Pages

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Việt Nam vẫn còn tình trạng nghèo kinh niên


 – Tốc độ giảm nghèo của Việt Nam chưa tương xứng giữa các vùng và các nhóm dân cư. Ở một số nơi tỷ lệ nghèo vẫn cao và vẫn còn tình trạng nghèo cùng cực, nghèo kinh niên – Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Pratibha Mehta cho biết nhân ngày Quốc tế xoá đói giảm nghèo (17/10).
Trẻ em, phụ nữ, dân di cư và người cận nghèo ở các vùng khó khăn đang có nhiều nguy cơ tái nghèo hoặc trở nên nghèo khó hơn =>
Theo bà Pratibha Mehta, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể trong lĩnh vực giảm nghèo. Tỷ lệ nghèo giảm từ 58,1% năm 1993 xuống còn 14,5% năm 2008. Kết quả giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng cũng đáng ghi nhận giảm từ 41% xuống còn 11,7% năm 2011.

Tuy nhiên, bà  Pratibha Mehta cũng cho rằng tốc độ giảm nghèo chưa tương xứng giữa các vùng và các nhóm dân cư. Ở một số nơi, tỷ lệ nghèo vẫn cao và vẫn còn tình trạng nghèo cùng cực, nghèo kinh niên, đặc biệt trong các nhóm dân tộc thiểu số và những người dân nghèo ở những vùng miền núi ven biển.
“Tiến độ đạt các mục tiêu thiên niên kỷ đối với các nhóm dân tộc thiểu số còn chậm nhiều so với mức bình quân của  cả nước và sự chênh lệch giữa hộ giàu và hộ nghèo ngày một tăng”, bà Pratibha Meht cho biết.
Hiện tại, một bộ phận dân cư vẫn đang sống rất gần với chuẩn nghèo. Nếu có một cú sốc như thảm họa thiên nhiên, sự cố liên quan đến kinh tế hoặc sức khoẻ là có thể đẩy họ quay trở lại với nghèo đói.
“Trẻ em, phụ nữ, dân di cư và người cận nghèo ở các vùng khó khăn đang có nhiều nguy cơ tái nghèo hoặc trở nên nghèo khó hơn”, bà Pratibha Meht nói.
Theo bà Pratibha Mehta, do Việt Nam đã trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nên công tác giảm nghèo càng trở nên phức tạp. Trong tình hình phát triển như hiện nay, với tốc độ công nghiệp hoá, hiện dại hoá nhanh, bất ổn kinh tế trong nước và thế giới cùng nhiều tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đòi hỏi phải có chính sách phù hợp.
Giải quyết giảm nghèo trong những năm tới đòi hỏi phải có phương pháp tiếp cận đa ngành, trong đó nghèo đói phải được xem như là một hiện tượng đa chiều, không chỉ là nghèo về tiền.
Chi 27.509 tỷ đồng giảm nghèo 
Sáng 17/10, Bộ LĐ-TB-XH công bố Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2012-2015.
Tổng kinh phí thực hiện là 27.509 tỷ đồng, huy động từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, viện trợ nước ngoài và các nguồn vốn huy động khác.
Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến năm 2015 là tăng thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước lên 1,6 lần so với cuối năm 2011, riêng các hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi tăng gấp 2,5 lần.
Đồng thời, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm bình quân 2%/năm, riêng các huyện, xã nghèo giảm 4%/năm.
Vũ Điệp

Không có nhận xét nào: