Pages

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Phác thảo gợi ý Sách Lược Quốc Gia ( Bài 2)


Phạm Bá Hoa.


  Nổi Lo Của Chính Phủ Hậu Cộng Sản
 
Phụ bản A.
Gợi ý tìm hiểu Nguyện Vọng Người Dân 
                                     
1. MỤC ĐÍCH.
Muốn phục vụ người dân, bất luận nhóm lãnh đạo quốc gia ngay sau khi chế độ độc tài sụp đổ là những vị nào, nhất thiết phải tìm hiểu “Nguyện Vọng Người Dân”, vì đó chính là “Mục Tiêu Quốc Gia” mà nhóm lãnh đạo có trách nhiệm thực hiện. Vậy, “Nguyện Vọng Người Dân” trong thời kỳ hậu cộng sản là gì? Lẽ ra phải thông qua cuộc trưng cầu dân ý, nhưng vì tình hình sau khi chế  độ độc tài sụp đổ không thể thực hiện ngay được, nên nhóm tham mưu cần nghiên cứu tìm hiểu nguyện vọng người dân để từ đó công bố bản Thông Điệp, rồi bản Hiến Ước lâm thời, trong khi chờ đợi bầu Quốc Hội Lập Hiến soạn thảo Hiến Pháp và trưng cầu dân ý.
2. NHẬN ĐỊNH.
Căn cứ vào những giai đoạn lịch sử của đất nước từ nửa cuối thế kỷ 19 đến nay, rút ra nhận định như là một gợi ý về tìm hiểu nguyện vọng người dân.
Giai đoạn từ nửa cuối thế kỷ 19 đến mùa thu 1945. Dân tộc ta bị thực dân Pháp cai trị. Khi thiết lập hệ thống giáo dục tại nước Việt Nam thuộc địa, như bất cứ chánh phủ thực dân nào khác, chánh phủ Pháp không hề có mục đích đào tạo lớp người có tư tưởng chính trị để chống đối họ, dù rằng có một số thanh niên đáng kể học hết bậc đại học tại Việt Nam hoặc du học trên đất Pháp. Chính sách giáo dục học đường cũng như giáo dục xã hội, chỉ nhằm trang bị cho mọi người một tư tưởng chấp nhận sự cai trị của nước Pháp, chấp nhận một quốc gia từ Âu Châu mang nền văn minh đến khai phóng Việt Nam! Do vậy mà đại đa số người Việt chúng ta thời ấy, ý thức chính trị chưa đủ để hiểu được sự nhục nhã của người dân bị trị!            
Giai đoạn từ mùa hè 1954 đến cuối mùa xuân 1975. Trên phần lãnh thổ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) dưới sự cai trị của cộng sản độc tài, những nhóm lãnh đạo cộng sản Việt Nam (CSVN) đã có một hệ thống giáo dục từ mẫu giáo đến đại học. Nhưng chính sách giáo dục học đường cũng như giáo dục xã hội chỉ là giáo dục một chiều, nhằm đào tạo những thế hệ thần dân để vâng lời đảng cộng sản. Chính sách giáo dục buộc mọi người  phải tôn vinh ông Hồ, tôn vinh đảng CSVN, một tư tưởng chỉ biết chấp nhận chế độ chính trị do đảng cộng sản chọn sẳn, và chọn một lần cho mãi mãi. Người dân phải chấp nhận tư tưởng chỉ có đảng cộng sản mới đủ tài lãnh đạo, như thể nếu không có đảng CSVN thì nước Việt Nam này chìm mất dưới đáy biển sâu vậy. Do đó mà đa số người dân nước VNDCCH, không hề biết mình bị bịt mắt, bịt tai, bịt miệng, đến mức nhận thức chính trị của người dân dưới chế độ cộng sản còn tệ hơn thời bị thực dân Pháp cai trị, vì bị những nhóm lãnh đạo CSVN lợi dụng tinh thần quốc gia dân tộc của đồng bào để phung phí mạng sống của đồng bào trong chiến tranh một cách thê thảm! Tất cả chỉ vì đảng của họ.
Cũng trong giai đoạn đó, trên phần lãnh thổ nước Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) dưới chế độ dân chủ tự do. Tuy có những hạn chế nhất định, một phần vì trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc mà kẻ địch là cùng chủng tộc, nên không phải dễ dàng nhận ra kẻ địch xâm nhập trong hàng ngũ ta, và phần khác vì dân chủ tự do là chế độ mới mẽ đối với quốc gia non trẻ Việt Nam mà những vị lãnh đạo chưa đủ căn bản lý thuyết, nhưng rõ ràng là cuộc sống người dân nước VNCH hạnh phúc hơn người dân thời bị thực dân cai trị, và hạnh phúc tuyệt vời so với người dân sống trong xã hội chủ nghĩa của nước VNDCCH.
Giai đoạn từ 1975 về sau. Cái xã hội chủ nghĩa đó được bà Dương Thu Hương, nhà văn chuyên nghiệp của CSVN, sau những năm đảng của bà cai trị toàn cõi nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam (CHXHCNVN), bà mới  nhận ra được cốt lõi của cái chủ nghĩa mà bà đã tham gia từ năm 17 tuổi. Là nhà văn, ngòi bút của bà đã bày tỏ nỗi thất vọng chán chường về cái xã hội mà bà đã sống và chiến đấu hơn 20 năm, rằng: “Xã hội chủ nghĩa, là mô hình man rợ và u ám nhất của thời đại. Cái xã hội mà đa số những người đã tham gia xây dựng nó, cuối cùng không muốn có nó, ngoại trừ nhóm lãnh đạo đặc quyền đặc lợi”.    
Đến nay, sau 37 năm cai trị nước CHXHCNVN, nói chung là 89 triệu dân với đời sống vật chất có khá hơn so với thời làm dân nước VNDCCH, nhưng nói riêng là đa số vẫn chưa hơn đời sống vật chất của người dân nước VNCH trước đây bao nhiêu, mà lẽ ra phải phát triển hơn hiện tại nhiều bước nữa vì không có chiến tranh. Điều nhấn mạnh ở đây là mức sống cách biệt quá xa giữa người dân thành thị khoảng 25% với người dân nông thôn khoảng 75%. Thêm nữa, quyền chính trị của người dân bị CSVN bóp nghẹt hoàn toàn, mà nguyên nhân duy nhất chỉ vì chế độ độc tài nên lúc nào đảng với nhà nước cộng sản cũng sợ người dân nổi dậy lật đổ họ.
Do trải qua những giai đoạn lịch sử bị kềm kẹp những quyền tự do căn bản của con người trong 80 năm bị thực dân Pháp cai trị, nối tiếp đến nay đã 37 năm bị cộng sản độc tài hoàn toàn bóp nghẹt mọi quyền căn bản của người dân, nên nguyện vọng người dân thời hậu cộng sản, suy nghĩ không gì hơn là: Hạnh phúc trong một xã hội dân chủ pháp trị theo nguyện vọng của toàn dân”, mà phải là thật sự chớ không như những nhóm lãnh đạo CSVN đã lừa dối nhân dân từ giữa thế kỷ 20 đến nay, và vẫn tiếp tục. 
KẾT LUẬN.
“Nguyện vọng của toàn dân, là mọi người phải  được sống trong một xã hội dân chủ pháp trị với các quyền tự do căn bản của con người được tôn trọng. Một xã hội có nhiều cơ hội tiến thân đồng đều cho mọi người, được bảo đảm tối thiểu về các sinh hoạt xã hội, và một cuộc sống an lành trong đạo nghĩa. Một dân tộc không nuôi ý đồ lấn chiếm lân bang, nhưng quyết tâm bảo vệ tổ quốc. Một chánh phủ được đánh giá là của dân, do dân, và vì dân, phải là một chánh phủ thực hiện được nguyện vọng người dân, cũng là mục tiêu quốc gia”.
                                                                                                Houston, ngày 19/02/2007
                                                                                                Duyệt lại ngày 03/10/2012
 
                                                                                *********
 
 
 
                                                                              Phụ bản B.
                                                              Gợi ý  Chánh Phủ Lâm Thời                                                          
GỢI Ý THÀNH PHẦN.
Chánh phủ lâm thời trong thời kỳ chuyển tiếp từ cộng sản độc tài sang dân chủ tự do, cần có các thành phần sau đây:
Thứ nhất. (1) Thành phần đảng viên và cựu đảng viên cộng sản hoặc ngoại vi của đảng cộng sản, thật sự có thành tích chống đối lãnh đạo cộng sản Việt Nam (CSVN)  đòi thực hiện dân chủ tự do trong nước. (2) Thành phần đảng viên cao cấp, đã về hưu hoặc đang tại chức trong nhóm lãnh đạo đương nhiệm, đã thật sự góp công quan trọng trong sự sụp đổ của CSVN. Những nhân vật trong hai thành phần này, trong một chừng mực nào đó, vẫn còn uy tín do thành tích mấy chục năm lăn lộn trong đảng nhất là trong những năm gần đây tranh đấu cho dân chủ tự do, rất có thể được quân đội và công an ủng hộ.      
Thứ nhì. Thành phần ngoài đảng cộng sản gồm những cá nhân hay trong tổ chức đấu tranh chính trị đòi cộng sản Việt Nam thực hiện dân chủ tự do.  Dân, là một lực lượng dân chủ, tuy không có tổ chức nhưng là tối cần thiết cho mục tiêu đánh sụp chế độ độc tài, cũng là lực lượng tối cần thiết cho mục tiêu xây dựng chế độ dân chủ tự do trong thời kỳ chuyển tiếp, và sau đó. Thành phần này thấu hiểu khổ đau cùng tâm trạng của đồng bào nên dễ được đồng bào chấp nhận, đó cũng là động lực thúc đẩy lực lượng này hưởng ứng những chính sách của Chánh Phủ lâm thời trong nỗ lực ổn định và phát triển đất nước.
Thứ ba. Những trí thức ngoài đảng, bằng cách nào đó như bài viết, lời nói, hay hành động, đã thể hiện mạnh mẽ tư tưởng tự do dân chủ, thể hiện cao độ tinh thần trách nhiệm trong hoạt động chuyên môn hay trong các sinh hoạt văn hoá xã hội, và có uy tín với đồng bào. Nói chung là những trí thức tiêu biểu cho một thành phần nào đó trong xã hội, có khả năng chuyên môn đóng góp vào sự ổn định trật tự xã hội và phát triển đất nước. 
Thứ tư. Những chức sắc thân hào nhân sĩ thuộc các sắc tộc thiểu số, có thành tích đấu tranh chính trị đòi CSVN thực hiện dân chủ tự do, hoặc có uy tín trong đồng bào thiểu số. Cần có tiếng nói của các sắc tộc ngay từ bước đầu, để tránh những xáo trộn có thể xảy ra nếu họ không có vị trí bình đẳng trong chánh quyền. Kế hoạch phát triển cao nguyên miền Trung miền Bắc, nhất thiết phải thực sự xem xét và tôn trọng nguyện vọng của các sắc tộc liên hệ. Cao nguyên miền Trung là mái nhà và cao nguyên miền Bắc là nóc nhà của tổ quốc, có tầm vóc quan trọng đặc biệt trong chiến lược phòng thủ quốc gia, đồng thời với phát triển kinh tế và văn hoá trong bối cảnh chung của tổ quốc.   
Và thứ năm. (1) Thành phần cộng đồng tị nạn hải ngoại kể cả sắc tộc thiểu số, thật sự có thành tích trong đấu tranh dưới mọi hình thức. (2) Những vị đã hoặc đang tham gia dòng sinh hoạt chính tại Hoa Kỳ, cũng như tại các quê hương thứ hai, có thành tích và kinh nghiệm trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là các vị trong vị thế quan trọng có khả năng làm gạch nối giữa Chánh Phủ lâm thời với các quốc gia tự do, hậu thuẫn và tích cực yểm trợ cấp thời trong kế hoạch cải thiện đời sống xã hội tại các thành phố lớn trong bước đầu, song song với những kế hoạch trung hạn dài hạn hỗ trợ Việt Nam phát triển.
Bốn thành phần đầu là lực lượng trong nước, thành phần thứ năm là lực lượng hải ngoại. Trong thời kỳ này, lực lượng trong nước là chính để ổn định tình hình, trong khi lực lượng hải ngoại hỗ trợ mạnh mẽ và chuẩn bị cho tương lai.
Chánh Phủ lâm thời cùng lúc tiến hành hai nỗ lực: “Một. Vừa tổ chức hệ thống hành chánh + quốc phòng + giáo dục, vừa khôi phục an ninh trật tự và các ngành trong xã hội sinh hoạt bình thường. Hai. Tiến hành công tác soạn thảo những văn kiện sinh hoạt chính trị, từng bước chuẩn bị tiến tới bầu cử Quốc Hội Lập Hiến khi kiểm soát được tình hình nội bộ và tình hình biên giới”.
Bản Hiến Pháp là nền tảng xây dựng cơ cấu dân chủ pháp trị trong toàn bộ hệ thống tổ chức để thực hiện mục tiêu quốc gia, vì vậy mà cả hai nỗ lực trên đây, đặc biệt là nỗ lực thứ hai, cần có sự phối hợp chặt chẻ giữa lực lượng trong nước với lực lượng hải ngoại, để công tác chuẩn bị những sinh hoạt chính trị kế tiếp được hài hòa trong tinh thầnphục vụ quốc gia dân tộc. Chữ lực lượng dùng ở đây, là những tổ chức và những cá nhân được tín nhiệm của hai lực lượng này.
Houston, ngày 25/02/2007.
Duyệt lại ngày 03/10/2012
 
                     *********                                                               
 
                                                                                 Phụ bản C.
                                                                   Gợi ý Sách Lược Quốc Gia.
 
Chính sách quốc gia. (1) Việt Nam là một nước Cộng Hòa, một lãnh thổ thống nhất, một xã hội dân chủ pháp trị. (2) Chánh phủ phục vụ quyền lợi quốc gia, phục vụ nguyện vọng dân tộc. (3) Chánh phủ chủ trương hợp tác phát triển với các quốc gia trên căn bản bình đẳng, trong ý thức kết hợp hài hòa giữa nét tinh hoa văn hoá dân tộc với khoa học kỹ thuật tân tiến. (4) Chánh phủ tôn trọng các văn kiện quốc tế phù hợp với chế độ dân chủ tự do.
Chính sách đảng chính trị. Phục vụ quyền lợi tổ quốc dân tộc. (1) Các đảng chính trị hoạt động trong tinh thần cạnh tranh dân chủ, góp phần thúc đẩy sinh hoạt xã hội ngày thêm phát triển. (2) Bước đầu, số lượng đảng chính trị dưới hai con số, từng bước sau đó còn lại không quá 5 đảng là thích hợp. 
Chính sách hành chánh. Tổ chức hệ thống hành chánh công quyền thích hợp với nhu cầu. (1) Nhân dân với viên chức là mối tương quan cần thiết giữa nhu cầu với trách nhiệm, và tác động qua lại tạo nên sức phát triển chung của xã hội. (2) Thủ tục hành chánh phải qui định rõ ràng, giúp cơ quan minh bạch khi áp dụng. (3) Mỗi cơ quan hành chánh phải có một văn kiện qui định từng trách nhiệm với những trang bị cần thiết, kể cả các loại máy văn phòng và xe thích hợp với nhu cầu, để tránh lạm dụng nhân lực và tài chánh (tương tự như bảng cấp số bên quân đội). (4) Một lực lượng Cảnh Sát được huấn luyện trên nền tảng đạo đức và tôn trọng luật pháp, để hoàn thành trách nhiệm bảo vệ an ninh và trật tự xã hội.
Chính sách quốc phòng. Bảo vệ tổ quốc. (1) Tổ chức một quân đội tối đa 0.8% dân số, với khoảng 15% nhân viên dân sự trong tổng số quân để phục vụ trong các cơ quan đơn vị không chiến đấu. (2) Những xung đột với quốc gia lân bang, ưu tiên giải quyết bằng chính sách ngoại giao trong tinh thần hợp tác. (3) Bộ Quốc Phòng trách nhiệm chiến lược, các quân chủng trách nhiệm chiến thuật. (4) Ưu tiên bảo vệ biên giới phía bắc, vịnh Bắc Việt, đảo, quần đảo, và biên giới phía tây. (5) Quần đảo Hoàng Sa, một phần của Trường Sa, sẽ nghiên cứu chuẩn bị một hồ sơ chứng minh chủ quyền của Việt Nam, vận  động đưa ra Liên Hiệp Quốc giành lại toàn bộ chủ quyền trên căn bản lịch sử và công pháp quốc tế. (6) Duyệt lại toàn bộ các dự án do nhà thầu ngoại quốc -nhất là nhà thầu Trung Cộng- đang khai thác bên trong lãnh thổ Việt Nam, phù hợp với chính sách an ninh và phát triển kinh tế thị trường.     
Chính sách ngoại giao. Trong bang giao quốc tế không có vấn đề tình cảm, mà nền tảng bang giao trên căn bản bảo vệ quyền lợi quốc gia. (1) Bang giao với các quốc gia kể cả vùng lãnh thổ thích hợp với bối cảnh một thế giới hợp tác và phát triển bền vững. (2) Chính sách ngoại giao dung hòa một cách thích đáng giữa văn hoá Việt Nam với văn hóa và khoa học kỹ thuật thế giới. (3) Tận dụng mọi cơ hội thuận lợi, vận động các chánh phủ bản xứ hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển quốc gia toàn diện. (4) Theo dõi, hướng dẫn, bảo vệ, và hỗ trợ các sinh viên Việt Nam du học các quốc gia sở tại.
Chính sách kinh tế. Kinh tế thị trường. (1) Chuyển đổi toàn bộ kinh tế xã hội chủ nghĩa sang kinh tế thị trường. (2) Kỹ nghệ khai thác, sản xuất, chế biến, nông nghiệp, thương mãi, dịch vụ, và xuất nhập cảng, trên căn bản cạnh tranh phát triển, và tất cả tác động qua lại thúc đẩy sức phát triển chung của xã hội. (3) Xây dựng nhóm mặt hàng xuất cảng trên căn bản nhu cầu dài lâu của khách hàng ngoại quốc, thích hợp với khả năng và tiềm năng quốc gia, cộng với vận động ngoại quốc đầu tư những kỹ nghệ mà Việt Nam chưa có khả năng. (4) Kỹ nghệ dầu hỏa, nông nghiệp, điện năng, hạ tầng cơ sở, dịch vụ, ..v..v.. là những lãnh vực cần phát triển song hành. (5) Tìm kiếm các nguồn tài nguyên trong nội địa cũng như phạm vi lãnh hải và vùng biển mà công ước quốc tế cho phép. (6) Đến giai đoạn cần thiết, sức phát triển sẽ tạo dựng cơ sở kinh tế, thương mãi, dịch vụ, tại các quốc gia thích hợp.          
Chính sách tài chánh. Một phần trong sức mạnh của quốc gia. (1) Tìm biện pháp thích hợp thu hồi khối tài chánh của các cấp lãnh đạo CSVN kể cả tứ thân phụ mẫu và con cháu của họ, đã ký thác trong các ngân hàng quốc tế, để sử dụng vào những công trình xây dựng nhà ở cho thành phần đồng nghèo khổ, đồng thời nâng cao mức sống thành phần dân nghèo. (2) Thuế vụ phù hợp với mức sinh hoạt xã hội, và thay đổi theo từng bước phát triển. (3) Phục vụ kinh tế phát triển. (4) Nâng đỡ ngành tiểu thương “xương sống” của nền kinh tế tổng thể. (5) Bảo đảm mức sống tối thiểu của đồng bào. (6) Hỗ trợ mọi thành phần xã hội -nhất là tuổi trẻ- thăng tiến trong lãnh vực giáo dục trong nước, lẫn du học ngoại quốc, theo nhu cầu phát triển dài hạn của quốc gia. 
Chính sách giáo dục. Con người là yếu tố quan trọng bậc nhất trong xây dựng và phát triển đất nước. (1) Nền tảng giáo dục nhắm đào tạo những thế hệ công dân đúng nghĩa trong xã hội. (2) Phối hợp các ngành nhất là kinh tế, để đào tạo con người có kiến thức chuyên môn thích ứng nhu cầu phát triển của các ngành sinh hoạt quốc gia. (3) Những thế hệ được đào tạo có kiến thức, có căn bản về tổ chức & quản trị xã hội, có tinh thần trách nhiệm cộng đồng trong mọi sinh hoạt lợi ích xã hội.(4)  Bản thân ngành giáo dục, xây dựng một đội ngũ Thầy Cô có kiến thức, phương thức giảng dạy, và uy tín. (5) Duy trì và phát triển giáo dục Việt Nam thích nghi với sức phát triển khoa học kỹ thuật thế giới hòa vào nét tinh hoa văn hoá Việt Nam. (6) Sách giáo khoa vừa dựng lại lịch sử, vừa góp phần phát triển các lãnh vực sinh hoạt xã hội trong hiện tại, và vừa thể hiện ước vọng tương lai của dân tộc. (7) Khuyến khích và hỗ trợ học sinh Việt Nam du học thích hợp với nhu cầu chuyên gia của các ngành sinh hoạt quốc gia. (8) Từng bước tiến đến cưỡng bách giáo dục hết bậc trung học”.       
Chính sách luật pháp. Nghiêm minh bình đẳng. (1) Mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, bất luận người đó là vị lãnh đạo cao nhất nước hay người dân bình thường. (2)Dân chủ pháp trị, là nền tảng cư xử giữa người dân với hành chánh công quyền. (3) Luật pháp góp phần bảo tồn và phát triển những tinh hoa văn hoá dân tộc. (4) Luật pháp đặt nặng hướng dẫn hơn là trừng trị. (5) Người Việt Nam định cư ở ngoại quốc, đương nhiên là công dân Việt Nam, được quyền có thêm một quốc tịch tại quốc gia cư trú.  
Chính sách du lịch. Du lịch, ngành kỹ nghệ không khói. (1) Mở rộng cửa đón du khách thưởng ngoạn thắng cảnh thiên nhiên, thắng cảnh nhân tạo, những sinh hoạt trong đời sống văn hoá dân tộc, những di tích trận địa, những hành vi tội ác của chế độ độc tài trong chiến tranh và sau chiến tranh, gồm cả cơ sở bảo tàng  những vật chứng trong cuộc vượt biên vượt biển tìm tự do vĩ đại nhất và bi thảm nhất trong lịch sử nhân loại 1975-1995, cùng những thành công của Cộng Đồng Việt Nam tị nạn cộng sản tại hải ngoại trong nhiều lãnh vực tại các quốc gia định cư. Đây không phải nuôi dưỡng thù hận chế độ sụp đổ, mà là để lưu lại cho những thế hệ về sau nhận ra tính chất tàn bạo của một chủ nghĩa trên thế giới như tính chất tàn bạo của chủ nghĩa phát xít trong đệ nhị thế chiến, từ đó không phạm phải sai lầm”. (2) Thể hiện ước vọng tương lai của dân tộc Việt Nam. Ước vọng này cần có sự phối hợp của các ngành sinh hoạt quốc gia, nhất là văn hoá giáo dục, kinh tế xã hội, khoa học kỹ thuật.  
Chính sách xã hội. Là công dân Việt Nam, tất cả đều bình đẳng. (1) Khả năng của chánh phủ, cộng với sự vận động cá nhân cũng như các tổ chức trong nước, và vận động các tổ chức quốc tế và các chánh phủ, trợ giúp cho tất cả thương phế binh không phân biệt nguồn gốc, cai nghiện xì ke ma túy, và dạy nghề cho những thành phần mà đạo lý xã hội không chấp nhận. (2) Nuôi dưỡng người già và người tàn phế không nơi nương tựa. (3) Nuôi dưỡng trẻ mồ côi, được giáo dục hết bậc trung học phổ thông hay chuyên nghiệp. (4) Nghiên cứu một kế hoạch hoàn chỉnh và thực hiện công tác hoàn trả tất cả động sản và bất động sản còn kiểm soát được cho các sở hữu chủ hợp pháp, đã bị CSVN tịch thu dưới mọi hình thức mà còn nắm quyền quản trị, hay đã chuyển quyền quản trị cho cá nhân hay tổ chức bất cứ hình thức nào.
Chắc rằng, cho dù Chánh Phủ lâm thời có chuẩn bị chu đáo đến mấy đi nữa, vẫn còn nhiều khiếm khuyết khi nhìn từ nhiều phía, và sự đóng góp quan điểm từ nhiều tổ chức hoặc từ những cá nhân, sẽ giúp rất nhiều cho thời kỳ tiếp sau trong công tác tham mưu. Nhớ lại cuối tháng 4/1975, khi cộng sản chiếm Việt Nam Cộng Hòa chúng ta, họ có sẳn bộ máy cai trị theo khuôn mẫu độc tài chuyên chính trên lãnh thổ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa,  họ chỉ cần nong rộng ra và đưa vào Nam điều hành nên ít trở ngại.
Trường hợp Chánh Phủ lâm thời tới đây, cho dù những vị lãnh đạo thuộc thành phần nào đi nữa, chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trở ngại, vì xã hội đang điều hành bởi bộ máy độc tài với nền kinh tế mà họ gọi là “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, bỗng chốc chuyển sang bộ máy dân chủ tự do với nền kinh tế thị trường đúng nghĩa. Nhưng nếu công tác tham mưu cung ứng được những chuẩn bị cho dù chưa chu  đáo, Chánh Phủ lâm thời có thể giảm bớt được những khó khăn đáng kể. Cũng cần nhớ đến xứ Afghanistan và Iraq, vì không chuẩn bị trước nên rơi vào tình trạng các quốc gia viện trợ chọn sẳn mọi chính sách cho họ, kể cả chọn giùm nhân vật lãnh đạo.
                                                            Houston, ngày 04/03/2007
                                                                                                Duyệt lại ngày 08/10/2012

Không có nhận xét nào: