Pages

Thứ Hai, 29 tháng 7, 2013

Các thanh niên Công giáo bị chuyển từ Nghệ An ra Thái Nguyên. Quản giáo lạm quyền, vi phạm quy định



VRNs (30.07.2013) – Nghệ An – Cũng bởi vì công việc mùa màng nhà quê khá bận rộn nên đã gần 3 tháng nay gia đình tôi mới sắp xếp thời gian để thăm anh Trần Hữu Đức được.
Chúng tôi gồm: Bố, chị gái, Dì (chị gái mẹ) và tôi từ Nam Đàn bắt đầu xuất phát lúc 20h ngày 25/7/2013 và đến 3h30 sáng ngày 26/7 chúng tôi đạp chân tại bến xe Mỹ Đình – Hà Nội. Vì trời còn tối nên chúng tôi cho hành lý xuống và ngồi chờ bên vệ đường cho tới sáng, bởi nóng lòng muốn gặp anh và cũng vì tranh thủ đi cho kịp giờ nên chúng tôi không ăn sáng mà lên xe luôn, tới 6h30 sáng thì xe chuyển bánh về Thái Nguyên, do bắt khách dọc đường nên 9h chúng tôi mới tới bến.

Từ bến xe Thái Nguyên vào Trại giam K3- Phú sơn 4 còn cách tầm hơn chục cây số nên chúng tôi bắt taxi vào đó và đến 9h30 chúng tôi có mặt ở trại. Vẫn còn khá sớm để thăm gặp nên bố tôi bảo chúng tôi chờ bố vào làm thủ tục.
Bố tôi vừa mang sổ và giấy chứng minh nhân dân để trình thì được ông Đặng Văn Khâm số hiệu 077 527 cho hay: “trường hợp Trần Hữu Đức phải chờ”. Cũng không rõ lý do thế nào, những tưởng vì hôm nay số người thăm gặp đông nên phải chờ, vì vậy mà chúng tôi cũng thông cảm và vui lòng chờ. Mãi đến 10h30 vẫn không thấy cán bộ giải quyết cũng không một lời giải thích, sốt ruột quá nên bố tôi đi hỏi lại, một lát sau thì được trả lời: đã hết giờ làm việc nên gia đình bác phải chờ sang đầu giờ chiều.
Chúng tôi ngơ ngác không hiểu lý do vì sao hôm nay thủ tục lại chậm chạp đến vậy, không biết là do cán bộ bận họp ban hay cố tình làm khó gia đình tôi nữa, vì hôm nay chúng tôi cũng tranh thủ đến trại khá sớm.
Trại giam k3- phú sơn 4 nằm trơ trọi giữa những cánh đồng và rừng núi bao la không có lấy một quán nước hay một cửa hàng tạp hóa nhỏ nào để chúng tôi có thể kiếm chút gì lót dạ vì chúng tôi nhịn từ tối hôm qua tới giờ không ăn vì sợ đi đường dài say xe mệt. Chúng tôi ngồi chờ ở ghế dưới gốc cây gần cổng vào trại, cái bụng nó biểu tình ầm ĩ cộng thêm cả dư âm của mùi xăng xe khiến chúng tôi càng mệt, tôi mở túi quà mang ra gửi anh trai lấy phát cho mỗi người mỗi tấm lương khô ăn tạm. Mắt lim dim chúng tôi chờ mãi cho tới 14h, lúc đấy cán bộ mới ra giải quyết thủ tục, rồi chúng tôi được dẫn lên xe điện ngồi với quãng đường dài chỉ gần 100m, nhưng tuyệt đối không được đi bộ, mà phải đi xe và trả tiến tương đương với giá đã niêm iết 5000đ/lượt/người. Vào tới nơi chúng tôi đứng chờ anh.
Đã 3 tháng rồi nay trại đã có nhiều thay đổi: căng tin của trại được chuyển ra đặt ngay ở phòng thăm gặp, chiếc bàn ngăn đôi phòng ngày xưa mà chúng tôi có thể ôm chào và bắt tay nhau nay đã được gắn vào một tấm kính phẳng dài có phân từng khuông nhỏ để mỗi phạm nhân và gia đình ngồi một khuông. Kính không được đục các lỗ nhỏ để thông khí mà phải nói thật to thật lớn mới nghe được.
Lúc anh đi ra thì có hai cán bộ ở trong đi ra cùng, cộng thêm cả 3 cán bộ ở ngoài nữa là 5 cán bộ cùng giám sát cuộc trò chuyện, 2 cán bộ trong ngồi cạnh anh, 2 cán bộ ngoài đứng gần gia đình và một cán bộ ngồi xem cuộc trò chuyện video qua màn hình thu nhỏ.
Lúc thấy cả nhà anh mừng lắm, lúc nào cũng vậy chưa một lần anh quên quỳ gối cúi đầu chào mọi người, khóe mắt anh rưng rưng chất đày nỗi nhớ. Anh nghẹn ngào lần lượt hỏi thăm từng người một rồi đến bà nội, ngoại, cậu, ba, chú, bác, cô, dì…, thầy chắc, anh em bảo vệ sự sống và tất cả mọi người, anh bảo cho anh gửi lời cám ơn và thăm hỏi đến tất cả mọi người đặc biệt là cộng đồng hải ngoại đã luôn động viên và ủng hộ anh. Anh rất mến mộ tấm lòng của mọi người, anh chỉ biết bằng lời cầu nguyện và luôn nhớ đến mọi người trong giờ kinh nguyện.
Rồi anh hỏi thăm việc học hành của hai em và anh em họ hàng, anh khuyên bảo và dặn dò tỉ mỉ khuyến khích các em cố gắng học hành, nên mua thêm sách vở mà đọc, đặc biệt là cuốn sách “Tôi tài giỏi bạn cũng thế” nhất định phải mua vì cuốn đấy rất hữu ích nó hôi tụ và tăng thêm chất xám cho mình cũng như tăng khả năng tư duy logic cho bản thân.
Anh cho biết anh Hồ Văn Oanh, anh Trần Minh Nhật họ vừa chuyển ra ngoài này ở cùng với anh. Lúc anh ra các anh có gửi lời hỏi thăm tới gia đình ta, anh Minh Nhật nhờ chuyển lời nhắn với gia đình đến gặp, anh có việc cần trao đổi.
Nhìn chung thì các anh đều khỏe, tinh thần rất mạnh mẽ, dù cán bộ có làm khó, có hạch sách các anh thì nhà tù cộng sản không thể dập tắt được ý chí và lòng yêu nước của các anh mà lại càng hâm nóng, đun sôi sùng sục tinh thần dấn thân vì nền công lý và hòa bình, vì sự tự do cho đất nước.
Anh nhắn mọi người đừng lo cho anh, quan điểm của anh trước giờ vẫn thế không bao giờ thay đổi, cũng chính vì vậy mà vừa rồi trại có gửi giấy báo về cho gia đình với nội dung “Phạm nhân Trần Hữu Đức vào trại không chịu nhận tội, không chấp hành nghêm chỉnh, hạnh kiểm kém”.
Anh có viết mấy bức thư để trao tay cho gia đình  vì ở cùng phòng với anh có anh Thanh đã gửi cả chục lá thư cho gia đình mà vẫn không thấu, vả lại vừa rồi gia đình tôi có gửi một bức thư chuyển phát nhanh vào ngày 25/1 mà mãi đến ngày mồng 08/03 cán bộ mới chuyển cho anh, cũng trong tháng 6, chị gái tôi có gửi thư chuyển phát nhanh cho anh mà đến nay anh vẫn chưa nhận được. Vì vậy anh muốn gửi trực tiếp. Lúc đi ra thư anh đã qua sự kiểm duyệt của cán bộ Sơn và cán bộ Xiêm, thế nhưng ông Phùng Mạnh Thắng số hiệu 533 012 và ông Đặng Văn Khâm số hiệu 077 527 vẫn cố tình làm khó không cho anh trao thư. Trong khi đó theo thông tư quy định về việc phạm nhân thăm gặp thân nhân tại khoản 1 điều 9 có ghi rõ: “khi gặp thân nhân, phạm nhân được nhận thư và quà trực tiếp (đã qua kiểm duyệt).” và tại khoản 2 điều 7 có ghi: “Nghiêm cấm cán bộ, chiến sỹ có hành vi tiêu cực gây phiền hà trong tổ chức thăm gặp”, thế nhưng cán bộ nơi đây vẫn cố tình làm khó. Vì bức xúc trước hành vi của cán bộ nên đã có sự tranh cái giữa anh tôi và các cán bộ trại.
Sau đó anh bảo tôi ghi lại tất cả họ tên và số hiệu của các cán bộ đã cố tình và liên tục có những hành vi gây khó dễ cho các anh và gia đình để truyền đạt cho tất cả mọi người được biết. Anh bảo mình cứ nói thẳng nói thật, cứ làm đúng là không sợ gì hết, sự thật sẽ chiến thắng. Nghe vậy cán bộ Thắng và Khâm ngắt lời bảo đã hết giờ đề nghị gia đình dừng cuộc trò chuyện. Anh tôi bảo chưa hết thời gian nên cố nán để nói thêm, anh dặn chúng tôi gửi thêm cho anh mấy thứ vì ở trong này giá bán cắt cổ, đắt đỏ một gấp đôi, gấp ba lần. Trong khi đó tại khoản 6 điều 9 quy định: Trại giam có mở căng tin để bán lương thực, thực phẩm và những hàng hóa thiết yếu cho phạm nhân với giá bán sau khi đã trừ chi phí hợp lý không được cao hơn giá bán lẻ tại địa phương” nhưng giá cả ở đây vẫn leo thang.
Anh đang nói thì một cán bộ ngắt lời bảo anh đừng có mà tuyên truyền. Anh tôi bảo: tôi chỉ truyên đạt những gì tôi thấy, có sao thì tôi nói vậy. Một cán bộ kéo tay anh tôi và bảo: anh vào đây để tôi làm việc với anh, anh lại tiếp: tôi việc gì phải làm việc với cán bộ, tôi đâu có vi phạm, nếu gửi thư các anh không cho thì các anh phải truyền đạt cho chúng tôi biết là trại quy định như thế để chúng tôi biết đường, hơn nữa những lần trước tôi vẫn gửi bình thường. Nay cán bộ không cho tôi gửi là cán bộ cố tình làm khó tôi nên tôi không việc gì phải làm việc với cán bộ. Rồi tất cả hùa vào kéo anh ra khỏi bàn, anh cố nói với: ngày 28/3 cán bộ trại bắt các anh ăn cơm canh rau thiu cả ngày, rồi cả tuần bắt các anh ăn rau muống đến đau dạ dày.
Các cán bộ có vẻ rất bực và khó chịu. Đang lúc liệt kê quà gửi cho các anh, gia đình tôi có gửi cho anh một bịch lá lằng  (lá đắng) gia đình tôi đi hái trên núi về, ăn canh ấy rất tốt cho sức khỏe thế nhưng cán bộ không cho gia đình chúng tôi gửi và bảo: cái này chúng tôi không kiểm duyệt được, nhỡ trong đó có thuốc độc thì ai sẽ chịu trách nhiệm. Bực quá nên tôi bảo: “tội gì tôi phải bỏ độc anh tôi, tại sao các anh bắt anh tôi ăn cơm canh rau thiu thì không sợ anh tôi đau bụng, không sợ chết, lòng các anh nham hiểm đến ghê sợ lại còn giả bộ thương người”. Thế nhưng nói bao nhiêu vẫn như nước đổ đầu vịt, họ vẫn cương quyết không cho gửi.
Gia đình chúng tôi ra về, trong người hừng hực đầy bực tức và bức xúc nhưng cũng rất vui vì được biết các anh mạnh khỏe và càng tự hào hơn khi nhìn thấy anh càng mạnh mẽ và trưởng thành hơn nhiều. Cảm tạ Chúa vì từ lúc có những biến cố này xảy ra, gia đình tôi lại càng thêm mạnh mẽ hơn. Chúng tôi được rất nhiều, có thêm nhiều anh em và bè bạn xa gần luôn động viên thăm hỏi. Tôi nhận thấy đây quả là hồng phúc lớn lao. Trong Chúa, chúng tôi luôn được chứ chẳng hề mất gì. Chúng tôi hãnh diện vì gia đình chúng tôi đã được Chúa thương chọn làm chứng tá cho sự thật và công lý.
Chúng tôi lên xe ra về luôn trong đêm với tinh thần thoải mái và nhẹ nhõm. Đến 3h30 sáng thì chúng tôi đặt chân tới nhà và kết thúc chặng đường dài thăm anh.
Têrêsa Hoài Tô

Không có nhận xét nào: