước ngoài từng làm ăn lâu năm tại Việt Namphải nhận xét: chưa bao giờ họ thấy tương lai sản xuất và kinh doanh mờ mịt như hiện nay bởi không thấy sự nhất quán trong chính sách hay một lộ trình rõ ràng nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, thay vì lắng nghe những phản hồi về môi trường kinh doanh ở nước ta, nhiều người lại cứ phân trần rằng nhận định của giới phân tích nước ngoài là phiến diện, không khách quan. Họ không nhận ra rằng nhà đầu tư nước ngoài dựa vào những nhận xét như thế trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam hay thôi chứ đâu quan tâm đến việc nhận xét này đúng sai đến mức độ nào.
Lấy ví dụ nhận định của hãng xếp hạng tín dụng Moody’s vào tuần trước khi đánh tụt hạng trái phiếu chính phủ Việt Nam là rất đáng quan tâm. Moody’s cho rằng trong khoản thời gian 5 năm từ năm 2007 đến 2011, tín dụng tăng trưởng bình quân hằng năm đến 33,7%, vượt xa mức tăng bình quân GDP là 6,6% hay kể cả mức tăng GDP danh nghĩa là 21,3%. Sau đó tín dụng bị thắt chặt, làm cho nợ xấu ngày càng tăng. Nay việc tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng là không thể tránh khỏi và gánh nặng đó sẽ rơi vào ngân sách chính phủ, càng trói chân khả năng vận dụng chính sách tài khóa. Trong khi đó, ngân hàng vì lo cho bảng cân đối kế toán không thể để ngày càng xấu đi nên đang hạn chế cho vay, làm nghẽn dòng tăng trưởng kinh tế.
Thiết nghĩ, bên cạnh các số liệu thô sơ về đầu tư nước ngoài, Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần có những phân tích sâu hơn như số liệu doanh nghiệp FDI phá sản, đóng cửa trong quý, số việc làm do khu vực này tạo ra, số thuế các doanh nghiệp FDI nộp cho ngân sách, mức độ lan tỏa của một dự án FDI đến các doanh nghiệp trong nước làm vệ tinh cho dự án… Những số liệu này sẽ làm cơ sở cho giới hoạch định chính sách kịp thời đưa ra những quyết sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chất lượng thật sự. Một dự án sản xuất điện thoại của Samsung có thể làm thay đổi bức tranh xuất khẩu ở góc độ sản xuất công nghiệp – hàng loạt dự án như thế có thể là chỗ dựa để nền kinh tế thoát khỏi trì trệ, đình đốn như hiện nay.
PS: Ngoài ra, khu vực FDI xuất siêu gần 2,28 tỉ đô la Mỹ trong khi khối doanh nghiệp trong nước, trái lại, nhập siêu đến 8,6 tỉ đô la.
(TBKTSG) – Bộ Tài chính đã đồng ý việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 226/2010/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu và sẽ có văn bản phê duyệt vào tuần tới nhằm thúc đẩy tiến độ tái cấu trúc khối công ty chứng khoán. Giai đoạn phẫu thuật đau đớn và quyết liệt đã bắt đầu – đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết. Ông nói sẽ không có sự chần chừ cũng như nhân nhượng với sự thanh lọc bất cứ công ty chứng khoán nào nhằm bảo vệ nhà đầu tư và lập lại niềm tin cho thị trường.

Không có nhận xét nào: