Pages

Thứ Sáu, 4 tháng 1, 2013

Việt Nam : Tổ chức Đoàn kết Kitô Giáo lo ngại tự do tôn giáo bị xâm phạm


Trọng Thành
Hôm qua 02/01/2013, Tổ chức Đoàn kết Kitô Giáo thế giới (Christian Solidarity Worldwide – CSW), có trụ sở tại Anh Quốc, ra thông báo bày tỏ sự lo ngại đối với nghị định mới về tôn giáo của chính phủ Việt Nam. Nghị định 92 này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2013, cũng như Pháp lệnh 2004 về tín ngưỡng tôn giáo, bị nhiều tổ chức tôn giáo và bảo vệ nhân quyền lên án xâm phạm quyền tự do tôn giáo.

Nghị định 92 của chính phủ Việt Nam được ban hành vào tháng 11 là chế tài « quy định chi tiết» việc thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, để thay thế cho một nghị định khác - Nghị định 22 ban hành năm 2005. Ông Andrew Johston, một giám đốc đặc trách của CSW, tuyên bố : « Tổ chức Đoàn kết Kitô Giáo thế giới hoan nghênh việc chính phủ Việt Nam thừa nhận nhu cầu cần có các định hướng mới trong việc áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến tôn giáo tại Việt Nam, tuy nhiên CSW lo ngại sâu sắc trước tính chất ngặt nghèo của nghị định 92. »
Đại diện của Tổ chức Đoàn kết Kitô Giáo thế giới tuyên bố, nghị định 92 dường như có xu hướng giới hạn các hoạt động tôn giáo, đi ngược lại các cam kết của Việt Nam khi tham gia vào « Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị » (International Covenant on Civil and Political Rights - ICCPR), cụ thể là điều 18 liên quan đến việc bảo đảm quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng. Giám đốc đặc trách của CSW nhấn mạnh : « CSW kêu gọi chính phủ Việt Nam có các biện pháp để quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng được luật pháp bảo vệ ».
Theo Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, nghị định 92 « là văn bản hết sức tụt hậu so với Nghị định 22 vốn có quá nhiều bất cập, vì nó đã can thiệp quá thô bạo, rất bất công và đầy vô lý vào công việc thuần túy nội bộ của các tôn giáo, xâm phạm nghiêm trọng quyền căn bản của công dân, chắc chắn sẽ gây nhiều xáo trộn trong đời sống xã hội, đồng thời khó có thể lường trước những hệ lụy phức tạp ». Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế, có trụ sở tại Pháp cũng khẳng định, nghị định này sẽ gia tăng sự kiểm soát của Nhà nước đối với các tôn giáo.
So sánh nghị định 92 với nghị định 22 ban hành năm 2005 vừa hết hiệu lực, một cơ quan Nhà nước quản lý tôn giáo cấp địa phương (Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng) ghi nhận một số điểm mới trong nghị định này. Ví dụ như : việc xác định chế tài đối với việc đăng ký các hoạt động tại « cơ sở tín ngưỡng » (tức các cơ sở thường được gọi là « tín ngưỡng dân gian » như đình, đền…), trách nhiệm của người đại diện « cơ sở tín ngưỡng » nhằm chống lại các hoạt động « mê tín dị đoan » trục lợi, hay quy định thời gian trả lời ngắn hơn và làm rõ các thủ tục hành chính cần thiết trong lĩnh vực này...
Pháp lệnh của Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ra đời 2004, là một chủ đề gây tranh cãi kéo dài giữa nhiều quan điểm. Nhiều tổ chức tôn giáo và bảo vệ nhân quyền cho rằng quy định pháp luật này là một biện pháp của chế độ cộng sản tại Việt Nam nhằm giới hạn tự do tôn giáo. Trong khi đó, theo chính quyền Việt Nam, quy định này giúp cho việc bảo vệ quyền tự do tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật. Theo một số nhà nghiên cứu độc lập, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam từ hơn mười năm nay có nhiều phát triển, xét về số lượng tín đồ và sự đa dạng của các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng.
Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế năm 2011 của Hoa Kỳ ghi nhận : « Chính phủ (Việt Nam) nhìn chung tôn trọng quyền tự do tôn giáo của hầu hết các nhóm tôn giáo đã đăng ký và một số nhóm tôn giáo chưa đăng ký, tuy nhiên, vẫn có một số nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký cho biết họ vẫn bị sách nhiễu. (…) Vẫn tiếp tục có các thông tin về vi phạm tự do tôn giáo, trong đó có các vụ bắt giữ, tạm giam và kết án. Các vấn đề tiêu cực vẫn còn tồn tại, đặc biệt ở cấp tỉnh và cấp xã, như việc chậm trễ hoặc từ chối cấp đăng ký cho một số nhóm tôn giáo. »
Tin bài liên quan
Tự do tôn giáo: Việt Nam vẫn nằm ngoài danh sách đen của Mỹ

Không có nhận xét nào: