Pages

Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2012

Từ Mao đến Đặng : Sự cất cánh của Trung Quốc


Quảng trường Thiên An Môn,
ngày 24/10/2012. 
REUTERS/Jason Lee
Thụy My
Trung Quốc đầu thế kỷ 21 là một nước giàu với đầy người nghèo, một quốc gia trẻ nhưng dân số sẽ già đi trước khi trở thành giàu có. Đứng thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ về tổng sản phẩm nội địa, nhưng chia ra theo đầu người thì Trung Quốc lại lẹt đẹt gần thứ 100. Liệu thế hệ lãnh đạo mới có sẵn sàng theo đuổi tự do hóa và mở cửa kinh tế, đồng thời khởi đầu cải cách chính trị ?

Về châu Á, nhật báo Le Monde có bài viết mang tựa đề « Từ Mao Trạch Đông đến Đặng Tiểu Bình, làm thế nào Trung Quốc đã giành được vị trí ».
Đây là bài viết giới thiệu tập hai của bộ sưu tập « Tìm hiểu một thế giới đang đổi thay » gồm 20 tập, mang tên « Trung Quốc : Từ cách mạng đến sự ra đời của một đại cường ». Trong lời bạt, tác giả Erik Izraelewics nhận định, tuy cất cánh về kinh tế rất nhanh, nhưng Trung Quốc hiện đang gặp những cản ngại chủ yếu về chính trị.
Theo tác giả bài báo, thì điều bất thường của lịch sử không phải là sự quay lại của Trung Quốc trong hàng ngũ các cường quốc, mà là sự vắng mặt lâu dài của quốc gia này, từ 1830 đến tận 1980. Trung Hoa từng là một đế quốc hùng mạnh, giàu có và sáng tạo. Sau chiến tranh nha phiến (1839-1860), bị nước ngoài chiếm đóng (Âu, Mỹ rồi Nhật), rồi đến những sai lầm trong chính sách, đã làm cho Trung Quốc yếu hẳn đi.
Vào cuối thập niên 70, Mao Trạch Đông đã để lại cho những người kế nghiệp một đất nước đóng cửa với thế giới bên ngoài, cô lập với tất cả, chịu đựng nạn đói khủng khiếp và giới trí thức bị Cách mạng văn hóa vùi dập. Nhưng trước khi rơi xuống địa ngục, Trung Hoa từng là cường quốc hàng đầu thế giới trong thời gian dài, theo như nhà sử học và kinh tế Angus Maddison. Nếu vào đầu thế kỷ 19, Trung Quốc tập trung một phần ba của cải trên hành tinh, thì đến giữa thế kỷ 20, chỉ còn chưa đến 1%.
Đặng Tiểu Bình : Mở cửa kinh tế nhưng vẫn độc đảng
Từ ba giáo điều của thời kỳ Mao Trạch Đông : Đảng nắm toàn quyền, kinh tế quốc doanh và tự lực, Đặng Tiểu Bình chỉ giữ lại nguyên tắc đầu tiên, nghĩa là Đảng Cộng sản thống trị xã hội. Đặng không hề đụng đến vấn đề mang tính chính trị này - dưới thời kỳ Đặng Tiểu Bình, chế độ cai trị vẫn tập trung và độc đoán. Ngược lại trong lãnh vực kinh tế, Đặng Tiểu Bình lại cho tự do hóa, với việc chấm dứt tình trạng mọi thứ đều quốc doanh, và khởi đầu mở cửa với bên ngoài.
Cũng chỉ trong vòng một thế hệ (30 năm), Trung Quốc đã làm được cuộc « cách mạng công nghiệp » của mình. Giai đoạn cất cánh kinh tế này, châu Âu và Hoa Kỳ từng trải qua một thế kỷ rưỡi trước đó, và mất gấp đôi, gấp ba thời gian. Tại Trung Quốc, tất cả đều được thực hiện nhanh chóng hơn : sự chuyển đổi từ nông nghiệp sang công nghiệp, nông thôn sang thành thị, sự trỗi dậy của giai cấp trung lưu và khởi đầu cho một xã hội tiêu thụ. Sản xuất cũng tăng trung bình gần 10% một năm, và trong 30 năm qua đã tăng lên gấp 7 lần. Một điều chưa từng thấy !
Chưa bao giờ trong lịch sử, một đất nước khổng lồ lại tăng trưởng mạnh mẽ đến thế trong một thời kỳ dài. Nhưng cho dù nay có nhiều tỉ phú, nhiều thành phố nhanh chóng mọc lên, và gu tiêu dùng hàng hiệu phương Tây, Trung Quốc đầu thế kỷ 21 là một nước giàu với đầy người nghèo, một đất nước trẻ nhưng dân số sẽ già đi trước khi trở thành giàu có. Đứng thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ về tổng sản phẩm nội địa, nhưng chia ra theo đầu người thì Trung Quốc lại lẹt đẹt gần thứ 100 – một chỉ số cho thấy mức sống của người dân như thế nào.
Trung Quốc còn cần hai cuộc cách mạng : Xã hội và Tự do
Để duy trì vị thế, theo kế hoạch lần thứ 12 thì nay Trung Quốc phải chuyển từ tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và đầu tư sang tiêu thụ nội địa, dịch vụ và sáng tạo. Nước Trung Quốc « cộng sản» trên thực tế cần hai cuộc cách mạng : « xã hội chủ nghĩa » với việc thiết lập Nhà nước phúc lợi, và « tự do » với một Nhà nước pháp quyền, triền khai các lực lượng đối trọng thực sự, và thúc đẩy tinh thần sáng tạo.
Nhưng theo Le Monde, thì hai cuộc cách mạng này vấp phải vô số trở ngại, nhất là về chính trị. Đây là trung tâm của các cuộc tranh luận dữ dội ở thượng đỉnh quyền lực, trong thời điểm sẽ chuyển giao cho ban lãnh đạo mới vào tháng 3/2013. Một thế hệ lãnh đạo thứ năm chưa bao giờ biết đến cách mạng, đến chiến tranh cũng như nạn đói. Liệu thế hệ này có sẵn sàng theo đuổi công cuộc tự do hóa và mở cửa kinh tế, đồng thời khởi đầu cải cách chính trị ? Ban lãnh đạo mới có chấp nhận gánh lấy trách nhiệm quốc tế như các đối tác phương Tây đòi hỏi ?
Họ vẫn chưa chịu chọn lựa, và Le Monde cho rằng, dù sao lớp lãnh đạo mới của Trung Quốc vẫn phải dựa vào dân - những người dân nay giàu hơn, được đào tạo tốt hơn và có thông tin hơn. Nửa tỉ người Trung Quốc sử dụng internet, 250 triệu người dùng mạng Vi Bác, nay là một lực lượng đáng gờm mà những chúa tể mới của chế độ không thể bỏ qua.
Tờ báo kết luận, ngay tại một Trung Quốc của đầu thế kỷ 21 này, Mao Trạch Đông vẫn chưa bị khai tử. Xung quanh Tử Cấm Thành, gần quảng trường Thiên An Môn, bóng đen của ông ta vẫn còn đó. Và theo Le Monde, internet có thể giáng những đòn chí mạng cho Mao.
Bắc Kinh tái khởi động chương trình hạt nhân
Cũng liên quan đến Trung Quốc, thông tín viên của Le Figaro cho biết Bắc Kinh đang quay lại với chương trình hạt nhân. Sau thời gian đóng băng do thảm họa Fukushima, nay đã có một số dự án xây dựng nhà máy điện nguyên tử được duyệt.
Như vậy chương trình hạt nhân đã được tái khởi động, nhưng với nhịp độ chậm hơn. Chính phủ chỉ thông qua « một số nhỏ » dự án nhà máy điện nguyên tử cho đến năm 2015, và ở những tỉnh duyên hải chứ không xây dựng sâu trong nội địa như dự kiến. Ba dự án tại các tỉnh Hồ Nam, Giang Tây và Hồ Bắc đã bị tạm ngưng ít nhất ba năm.
Là nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, Trung Quốc khó có chọn lựa khác. Theo He Jiankun, giám đốc Institute of Low Carbon Economy của trường đại học Thanh Hoa, thì «nguyên tử năng là không thể thay thế được, để kết hợp giữa cơn khát năng lượng ngày càng tăng, với sự cần thiết phải giảm bớt thải khí CO2 ».
Ngưng hợp tác về vũ khí nguyên tử và hóa học : Nga tặng quà cho bọn khủng bố
« Món quà mà nước Nga tặng cho bọn khủng bố », đó là tựa đề một bài xã luận của New York Times, được Le Figaro dịch lại. Bài báo nói về quyết định mới đây của Matxcơva, chấm dứt hai thập kỷ hợp tác với Washington để phá hủy kho vũ khí nguyên tử và hóa học còn tồn tại sau thời kỳ chiến tranh lạnh.
New York Times cho rằng tất cả đều thiệt thòi với quyết định này. Nga sẽ phải tự chi trả cho các hoạt động trên, Hoa Kỳ không còn phương tiện ít tốn kém để giảm bớt nguy cơ hạt nhân, và thế giới đành phải cảnh giác trước đủ loại quân khủng bố khác nhau, có thể mua hay trộm cắp được các loại vũ khí này để tiến hành các vụ khủng bố mới.
Theo chương trình Nunn-Lugar được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1991, thì Hoa Kỳ cung cấp tài chính và kỹ thuật cho Liên Xô cũ để phá hủy hoặc vô hiệu hóa các vũ khí, thiết bị, địa điểm nguyên tử và hóa học nhạy cảm. Trong vòng 20 năm, đã có trên 7.600 đầu đạn bị tháo gỡ, hơn 2.000 hỏa tiễn hạt nhân, trên 400 tấn uranium có thể sử dụng vào mục đích quân sự, nhiều kho vũ khí hóa học bị phá hủy. Mỹ đã chi ra gần 15 tỉ đô la, thấp hơn ngân sách quốc phòng và phòng vệ tấn công nguyên tử hàng năm của Lầu Năm Góc. Tuy nhiên, chỉ mới đi được có nửa con đường.
Tờ báo cho là, khi bỏ ngang chương trình như thế, Matxcơva phải tiếp tục việc giải trừ các loại vũ khí này một cách minh bạch, để tạo tin tưởng với thế giới. Nhưng chính Vladimir Putin phải tìm ra một giải pháp cho vấn đề mà ông ta đã tự tạo ra.
Syria : Những chiến binh nổi dậy phải tự lực cánh sinh
Nhìn sang Syria, phóng sự của đặc phái viên Le Monde mang tựa đề « Selma, thủ đô nổi dậy của vùng núi Akrad » tả lại khung cảnh của một thành phố không còn thường dân, không điện nước, nơi hàng trăm chiến binh vẫn tiếp tục chiến đấu chống chế độ Assad.
Đó là một thành phố của đàn ông – phụ nữ, trẻ em và người già đều đã đi tị nạn. Cánh cửa của những ngôi nhà va đập trong gió, cỏ dại mọc đầy những con đường chính, những âm thanh nghe được chỉ là tiếng động cơ xe gắn máy chở các chiến binh trang bị những khẩu kalachnikov. Không điện, không nước, không còn xăng dầu, tất cả đều thiếu thốn, tất cả những gì có được đều phải chia theo khẩu phần kể cả bột mì. Và thiếu thốn nhất vẫn là vũ khí : một khẩu kalachnikov giá từ 1.000 đến 1.500 đô la, một viên đạn giá 2 đô la.
Theo tác giả, cũng như về chính trị, phe nổi dậy cũng chia rẽ trong quân sự, hiện đang có nhiều phe nhóm khác nhau. Có đủ loại thủ lãnh, từ những nhà buôn giàu có cho đến các sĩ quan quân chính phủ đào ngũ, hay những tay súng salafiste trẻ tuổi gan dạ. Đáng ngạc nhiên là họ di chuyển tự do trên khắp đất nước Syria. Chẳng hạn tại Selma, có những đơn vị đến từ Hama ở miền trung, gây ấn tượng với người tại chỗ nhờ kỷ luật hơn và kinh nghiệm hơn.
Tuy nhiên con người quyền lực nhất Selma lại không có một tấc sắt trong tay. Bác sĩ Hami Habib điều hành bệnh viện dã chiến đặt tại tầng hầm một tòa nhà, liên tục có những người lính đến chữa vết thương hay xin khẩu phần lương thực, mà ông phụ trách phân phối.
Người bác sĩ này cho biết ông không có xe cứu thương, không phương tiện phẫu thuật và gây mê ; nên chỉ có thể sơ cứu người bị thương rồi gởi sang Thổ Nhĩ Kỳ bằng những chiếc xe mui trần chất đầy nệm phía trên. Bệnh viện có một máy phát điện nhưng không còn xăng để chạy máy. Thế mà lâu nay ngoài các chiến binh, ông còn phải chăm sóc sức khỏe cho 20.000 thường dân – em bé, người già, phụ nữ. Selma đã được giải phóng, nhưng không hề được sự trợ giúp của chính phủ các nước, ngoài một số tổ chức phi chính phủ.
Chính phủ Pháp đang bị chỉ trích
Tình hình chính trị nước Pháp chiếm trang đầu của các báo Paris hôm nay. Le Monde chạy tựa : « Chính phủ bị lên án là nghiệp dư », với những chỉ trích từ phía cánh hữu cũng như cánh tả trước những sai sót về thông tin và tiến độ làm việc của chính phủ Ayrault. Tờ báo cánh hữu Le Figaro đưa tít lớn: « Hollande : Sự ngờ vực bắt rễ », nhấn mạnh tỉ lệ 64% người Pháp cho biết không hài lòng về chính sách của Tổng thống François Hollande từ khi được bầu lên, theo một cuộc thăm dò của OpinionWay.
Nhật báo thiên tả Libération quan tâm đến «Tính cạnh tranh : Hollande nhận lãnh cú sốc ». Tờ báo chơi chữ về dự định của ông Hollande tạo ra một cú sốc về tính cạnh tranh, khi đặt hàng bản báo cáo Gallois, nhưng đã bị phản ứng ngay trong nội bộ cánh tả. Trong bài xã luận, Libération mỉa mai, phải chăng sau khi tăng thuế lên người giàu, để sửa chữa sự bất công này, chính phủ quay sang buộc người nghèo cũng phải đóng góp thêm. Còn nhật báo kinh tế Les Echos quay sang tìm hiểu về mô hình của nước láng giềng, chạy tựa : « Khắc khổ : Những thành công đầu tiên của Anh ».
Nhật báo công giáo La Croix chú ý đến một thế hệ lãnh đạo mới trẻ tuổi với hàng tựa chính : «Từ đảng Xã hội đến Liên minh cánh hữu, thời gian chuyển tiếp ». Còn tờ báo cộng sản L’Humanité nhận định « Đảng Xã hội tìm chỗ đứng ». Theo tờ báo, nhân đại hội đảng Xã hội diễn ra đến Chủ nhật này, nhiều thành viên đang cân nhắc giữa việc ủng hộ chính phủ cánh tả, và mong muốn thay đổi nhiều hơn, nhanh hơn.

Không có nhận xét nào: