Pages

Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Ông Trầm Bê bất ngờ công khai hồ sơ sừng tê giác mất cắp

Ông Trầm Bê. Ảnh: Thanh Niên.

TPO - Ngày 5-10, ông Trầm Bê (Phó chủ tịch HĐQT Sacombank) công khai hồ sơ nhập khẩu hợp pháp “tê giác trắng, hàng đã qua xử lý làm khô”, có giấy chứng nhận kiểm dịch của nước xuất hàng (Nam Phi).
  
Con tên giác trắng có sừng được xử lý thành thú nhồi bông được ông Nh (ngụ đường Phạm Hữu Chí, phường 12, quận 5, TPHCM) tặng ông Bê nhân dịp tân gia nhà năm 2007. 

Mẫu thiệp chúc mừng tân gia ông Trầm Bê có chữ ký của ông Nh với nội dung “Chúc mừng tân gia gia đình anh chị Trầm Bê. Em tặng gia đình anh chị một con tê giác trắng. Mong rằng món quà này đem lại may mắn cho gia đình anh chị. Ngày 1-3-2007. Ng.Th.Nh ký tên”

Ông Nh là người đứng tên nhập khẩu kiện hàng chứa con tê giác trắng (đã qua xử lý làm khô). 

Theo hồ sơ nhập khẩu do Chi cục hải quan khu vực IV (thuộc Cục hải quan TPHCM, cảng IDC Phước Long I), mở ngày 24-10-2006, lô hàng chứa con tê giác hai sừng có trọng lượng tổng cộng 885 ký (chân đế bằng cốt thép xi măng và nhựa composite), đã xử lý làm khô, không thích hợp làm thực phẩm. 

Xuất xứ nơi gửi hàng là Nam Phi và có giấy phép kiểm dịch của nước xuất hàng (Heath certification số 2107213), vào sổ 2948TC, ngày 20-10-2006 của Trung tâm Thú y vùng TPHCM. 


Giấy chứng nhận kiểm dịch. 
 
Mất sừng tê giác quý

Vụ việc này bắt nguồn từ tin trên báo nói rằng công an huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đang truy tìm kẻ trộm sừng tê giác tại khu đất gia đình ông Trầm Bê (thuộc xã Hàm Giang, huyện Trà Cú).
Sau đó, Hiệp hội bảo tồn Ðộng Vật Hoang dã (WCS), một tổ chức phi chính phủ, có văn bản yêu cầu công an xác nhận tính hợp pháp của chiếc sừng tê giác “bị trộm” từ nhà ông Trầm Bê, một trong những người giàu nhất Việt Nam. 

Nội dung văn bản có đoạn: “Cuộc trao đổi của chúng tôi với Cites VN (Cơ quan Quản lý việc buôn bán quốc tế các động vật hoang dã nguy cấp) cho thấy, ông Trầm Bê không nằm trong danh sách những người nhập khẩu hợp pháp sừng tê giác vào Việt Nam. Ông này cũng không có tên trong danh sách những người xuất khẩu sừng tê giác hợp pháp như là mẫu vật săn bắn từ Nam Phi theo thông tin của chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, chiếc sừng tê giác được đề cập đến trong bài báo mà công an đang truy tìm có khả năng lớn là bất hợp pháp”.


Dinh thự ông Trầm Bê (ở Trà Cú, Trà Vinh) - nơi bị mất cắp sừng tê giác. Ảnh: Thanh Niên.

Ông Đỗ Quang Tùng, Phó giám đốc phụ trách Cites Việt Nam trả lời báo chí, xác nhận cơ quan ông chưa cấp giấy phép cho ông Trầm Bê nhập khẩu sừng tê giác vào Việt Nam. Tuy nhiên, điều này chưa đủ căn cứ để khẳng định chiếc sừng mất cắp ở khu đất của gia đình ông Trầm Bê có nguồn gốc bất hợp pháp. 

“Ông Trầm Bê chưa được cấp giấy phép nhập khẩu sừng tê giác vào nước ta, nhưng trong trường hợp ông ấy chứng minh được chiếc sừng ấy được nhập về hợp pháp, thông qua giấy phép được cấp cho một người khác thì nghi vấn đó là sừng tê giác nhập lậu được loại bỏ. Trên thực tế, chúng ta chưa biết được liệu có ai đó tặng (cho) hoặc gửi ông Trầm Bê chiếc sừng tê giác ấy nên phải kiểm tra kỹ lưỡng mới có thể đưa ra được câu trả lời chính xác nhất”, ông Tùng nói.

Ông Trầm Bê - Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank nói, nếu nghi ngờ nguồn gốc con tê giác, thì có thể gọi thẳng cho ông để hỏi, đằng này một số người lại suy diễn và tưởng tượng cái sừng con tên giác đến cả trăm ký và nhân giá trị của nó lên hàng tỷ đồng. 

"Tôi chính là người chỉ đạo cho nhân viên chủ động đi tố công an để điều tra. Khi tìm ra kẻ cắp, sự thật về con tê giác sẽ sáng tỏ thôi” - ông Bê nói.

Hữu Vinh

Không có nhận xét nào: