Pages

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2013

Điều “88″ thi hành chính sách “Cấm sách vở, Giam học trò”



Đỗ Thành Công - Trung Tướng Trần Độ, trong cuốn nhật ký Rồng Rắn, đã viết “Nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam là tổng hợp các tội ác ghê tởm của Tần Thuỷ Hoàng và các vua quan tàn bạo của Trung Quốc, cộng với tội ác của các chế độ phát xít, độc tài.”
Một người cả đời đi theo đảng, từng giữ những trọng trách cao cấp nhưng cuối đời đã dũng cảm quay lại phê phán đảng. Nhận xét của Tướng Trần Độ đáng cho chúng ta suy gẫm.

Nhắc đến Tần Thủy Hoàng, là nhắc đến chế độ “đốt sách vở, chôn sống học trò”. Một chế độ tàn ác trên cả tận cùng của tội ác. Tâm điểm chính sách tàn bạo đời Tần là “dùng tất cả tài nguyên trong thiên hạ để phụng sự cho sự cai trị của Hoàng Đế”. Để đạt được mục tiêu, Tần Thủy Hoàng đã gieo rắc sự khủng khiếp trong nhân dân, sử dụng luật lệ tàn bạo, tra tấn và trừng phạt nhằm trấn áp những ai dám chống lại chính sách của Tần. Chính sách đàn áp, tra tấn và trừng phạt nhà Tần không những chỉ nhắm chính vào người phạm tội mà luôn cả gia đình, thân nhân, dòng họ của kẻ phạm tội, nhằm gây khiếp đãm trong thiên hạ, giử chế độ Tần Thủy Hoàng được tồn tại.
Nổi bật lên trên sự dã man của nhà Tần là chủ trương triệt để kiểm soát tư tưởng, độc quyền chân lý, cấm tất cả những chính kiến ngược lại quan điểm của Hoàng Đế. Dưới nhà Tần, những ai dám phê phán triều đình đều bị giết. Để cho chắc ăn, bảo đảm không bất cứ ai có thể gieo rắc tư tưởng ngược lại quan điểm của Hoàng Đế, Tần Thủy Hoàng ra lệnh “đốt sách vở và chôn sống học trò”. Những kẻ phản kháng, những kẻ đối nghịch hay có hành động nguy hiểm cho triều đình, nặng thì bị giết, nhẹ thì bị tù, thân bị đày đi làm nô lệ. Thời Tần, dân số chừng 10 triệu, thì đã có hơn hai triệu người bị bắt làm nô lệ, bị đày ải, bị chết thãm bên bờ tường Vạn Lý Trường Thành. Sử sách ghi nhận, số học trò bị giết nhiều đến nỗi quan chức nhà Tần phải đẩy ra biển cho chết, thay vì đem chôn sống.
Đời Tần, tội nặng nhất là “Tự Do Tư Tưởng”. Các sách như Tứ Thư, Ngũ Kinh đều bị đem đi đốt hết. Cả nước chỉ được lưu truyền sách bói toán, sách trồng trọt, sách kỷ thuật v.v…Kẻ nào dám lưu trử, truyền bá các sách bị cấm. Nếu bị bắt sẽ bị truy tố tội “phản nghịch”, chịu hình phạt bêu đầu. Một chế độ cai trị tàn độc, dã man nhất cũng không đứng vững được 100 năm. Nhà Tần xụp đổ chỉ trong vòng 15 năm (221 TCN – 206 TCN), kết thúc trang sử đẫm máu của vị Hoàng Đế tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại.
Chế độ độc tài CS cai trị Việt Nam từ năm 1945-2013. Trải qua bao thăng trầm, chế độ CS đã tồn tại 68 năm. Mặc dù không lộ liểu “chôn sống học trò”, nhưng nhà cầm quyền Hà Nội, vào những ngày đầu chiếm chánh quyền ở Miền Nam, đảng CSVN từng thì hành chính sách, tịch thu và “đốt sách vở Ngụy”, đối với các viên chức, trí thức của chế độ cũ thì “bị đày ải, giam cầm” cho đến chết, thân tàn ma dại nơi rừng sâu nước độc. Gần đây, bước vào kỷ nguyên của thế kỷ 21, trước sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản, chính sách cai trị Đảng CSVN tinh vi hơn, nhưng mục tiêu vẫn là tìm mọi cách để kiềm soát và độc quyền tư tưởng. Từ chính trị, kinh tế, tôn giáo đến xã hội, văn hoá, truyền thông, giáo dục, báo chí, giải trí v.v..Không lãnh vực nào không có sự hiện diện và kiểm soát chặt chẻ của đảng CSVN. Điều này, không khác gì tư tưởng chủ đạo của Tần Thuỷ Hoàng, “lấy hết của cải trong thiên hạ mà phụng sự cho ngai vàng của Hoàng Đế”.
Đối với Tần Thủy Hoàng, tội nặng nhất là tự do tư tưởng thì đối với Đảng CSVN, không có sự khác biệt. Những vụ án Nhân văn Giai phẩm, những cuộc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến như bắt giữ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, nhà giáo Vũ Hùng, nhà thơ Trần Đức Thạch, sinh viên Ngô Quỳnh, chị Phạm Thanh Nghiên… v..v , những bản án tù cáo buộc vi phạm điều “88″ tức “làm ra và tàng trử tài liệu chống chế độ” dành cho Linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, bác sĩ Lê Nguyên Sang, luật sư Trần Quốc Hiền, Nguyễn Bắc Truyễn, ký giả Huỳnh Nguyên Đạo, luật sư Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, nhạc sĩ Việt Khang v.v….đều nằm trong phạm trù không chấp nhận quyền “Tự do Tư tưởng”.
Nếu chế độ CSVN khác đời Tần, thay vì dã man “đốt sách vở, chôn sống học trò” thì CSVN tinh khôn và tàn độc hơn, đảng CSVN đã và đang thi hành chính sách “hậu” Tần “cấm sách vở, giam học trò” qua điều “88″.
Mục tiêu của chế độ toàn trị vẫn là triệt hết các tư tưởng đối nghịch, ngược lại quan điểm “chủ nghĩa xã hội” của đảng cầm quyền. Đảng CSVN tận dụng mọi phương tiện trong tay như công an, nhà tù, luật pháp để huỷ diệt những mầm móng phản kháng, nhằm giữ chính quyền độc tài từ đời này sang đời khác. Đảng CSVN bất kể hậu quả của độc quyền tư tưởng, bất kể tương lai đất nước đi về đâu, bất kể nhân dân phẩn uất, căm hận, khinh bỉ chế độ đến mức độ nào. Nếu ở Việt Nam không có cảnh “cha truyền con nối” thô bỉ như ở Bắc Hàn, hoặc phẩn nộ kiểu “anh nhường ngôi cho em” như ở Cuba; thì sự liên tục cai trị của chế độ độc đảng, hết Tổng bí thư CS này, đến đời Tổng bí thư CS khác cũng là hình thức đánh tráo quyền lực. Từ khuôn mẫu dòng họ truyền ngôi, chế độ trá hình hậu phong kiến CSVN đã ma mãnh, biến thái qua mô thức truyền vai trò lãnh đạo cho người trong Đảng suốt 68 năm qua.
Lãnh tụ CS Joseph Stalin từng nói “Tư tưởng mạnh hơn súng. Chúng ta không cho kẻ thù có súng thì tại sao lại để bọn chúng có tư tưởng chứ”. (1) Stalin, chủ trương tiêu diệt hết mọi tư tưởng độc lập, phản kháng, dám chỉ trích chế độ Sô Viết. Thời Stalin, biết bao kẻ vô tội, trong và ngoài đảng, đã chết thảm vì bị đày ải từ các nhà tù ở vùng băng tuyết Tây Bá Lợi Á. Văn hào Nga, Alexander Solzhenitsyn, người từng đoạt giải Nobel Văn Chương năm 1970, đã là nhân chứng sống cho nhân loại trước sự tàn ác khủng khiếp của chế độ nhà tù thời Stalin.
“Ai dám cưỡng lại và tìm cách chứng tỏ rằng mình đúng, kẻ đó phải rời hàng ngũ lãnh đạo và sau đó sẽ bị tiêu diệt về tinh thần và thể xác. Ðiều này đã xảy ra sau Ðại hội thứ XVII của đảng, khi rất nhiều lãnh tụ xuất sắc của đảng và các đảng viên nòng cốt – biết bao chiến sĩ trung thực và ngay thẳng của sự nghiệp cộng sản – đã là nạn nhân của sự bạo ngược của Stalin.” Đó là bản báo cáo Mật mà chính Tổng bí thư Đảng CS Liên Xô Khrushop đã báo cáo về Stalin. Dù vậy, chủ nghĩa Cộng sản ở Liên Bang Xô Viết, sau nhiều năm gieo rắt tai hoạ cho nhân loại, đã kéo dài 73 năm, bằng tuổi thọ của một đời người.
Các chế độ từ phong kiến, thực dân đến phát xít, cộng sản qua độc tài toàn trị đều sợ hãi quyền “tự do tư tưởng”. Một quyền tự nhiên, khi sinh ra con người đã có. Nó là hơi thở của sự sống, trong đó con người đúng nghĩa phải được quyền tư duy độc lập, không bị chi phối và kiểm soát bởi bất cứ quyền lực độc đoán nào. Tự do tư tưởng không phải là thứ xa xí phẩm mà chế độ độc tài dành quyền ban phát cho con người. Tự bản thân, giá trị của “tự do tư tưởng” đã hình thành khi nhân loại hiện hữu, như cách nói “tôi tư duy tức là tôi hiện hữu”. Một sự hiện hữu trọn vẹn, độc lập không bị trói buộc bởi những quyền lực giả hình.
Trong bản Hiến chương Quốc tế Nhân Quyền, quyền tự do tư tưởng và phát biểu quan điểm, điều 19 ghi “Ai cũng có quyền tự do tư tưởng và phát biểu chính kiến của ḿình, được quyền tự do giữ vững quan điểm mà không bị người khác can thiệp. Ai cũng có quyền t́ìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến tin tức và sư kiện về mọi vấn đề, bằng mọi phương tiện truyền thông không phân biệt biên giới quốc gia”
Tự do tư tưởng là một quyền căn bản nằm trong nhiều quyền, gọi chung là Nhân Quyền. Bao gồm quyền tự do báo chí, tự do lập hội, tư do đi lại, tự do tôn giáo v.v… Tuy nhiên, để cai trị và bảo vệ chế độ, những nhà nước toàn trị, tìm mọi cách kiểm soát chặt chẽ quyền tự do tư tưởng. Việc này, Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền trong phần mở đầu đã cảnh báo các chế độ độc tài… “việc coi thường và khinh miệt nhân quyền đă đưa tới những hành động dã man làm phẫn nộ lương tâm nhân loại, và việc đạt tới một thế giới trong đó mọi người được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, được giải thoát khỏi sự sợ hãii và khốn cùng, được tuyên xưng là nguyện vọng cao cả nhất của con người”.
Tự do tư tưởng là quyền bẩm sinh, nó hiện hữu và hình thành trước các chế độ chính trị. Và nhiều chế độ chính trị đã nhờ rao giảng quyền “tự do tư tưởng” này để nắm được chính quyền. Ông Hồ Chí Minh, ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Hà nội, khi đọc bản Tuyên Ngôn Độc Lập, đã từng nhắc nhở”Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng. Trời cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Lời bất hủ ấy trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập năm 1776 của nước Mỹ, suy rộng ra câu ấy có ý nghĩa là tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản tuyên ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cải được”.
Đúng vậy, “đó là những lẽ phải không ai chối cải được” kể cả Đảng CSVN. Nhưng đến khi nắm được chính quyền thì ông Hồ và Đảng CS của ông lại phản bội ngay mục tiêu đã từng chiến đấu và cổ xuý.
Một chế độ, cai trị nhân dân chỉ biết dựa vào sức mạnh của bạo lực, chế độ đó, tự bản chất sẽ không ổn định và bền vững lâu dài. Khi sức mạnh của công an, mật vụ, pháp luật rừng và nhà tù không còn là nỗi sợ hãi của nhân dân, chế độ sẽ nhanh chóng sụp đổ. Khi đám đông khốn cùng dám ngẩng cao đầu đi đến lao tù, chấp nhận bị đày ải; đó cũng là lúc tiếng chuông vang báo tử của chế độ độc tài, toàn trị.
© Đỗ Thành Công
——————————–
(1) Joseph Stalin (1879-1953)
“Ideas are far more powerful than guns. We don’t allow our enemies to have guns, why should we allow them to have ideas?”

Không có nhận xét nào: