Những chính sách tiền tệ và tài khóa mà Chính phủ đang áp dụng mới chỉ được xem là những biện pháp ngắn hạn tức thời, để đưa Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng cần phải có những giải pháp dài hạn mà cụ thể là tái cấu trúc nền kinh tế.
Chưa đi vào thực tế
Một điểm dễ nhận thấy, để tháo gỡ những khó khăn trước mắt như đối phó với lạm phát, giải quyết nợ xấu, hàng tồn kho, đô la hóa nền kinh tế hay cấu trúc lại hệ thống ngân hàng… thời gian qua, những chính sách vĩ mô của Việt Nam mới chỉ nhắm đến giải quyết khó khăn mang tính ngắn hạn.
Trong khi để có sự tăng trưởng bền vững, trong trung và dài hạn, đòi hỏi Việt Nam phải có những cải cách theo chiều sâu với các yếu tố cấu thành tổng cung như: nguồn vốn trong và ngoài nước, tài nguyên thiên nhiên đất đai, lao động và trình độ công nghệ của nền kinh tế, nói một cách cụ thể là tái cấu trúc nền kinh tế.
Trong thời gian qua thì Việt Nam thấy rõ là gặp thách thức lớn vì các chính sách của chính phủ đầu tư không có hiệu quả.
-TS Lê Đăng Doanh
Mặc dù, việc tái cấu trúc nền kinh tế đã được Chính phủ đề cập đến từ khoảng năm 2009, nhiều đề án tái cấu trúc được soạn thảo, song việc thực thi vẫn chưa đi vào thực tế. Theo cách giải thích của T.S Lê Đăng Doanh, nguyên viện trưởng Viện quản lý Kinh tế Trung ương thì đó phải là một cuộc đổi mới lần thứ hai diễn ra mạnh mẽ, bởi cuộc đổi mới lần thứ nhất hồi năm 1986, Việt Nam đã tự do hóa được các năng lực tiềm tàng của người nông dân, giới thương gia để sản xuất và kinh doanh của cải vật chất và để đầu tư. Điều đó đã đem lại cho Việt Nam các bước phát triển vượt bậc trong một thời gian dài.
“Đến nay thì những động lực đó không còn đủ nữa, và trong thời gian qua thì Việt Nam thấy rõ là gặp thách thức lớn vì các chính sách của chính phủ đầu tư không có hiệu quả. Khối doanh nghiệp nhà nước hiện nay đang sử dụng quá nhiều tiền vốn và nguồn lực của đất nước như đất đai, như khoáng sản, hầm mỏ, nhưng lại gây ra nợ nần như Vinashin, hoặc là kém hiệu quả.
Đổi mới lần hai này là cần phải gắn liền với việc cải cách guồng máy nhà nước, gắn liền với cải cách các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước khác. Cũng như cải cách quản lý về tài nguyên, về đất đai của đất nước để cho nền kinh tế phải nâng cao được hiệu quả và có năng lực cạnh tranh cao hơn.”
Nhìn lại năm bắt đầu thực hiện đổi mới 1986, lúc đó Việt Nam lâm vào cuộc khủng hoảng toàn diện, không còn nhận được sự viện trợ từ bên ngoài, lúc đó, Tổng bí thư Trường Chinh có câu nói bất hủ“đổi mới hay là chết” và Việt Nam đã thực sự thay đổi khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ tập trung bao cấp sang có chế thị trường.
Thế nhưng, sau 27 năm, “chiếc áo” đổi mới lần một đã không đủ vừa cho “cơ thể” Việt Nam đã phát triển quá lớn, vì thế, việc đổi mới lần hai với “chiếc áo” rộng hơn, hiện đại hơn, nhiều chức năng hơn là việc phải làm lúc này.
Điểm đáng lưu ý trong cơ chế thị trường của Việt Nam vẫn đang theo mô hình định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), việc phân bổ nguồn lực ở nhiều nơi vẫn ở tình trạng xin – cho, chủ quan, bị chi phối nhiều bởi quan điểm và lợi ích cục bộ của các ngành, địa phương.
Phân cấp và quản lý có vấn đề
Theo phân tích của T.S Phạm Minh Trí được đăng tải trên báo Sài Gòn Giải Phóng hồi tháng 3 vừa qua cho thấy, vấn đề phân cấp và quản lý các nền kinh tế địa phương của Việt Nam hiện nay đang có vấn đề, nền kinh tế Việt Nam không còn là một nền kinh tế quốc dân đúng nghĩa, mà đã bị xé thành 63 nền kinh tế địa phương. Các tỉnh thành bất chấp lợi thế riêng có, lợi thế cạnh tranh của mình để đầu tư dàn trải và chuyển dịch kinh tế một cách bất hợp lý.
Nội lực của kinh tế muốn phát huy được, một trong những điều cốt lõi là phải thay đổi mô hình tăng trưởng và phải tái cơ cấu.
-TS Ngô Trí Long
Với phân tích về mô hình tăng trưởng sao cho hợp lý để phát triển nội lực, P.G.S, T.S Ngô Trí Long đưa ra quan điểm của ông:
“Nội lực của kinh tế muốn phát huy được, một trong những điều cốt lõi là phải thay đổi mô hình tăng trưởng và phải tái cơ cấu. Thay đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu là hai tiền đề hết sức quan trọng để tạo ra những biến chuyển có tính chất về “mặt chất” trên cơ sở đó mới có thể tạo ra năng suất chất lượng và hiệu quả tăng lên. Nếu mô hình tăng trưởng như cũ, chủ yếu phát triển nặng về vốn, nặng về chiều rộng, không đi vào “chiều sâu”, tái cơ cấu còn bất cập, đầu tư nguồn lực phân bổ và sử dụng không hợp lý, thì chắc chắn đó là những hệ lụy cuối cùng dẫn đến thực trạng nền kinh tế hiện nay, nếu không làm như vậy, thì nền kinh tế Việt Nam không thể bứt phát lên được.”
Với kết luận nếu Việt Nam không đi vào mô hình tăng trưởng theo chiều sâu và như thế Việt Nam không thể bứt phá lên được của T.S Ngô Trí Long, khiến chúng tôi nhớ lại một đại ý trong cuốn sách kinh tế nổi tiếng viết chung của hai học giả trường Đại học Yale và Havard Hoa Kỳ là Acemoglu và Robinson với tiêu đề “Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại” xuất bản năm 2012.
Trong cuốn sách này, các tác giả cho rằng “thể chế là yếu tố quyết định đến sự giàu có hay nghèo đói của một quốc gia”. Theo đó, có hai thể chế kinh tế cơ bản là thể chế “kinh tế bao gồm và thể chếkinh tế khai thác”. Thể chế kinh tế bao gồm là thể chế tốt sẽ tạo ra sự thịnh vượng bền vững, còn thể chế kinh tế khai thác có thể tạo ra tăng trưởng, nhưng về dài hạn sẽ không bền vững. Các yếu tố của một thể chế kinh tế khai thác là thiếu luật pháp và trật tự, các quy chế cản trở hoạt động thị trường và một sân chơi thiếu bình đẳng cho các thành phần kinh tế. Nếu tham chiếu trên các yếu tố này, thì phần nào cho thấy Việt Nam đang nằm trong một thể chế kinh tế khai thác và do vậy, sẽ thật khó cho Việt Nam có một sự tăng trưởng bền vững trong dài hạn:
“Theo tôi điều quan trọng nhất của Việt Nam bây giờ là cải cách thể chế, tức là phải có sự giám sát quyền lực, phải có những thể chế hoạt động theo luật và tự chịu trách nhiệm. Thí dụ như cơ quan thống kê cũng phải hoạt động độc lập tương tự như cơ quan kiểm toán. Ngoài ra việc giám sát việc thực thi chính sách, việc hoàn thành nhiệm vụ cũng như chế độ công khai minh bạch phải được thực hiện một cách rõ rệt.”
Vừa rồi là lời phân tích của T.S Lê Đăng Doanh trong phần trả lời phóng viên Nam Nguyên của đài RFA gần đây. Có thể thấy quan điểm T.S Lê Đăng Doanh đưa ra trùng khớp với quan điểm trong cuốn sách “Tại Sao Các Quốc Gia Thất Bại” là Việt Nam cần phải cải cách thể chế, phải có sự giám sát và cân bằng quyền lực cũng như cơ chế hoạt động phải theo luật pháp rõ ràng.
Vậy để “không thất bại” hẳn đã đến lúc Việt Nam cần một sự cải tổ mạnh mẽ theo chiều sâu, ở đó các nguồn lực: tài nguyên, lao động và nguồn vốn được sử dụng hiệu quả hơn, phân phối hợp lý hơn và một cơ chế giám sát minh bạch là điều hết sức cần thiết lúc này
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét