Pages

Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Luật Quốc Tế Nhân Quyền



LS NGUYỄN HỮU THỐNG
Nhân quyền và những quyền tự do căn bản được quy định thành văn trong Luật Quốc Tế Nhân Quyền do Liên Hiệp Quốc ban hành sau Thế Chiến 2. Mục đích để đề cao nhân phẩm, đem lại tự do hạnh phúc cho con người, hoà giải thân thiện cho các quốc gia, thông cảm bao dung cho các dân tộc, tiến tới một Thế Giới Đại Hòa trong tinh thần bình đẳng, hợp tác và hữu nghị.
Luật Quốc Tế Nhân Quyền bao gồm những điều khoản nhân quyền trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (1945), Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948) và Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1998), Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự và Chính Trị (1966) và Công Ước Quốc Tế về những Quyền Kinh Tế Xã Hội và Văn Hóa (1966). Ngoài ra còn có khoảng 50 công ước bổ túc và khai triển.

Năm 1976, với sự phê chuẩn 2 Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự Chính Trị và về Những Quyền Kinh Tế Xã Hội Văn Hóa, Liên Hiệp Quốc chính thức ban hành Luật Quốc Tế Nhân Quyền (International Bill of Human Rights).
Luật Quốc Tế Nhân Quyền là văn kiện pháp lý quan trọng nhất trong thời đại chúng ta. Hai Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền là hai hiệp ước quốc tế quan trọng nhất trong lịch sử loài người.
Bước sang thiên niên kỷ mới, chúng ta kỳ vọng rằng, rồi đây bạo lực sẽ nhường chỗ cho thuyết phục, chiến trường sẽ nhường chỗ cho hội trường và chiến tranh thế giới sẽ bị thay thế bởi luật pháp quốc tế.
Luật Quốc Tế Nhân Quyền đề xướng Quyền Dân Tộc Tự Quyết và 26 Nhân Quyền căn bản.
QUYỀN DÂN TỘC TỰ QUYẾT
Quyền thiết yếu trong chế độ dân chủ là quyền dân tộc tự quyết.
Về mặt quốc nội, dân tộc tự quyết là quyền của người dân được tự do lựa chọn chế độ chính trị kinh tế của quốc gia, và tự do lựa chọn các đại biểu của mình trong chính quyền để thực thi chế độ đó.
Về mặt quốc tế dân tộc tự quyết là quyền của các quốc gia được có chủ quyền độc lập và quy chế bình đẳng trong cộng đồng thế giới. Muốn xây dựng Thế Giới Đại Hòa trên căn bản bình đẳng, hợp tác và hữu nghị các cường quốc phải thực thi quyền dân tộc tự quyết.
Điều Thứ Nhất của hai Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự Chính Trị và về những Quyền Kinh Tế Xã Hội Văn Hóa khuyến cáo các đế quốc có trách nhiệm cai trị, bảo hộ hay giám hộ các quốc gia khác phải thực thi quyền dân tộc tự quyết chiếu Điều 55 Hiến Chương Liên Hiệp Quốc. Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền cũng kêu gọi các quốc gia hội viên hợp tác trên căn bản bình đẳng và hữu nghị, loại trừ những vi phạm quyền tự quyết của các dân tộc do chế độ đế quốc, cũng như vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và quyền của các dân tộc và các cá nhân được sử dụng các tài nguyên và nguồn lợi thiên nhiên của đất nước do sự cưỡng chiếm lãnh thổ hay lãnh hải.
.Mùa Xuân 1945, 50 quốc gia Đồng Minh họp Hội Nghị San Francisco để chính thức thành lập Liên Hiệp Quốc.Điều Thứ Nhất Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đề xướng quyền dân tộc tự quyết, chủ trương tôn trọng chủ quyền độc lập của các quốc gia, chấm dứt chế độ thuộc địa.
Chấp hành những cam kết ghi trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (1945), trong 4 năm, từ 1946 đến 1949,tất cả các đế quốc Tây Phương như Anh, Pháp, Mỹ, Hòa Lan đã lần lượt tự giải thể để trả độc lập cho 12 thuộc địa Á Châu chiếu nguyên tắc dân tộc tự quyết:
- 5 nước thuộc Anh là Ấn Độ, Đại Hồi, Miến Điện, Tích Lan và Palestine.
- 5 nước thuộc Pháp là Syrie, Liban, Việt Nam, Cao Miên và Ai Lao.
- Cùng với Phi Luật Tân thuộc Hoa Kỳ, và Nam Dương thuộc Hòa Lan.
Chủ quyền độc lập của Việt Nam được chính thức thừa nhận trong Thông Cáo Chung Vịnh Hạ Long năm 1948. Và ngày 8-3-1949 tại Điện Elysée Paris, Tổng Thống Pháp Vincent Auriol ký với Quốc Trưởng Bảo Đại Hiệp Định Elysée để trả độc lập cho Việt Nam. Qua tháng sau, ngày 23-4-1949, chiếu nguyên tắc dân tộc tự quyết, Quốc Hội Địa Phương Nam Kỳ biểu quyết sát nhập lãnh thổ Nam Kỳ vào Quốc Gia Việt Nam độc lập và thống nhất. Một tháng rưỡi sau, ngày 6-6-1949, Quốc Hội Pháp phê chuẩn Hiệp Định Élysée về việc tái thống nhất Việt Nam, chấm dứt chế độ thuộc địa tại Nam Phần.
Và ngày 2-2-1950, Quốc Hội Pháp phê chuẩn toàn bộ Hiệp Định Élysée ngày 8-3-1949 với 12 Phụ Ước và 30 Đính Ước.
Mặc dầu vậy Hồ Chí Minh đã phủ nhận Hiệp Định Elysée năm 1949, vì Hiệp Định này không cho Đảng Cộng Sản Đông Dương độc quyền lãnh đạo quốc gia. Và họ đã tiếp tục phát động chiến tranh võ trang trong suốt 40 năm, từ 1949 đến 1989, để cướp chính quyền và bành trướng chủ nghĩa bá quyền. Như vậy Đảng Cộng Sản đã vi phạm quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam muốn sống trong một chế độ tự do dân chủ và không bị áp đặt chế độ độc tài vô sản, hay đúng hơn, chế độ độc tài của Đảng Cộng Sản để thống trị vô sản và nhân dân.
26 NHÂN QUYỀN CĂN BẢN
Ngoài quyền Dân Tộc Tự Quyết, Luật Quốc Tế Nhân Quyền đề xướng 26 Nhân Quyền Căn Bản chia thành 4 loại như sau:
1) Những quyền dân sự cho bản thân con người (hay Quyền Tự Do Nhân Thân)
2) Những quyền dân sự của con người trong đời sống xã hội (hay Quyền An Cư)
3) Những quyền kinh tế xã hội và văn hóa giáo dục (hay Quyền Lạc Nghiệp)
4) Những quyền tự do tinh thần và tự do chính trị (hay Quyền Tự Do Dân Chủ)
Tự Do Nhân Thân thuộc về Thân
Tự Do Tinh Thần và Tự Do Chính Trị thuộc về Tâm.
Cùng với những Quyền An Cư và Lạc Nghiệp, mục tiêu tối hậu của Nhân Quyền là tạo điều kiện cho con người được Thân Tâm An Lạc.
Trước hết là:
A. 8 QUYỀN TỰ DO NHÂN THÂN
Đây là những quyền dân sự cho bản thân con người mệnh danh là Quyền Tự Do Nhân Thân.
Chúng ta hãy vận dụng luồng tư tưởng để kết nối các nhân quyền trong một sợi dây chuyền xuyên suốt:
1) Con người có nhân quyền từ khi mới sinh. Cha mẹ sinh ra ta và cho ta Quyền Sống (Right to Life).
Luật Quốc Tế Nhân Quyền trừng phạt tội thủ tiêu cá nhân và tàn sát tập thể:
a) Tàn sát vì lý do chủng tộc như việc Đức Quốc Xã sát hại 6 triệu người Do Thái.
b) Tàn sát vì lý do chủng tộc và tôn giáo như việc Nam Tư (cũ) tảo thanh chủng tộc các sắc dân Hồi Giáo.
c) Tàn sát vì lý do giai cấp và chính kiến như việc Khmer Đỏ tàn sát 2 triệu người Cam Bốt.
Năm 1998 Toà Án Hình Sự Quốc Tế được thành lập để trừng phạt tội diệt chủng, tội chiến tranh và tội chống nhân loại.
2) Muốn sống cho ra sống phải có tự do thân thể và an ninh thân thể (liberty and security of person):
Có tự do thân thể thì có Quyền Không Bị Nô Lệ hay Nô Dịch (Freedom from Slavery). Luật Quốc Tế Nhân Quyền lên án chế độ nô lệ, cấm mua bán phụ nữ và thiếu nhi để làm nô lệ tình dục.
3) Có an ninh thân thể thì có Quyền Không Bị Tra Tấn Hành Hạ (Freedom from Torture), trong giai đọan điều tra tại công an cũng như trong giai đoạn thụ hình sau khi có án tòa.
4) Có an ninh thân thể thì có Quyền Không Bị Giam Giữ Độc Đoán (Freedom from Arbitrary Arrest or Detention). Ngày 30-4-l993 Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc công bố phúc trình lên án nhà cầm quyền Hà Nội đã giam giữ độc đoán hai tù nhân lương tâm Việt Nam là Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và Giáo Sư Đoàn Viết Họat.
5) Nếu bị bắt giam và bị truy tố ra tòa thì có Quyền Được Xét Xử Công Bằng (Right to a Fair Trial) bởi các thẩm phán độc lập và vô tư, theo một thủ tục tôn trọng quyền biện hộ. Trong chế độ Dân Chủ Pháp Trị bị cáo được suy đoán là vô tội cho đến khi bị kết án chung thẩm.
6) Nếu sự xét xử không công bằng và bị tuyên phạt oan ức, bị cáo có Quyền Được Tòa Án Bảo Vệ (Right to Judicial Protection) bằng cách buộc nhà nước phải bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra tòa án còn có quyền hủy bỏ một nghị định hành chánh vi hiến như Nghị Định 31/ CP năm 1997 thiết lập Quy Chế Quản Chế Hành Chánh; tuyên bố một điều khoản vi phạm nội dung và tinh thần hiến pháp như điều 4 Hiến Pháp vi phạm Quyền Dân Tộc Tự Quyết, Quyền Tham Gia Chính Quyền và Quyền Tự Do Tuyển Cử.
7) Tòa Án bảo vệ con người căn cứ vào luật pháp. Luật Pháp cũng Bảo Vệ Con Người (Right to Legal Protection). Luật pháp không công nhận những tội trạng giả tạo như tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Vì tuyên truyền chỉ là việc hành sử quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu quan điểm được luật pháp thừa nhận. Luật pháp cũng không công nhận tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ”. Tại Việt Nam ngày nay vì không có tự do dân chủ nên không ai có cơ hội lợi dụng quyền tự do dân chủ.
8) Luật pháp bảo vệ con người một cách đồng đều, không phân biệt kỳ thị về chủng tộc, mầu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến, nguồn gốc quốc gia, thành phần xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác. Đó làQuyền Bình Đẳng Trước Pháp Luật (Right to Equal Protection). Quyền này áp dụng cho tất cả mọi người. Ai cũng được coi là con người (person) có tư cách pháp nhân để được bình đẳng trước pháp luật.
Để kết nối 8 Quyền Tự Do Nhân Thân chúng ta hãy vận dụng luồng tư tưởng:
1) Con người có nhân quyền từ khi mới sinh. Cha mẹ sinh ra ta và cho ta Quyền Sống.
Muốn sống cho ra sống phải có tự do thân thể và an ninh thân thể.
2) Có tự do thân thể thì Không Bị Nô Lệ hay Nô Dịch.
3) Có an ninh thân thể thì Không Bị Tra Tấn Hành Hạ.
4) Có an ninh thân thể thì Không Bị Giam Giữ Độc Đoán.
5) Nếu bị bắt giam và bị truy tố ra tòa thì Được Xét Xử Công Bằng.
6) Nếu sự xét xử không công bằng và bị tuyên phạt oan ức thì Được Tòa Án Bảo Vệ bằng cách buộc nhà nước phải bồi thường thiệt hại.
7) Tòa Án bảo vệ con người căn cứ vào luật pháp. Luật Pháp cũng Bảo Vệ Con Người. Luật Pháp không công nhận các tội giả tạo như “tuyên truyền chống nhà nước” hay “lợi dụng quyền tự do dân chủ”.
8) Luật pháp bảo vệ con người một cách đồng đều không phân biệt kỳ thị. Mọi người đều có tư cách pháp nhân để được Quyền Bình Đẳng Trước Pháp Luật.
Đó là 8 quyền dân sự cho bản thân con người mệnh danh là Quyền Tự Do Nhân Thân.
B. 6 QUYỀN AN CƯ
Muốn kết nối các Quyền Tự Do Nhân Thân với Quyền An Cư, chúng ta hãy vận dụng luồng tư tưởng:
Con người không sống lẻ loi một mình trong hang động mà phải sống hợp quần trong xã hội. Do đó, ngoài những quyền dân sự cho bản thân con người, quốc gia còn phải bảo đảm cho con người một số quyền dân sự khác để con người được sống an bình trong xã hội: Đó là Quyền An Cư như:
1) Quyền Tự Do Cư Trú và Đi Lại (Freedom of Residence and Movement), tự do xuất ngoại và hồi hương. Năm l997, Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc công bố phúc trình lên án nhà cầm quyền Bắc Hàn vi phạm quyền tự do cư trú và đi lại, quyền tự do xuất ngọai và hồi hương của người dân. Phẫn chí, Bắc Hàn rút ra khỏi Công Ước Dân Sự Chính Trị Liên Hiệp Quốc.
2) Muốn được sống an bình trong xã hội danh dự và đời tư của con người phải được tôn trọng. Đó là Quyền Riêng Tư(Right to Privacy). Từ Thế Kỷ 13 khi Đại Hiến Chương được ban hành, người dân Anh thường tự hào nói: “Căn nhà của chúng tôi có thể dột nát, mưa gió có thể lọt vào, nhưng vua chúa thì không được vào!”
Quyền riêng tư được áp dụng cho bản thân, gia đình, nhà ở, thư tín, điện thoại, điện thư v…v…
3) Quyền riêng tư được áp dụng cho cả bản thân và gia đình, vì con người có Quyền Kết Hôn và Lập Gia Đình(Right of the Family).
4) Gia đình là một đơn vị của xã hội. Con người sống trong quốc gia xã hội và được quốc gia ban cho Quyền Quốc Tịch để trở thành công dân (Right to Nationality).
5) Nếu bị quốc gia đàn áp vì lý do chính trị, tôn giáo hay chủng tộc, sống không nổi, con người có Quyền rời bỏ quốc gia để đi Tỵ Nạn tại các quốc gia khác (Right to Asylum).
6) Muốn có một đời sống an lạc cho bản thân và gia đình, con người phải có Quyền Tư Hữu (Right to Property).
Về mặt lý thuyết quyền tư hữu là sự phản chiếu của tự do từ bình diện tinh thần xuống bình diện kinh tế. Tư hữu là động cơ phát triển. Có tư hữu mới có điều kiện mưu cầu hạnh phúc bản thân, phát triển kinh tế gia đình và phát triển kinh tế quốc gia. Có tư hữu mới có kinh tế thị trường.
Để kết nối 6 Quyền An Cư chúng ta hãy vận dụng luồng tư tưởng:
1. Quyền An Cư trước hết là quyền tự do cư trú và đi lại.
2. Muốn có một đời sống an cư trong xã hội, đời tư và danh dự của con người phải được tôn trọng. Đó là quyền riêng tư.
3. Quyền riêng tư áp dụng cho bản thân và gia đình vì con người có quyền kết hôn và lập gia đình.
4. Gia đình là một đơn vị của xã hội. Con người sống trong quốc gia xã hội và được quốc gia ban cho quyền quốc tịch để trở thành công dân.
5. Nếu bị quốc gia đàn áp vì lý do chính trị, tôn giáo hay chủng tộc, con người có quyền rời bỏ quốc gia để đi tỵ nạn tại các quốc gia khác.
6. Muốn bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống an lạc, con người phải có quyền tư hữu.
Đó là 6 quyền dân sự của con người trong đời sống xã hội mệnh danh là Quyền An Cư.
C. 8 QUYỀN LẠC NGHIỆP
Để kết nối các Quyền An Cư và Quyền Lạc Nghiệp chúng ta hãy trở lại quyền tư hữu.
Quyền tư hữu có tác dụng an cư như có các đồ đạc, xe cộ, nhà cửa để cư trú. Quyền tư hữu cũng có tác dụng lạc nghiệp (để hành nghề) như có vốn kinh tế để kinh doanh buôn bán, vốn kỹ thuật, vốn văn hóa, vốn trí thức để hành nghề chuyên môn. Từ đó chúng ta bước sang những Quyền Lạc Nghiệp là những quyền kinh tế xã hội và văn hóa giáo dục.
1. Quyền Làm Việc (Right to Work)
Quan trọng nhất là quyền làm việc. Quyền làm việc bao gồm cả quyền nghỉ ngơi và giải trí, quyền được trả lương tương xứng và công bằng. Tìền lương được ấn định trong các khế ước lao động ký kết giữa chủ nhân và công nhân. Trên thực tế giữa chủ nhân và công nhân không có sự đồng đẳng, vì chủ nhân giàu hơn, giỏi hơn và đông hơn công nhân. Do đó để có bình đẳng giao ước chống nạn bóc lột lao động, phải tạo cơ hội cho công nhân kết hợp trong các nghiệp đoàn và được hành sử quyền đình công. Đó là:
2. Quyền Tự Do Nghiệp Đoàn và Quyền Đình Công (Right to Trade Union and Right to Strike)
Ngoài các nghiệp đoàn công nhân (công đoàn) còn có các hiệp hội nông dân, nghiệp đoàn ký giả, nghiệp đoàn giáo chức, nghiệp đoàn y sĩ (y sĩ đoàn), nghiệp đoàn nha sĩ (nha sĩ đoàn), nghiệp đoàn dược sĩ (dược sĩ đoàn), nghiệp đoàn luật sư (luật sư đoàn) v…v…
Công nhân thành lập công đoàn và hành sử quyền đình công để có hậu thuẫn trong việc thương thảo tập thể với chủ nhân về những vấn đề lương bổng và điều kiện lao động.
3. Quyền có Mức Sống Khả Quan (Right to an Adequate Standard of Living)
Con người có quyền làm việc, được trả lương tương xứng và công bằng để đem lại cho bản thân và gia đình một mức sống khả quan về thức ăn, nhà ở, y tế, giáo dục v…v… Mức sống này sẽ được liên tục nâng cao nhờ những tiến bộ khoa học kỹ thuật, sự phát triển công kỹ nghệ thương mại, canh tân nông nghiệp, đặc biệt là sự hợp tác và tài trợ quốc tế qua các định chế tài chánh của Liên Hiệp Quốc như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu v…v…
4. Quyền An Sinh Xã Hội (Right to Social Security)
Nhờ làm việc và có đồng lương tương xứng, con người có cơ hội được hưởng một mức sống khả quan cho bản thân và gia đình.
Tuy nhiên trong những trường hợp ngoài ý muốn, con người không thể làm việc được, không thể tự lực mưu sinh được vì lý do thất nghiệp, tàn phế, bệnh hoạn, già lão v…v… thì quốc gia có nghĩa vụ phải yểm trợ con người trong các định chế an sinh xã hội và bảo hiểm xã hội. Các định chế này được thiết lập từng bước, tuần tự, tiệm tíến, tùy theo khả năng kinh tế tài chánh của quốc gia.
5. Quyền Bảo Trợ Gia Đình (Protection of the Family)
Quy chế An Sinh Xã Hội còn được áp dụng cho các sản phụ, hài nhi và thiếu nhi trong chính sách bảo trợ gia đình. Các sản phụ đi làm được quyền nghỉ việc một thời gian trước và sau khi sanh. Các gia đình có con nhỏ và có lợi tức yếu kém được quốc gia trợ cấp tài chánh và trợ cấp y tế (medicare).
Từ đó Luật Quốc Tế Nhân Quyền mở rộng cho mọi người quyền y tế, quyền giáo dục và quyền văn hóa.
6Quyền Y Tế (Right to Health)
Các quốc gia Dân Chủ Xã Hội (Social Democracies) đã đi tiền phong trong việc cung cấp y tế miễn phí và giáo dục miễn phí cho người dân như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Áo, Hòa Lan, Anh, Úc, Tân Tây Lan, Gia Nã Đại v… v…
7Quyền Giáo Dục (Right to Education)
Theo Công Ước Kinh Tế Xã Hội và Văn Hóa giáo dục tiểu học phải có tính cưỡng bách và miễn phí, giáo dục trung học và đại học cũng phải tiến dần đến miễn phí, chỉ lấy khả năng làm tiêu chuẩn nhập học hay tốt nghiệp. Giáo dục phải nhằm mục tiêu tôn trọng nhân quyền, phát huy nhân phẩm, đề cao tình thông cảm bao dung và hữu nghị giữa các quốc gia, các dân tộc và các tôn giáo.
8. Quyền Văn Hoá (Right to Culture)
Mọi người được quyền tham gia vào đời sống văn hóa, được hưởng lợi ích của những tiến bộ khoa học và thưởng ngọan văn học nghệ thuật.
Về mặt kinh tế quốc gia phải ban hành luật pháp để bảo vệ tác quyền của văn nghệ sĩ và các sáng chế phát minh của nhà khoa học.
Về mặt tinh thần quốc gia phải tôn trọng quyền tự do sáng tác của văn nghệ sĩ và quyền tự do nghiên cứu của nhà khoa học.
Để kết nối 8 Quyền Lạc Nghiệp là những quyền kinh tế xã hội và văn hóa giáo dục, chúng ta hãy vận dụng luồng tư tưởng:
1. Muốn lạc nghiệp phải có cơ hội hành nghề và được quyền làm việc.
2. Khi làm việc phải được trả lương tương xứng và công bằng. Để có bình đẳng giao ước phải cho công nhân tự do thành lập nghiệp đoàn và hành sử quyền đình công.
3. Làm việc để có một mức sống khả quan cho bản thân và gia đình.
4. Nếu không thể làm việc được, không thể tự lực mưu sinh được, thì được quyền hưởng an sinh xã hội.
5. Quyền an sinh xã hội còn áp dụng cho các sản phụ, hài nhi và thiếu nhi trong chính sách bảo trợ gia đình. Các gia đình có con nhỏ và có lợi tức yếu kém được hưởng trợ cấp tài chánh và trợ cấp y tế.
6. Quyền y tế miễn phí được phổ cập cho tất cả mọi người trong các nước dân chủ xã hội.
7. Giáo dục tiểu học phải được cưỡng bách và miễn phí. Giáo dục trung học và đại học cũng phải tiến dần đến miễn phí.
8. Có giáo dục mới có văn hóa. Về mặt kinh tế tác quyền của văn nghệ sĩ và các sáng chế phát minh của nhà khoa học phải được quốc gia bảo vệ. Về mặt tinh thần tự do sáng tác của văn nghệ sĩ và tự do nghiên cứu của nhà khoa học phải được quốc gia tôn trọng.
Để kết nối những Quyền Lạc Nghiệp với những Quyền Tự Do Tinh Thần và Tự Do Chính Trị, chúng ta hãy trở lại quyền văn hóa. Như đã trình bày, quyền văn hóa là một quyền kinh tế và cũng là một quyền tinh thần. Từ đó chúng ta bước sang những Quyền Tự Do Tinh Thần và Tự Do Chính Trị mệnh danh là Quyền Tự Do Dân Chủ.
D. 4 QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ
Trước hết là những quyền tự do tinh thần như tự do lương tâm và tự do tôn giáo (quyền thứ nhất)
Kế tiếp là những quyền tự do chính trị như tự do tư tưởng và tự do phát biểu quan điểm (quyền thứ hai)
Có tư tưởng, có quan điểm, phải có cơ hội trao đổi tư tưởng, trao đổi quan điểm bằng tự do hội họp, tự do lập hội và tự do lập đảng (quyền thứ ba)
Các cá nhân và chính đảng có những chủ trương đường lối ích quốc lợi dân phải có cơ hội thực thi chủ trương này bằng cách tham gia chính quyền (quyền thứ tư)
Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền nhấn mạnh về nghĩa vụ của mọi người phải “bảo vệ dân chủ, đề xướng và phát huy các xã hội dân chủ, các định chế dân chủ và các thủ tục sinh hoạt dân chủ”.
1. Tự Do Lương Tâm và Tự Do Tôn Giáo (Freedom of Conscience and Religion).
Quyền tự do tôn giáo bao gồm quyền thờ phụng, quyền truyền giáo và hành đạo. Đòi tự do tôn giáo cũng là đòi phóng thích các tù nhân tôn giáo đã bị giam giữ hay quản thúc độc đoán, đòi cho các giáo hội được sinh họat tự trị và đòi lại các tài sản cơ sở văn hóa giáo dục và xã hội từ thiện để hoằng dương đạo pháp.
2Tự Do Tư Tưởng và Tự Do Phát Biểu (Freedom of Thought and Expression)
a) Tại Việt Nam ngày nay Đảng Cộng Sản vi phạm quyền tự do tư tưởng bằng cách nắm giữ độc quyền tư tưởng để truyền bá học thuyết Mác-Lê tại các trường công lập.
Trong chương trình giáo dục tương lai, chúng ta sẽ không giảng dạy các học thuyết chính trị tại c.ác trường phổ thông công lập. Thay vào đó, tại cấp tiểu học, chúng ta sẽ giảng dạy cho các em về những tình cảm tự nhiên trong Đạo Làm Người như tình gia đình, tình thầy trò, tình bạn bè, tình lối xóm, tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu dân tộc, yêu nhân loại, yêu thiên nhiên, yêu súc vật …
Đến bậc trung học chúng ta sẽ giảng dạy cho các học sinh những quyền lợi và nghĩa vụ công dân, đặc biệt nhấn mạnh đến nhân quyền và dân quyền. Từ hai thiên niên kỷ nay, người dân bị đè nén, áp bức. Họ chỉ nghe nói về bổn phận và nghĩa vụ chứ chưa từng nghe nói về quyền con người và quyền công đân. Đề cao nhân quyền và dân quyền để chấn hưng dân khí, cho người dân đứng lên giành lại quyền làm chủ xã hội, cho con người được phát triển toàn diện, có phần con là những nhu cầu, mà cũng có phần người là những quyền tự do dân chủ.
Tại bậc đại học Luật Quốc Tế Nhân Quyền sẽ được giảng dạy vì luật này còn quan trọng hơn cả luật hiến pháp. Luật Quốc Tế Nhân Quyền đề cao nhân phẩm, đem lại tự do hạnh phúc cho con người, hòa giải thân thiện cho các quốc gia, thông cảm bao dung cho các dân tộc, tiến tới một Thế Giới Đại Hòa trong tinh thần bình đẳng, hợp tác và hữu nghị. Đây là giấc mơ ngàn đời của nhân lọai theo đó người trong bốn biển đều là anh chị em.
b) Nhà cầm quyền Hà Nội còn vi phạm quyền tự do phát biểu bằng cách cấm tư nhân ra báo. Mọi bài viết có tính đối kháng sẽ bị gán vào tội phản nghịch hay tuyên truyền chống nhà nước.
Theo Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền Pháp “quyền tự do phát biểu quan điểm là quyền cao quý nhất của con người. Mọi người đều có quyền nói, viết, in ấn tự do, và chỉ chịu trách nhiệm (hậu kiểm) khi có sự vi phạm luật pháp”.
Theo Luật Báo Chí áp dụng tại Miền Nam Việt Nam công dân được tự do ra báo mà không phải xin giấy phép hay kiểm duyệt trước (prior censorship). Chỉ khi nào nhà báo xâm phạm danh dự hay quyền lợi của người khác, hoặc vi phạm an ninh quốc gia, trật tự công cộng hay thuần phong mỹ tục, lúc đó biện lý hay nạn nhân mới có quyền khởi tố nhà báo ra tòa để trả lời về trách nhiệm hậu kiểm của họ (subsequent liability).
Luật Quốc Tế Nhân Quyền bảo vệ quyền tự do phát biểu trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Dân Sự Chính Trị: “Ai cũng có quyền giữ vững quan niệm mà không bị người khác can thiệp. Ai cũng có quyền tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến các tin tức ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.” (Điều 19).
3. Tự Do Hội Họp và Tự Do Lập Hội (Right of Assembly and Freedom of Association)
Có tư tưởng, có quan điểm thì phải được quyền trao đổi tư tưởng, trao đổi quan điểm với các thân hữu trong các cuộc gặp gỡ nhờ có tự do hội họp và tự do lập hội.
Hội họp như diễn thuyết, họp báo, tham dự mít tinh, biểu tình, tuần hành để đạo đạt thỉnh nguyện lên nhà cầm quyền, phản kháng những vi phạm nhân quyền và đấu tranh đòi thực thi nhân quyền.
Hội đoàn có hai loại, hội dân sự và hội chính trị.
Lập hội dân sự để thực thi những mục tiêu đạo đức tôn giáo, (giáo hội), kinh tế xã hội (công đoàn, nghiệp đoàn), thông tin văn hoá giáo dục (hội ký giả, nhà văn, nhà giáo, phụ huynh học sinh), ái hữu tương tế (hội học sinh, sinh viên, phụ nữ, cao niên), từ thiện nhân đạo (Hội Hồng Thập Tự, Hội Truyền Bá Quốc Ngữ, Hội Truyền Bá Nhân Quyền), hay thể dục thể thao v.v… Những hội đoàn này họp thành xã hội dân sự trong một xã hội đa nguyên. Các hội dân sự được quyền sinh họat tự trị, không chịu sự can thiệp hay giám sát của nhà nước. Do đó các giáo hội quốc doanh phải được giải tán, các công đoàn nhà nước phải được thay thế bằng các công đoàn độc lập, công đoàn tự do.
Ngoài các hội dân sự còn có các hội chính trị hay chính đảng trong chế độ dân chủ đa đảng.
Dân chủ đa đảng cộng với xã hội đa nguyên họp thành Dân Chủ Đa Nguyên. Chế độ Dân Chủ Đa Nguyên lên án chế độ độc đảng và độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng Sản.
4. Quyền Tham Gia Chính Quyền (Right to Participate in Government)
Các chính đảng và các cá nhân có những chủ trương đường lối ích quốc lợi dân phải có cơ hội thực thi những chủ trương đường lối này bằng cách tham gia chính quyền
Tham gia chính quyền trực tiếp như ứng cử vào các chức vụ công cử (tổng thống, thủ tướng, dân biểu, nghị sĩ v.v…), hay gián tiếp bằng cách bầu lên các đại biểu của mình trong chính quyền. Đây là quyền tự do tuyển cử, một hình thức của Quyền Dân Tộc Tự Quyết, theo đó người dân có quyền tự do lựa chọn chế độ chính trị của quốc gia, và tự do lựa chọn các đại biểu của mình trong chính quyền để thực thi chế độ đó.
Trái với quan niệm cổ xưa theo đó nguồn gốc chủ quyền xuất phát từ quốc gia, Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền minh định rằng “ý nguyện của người dân được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia. Ý dân phải được biểu lộ trung thực qua những cuộc tuyển cử tự do và công bằng, theo phương thức đầu phiếu phổ thông, định kỳ và kín.” (Điều 21)
Ngoài ra các cá nhân và hội đoàn còn có quyền tham gia chính quyền bằng cách tham dự vào việc điều hành công vu, như thảo luận và phê phán đường lối chính sách quốc gia. Trong tinh thần này Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền thừa nhận cho các cá nhân và hội đoàn quyền đạo đạt thỉnh nguyện lên nhà cầm quyền, và những phê bình chỉ trích để cải thiện sự điều hành guồng máy và chính sách quốc gia. Đặc biệt là quyền được lưu ý nhà cầm quyền và dư luận quần chúng về những hành vi hay chính sách vi phạm nhân quyền hay làm chậm trễ và gây trở ngại cho việc đề xướng, bảo vệ và thực thi nhân quyền và những quyền tự do căn bản. (Điều 8)
Trong các quốc gia dân chủ, quyền tham gia chính quyền thường được thực hiện bằng thỉnh nguyện yêu cầu chính phủ sửa sai (petition the government for a redress of grievances). Quyền này được thể hiện bằng tự do ngôn luận, tự do báo chí, mít tinh biểu tình, hay bằng văn thư gửi nhà cầm quyền. Đây là một quyền tự do căn bản, bất khả xâm phạm trong chế độ Dân Chủ Pháp Trị
Quyền Tham Gia Chính Quyền (quyền thứ 26) kết nối với Quyền Dân Tộc Tự Quyết để hoàn thành sợi dây chuyền xuyên suốt.
Đây là sợi dây chuyền kết bằng 26 viên ngọc trai chúng ta dành riêng để tặng đồng bào trong nước.
Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10-12-2012
LS NGUYỄN HỮU THỐNG
Cố Vấn Sáng Lập
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

Không có nhận xét nào: